Được biết ông Đinh Ngọc Hiện - Hiệu trưởng trường Đại học Thành Tây - đã đăng đàn xin lỗi báo chí vì những phát ngôn theo kiểu “ngoài khuôn viên Đại học” của mình.
Người viết đồng tình quan điểm cho rằng chuyện “ăn nói” của ông Tiến sĩ Ngọc Hiện nên chấm dứt bởi ông đã công khai xin lỗi.
Cũng bởi một lẽ khác, những cái không thơm, con nít còn biết tránh thật xa vậy nên bới móc thêm chả mang lại lợi ích gì.
Hơn nữa, trong một xã hội (đặc biệt là trong giới công chức, viên chức) thiếu vắng văn hóa “cảm ơn”, “xin lỗi” như hiện nay, việc công khai “xin lỗi” của ông tiến sĩ Ngọc Hiện nên được xem là một hiện tượng văn hóa đáng ghi nhận trong năm 2016.
Người viết từng nhiều lần chứng kiến một ông tiến sĩ khác, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Hiệu phó một Đại học ngoài công lập nói chuyện với thầy cô giáo và nhân viên, ông ta liên tục văng ra các từ tìm mãi trong từ điển tiếng Việt không thấy, hóa ra những từ ngữ vần “đ” mà ông tiến sĩ ấy dùng chỉ có thể tìm thấy ở những… tiến sĩ rởm.
Đã có những tiến sĩ “rởm” bỗng nhiên thành nhà giáo (rởm) mà lại còn làm lãnh đạo cơ sở giáo dục Đại học. (Ảnh: vietnamnet.vn) |
Nói thế vì sau mấy cuộc thanh tra, đích thân Thứ trưởng Bộ GD&ĐT ký văn bản kết luận bằng tiến sĩ do nước ngoài cấp cho người ấy không đạt chuẩn, không được công nhận trên lãnh thổ Việt Nam, đó là một trong số không ít thành viên nhóm lợi ích “tiến sĩ rởm” bị lộ diện.
Xã hội hóa giáo dục đã qua một chặng đường không thể nói là ngắn, chuyện vui, chuyện buồn, chuyện đấu đá, chuyện phạm pháp,… cái gì cũng có, vấn đề là nó chỉ xảy ra với một số (hơi nhiều) trường ngoài công lập hay với cả một “bộ phận không nhỏ” trường công lập?
Như đã nói, chuyện về ông Đinh Ngọc Hiện nên chấm dứt nhưng chuyện liên quan đến “nhà giáo - tiến sĩ - hiệu trưởng” thì còn quá nhiều điều cần bàn luận.
Thứ nhất, người viết muốn trao đổi về ý kiến trong bài “Hiệu trưởng Đại học Thành Tây phát ngôn chợ búa, đe dọa báo chí” trên báo antt.vn số ra ngày 9/3/2016: “Những phát ngôn như thế của một người được gọi là nhà giáo không khỏi khiến dư luận...sửng sốt!”. [1]
Là người nhiều năm giảng dạy, làm công tác quản lý trong các trường Đại học công lập và ngoài công lập, xin đính chính với tác giả bài báo, rằng chủ trương xã hội hóa giáo dục đã làm xuất hiện không ít “nhà giáo rởm”.
Hiệu trưởng, Hiệu phó trường Đại học chưa từng một giờ đứng lớp, thành viên Hội đồng quản trị đại học chỉ mới tốt nghiệp phổ thông, phụ trách mảng đào tạo cao học có bằng cử nhân hệ đại học mở….
Chuyến tàu vét và Đại học Bốn Khờ(GDVN) - Trong ánh sáng mờ ảo, nhá nhem lúc hoàng hôn (nhiệm kỳ) buông xuống, người ta đôi khi thấy choáng bởi những “lời nói chân thật” vào phút 89 rưỡi. |
Vì thế, trước khi gắn cho người nào đó danh hiệu cao quý “nhà giáo”, xin tìm hiểu kỹ xem người đó có phải “nhà giáo thực” hay không?
