Đột phá hay cát cứ?

10/10/2016 05:09
Xuân Dương
(GDVN) - Chính phủ đang tìm cách xóa bỏ “47 cơ quan chủ quản” các cơ sở giáo dục Đại học, vậy có nên để tồn tại, dù mới chỉ là manh nha, một “thành phố chủ quản” mới?

Ngày 8/9/2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố Dự thảo phương án thi, xét Tốt nghiệp Trung học phổ thông và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2017.

Sau 20 ngày tham khảo ý kiến chuyên gia, các tổ chức chính trị xã hội và truyền thông, chiều 28/9/2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố phương án chính thức kỳ thi  Quốc gia tốt nghiệp Trung học Phổ thông và tuyển sinh Cao đẳng, Đại học năm 2017.

Ngày 21/9/2016, Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh có công văn số 5195/UBND-VX đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo “Thẩm định đề án thi và xét tốt nghiệp Trung học Phổ thông của thành phố năm 2017”.

Theo tinh thần công văn này, thành phố Hồ Chí Minh muốn tổ chức thi và xét tốt nghiệp riêng, không theo phương án chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hơn ba năm trước, ngày 21/5/2013 Vietnamnet.vn [1] đã đăng bài “Hoa thơm mỗi bộ, ngành hưởng một tý?” phân tích tình trạng chia năm sẻ bảy trong giáo dục Đại học Việt Nam.

Gần đây, trong bài viết “Nhà giáo lão thành gửi vài ý kiến tới Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ[2], người viết cũng đã nhấn mạnh đến tình trạng “cát cứ” trong giáo dục Đại học thể hiện qua cơ chế “cơ quan chủ quản”:

Từ thông tin trong các văn bản đính kèm công văn 1279/BGDĐT-KHTC (17/3/2014) của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hệ thống Đại học công lập hiện nằm dưới sự “chủ quản” của 47 tổ chức chính trị, đoàn thể xã hội, cơ quan Nhà nước, địa phương…”.

Bao giờ cải cách giáo dục mới đi đúng hướng, nhắm trúng đích? (Ảnh: vtc.vn).
Bao giờ cải cách giáo dục mới đi đúng hướng, nhắm trúng đích? (Ảnh: vtc.vn).

Chính “cơ quan chủ quản” đang là rào cản cho tiến trình đổi mới toàn diện nền giáo dục Đại học Việt Nam, điều mà Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đề cập và cũng là niềm trăn trở của rất nhiều người tâm huyết với giáo dục.

Ngày 16/8/2016, Hiệp hội các trường Cao đẳng, Đại học Việt Nam đã gửi Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Ban Bí thư trung ương Đảng công văn nêu ý kiến Hiệp hội về “quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp”.

Công văn nêu quan điểm: “Quản lý Nhà nước là thực thi quyền hành pháp để quản lý, điều hành lĩnh vực giáo dục theo quy định của pháp luật”.

Tuy nhiên việc “quản lý Nhà nước” này lại được phân tán trong ba luật liên quan đến giáo dục: điều 71 Luật Giáo dục nghề nghiệp, điều 68 Luật Giáo dục Đại học và điều 99 Luật Giáo dục.

Điều này có nghĩa là chính cơ quan lập pháp cao nhất là Quốc hội đã chấp thuận việc chia nhỏ mảng “Quản lý Nhà nước về giáo dục” trong khi hầu hết các bộ khác (Nông Nghiệp, Công Thương, Thông tin và Truyền thông…) lại chịu trách nhiệm quản lý đa ngành, đa lĩnh vực.

Phải chăng tư tưởng chỉ đạo ấy đang được lặp lại qua mô hình thành phố Hồ Chí Minh đề xuất?

Được biết, trên cơ sở đề nghị của ngành giáo dục thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho phép thành phố biên soạn và sử dụng Sách giáo khoa riêng, bám sát khung chương trình của Bộ từ năm 2018.

Đề xuất thi và xét tốt nghiệp năm 2017 của Uỷ ban Nhân dân thành phố là chủ trương ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp giáo dục tại thành phố đông dân, kinh tế đứng đầu nhất cả nước.

