Dạy thêm, học thêm như thế nào là vi phạm pháp luật?

03/09/2016 07:31
Trần Trí Dũng
(GDVN) - Cần nghiêm túc xem xét, đánh giá vấn đề dạy thêm, học thêm và cần có văn bản pháp luật cụ thể, đầy đủ hơn quy định về vấn đề này.

LTS: Việc cấm dạy thêm, học thêm đã được quy định rõ trong Thông tư 17 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tuy nhiên vấn nạn này vẫn có chiều hướng gia tăng từ năm 2007 đến nay, gây nhiều bức xúc cho xã hội.

Đặc biệt sáng 31/8 vừa qua, vấn nạn này lại được dư luận quan tâm hơn bao giờ hết khi Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Hiếu phải thẳng thắn răn đe: Sẽ đuổi việc giáo viên nếu vi phạm lệnh cấm dạy thêm.

Nhìn nhận vấn nạn dạy thêm, học thêm ở góc độ điều chỉnh pháp luật, thầy giáo Trần Trí Dũng đã có bài viết phân tích.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Dạy thêm, học thêm hiện nay đang được xem như một thực trạng đáng báo động, trên báo chí đã có nhiều các bài viết khác nhau về vấn đề này.

Để có cái nhìn toàn diện hơn, chúng tôi thể hiện cách nhìn vấn đề dạy thêm, học thêm dưới góc độ điều chỉnh của pháp luật.

Thực tế đây là một vấn đề có tính "lịch sử". Trong những năm 90 của thế kỷ trước, tình trạng dạy thêm, học thêm diễn ra tràn lan với đủ loại các lò luyện thi đã tạo thành một vấn nạn.

Cho tới đầu những năm 2000, tình trạng dạy thêm tuy có giảm nhưng vẫn gây bức xúc trong xã hội.

Trước tình hình đó, ngày 31/1/2007, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 03 để quản lý nhằm khắc phục hiện tượng này.

Dạy thêm, học thêm khiến nhiều quyền của trẻ em bị tước đoạt (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
Dạy thêm, học thêm khiến nhiều quyền của trẻ em bị tước đoạt (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Song Quyết định số 03 mới chỉ mang tính quản lý chung đối với hoạt động dạy thêm, học thêm và cấm dạy thêm đối với học sinh Tiểu học chứ chưa quy định mang tính siết chặt, dẫn đến hoạt động dạy thêm và học thêm sau đó không hề giảm.

Trước tình hình dạy thêm, học thêm không hề giảm mà còn theo chiều hướng gia tăng, ngày 16/5/2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 17, thay thế Quyết định 03/2007 quy định về dạy thêm và học thêm.

Mặc dù đây là một văn bản pháp lý quy định khá chi tiết, tạo tác động xã hội đối với hiện tượng dạy thêm, học thêm nhưng trên thực tế, từ năm 2007 tới nay, tình trạng dạy thêm, học thêm không hề giảm, thậm chí còn theo những hướng nan giải hơn, gây bức xúc trong dư luận.

Vì vậy, cần thiết phải xem lại những quy định của Thông tư 17 dưới góc nhìn tham chiếu pháp luật về một vấn đề được xem như một vấn nạn này.
  
Tư tưởng quản lý và cấm dạy thêm  
 
Theo quy định của Thông tư 17 thì dạy thêm, học thêm là hoạt động dạy học phụ thêm có thu tiền của người học, có nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông nhưng ngoài kế hoạch giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành (khoản 1, điều 2).

Theo đó, dạy thêm, học thêm được thực hiện dưới hai hình thức là dạy thêm, học thêm trong nhà trường do cơ sở giáo dục công lập (gồm: cơ sở giáo dục phổ thông; trung tâm dạy nghề; trung tâm giáo dục thường xuyên; trung tâm học tập cộng đồng; trung tâm ngoại ngữ, tin học, gọi chung là nhà trường) tổ chức; và dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường không do nhà trường tổ chức (khoản 2,3 điều 2).

Nguyên tắc của hoạt động dạy thêm, học thêm theo quy định của Thông tư 17 là:

   i) Hoạt động dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của người học.

   ii) Không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá.

   iii) Đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm.

   iiii) Không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa; học sinh trong cùng một lớp dạy thêm, học thêm phải có học lực tương đương nhau; khi xếp học sinh vào các lớp dạy thêm, học thêm phải căn cứ vào học lực của học sinh.

  iiiii) Tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm phải chịu trách nhiệm về các nội dung đăng ký và xin phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm. 

Đây là các quy định được thể hiện ở điều 3 của Thông tư 17.

Thông tư còn quy định các trường hợp không được phép dạy thêm tại điều 4 là:

   i) Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày.

   ii) Không dạy thêm đối với học sinh Tiểu học, trừ cáctrường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

   iii) Cơ sở giáo dục Đại học, Cao đẳng, Trung cấp Chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.

Dạy thêm, học thêm như thế nào là vi phạm pháp luật? ảnh 2

Cấm dạy thêm ở trường, giáo viên cũng không được phép dạy thêm tại nhà

   iiii) Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập:

     + Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường;

     + Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.