Hiện có một sự nhầm lẫn, cứ lãnh đạo cơ sở giáo dục Đại học đương nhiên là nhà giáo.
Theo quy định, muốn được công nhận là nhà giáo, là giảng viên đại học, bắt buộc phải có “Chứng chỉ giáo dục đại học”, “chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm” theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Tiêu chuẩn Hiệu trưởng trường Đại học quy định tại điều 20 Luật Giáo dục đại học, theo đó Hiệu trưởng trường Đại học phải: “Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có uy tín về khoa học, giáo dục, có năng lực quản lý và đã tham gia quản lý cấp khoa, phòng của cơ sở giáo dục đại học ít nhất 05 năm…”.
Theo lời “bộc bạch” của tiến sĩ Hiện, ông không được đào tạo nghề sư phạm mà được đào tạo là nhà làm luật. “Tôi không muốn về trường nhưng khi 2012, trường gặp nhiều khó khăn, Chủ tịch HĐQT và các cổ đông thuyết phục tôi tham gia với hai yêu cầu tôi nếu biết làm đào tạo, biết làm kinh tế thì mới cứu được trường”. [2]
Xét về thời gian, ông Hiện làm việc tại Đại học Thành Tây chưa đủ 5 năm, hiện chưa có thông tin trước đó ông đã “tham gia quản lý cấp khoa, phòng của cơ sở giáo dục Đại học ít nhất 5 năm” chưa?
Vì thế người viết cho rằng trước khi antt.vn phê phán “nhà giáo” Đinh Ngọc Hiện, cần xác minh xem ông có phải là nhà giáo không và có đủ tiêu chuẩn theo luật định làm Hiệu trưởng hay không?
Đây không hề là chuyện “những người thích đùa”, bởi như đã dẫn, có những tiến sĩ “rởm” bỗng nhiên thành nhà giáo (rởm) mà lại còn làm lãnh đạo cơ sở giáo dục Đại học.
Có nghi vấn rằng đã có hàng trăm, có thể là hàng nghìn bằng cử nhân chính quy do các Hiệu trường, Hiệu phó “rởm” ký được trao cho sinh viên tốt nghiệp mà cho đến nay, pháp luật cũng như ngành Giáo dục coi như không biết.
Xin nói thêm là đã có hàng chục bài báo đề cập về tình trạng này nhưng cuối cùng đó chỉ là chuyện nói để … cho vui.
Vì với Bộ GD&ĐT các trường ngoài công lập không phải con đẻ, cũng chẳng phải con nuôi, còn với Ủy ban nhân dân các tỉnh, hình như người ta cho rằng đó chẳng qua là kẻ ở nhờ, không cần dành nhiều sự quan tâm, chỉ đạo?
Mặc dù báo chí đã đồng loạt lên tiếng về Hiệu trưởng, Hiệu phó một số Đại học - trong đó Đại học Thành Tây - nhưng Bộ GD&ĐT chưa thấy có ý kiến trả lời công luận, phải chăng đó là trách nhiệm của địa phương chứ không phải của Bộ?
Nhận diện “bộ phận không nhỏ” ngành Giáo dục(GDVN) - Mang cách hành xử “tiền hậu bất nhất” để nói về một hội nghị gồm nhiều nhà khoa học nổi tiếng liệu có cho thấy cái tâm và tầm thực sự của người lãnh đạo? |
Theo luật thì quản lý nhân sự các Đại học ngoài công lập thuộc về Ủy ban nhân dân các tỉnh, Bộ GD&ĐT quản lý về chuyên môn.
Thế nên ngay cả khi đã kết luận lãnh đạo Đại học không dủ tiêu chuẩn thì Bộ GD&ĐT cũng chỉ dừng ở mức thông báo, còn xử lý là trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh – nơi trường đặt trụ sở.
