Trao đổi về tình hình giáo viên dạy thêm ở nhà không phép trên địa bàn, chiều ngày 30/8, ông Huỳnh Văn Hiếu – Phó Chủ tịch UBND xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP.Hồ Chí Minh (phụ trách văn xã) cho biết, hiện xã đã nắm được chủ trương của thành phố về cấm dạy thêm học thêm ở trường.
Ngay sau khi có thông tin này, xã Đông Thạnh đã có thông báo tới các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn.
Đồng thời, xã cũng đã yêu cầu toàn bộ 7 ấp trên địa bàn rà soát, nắm kỹ lại danh sách từng giáo viên có dạy thêm ở nhà, có phép hay không phép.
Ngay sau khi rà soát, lập danh sách, chính quyền sẽ kết hợp với hội đồng giáo dục xã, lập đoàn kiểm tra liên ngành (có sự tham gia của lãnh đạo trường) đến từng địa chỉ để kiểm tra, xử lý vi phạm nếu có.
Còn chỉ duy nhất trên địa bàn có Trường trung học phổ thông Nguyễn Hữu Tiến là do Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hồ Chí Minh quản lý.
Tới nay, trên địa bàn xã đã có khoảng 3, 4 điểm giáo viên tự ngưng dạy thêm ở nhà, trước khi được chính quyền xã nhắc nhở.
Thời khóa biểu dạy ở nhà môn Anh Văn năm học 2016 - 2017 của cô Nguyễn Ngọc Bích (ảnh: P.L) |
Ngoài ra, xã Đông Thạnh cũng đã tiến hành đóng cửa 1 địa điểm giáo viên dạy thêm ở nhà, tại ấp 2.
Theo vị đại diện cho chính quyền xã Đông Thạnh thì, hiện xã đang rất lúng túng trong việc xử phạt những giáo viên dạy thêm ở nhà không phép, không đúng qui định, vì không biết dựa vào căn cứ nào để xử phạt.
Đối với trường hợp cô Nguyễn Ngọc Bích dạy thêm tại nhà ở ấp 7 mà Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh, ông Huỳnh Văn Hiếu – Phó Chủ tịch UBND xã Đông Thạnh nói rằng đã biết trường hợp này, và sẽ cho tiến hành kiểm tra, xem xét trong thời gian sắp tới.
Được biết, hiện toàn địa bàn xã Đông Thạnh có 6 trường học các cấp, bao gồm 2 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 1 trường trung học cơ sở và Trường trung học phổ thông Nguyễn Hữu Tiến.
Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hồ Chí Minh – ông Đỗ Minh Hoàng khẳng định, trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc giáo viên dạy thêm ở nhà, trước hết thuộc về địa phương quản lý địa bàn đó.
Trong quá trình xử lý, nếu có vấn đề gì khó khăn phát sinh hay nằm ngoài thẩm quyền, địa phương cần báo lên cấp trên để có hướng xử lý. Thế nhưng, cách kiểm tra và xác định vấn đề cần phải khéo léo, tế nhị để tránh làm tổn thương cho các thầy cô giáo.