Như thế, với những quy định này, Thông tư 17 đã thể hiện sự quản lý đối với hoạt động dạy thêm, học thêm với tư tưởng là cấm dạy thêm tràn lan.
 
Các thầy cô giáo không được tổ chức dạy thêm nhưng vẫn có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường
  
Như đã nói trên đây, đối với các thầy cô giáo đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường. Và không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà các thầy cô giáo đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý thầy cô giáo đó.

Theo đó, giáo viên có nguyện vọng dạy thêm phải có đơn đăng ký dạy thêm; trong đơn có cam kết với nhà trường về việc hoàn thành tốt tất cả các nhiệm vụ của giáo viên theo quy định chung và các nhiệm vụ khác do nhà trường phân công, đồng thời thực hiện nghiêm túc các quy định về dạy thêm, học thêm trong nhà trường (khoản 3 điều 5).

Dạy thêm, học thêm như thế nào là vi phạm pháp luật? ảnh 3

Địa phương lúng túng việc xử phạt giáo viên dạy thêm ở nhà không phép

Như thế, các thầy cô giáo vẫn được dạy thêm ngoài nhà trường mà không phải xin phép, điều này đã tạo ra một kẽ hở đối với hoạt động dạy thêm và học thêm.      

Đối với học sinh có nguyện vọng học thêm, phải viết đơn xin học thêm gửi nhà trường; cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ (gọi chung là cha mẹ học sinh) có con em xin học thêm trực tiếp ký, ghi cam kết với nhà trường về dạy thêm, học thêm vào đơn xin học thêm và chịu trách nhiệm thực hiện cam kết (khoản 1, điều 5).

Đối với các tổ chức, cá nhân dạy thêm ngoài nhà trường

Các tổ chức, cá nhân muốn tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường phải có đơn xin phép gửi tới cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.

Theo đó, các tổ chức hoặc cá nhân này phải cam kết với Uỷ ban Nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung là Uỷ ban Nhân dân cấp xã) nơi đặt điểm dạy thêm, học thêm thực hiện các quy định về dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường và trách nhiệm giữ gìn trật tự, an ninh, đảm bảo vệ sinh môi trường nơi tổ chức dạy thêm, học thêm (khoản 1, điều 6).

Ngoài ra, các tổ chức và cá nhân tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường phải công khai tại địa điểm tổ chức dạy thêm trước và trong khi thực hiện dạy thêm bao gồm giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm; thời khóa biểu dạy thêm, học thêm; mức thu tiền học thêm (khoản 2, điều 6).
 
Xử lý vi phạm trong hoạt động dạy thêm, học thêm
  
Theo quy định tại điều 22 của Thông tư 17, cơ sở giáo dục, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm, tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.

Ngoài ra, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quản lý vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm thì bị xử lý kỷ luật theo quy định.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là quy định có tính chất chung về việc xử lý vi phạm, trên thực tế hiện nay không có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể việc xử lý vi phạm trong hoạt động dạy thêm, học thêm. Chính vì thế mà nhiều địa phương đã rất lúng túng trong việc xử lý vấn đề này.  

Với góc nhìn tham chiếu về pháp luật đối với hoạt động dạy thêm, học thêm trên đây ta có thể nhận thấy có hai lỗ hổng lớn về mặt pháp luật đã tạo điều kiện cho hoạt động này diễn ra tràn lan như hiện nay.

Dạy thêm, học thêm như thế nào là vi phạm pháp luật? ảnh 4

Sẽ đuổi việc nếu giáo viên vi phạm về dạy thêm

Đó là, một là vẫn cho phép các giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường.

Hai là không có văn bản quy định xử lý cụ thể đối với những vi phạm trong hoạt động dạy thêm, học thêm.

Trên thực tế, Nghị định số 49/2005/ NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 11/4/2005 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục lại không có quy định nào về việc xử phạt trong hoạt động dạy thêm, học thêm. Đây chính là cơ sở đề xuất kiến nghị cần có những quy định đầy đủ và chặt chẽ hơn về vấn đề này.

Thực tế cho thấy, Thông tư 17 vẫn chỉ là những quy định chung chung thể hiện tư tưởng quản lý, chứ chưa thực sự mang tính siết chặt. Vẫn biết hiện tượng dạy thêm và học thêm là rất nhạy cảm và đa chiều. Song với những biểu hiện tiêu cực trong lĩnh vực này gây bức xúc xã hội như trong nhiều năm qua khiến chúng ta không thể băn khoăn về hiện tượng này.

Mặt khác, việc quy dịnh hình thức và mức xử phạt hành chính lại thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Vì thế, đã đến lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cấp có thẩm quyền cần nghiêm túc xem xét, đánh giá hiện tượng này và cần có văn bản pháp luật cụ thể và đầy đủ hơn quy định về vấn đề này, để giáo dục thực sự là môi trường trồng người và tạo điều kiện hoàn thiện con người theo đúng nghĩa.

Trần Trí Dũng