LTS: Liên quan đến vấn đề triển khai mô hình trường học mới VNEN tại Hà Tĩnh, mới đây tập thể phụ huynh trường Trung học Cơ sở Chu Văn An, Hương Khê, Hà Tĩnh đã viết đơn đề nghị được bỏ học VNEN cho con.
Thầy giáo Lê Văn Vỵ đã có bài viết thông tin về vụ việc.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!
Phụ huynh Hà Tĩnh viết đơn kiến nghị không cho con học VNEN
Ngày 17/8/2016, tập thể phụ huynh lớp 7A1, 7A2, 7A3; trường Trung học Cơ sở Chu Văn An, Hương Khê, Hà Tĩnh đã làm đơn kiến nghị khẩn thiết gửi đến Phòng Giáo dục và Uỷ ban Nhân dân huyện Hương Khê, Sở Giáo dục và Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh “xem xét để cho dừng hẳn việc dạy theo mô hình trường học mới VNEN”.
Trường Trung học Cơ sở Chu Văn An, Hương Khê, Hà Tĩnh (Ảnh: tác giả) |
Trong đơn kiến nghị, tập thể phụ huynh nêu rõ ba lý do cơ bản xin cho con nghỉ học VNEN.
Một là, cơ sở vật chất không đáp ứng được yêu cầu mô hình VNEN.
Hai là, năm học 2015-2016, con em của phụ huynh học lớp 6 theo chương trình VNEN “chất lượng càng ngày càng đi xuống”; “học sinh trung bình kiến thức thức hỏng hoàn toàn”.
Cụ thể, Sách giáo khoa "dài dằng dặc”, học theo mô hình VNEN, học sinh “bài vở không ghi chép”; khi học trên lớp “đa số học sinh khó tiếp cận, khó phát huy được tính tích cực chủ động của chương trình” và chỉ có “một vài em đại diện đứng lên phát biểu”.
Mặt khác, sau mỗi bài học, thầy cô không ra bài tập về nhà nên học sinh không được hướng dẫn và ràng buộc để học tập.
Ba là, phụ huynh lo lắng tại huyện Hương Khê chỉ có 3 lớp 7, trường Trung học Cơ sở Chu Văn An là học chương trình VNEN, nên học sinh thiệt thòi vì lên bậc Phổ thông Trung học không học theo mô hình này nữa, gây cho các em một lỗ hổng kiến thức không theo kịp bạn bè.
Cho nên, tập thể phụ huynh học sinh khối 7, trường Trung học Cơ sở Chu Văn An làm đơn tập thể “mong muốn và hy vọng đồng chí Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện Hương Khê xem xét để cho dừng hẳn việc dạy theo mô hình VNEN”.
Theo điều tra của chúng tôi, phụ huynh phàn nàn con họ theo học chương trình VNEN “thiệt đơn, thiệt kép”.
Khi cho con học VNEN, phụ huynh phải đóng tiền để tu sửa cở sở vật chất; Sách giáo khoa VNEN đắt hơn rất nhiều và liệu giáo viên, nhà trường còn mặn mà khi Bộ đã giao cho địa phương tự áp dụng VNEN?
Một phụ huynh (xin dấu tên) bức xúc: “Tôi sợ con cái chúng tôi bị dắt đường bỏ chợ, trở thành chuột bạch thí nghiệm”.
Chữ kí tập thể lớp 7A1 (Ảnh: tác giả). |
Sau khi biết tỉnh Nghệ An được đầu tư 48 tỷ đồng để triển khai Dự án VNEN, còn các trường ở Hà Tĩnh không được đầu tư đồng nào, phụ huynh càng bức xúc. “Thí điểm một chương trình phải có ngân sách, đằng này trút xuống đầu chúng tôi chịu là vô lý”, bà Lê Thị A. (một phụ huynh học sinh lớp 7 ở Hương Sơn) cho biết.
Ủy ban Nhân dân huyện Hương Khê xin ý kiến chỉ đạo vụ việc
Sau khi nhận được đơn kiến nghị khẩn thiết của tập thể phụ huynh, ngày 17/08/2016, Uỷ ban Nhân dân huyện Hương Khê đã có Công văn số 1217/UBND “Về việc báo cáo xin ý kiến chỉ đạo phản ánh của phụ huynh học sinh lớp 7 trường Trung học Cơ sở Chu Văn An”.
