LTS: Thông tin tiếp về vụ việc ngày 17/8/2016, tập thể phụ huynh lớp 7A1, 7A2, 7A3; trường Trung học Cơ sở Chu Văn An, Hương Khê, Hà Tĩnh đã làm đơn kiến nghị các lãnh đạo có thẩm quyền cho con ngừng học VNEN, mới đây ngày 25/8 cuộc họp phụ huynh giữa lãnh đạo Phòng Giáo dục, nhà trường và phụ huynh đã diễn ra.
Thầy giáo Lê Văn Vỵ thông tin tiếp về vụ việc.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!
Do hoang mang, uất ức?
Trong cuộc họp phụ huynh, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo Hương Khê đã trưng cầu ý kiến của phụ huynh.
Chị Nguyễn Thị H. ( phụ huynh học sinh Nguyễn Ngọc Hà V., khối 3 thị trấn Hương Khê) đã khóc òa khi đứng phát biểu. Phụ huynh có mặt trong cuộc họp và lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo đã xác nhận sự kiện ấy là có thật.
Sau cuộc họp, chúng tôi đã gặp chị H.:
“Tôi không biết vì sao mình lại như thế? Chủ yếu là lo lắng cho tương lai học tập của con. Con tôi học ở Tiểu học có biết gì VNEN đâu, đùng cái lên lớp 6 học mô hình trường học mới VNEN, sau một năm học tôi thấy con sa sút hẳn. Vợ chồng tôi quá lo lắng!
Sau khi nghe tin tỉnh cho dừng VNEN, tại Hương Khê chỉ có 3 lớp trong đó có lớp con chúng tôi phải học, rồi tương lai lớp 8, lớp 9 có học nữa không?
Tiếp tục học như thế này, con tôi thi lên lớp 10 Trung học Phổ thông ra sao? Liệu có thi được? Tôi hoang mang, mất phương hướng quá nên tủi thân không kìm được nước mắt”.
Phụ huynh cuối cùng rời khỏi cổng trường, giữa sân là rạp dựng cho phụ huynh họp. |
Chị Nguyễn Thị T. (Phú Gia, Hương Khê) cho rằng:
“Chúng tôi không chỉ lo lắng, tủi thân mà còn uất ức nữa. Vừa rồi tôi có đọc được trên mạng ý kiến Bộ trưởng Nhạ chỉ đạo VNEN ở các địa phương, trong đó có ý là phải được đồng thuận của xã hội và phụ huynh mới tiếp tục triển khai VNEN, dựa trên sự quyết định của cơ sở.
Tại trường Trung học Cơ sở Chu Văn An, chúng tôi đã có đơn tập thể gồm 105 phụ huynh ký xin không tiếp tục học chương trình VNEN, nhưng không được giải quyết.
Xin cho con chuyển trường thì không được, vì tương lai của con mà chúng tôi phải dính vào hệ lụy như bị nhắc nhở, dọa làm kiểm điểm. Sao bây giờ giáo dục lại nhiều dự án, lắm rắc rối thế không biết?”.
Một phụ huynh khác nói:
“Chúng tôi vừa họp phụ huynh, hôm nay được triệu tập họp phụ huynh nữa, tưởng sẽ được giải đáp kiến nghị trong đơn, ai ngờ chương trình họp chẳng giải quyết được vấn đề gì. Ngồi “đày” nắng giữa sân, mất công”.
Chúng tôi có cách kiểm tra đánh giá chất lượng chứ!
Phản bác lại ý kiến cho rằng, nhận xét chất lượng VNEN kém là thiếu cơ sở khoa học, chị Nguyễn Thị Đ. (xã Hương Xuân, Hương Khê; có con học lớp 6A3 lên 7A3) trao đổi:
Clip: Phụ huynh Nghệ An tập trung trước cổng trường yêu cầu dừng VNEN |
“Họ nói hay thật. Chúng tôi sinh con, nuôi con ăn học, chúng tôi biết con mình thế nào chứ.
Năm vừa rồi, tôi nhờ em trai tôi là giáo viên dạy Toán kiểm tra môn Toán cho con tôi.
Cậu ra ba bài mức trung bình và có bài dễ, cháu không làm đúng được bài nào, chỉ bài dễ trúng đáp số.
Cậu hỏi, tại sao giải sai mà đáp số đúng, thì cháu trả lời đã giải trên lớp và nhớ đáp số. Thấy kết quả con như vậy, vợ chồng tôi phát hoảng.