Theo nguyên tắc, đề xuất mới của Uỷ ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chắc chắn đã được thảo luận kỹ trong Thành ủy và Hội đồng Nhân dân thành phố trước khi gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Giả sử đề xuất về thi và xét tốt nghiệp Trung học Phổ thông của thành phố năm 2017 được chấp thuận, học sinh Trung học Phổ thông thành phố này chỉ thi tốt nghiệp quốc gia ba môn trong khi toàn quốc thi 4 môn.

Đột phá hay cát cứ? ảnh 2

“Sâu” tiến sĩ và “canh” Giáo dục

Vậy lãnh đạo thành phố nghĩ gì đến nguyên lý công bằng xã hội với các đối tượng thụ hưởng giáo dục cả nước?

Vì sao chỉ học sinh thành phố Hồ Chí Minh được học sách riêng, được thi riêng và số môn thi lại ít hơn hơn các tỉnh, thành phố khác?

Mong muốn “tự chủ” từ khâu biên soạn Sách giáo khoa, đến thi tốt nghiệp… cho thấy hình như địa phương này muốn tạo một tiền lệ về hình thức “chủ quản” ở bậc học phổ thông song song với câu chuyện đang làm đau đầu giới chức lãnh đạo ngành Giáo dục về “cơ quan chủ quản” ở bậc Đại học.

Liệu điều này có đồng nghĩa với việc thành phố muốn tách khỏi “chiếc ô” quản lý Nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo?

Liệu có thể coi chủ trương này là biểu hiện mang tính cục bộ góp phần làm tăng khoảng cách giữa địa phương giàu với các địa phương nghèo trong việc thụ hưởng thành quả kinh tế xã hội nói chung và giáo dục nói riêng?

Nhưng thực tế, liệu có thật là học sinh thành phố Hồ Chí Minh được hưởng lợi hơn nơi khác?

Với 3 môn thi thành phố đề xuất, đó chính là tổ hợp môn thi ký hiệu là D1 (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ).

Tổ hợp này phù hợp với một số trường khối Kinh tế, Luật… nhưng không phù hợp với khối trường kỹ thuật (Bách Khoa, Xây Dựng, Giao Thông, Công Nghiệp…).

Vậy nếu được thi theo phương án riêng, học sinh thành phố Hồ Chí Minh sẽ làm thế nào để được vào học khối kỹ thuật nếu các Cao đẳng, Đại học vẫn phải tuân theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về các khối ngành xét tuyển?

Cứ cho rằng thành phố Hồ Chí Minh đã có “đột phá” trong chỉ đạo, điều hành thể hiện qua đề án thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, nhưng khó khăn trong tuyển sinh thì lại “nhường” cho các trường Cao đẳng, Đại học và thí sinh, điều này nên hay không nên?

Đọc kỹ nội dung đề án, người viết hoàn toàn đồng tình với các ý kiến cho rằng học sinh Trung học Phổ thông thành phố sẽ bị thiệt thòi nhiều hơn là được hưởng lợi, nói cách khác chủ trương của thành phố Hồ Chí Minh không vì quyền lợi của học sinh, vậy đề xuất ấy xuất phát từ mục đích nào?

Báo chí có nhiều bình luận về ý kiến, rằng “với cơ chế hiện nay chỉ có đột tử chứ không thể đột phá”, người viết cho rằng đây là một phát biểu mạnh dạn và không sai.

Cơ chế hiện nay đang kìm hãm phát triển, đang khiến đất nước tụt hậu nhiều thập kỷ so với các nước trong khu vực.

“Báo cáo tổng quan Việt Nam 2035” do Ngân hàng Thế giới (WB) và Chính phủ Việt Nam (Bộ Kế hoạch và đầu tư) cùng thực hiện cho thấy, nếu giữ tốc độ tăng trưởng tối thiểu đạt 6,0%/năm thì đến năm 2035 chúng ta mới tiến tới mốc GDP bình quân đầu người là 18.000 USD, đây là mức thu nhập của Hàn Quốc năm 2002 và của Malaysia năm 2013, sự tụt hậu của chúng ta là từ 20 đến 30 năm!