Công văn nêu rõ: “từ cuộc họp ngày 18/07/2016, sau kết luận của Chủ tịch tỉnh, nhiều thông tin báo chí, nhiều ý kiến phụ huynh đề nghị dừng triển khai” mô hình VNEN.
“Đề nghị của phụ huynh trái với kết luận của Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh”, vì vậy, Uỷ ban Nhân dân huyện báo cáo và tham mưu với Thường trực huyện ủy xin ý kiến chỉ đạo.
Đồng thời, “tiếp tục giao cho phòng Giáo dục và Đào tạo truyên truyền làm rõ chủ trương và kết luận của Ủy ban Nhân dân tỉnh đối với các lớp, các trường đã triển khai mô hình VNEN để triển khai cho năm học mới 2016-2017”; “chỉ đạo phòng Giáo dục và Đào tạo đề xuất, kiểm tra và báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Nhân dân tỉnh về kiến nghị của tập thể phụ huynh lớp 7, Trung học Cơ sở Chu Văn An để xin ý kiến chỉ đạo”.
Văn bản 1217 của Uỷ ban Nhân dân huyện Hương Khê (Ảnh: tác giả). |
Trực tiếp trao đổi với chúng tôi, trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hương Khê, thầy Trần Hùng cho biết:
“Năm học 2015-2016, tại Hương Khê có 16/23 trường Tiểu học và 1 trường Trung học Cơ sở Chu Văn An triển khai mô hình VNEN.
Tại các trường Tiểu học, phụ huynh đồng thuận với mô hình trường học mới rất cao.
Ngày 18/07/2016, sau khi Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh kết luận dừng không triển khai 100% mô hình VNEN, chúng tôi đã quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh đến cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh và giao cho các trường làm tốt công tác tư tưởng, thông báo kịp thời.
Mặt khác Phòng Giáo dục đã kịp thời triển khai chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh, Sở Giáo dục và Ủy ban Nhân dân huyện chuẩn bị tốt khai giảng năm học mới.
Những lý do được phụ huynh nêu ra khiến họ không muốn con học theo VNEN (Ảnh: tác giả). |
Chúng tôi đã cử cán bộ, giáo viên tham gia đầy đủ lớp tập huấn mô hình trường học mới tổ chức tại sở Giáo dục từ ngày 8 - 10/8.
Về đơn kiến nghị của tập thể phụ huynh học sinh lớp 7 trường Trung học Cơ sở Chu Văn An, ngay sau khi xảy ra sự việc, chúng tôi đã làm việc với Ban giám hiệu, giáo viên trường, tiếp tục truyên truyền, vận động phụ huynh, học sinh để tạo nên sự đồng thuận cao đồng thời chấp hành công văn số 1217/UBND huyện Hương Khê”.
Năm 2012, tại Hà Tĩnh có 1 trường là Tiểu học Cẩm Quang, Cẩm Xuyên trên 1447 trường nằm trong Dự án thí điểm mô hình trương học mới VNEN. Năm 2013-2014, Hà Tĩnh triển khai thêm 12 trường. Năm 2014-2015 nhân rộng thêm 36 trường và năm 2015-2016 có 129/267 trường Tiểu học thực hiện VNEN (đạt tỷ lệ 48,3%); đồng thời có 64 trường Trung học Cơ sở triển khai trường học mới và 16 trường Trung học Phổ thông triển khai 1 phần mô hình trường học mới. Năm học 2016-2017, Sở Giáo dục Hà Tĩnh có công văn 427 và 636 chỉ đạo triển khai 100% mô hình VNEN. Ngày 18/07/2016, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh có cuộc họp bàn về giáo dục, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định tạm dừng không triển khai đại trà VNEN và giao cho Sở Giáo dục kiểm điểm những tổ chức cá nhân tham mưu triển khai đồng loạt VNEN khi chưa chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất cần thiết tương thích với mô hình VNEN. Quyết định của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh được đánh giá “sáng suốt, kịp thời” và tạo được đồng thuận cao trong giáo viên, học sinh, phụ huynh. Tuy nhiên, vì quyết định của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh ra đời sau khi Sở Giáo dục đã có công văn 427 và 636 triển khai 100% mô hìnhVNEN, nên nảy sinh nhiều vấn đề. Các vấn đề này bao gồm sách giáo khoa đã mua và đăng ký nên xử lý ra sao; nợ của các nhà trường tu sửa cơ sở vật chất để chuẩn bị dạy VNEN chưa có nguồn trả và nhiều vấn đề khác như đơn kiến nghị của phụ huynh không muốn cho con học. |