Sáng nay (23/3), trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng một lần nữa đánh giá, Quốc hội và Chính phủ đều đã nỗ lực hết mình để tạo được chuyển động cho đất nước.
Để tạo ra được sự chuyển động đó thì trước hết Quốc hội và Chính phủ phải chuyển động, và quan trọng là tất cả đều phải công khai để dân giám sát.
Chủ tịch Quốc hội ví von: “Mình phải chuyển động thì mới tiến lên được, chứ đâu phải một ngày một đêm mà tiến lên được. Có làm mới ra lâu đài được, chứ nằm mơ thì làm sao ra lâu đài”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: "Có làm mới ra lâu đài được, chứ nằm mơ thì làm sao ra lâu đài”. ảnh: Ngọc Quang. |
Nói về vai trò và trách nhiệm của mình với Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ: “Làm người lãnh đạo chỉ có hai việc thôi. Một là đã được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao thì hãy cố gắng làm cho tốt việc đó, làm hết sức mình.
Tận tâm, tận lực, rèn luyện mình để vượt qua chính mình, cố gắng cùng với lực lượng của mình và cùng với nhân nhân để làm cho tốt việc được giao.
Hai là chuẩn bị người thay thế mình cho tốt. Với tôi thì tôi thấy cả hai việc ấy tôi đều hoàn thành nhiệm vụ”.
Nhân dân bức xúc vì luật chờ thông tư |
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng chia sẻ quan điểm về vai trò của các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp: “Nếu ngồi ở Quốc hội mà không hiểu công việc của Chính phủ và ngược lại ngồi ở Chính phủ mà không hiểu công việc của Quốc hội thì làm sao làm được.
Chung quy lại, làm đâu thì làm, đều phải hiểu việc dân, việc của đất nước.
Phục vụ nhân dân là gì? Đó là cơm no, áo ấm, học hành, đời sống vật chất, tinh thần.
Anh làm giao thông, cầu đường, anh làm an ninh trật tự, đối nội, đối ngoại tất cả cũng phải vì ấm no, hạnh phúc, độc lập, tự do.
Anh có ngồi vai nào thì cũng phải như vậy, chứ không có gì khác nhau lắm”.
Trước đó, báo cáo tại Quốc hội về nhiệm kỳ hoạt động của Quốc hội khóa XIII vào sáng ngày 22/5, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nêu rõ những thành tựu của nhiệm kỳ vừa qua, đồng thời cũng chỉ ra những vấn đề còn tồn tại.
Đó là: Phát triển chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, yêu cầu và thực tế nguồn lực được huy động.
Kinh tế vĩ mô chưa vững chắc, tăng trưởng kinh tế phục hồi chậm và chưa ổn định, nợ công tăng cao và tăng nhanh. Chất lượng, hiệu quả, năng suất lao động xã hội và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp.
Nhiều vấn đề bức xúc nảy sinh chưa được giải quyết có hiệu quả, nhất là các vấn đề xã hội và quản lý xã hội.
Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa được ngăn chặn và đẩy lùi.
Những diễn biến mới phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, tình hình căng thẳng trên Biển Đông, đe dọa hòa bình, sự toàn vẹn lãnh thổ; sự chống phá của các thế lực thù địch; thiên tai, dịch bệnh và những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu… là những nguy cơ gây mất ổn định, tác động bất lợi đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.