“Đột phá” là cần thiết, là sự sống còn của thể chế, bởi nếu không có đột phá, đất nước sẽ trở thành bãi rác công nghiệp và người Việt sẽ dần trở thành người dọn rác cho thế giới.

Đột phá hay cát cứ? ảnh 3

Nhận diện các thể loại dạy thêm và "con đường cấm" nên chọn!

Nhận thức mới của lãnh đạo cấp cao nhất là không đánh đổi môi trường lấy sự phát triển.

Vậy có nên đánh đổi quyền lợi chính đáng của con em thành phố để tạo nên “đột phá”?

Câu hỏi này đã được lãnh đạo một số đại học tại thành phố Hồ Chí Minh thẳng thắn bày tỏ, rằng chủ trương của thành phố nếu thực hiện sẽ làm “giảm cơ hội xét tuyển vào Cao đẳng, Đại học của học sinh, gây khó khăn cho các trường…” [3]

Có một điều không thể nói là bình thường là khi trình đề án thi riêng,  Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cho rằng “căn cứ để trình đề án vì lãnh đạo Bộ đã đồng ý trong buổi làm việc ngày 7/6/2016”.

Nếu căn cứ vào văn bản trả lời của Bộ Giáo dục và Đào tạo tới Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, rằng “Bộ sẽ xem xét những đề xuất về phát triển giáo dục, đào tạo của thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có đề xuất về thi và xét tốt nghiệp Trung học Phổ thông, trong “Đề án tổng thể phát triển giáo dục đào tạo Thành phố đến năm 2020, tầm nhìn 2030”, tuy nhiên “Đề án này chưa được thành phố xây dựng xong” thì rõ ràng có sự không đồng nhất giữa ý kiến Bộ và lập luận của thành phố?

Vì sao thành phố lại vội vã chuyện thi cử mà bỏ qua “Đề án tổng thể”?

Có phải đây là cách “ủng hộ” Bộ Giáo dục và Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trong việc tìm hướng đi mới cho cải cách toàn diện giáo dục nước nhà hay còn ngầm thông điệp, rằng thành phố Hồ Chí Minh chưa đặt hết niềm tin vào chỉ đạo, điều hành của Bộ, rằng với đội ngũ của mình, thành phố Hồ Chí Minh có thể làm tốt hơn công việc của Bộ Giáo dục và Đào tạo?

Chợt nhớ lại loạt bài “Chín diệu kế của Binh pháp quan trường”, “Kế thứ 4 - Chọc gậy bánh xe” được đăng cách đây hai năm, bài viết có đoạn: [4]

Song gậy hợp bích” nghĩa là kết hợp “Gậy dò đường” với chiêu “Gậy chọc bánh xe”. Nếu có kẻ muốn đi nhanh hơn, “xe” của họ xịn hơn thì chọc cho một gậy, ít nhất thì cũng làm giảm tốc độ đối thủ, nặng hơn có thể làm đối thủ bị ngã, khi đó chỉ còn một mình ung dung trên đường, chậm mấy rồi cũng đến đích…”

Chính phủ đang tìm cách xóa bỏ tình trạng “63 tỉnh, 63 nền kinh tế”, hay “47 cơ quan chủ quản” các cơ sở giáo dục Đại học. Vậy có nên để tồn tại, dù mới chỉ là manh nha, một “thành phố chủ quản” mới trong giáo dục phổ thông?

Tài liệu tham khảo:

[1] http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/121955/hoa-thom-moi-bo-nganh-huong-mot-ty.html

[2]http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Nha-giao-lao-thanh-gui-vai-y-kien-toi-Bo-truong-Phung-Xuan-Nha-post168362.gd

[3]http://thanhnien.vn/giao-duc/de-an-thi-va-xet-tot-nghiep-thpt-cua-tphcm-tao-them-ap-luc-cho-hoc-sinh-747390.html

[4] http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Binh-phap-quan-truong--Ke-thu-tu--Choc-gay-banh-xe-post151338.gd

Xuân Dương