Chuyện “học thêm, dạy thêm” vốn là điều “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.
Chẳng thế mà cứ mỗi khi bước vào năm học mới lại có những ý kiến thảo luận, thậm chí là tranh luận gay gắt được báo chí đăng tải.
Mới nhất là một số bài viết về chuyện cấm “dạy thêm” ở thành phố Hồ Chí Minh.
Trước hết cần nói rằng, người Việt - cả dân thường và lãnh đạo các cấp - đều có chung quan điểm là phải xây dựng một nhà nước pháp quyền, một nhà nước mà “thượng tôn pháp luật” phải đặt lên hàng đầu.
Sẽ đuổi việc nếu giáo viên vi phạm về dạy thêm(GDVN) - Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hồ Chí Minh vừa đưa ra hàng loạt các biện pháp xử lý rất nghiêm khắc, nếu phát hiện giáo viên và Hiệu trưởng vi phạm về dạy thêm. |
Tranh biện về sự đúng - sai, hợp lý - bất hợp lý của một văn bản quy phạm pháp luật là quyền công dân được pháp luật bảo vệ.
Tuy nhiên, dù quy định pháp luật có chỗ chưa hợp lý song khi nó đang còn hiệu lực thi hành thì mọi công dân đều phải tuân thủ.
Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật đó không sai, phù hợp với nguyện vọng của đa số thì bắt buộc thiểu số phải phục tùng dù họ vẫn có quyền bảo lưu quan điểm.
Một vài ý kiến tranh luận cho rằng “cấm dạy thêm” khiến “giáo viên buồn” hay “lệnh cấm như một sự đánh đồng tất cả giáo viên dạy thêm đều “không ra gì”. Vì vậy, quyết định không cho dạy thêm trong nhà trường là chưa thuyết phục, gây tổn thương, ấm ức cho đội ngũ giáo viên”…
Ở đây cần phân biệt “giáo viên” hoặc “đội ngũ giáo viên” với những người tham gia dạy thêm.
Hầu hết giáo viên miền núi, vùng sâu, vùng xa, giáo viên nông thôn không tham gia dạy thêm vì dù muốn cũng không có người học, lực lượng này chiếm đa số.
Tại các thành phố, thị xã, khu đô thị tập trung,… nhu cầu học thêm là một thực tế nhưng không phải môn học nào cũng có người muốn học.
Cấp tiểu học đa số học 2 buổi/ngày nên nhu cầu học thêm ít, cấp THCS và PTTH việc học thêm chỉ tập trung vào một số môn nhất định vì thế tạo nên một thực trạng gọi là “độc quyền dạy thêm” cho một nhóm giáo viên trong trường.
Không thể phủ nhận trong số những người dạy thêm, rất nhiều người vì tấm lòng với học sinh hơn là vì có thêm thu nhập nhưng khó có cơ chế sàng lọc những người đó để loại ra những con sâu đang làm rầu nồi canh?
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Tôi viết thư này gửi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ(GDVN) - Chúng ta không bi quan về thực trạng giáo dục nước nhà nhưng cần xác định cái gì nên làm trước, cái gì nên thực hiện sau vì “dục tốc bất đạt”. |
Chất lượng đội ngũ giáo viên nói chung và giáo viên phổ thông nói riêng đã được đánh giá qua Nghị quyết số 29-NQ/TW: “Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu; một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, thiếu tâm huyết, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp”.
Cần nhấn mạnh rằng số giáo viên “vi phạm đạo đức nghề nghiệp” tuy chỉ là cá biệt nhưng cũng nằm trong tổng thể hình thành nên một “bộ phận không nhỏ” đang hàng ngày làm băng hoại đạo đức xã hội.
Chính vì có những người “thiếu tâm huyết, vi phạm đạo đức nghề nghiệp” nên việc chấn chính là cần thiết, là không thể chậm trễ mà cấm dạy thêm chỉ là một trong nhiều biện pháp cần tiến hành đồng bộ.
Nói “cần tiến hành đồng bộ” bởi tồn tại một thực tế là giáo viên không đủ sống bằng đồng lương háng tháng.
Mười năm trước, nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 17/11/2006, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khi ấy là ông Nguyễn Thiện Nhân phát biểu: “Bộ dự kiến sẽ trình Chính phủ đề án tăng lương cho giáo viên, để đến năm 2010 giáo viên có thể sống được bằng lương”. [1]
Tình trạng lương giáo viên thấp không chỉ có ở Việt Nam. Tại Liên bang Nga, Thủ tướng Medvedev đã bị dư luận phản đối dữ dội khi trả lời câu hỏi vì sao lương giáo viên thấp.
Ông Medvedev được cho là đã nói: “nếu các bạn muốn kiếm tiền, có rất nhiều nơi tuyệt vời để kiếm được nhanh hơn hay dễ dàng hơn, ví như trong kinh doanh. Nhưng các bạn đã không tham gia vào kinh doanh…”.
Sự phản đối của dư luận Nga với phát biểu của Thủ tướng Medvedev là có thể hiểu được bởi người ta có thể suy diễn từ câu nói bỏ lửng của ông Medvedev, rằng các bạn “đã không tham gia vào kinh doanh”, đã chọn nghề dạy học nên các bạn không thể kiếm tiền nhanh và dễ dàng?
Quan điểm ấy dù không phù hợp với mong muốn của phần đông nhà giáo trong xã hội hiện đại nhưng tiếc thay có vẻ như nó lại đồng hành với suy nghĩ của một số người hoạch định chiến lược giáo dục.