Dư luận hy vọng các ông Bí thư và Chủ tịch Hà Nội, theo quy định của luật pháp hiện hành, cho kiểm tra tiêu chuẩn đội ngũ lãnh đạo các trường Đại học, Cao đẳng ngoài công lập trên đại bàn thành phố và công bố cho biết ai không đủ tiêu chuẩn làm lãnh đạo như quy định trong Luật Giáo dục Đại học.
Gần đây, nhiều bài báo và độc giả bức xúc trước hành vi của một số nhà giáo trong việc dạy dỗ con em mình, người viết tuyệt không có ý định bảo vệ các hành vi sai trái nhưng xin lưu ý không nên dùng từ “nhà giáo” nếu chưa xác minh được đó có thật là nhà giáo hay kẻ mạo danh nhà giáo.
Về vấn đề nêu trong tiêu đề bài báo “Bầy sâu tiến sĩ trong nồi canh giáo dục”, xin dẫn ý kiến tại buổi tọa đàm "Lợi nhuận và phi lợi nhuận trong giáo dục” diễn ra tại trụ sở Báo Người Lao Động thành phố Hồ Chí Minh ngày 4/9/2014:
“Ở nhiều trường phổ thông tư thục, họ sa thải hiệu trưởng rất nhanh, dù những người đến và đi không có đấu đá gì về quyền lực cả. Nhưng tại sao việc lùm xùm, tranh giành quyền lực ở bậc phổ thông không có mà chỉ có ở bậc Đại học, vấn đề là ở đâu?" [3]
Người viết dù không hề ngạc nhiên trước nhận định này nhưng cũng quyết định làm một chuyến phiêu lưu vào xứ sở “lùm xùm” xem “nồi canh Giáo dục” có thật lùm xùm?
Nếu có quý vị nào thích “lùm xùm” xin mời tìm hiểu vài kết quả thu lượm được:
“Bắc Ninh: Lùm xùm chuyện mua bán trường học” [4]
“Lùm xùm tại Trường Cao đẳng nghề Phú Thọ: Công an tỉnh Phú Thọ kết luận tố cáo không có cơ sở?” [5]
“Đại học Quy Nhơn “lùm xùm” chuyện bán điểm, gạ tình” [6]
“Kết luận nhiều 'lùm xùm' về Đại học Kinh tế quốc dân” [7]
Vụ “lùm xùm” tại Trường Đại học Đông Á: “Đầu vào” Cao đẳng, “đầu ra” Trung cấp [8]
Còn một nhóm trường người viết không muốn gắn tên với từ “lùm xùm”, phần vì sợ làm mất vẻ đẹp hàm chứa trong tên trường như Đại học Hoa Sen, Đại học Hùng Vương…, phần vì không dám thất lễ với các bậc tiên hiền như Đại học Chu Văn An, Đại học Nguyễn Tất Thành…
Nói thì dễ, làm mới khó, giảm biên cũng thế!(GDVN) - Việc tinh giản đám công chức “có cũng được, không có cũng chẳng sao”, không phải là chuyện đơn giản. |
Dù không muốn “vạch áo cho người xem lưng” nhưng chuyện các cơ sở giáo dục từ phổ thông đến Đại học gắn liền với thảm họa “lùm xùm” thì chẳng thể nào che giấu được mãi.
Nói thế vì lâu nay, không ít người nghĩ “lùm xùm” chỉ là chuyện của các trường Cao đẳng, Đại học ngoài công lập.
Nhưng thực tế thì các trường công lập như Bách Khoa, Ngoại Thương, Kinh tế, Nông nghiệp,… cũng lùm xùm chẳng kém, chuyện thi tuyển hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội mới đây không biết có nên ghi vào lịch sử “lùm xùm” hay không, người viết cảm thấy lưỡng lự!
Người viết kiến nghị, một trong những nhiệm vụ cần được xem là trọng tâm, cần được ưu tiên xem xét trong tiến trình đổi mới toàn diện, triệt để nền giáo dục nước nhà là hoàn thiện lại hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến giáo dục.
