Ngày 22/9/2016, trên một số phương tiện thông tin phát đi bản tin cho biết Thành phố Hồ Chí Minh đã có đề án thi quốc gia riêng gửi xin ý kiến Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thông tin này, cùng với việc thành phố Hồ Chí Minh từng xin làm sách giáo khoa riêng lập tức gây chú ý. Nhiều chuyên gia giáo dục bày tỏ lo ngại về một "quốc gia giáo dục riêng" ở thành phố phương Nam này.
Liên quan đến vấn đề này, trả lời phóng viên Giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Ngày 07/6/2016, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm việc với lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh về phát triển giáo dục và đào tạo Thành phố.
Kết luận buổi làm việc, hai bên thống nhất Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh sẽ ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển giáo dục và đào tạo thành phố, đồng thời chỉ đạo UBND Thành phố xây dựng Đề án tổng thể phát triển giáo dục và đào tạo thành phố đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Năm 2017, Bộ tiếp tục tổ chức kỳ thi quốc gia thống nhất cả nước (Ảnh: giaoduc.net.vn) |
Trong đề án này thành phố Hồ Chí Minh sẽ thí điểm thực hiện một số mô hình giáo dục và cơ chế phù hợp với đặc thù của thành phố, trong đó có nội dung:
"Tăng cường phân cấp cho thành phố thực hiện hầu hết các khâu trong tổ chức thi và xét tốt nghiệp trung học phổ thông dưới sự giám sát, hỗ trợ của Bộ, đảm bảo độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh".
Sau buổi làm việc với thành phố Hồ Chí Minh và kết thúc kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng và công bố dự thảo phương án thi trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2017.
Theo đó, năm 2017 Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia thống nhất trong cả nước nhằm mục đích xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và làm căn cứ để xét tuyển vào đại học, cao đẳng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tăng cường phân cấp cho các địa phương thực hiện hầu hết các khâu trong tổ chức thi và xét tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2017 dưới sự giám sát, hỗ trợ của Bộ, đảm bảo độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh.
Khi nhận được Đề án chính thức của thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xem xét trên nguyên tắc phù hợp với các quy định chung và các điều kiện đặc thù của Thành phố.