Còn chị T. phụ huynh có con học cùng lớp với con tôi thì có cách kiểm tra lấy bài trong sách giáo khoa đã học, ngồi canh con làm trong 60 phút, nhưng con không làm được, đã nổi trận lôi đình. Cách kiểm tra đánh giá của phụ huynh chúng tôi đảm bảo là tin cậy”.
Được biết, để kiểm tra chất lượng con học tập, một số phụ huynh đã truyền nhau cách lấy bài tập trong sách giáo khoa (đã học) ra cho con, rồi bố, mẹ ngồi canh con làm bài, sau đó thu bài đến nhờ thầy, cô giáo chấm, kết quả đảm bảo là chính xác.
Với cách làm như vậy, cô Trần Thị V (phụ huynh học sinh lớp 7A1) phát hiện ra con không biết tổ chức một bài tập làm văn và trình độ viết văn của con kém đến bất ngờ sau một năm học chương trình trường học mới này.
Lãnh đạo Sở lẩn tránh phụ huynh
Do trường Trung học Cơ sở Chu Văn An đang sửa chửa để chuẩn bị cho năm học mới, nên nhà trường phải dựng rạp giữa sân để họp phụ huynh 3 lớp 7A1, 7A2, 7A3.
Phụ huynh Hà Tĩnh đồng lòng ký đơn xin không học theo VNEN cho con |
Một phụ huynh (đề nghị dấu tên) cho biết:
“Chúng tôi được triệu tập họp vào lúc 2 h, nhưng nắng nóng, gần 3h30 mới bắt đầu họp được. Khi thầy Phó phòng triển khai, thì xe ô tô của lãnh đạo Sở lù lù vào trường.
Nhìn lên chỗ họp có bàn và khoảng 10 ghế để phía trước, chắc là cho cán bộ Sở, chúng tôi mừng thầm vì chắc lần này được lãnh đạo Sở đối thoại và giải quyết nguyện vọng của tập thể phụ huynh chúng tôi.
Nhưng, xe dừng, lãnh đạo Sở vào phòng Hiệu trưởng. Chúng tôi ngồi họp, chỉ mong lãnh đạo Sở ra để đối thoại nhưng chờ mãi, lãnh đạo Sở cũng không ra!
Cuộc họp do lãnh đạo phòng chủ trì chỉ nói về mô hình VNEN và thăm dò ý kiến đề nghị phát biểu, nhưng những kiến nghị chúng tôi đã nói trong đơn, cái chúng tôi cần là dừng chương trình VNEN, con mình không bị đưa ra làm thí nghiệm.
Chúng tôi quá ngao ngán ra về, muốn gặp lãnh đạo Sở, nhưng nghe nói Sở đang bận họp với giáo viên, đành thôi”.
Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo phòng cho biết: “Sở không biết có cuộc họp phụ huynh này và chắc là không có nội dung lên họp với phụ huynh”.
Một giáo viên trường Trung học Cơ sở Chu Văn An trao đổi:
“Thầy Nguyễn Ngọc Lạc – Trưởng phòng Giáo dục Tr.H. giới thiệu với hội đồng là được Giám đốc Sở cứ lên thu thập tình hình, xem xét thực hư sự kiện xảy ra ở trường Chu Văn An, chúng em cũng rất muốn lãnh đạo Sở ra trực tiếp trao đổi với phụ huynh để biết được tình hình như thế nào.
VNEN - Rằng hay cũng lắm điều hay... |
Không hiểu tại sao lãnh đạo lại bỏ mất cơ hội tiếp xúc đáng tiếc như vậy?”
Anh Hoàng Văn N. (phụ huynh học sinh lớp 7A2) bức xúc:
“Chắc là lãnh đạo Sở biết trên trăm phụ huynh đang họp giữa sân mà phớt lờ, chưa nói là đối thoại đối thiếc gì, mà phớt lờ không chào phụ huynh một tiếng, tôi thấy làm giáo dục gì mà kỳ cục”.
Do cuộc họp phụ huynh chưa giải quyết được vấn đề cốt lõi là nguyện vọng của 105 phụ huynh học sinh lớp 7A1, 7A2, 7A3 muốn dừng hẳn chương trình VEN, nên theo phụ huynh, họ tiếp tục kiến nghị, kiên trì chờ đợi, và tiếp tục xin cho con chuyển đến trường khác.
“Còn nếu không được, chúng tôi sẽ cho con nghỉ học một năm để tránh học VNEN, năm sau tiếp tục”, chị K. nói.