Dù xem giáo dục là quốc sách, dù ca ngợi nghề dạy học là cao quý nhưng chế độ đãi ngộ đối với nhà giáo vẫn bị rào cản bởi tâm lý cho rằng nghề dạy học nhàn nhã, tốn ít năng lượng,… thế nên lương thầy cô giáo tiểu học chỉ ở mức 3-5 triệu đồng, giảng viên đại học phổ biến khoảng 5-7 triệu đồng?
Không thể có một nền giáo dục tiên tiến nếu các trường sư phạm cứ tuyển bằng điểm sàn như hiện nay và với đội ngũ giáo viên phải lo làm thêm để bảo đảm cuộc sống tối thiểu.
"Ai tự thấy không xứng đáng thì đừng đứng vào đội ngũ người thầy"(GDVN) - PGS.TS Nguyễn Văn Nhã nhận định, cử nhân thất nghiệp có một phần lỗi lớn ở những người thầy. Họ chỉ biết nói chứ không biết truyền cảm hứng. |
Việc tìm thêm việc làm, có thêm thu nhập để yên tâm với nghề cần phải xem là việc làm chính đáng.
Tuy nhiên, thêm thu nhập bằng cách bắp ép học sinh học thêm là hành động cần phải lên án, cần phải loại bỏ khỏi đời sống xã hội.
Khi nhà nước chưa thể bảo đảm cho nhà giáo sống bằng lương thì điều nên làm là tổ chức cho nhà giáo có thêm việc làm phù hợp với nghề, không vi phạm đạo đức và được quản lý công khai, minh bạch.
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng yêu cầu giáo dục phải phấn đấu “trưởng ra trường, thày ra thày, trò ra trò”.
Cả ba yếu tố đó ngày nay vẫn chưa thành hiện thực và điều cần suy nghĩ nhiều nhất chính là “thày ra thày”. Khi “thày không ra thày” thì trường tốt mấy cũng chỉ là ngôi nhà trống rỗng, trò giỏi mấy cũng thành trò thường nếu không nói là sẽ thui chột tài năng.
Một trong các biện pháp có thể thực hiện vừa để để chấm dứt tình trạng dạy thêm, vừa nâng cao chất lượng giáo dục là tổ chức cho học sinh học hai buổi/ngày.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề cập: “Ở các nước tiên tiến, học sinh có điều kiện học 2 buổi/ngày. Học sinh nước ta học 1 buổi/ngày. Chúng ta có thông minh mấy cũng không đuổi theo họ được”.
Muốn có trường, lớp học 2 buổi/ngày phải tập trung nguồn lực nhà nước và xã hội, điều có thể làm ngay là chấm dứt bao cấp giáo dục đại học.
Bắt buộc các đại học phải tự chủ trừ một số trường đặc thù.
Chuyển nguồn kinh phí hiện dành cho giáo dục đại học sang giáo dục phổ thông chứ không phải là cắt giảm phần đại học để tiết kiệm ngân sách.
Cô giáo liệt kê những “độc chiêu” ép học sinh đi học thêm(GDVN) - Chỉ học thêm mới thi trúng đề, được ưu ái và thuộc những nội dung kiểm tra trên lớp là những “chiêu trò” các giáo viên đang áp dụng với lớp học thêm của mình. |
Tình trạng học sinh tan học ùa vào các quán chơi game ở đâu cũng thấy, học sinh bị đuối nước năm nào cũng xảy ra vì hầu như không trường nào có chương trình dạy bơi và bể bơi để dạy các cháu.
Khi biện pháp nêu trên chưa thể tiến hành, có thể thực hiện biện pháp “xã hội hóa nửa vời”, Nhà nước đảm nhận phần khó nhất là đầu tư xây trường lớp, phụ huynh được chọn giáo viên, lương giáo viên do phụ huynh chi trả.
Trong quá trình hoạt động, một phần kinh phí mua sắm trang thiết bị học đường do phụ huynh đóng góp giống như hiện nay phụ huynh góp tiền mua điều hòa lắp ở các phòng học…
Cấm dạy thêm, học thêm chỉ là biện pháp tình thế, không giải quyết được tận gốc vấn đề.
Phát biểu với cử tri Đà Nẵng, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh cho rằng “các trường hợp tự nguyên đi học thêm để tu bổ kiến thức thì không thể cấm được”.
Ông Đinh Thế Huynh nêu câu hỏi: “các bác đề nghị nhà nước cấm, nhưng nếu con cháu thích đi học thêm bác có cấm không?
Bây giờ thời buổi dân chủ, chỉ cấm những việc làm trái quy định pháp luật. Quản lý việc này phải thật nhuần nhuyễn trên cơ sở pháp luật chứ không thể nói cấm là cấm luôn”. [2]
Người viết cho rằng phát biểu của ông Đinh Thế Huynh là hài hòa, có lý, có tình dù rằng ông Huynh chưa đề cập đến khía cạnh nhà giáo dạy thêm “không vì lợi nhuận”?
Cho nên, biện pháp tình thế là phải cấm, phải làm thật nghiêm, nhưng sâu xa thì chính sách của nhà nước phải làm sao nhà giáo không cần và không thể dạy thêm, học sinh không cần học thêm.
Tài liệu tham khảo
[1] http://thanhnien.vn/giao-duc/nam-2010-giao-vien-co-the-song-duoc-bang-luong-120291.html