Một nền giáo dục manh mún, một đội ngũ thầy cô giáo chưa được chăm sóc đúng mức cả về đời sống vật chất, trình độ nghiệp vụ lẫn tâm đức sẽ không giúp đổi mới đạt được mục tiêu đã định.
Đến đây thì một vấn đề cần được đặt ra: Liệu có cần sửa Luật Giáo dục Đại học, loại bỏ tình trạng có quá nhiều đầu mối quản lý cơ sở giáo dục như hiện nay?
Thực trạng Bộ, ban, ngành, địa phương, tổ chức xã hội… đều có thể là “cơ quan chủ quản” của cơ sở giáo dục Đại học cũng không khác gì tình trạng thực phẩm do mấy bộ ngành quản lý.
Hậu quả dẫn tới là chẳng có cơ quan nào thực sự quản lý, giáo dục trở nên “lùm xùm” cũng như thực phẩm bẩn tràn lan cả trên vỉa hè lẫn trong siêu thị.
Gánh chịu hậu quả ấy chính là nhân dân, chính là con em chúng ta, chính là tương lai đất nước chúng ta.
Loại khỏi hệ thống giáo dục các cán bộ quản lý, các nhà giáo yếu kém năng lực và đạo đức nghề nghiệp vốn là chuyện rất bình thường, không muốn làm hoặc ngại làm mới là không bình thường. Tiếc rằng đến thời điểm này, điều không bình thường ấy lại là chuyện … bình thường.
Tài liệu tham khảo:
[1] http://antt.vn/hieu-truong-dai-hoc-thanh-tay-phat-ngon-cho-bua-de-doa-bao-chi-0117209.html
[4] http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/bac-ninh-lum-xum-chuyen-mua-ban-truong-hoc-890473.htm
[5]http://daidoanket.vn/PrintPreview.aspx?ID=85945
[6]http://laodong.com.vn/xa-hoi/dai-hoc-quy-nhon-lum-xum-chuyen-ban-diem-ga-tinh-238695.bld
[7]http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/131614/ket-luan-nhieu--lum-xum--ve-dh-kinh-te-quoc-dan.html
[8]http://giadinh.net.vn/xa-hoi/vu-lum-xum-tai-truong-dh-dong-a-dau-vao-cao-dang-dau-ra-trung-cap-20131113095235936.htm
Trích dẫn tài liệu tham khảo:
Đại học Nguyễn Tất Thành có lừa sinh viên du học?
http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/172254/dai-hoc-nguyen-tat-thanh-co-lua-sinh-vien-du-hoc-.html
Thời gian qua ở huyện Yên Phong (Bắc Ninh) dư luận đang dấy lên chuyện “bán trường” THPT Tư thục Nguyễn Trãi. Cơ quan chức năng khẳng định việc mua bán này là minh bạch, khách quan nhưng khi người tố cáo đề nghị được giám định chữ ký thì lại bị “bỏ quên”.
http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/bac-ninh-lum-xum-chuyen-mua-ban-truong-hoc-890473.htm
Vụ “lùm xùm” tại Đại học Ngoại thương: “Con sâu” đấu đá làm “rầu” môi trường sư phạm
http://dantri.com.vn/ban-doc/con-sau-dau-da-lam-rau-moi-truong-su-pham-689485.htm
Kết luận nhiều 'lùm xùm' về Đại học Kinh tế quốc dân
http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/131614/ket-luan-nhieu--lum-xum--ve-dh-kinh-te-quoc-dan.html
Lùm xùm tại Trường Cao đẳng nghề Phú Thọ: Công an tỉnh Phú Thọ kết luận tố cáo không có cơ sở?
http://daidoanket.vn/PrintPreview.aspx?ID=85945
Cao đẳng Công nghệ thông tin TP HCM không có người điều hành