“Thế giới méo” và “Táo vẹo”

06/02/2017 08:56
Xuân Dương
(GDVN) - Ngày nay mọi thứ đều có thể tìm được trên mạng toàn cầu, kể cả những bí mật cung đình. Thế nên nói dối ngày nay khó hơn ngày xưa...

Trái đất vốn không tròn, cũng không phải hình cầu, loài người nói “trái đất tròn” hay “quả địa cầu” chẳng qua là chấp nhận sai lầm tồn tại từ thời Hy Lạp cổ đại (thuyết Địa tâm của Aristotle và Ptolemy). 

Trái đất vốn méo, vốn bẹt như quả cam Canh bày trên mâm ngũ quả ngày Tết của người Việt nên tất cả những thứ mà nó sinh ra chẳng có lý gì lại tròn vo không góc cạnh. 

Từ cỏ cây, hoa lá, muông thú đến con người, ngay cả những thứ trừu tượng mà con người tạo ra như các học thuyết, chân lý cũng xù xì, cũng gai góc. 

“Méo” mới là đặc trưng điển hình của vạn vật chứ không phải tròn vo như nhiều người lầm tưởng.

Bước sang thế kỷ 21, người ta hy vọng thế giới sẽ hòa bình, loài người sẽ yêu thương nhau và ngôi nhà chung của nhân loại sẽ không bị tàn phá bởi chiến tranh, bởi lòng tham của giới tư bản và cuồng vọng của giới chính trị. 

Nhân loại không khỏi sửng sốt khi chứng kiến một năm 2016 đầy biến động, các nước phương Tây cùng với Nga, Thổ, Do Thái đua nhau dội bom, đạn ở Trung Đông. 

Các dải cát ngầm mà Trung Quốc cướp được ở Biển Đông giờ đã thành các đảo nhân tạo, đã và đang thành pháo đài quân sự.

Donald Trump, một nhà buôn cự phách suốt 20 năm (từng bị cáo buộc không đóng thuế), một người mà giới chính trị gọi là “dân nghiệp dư” trở thành ông chủ thứ 45 tòa Bạch Ốc sau một cuộc bầu cử đầy tranh cãi.

Trái đất vốn không phải hình tròn. (Ảnh minh họa: Vietnamnet.vn)
Trái đất vốn không phải hình tròn. (Ảnh minh họa: Vietnamnet.vn)

Nước Anh đang tiến hành tiến trình pháp lý rời khỏi Liên minh Châu Âu (Brexit), trong khi nước Mỹ dưới thời Donald Trump dự định xây bức tường dài hàng nghìn cây số ngăn cách với Mexico. 

Lãnh đạo nhà nước Do Thái không ngại ngần lên án chính sách của Hoa Kỳ, còn Trung Quốc thì lại muốn con đường tơ lụa mới với những “một vành đai, một con đường”,…

Ở Châu Á, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bị luận tội vì dính líu đến vụ bê bối liên quan đến bạn thân của mình.  

Tổng thống Philippine Rodrigo Duterte bị nhiều chính trị gia, tổ chức nhân đạo quốc tế  phê phán vì chiến dịch chống ma túy, còn ông Rodrigo Duterte đáp trả rằng “Liên hợp quốc ngu ngốc”. 

Cuối năm 2016, hàng ngàn người biểu tình chống chính phủ Malaysia, yêu cầu Thủ tướng Najib Razak từ chức vì liên quan tới một đại án biển thủ công quỹ nhiều tỉ USD. 

Sau nhiều năm bị tù đày, bà Aung San Suu Kyi trở thành người lãnh đạo đất nước Myanmar dù không phải là Tổng thống. 

Ở Trung Quốc, hàng loạt yếu nhân chính trị thời ông Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào bị hạ bệ, bị “bóc lịch” dài hạn trong nhà tù, không ít người chọn con đường tự tử nhằm tránh bị đưa ra trước vành móng ngựa.

Ở Việt Nam, “bé” như Trịnh Xuân Thanh, “lớn” như Vũ Huy Hoàng đều “ốm”, đều phải chữa bệnh, và hiện đang có dư luận rằng không ít người đang âm thầm chuẩn bị hộ chiếu, có “tín hiệu” là xuất ngoại kể cả theo đường “tiểu ngạch”!

Hợp rồi lại tan, tan rồi lại hợp, thế kỷ 21 bắt đầu bằng sự chia cắt hơn nhiều hơn là sự liên kết, quyết định của người Anh, người Mỹ, người Phi, người Do Thái, người Campuchia,… cho thấy chẳng bao giờ có chuyện hai quốc gia, hai dân tộc lại có chung vận mệnh, chung lợi ích. 

Chuyện nước lớn không đi đêm trên lưng nước nhỏ chỉ có trong cổ tích, chẳng có ai tin vào lời hoa mỹ của giới đầu cơ chính trị. 

Dẫu gam màu hữu nghị vẫn hiện hữu trong các bài diễn thuyết nhưng cả người nói và người nghe đều hiểu “gặp thời thế, thế thời phải thế” ngoại trừ một vài trường hợp mà sử sách gọi là “cõng rắn cắn gà nhà”.

Khi mà Ukraina ngả sang phía Tây chống lại Nga thì Thổ Nhĩ Kỳ lại làm lành với Nga chống lại phương Tây, còn Philippines, Malaysia thì đang “hảo hảo” với Trung Quốc,… 

“Thế giới méo” và “Táo vẹo” ảnh 2

Bành trướng, bá quyền dễ dẫn đến diệt vong

Nước Mỹ hôm nay không phải được điều hành bởi những chính khách “nhẵn nhụi” mà là các nhà tài phiệt. Một khi Tổng thống là người thông thạo việc kinh doanh từng bị cáo buộc trốn thuế thì giới chóp bu Nhà Trắng cũng không lạ gì cách lấy tiền của thiên hạ. 

Một nước Trung Quốc giỏi lấy tiền của thiên hạ thì chẳng dại gì không lấy tiền của hàng xóm cận kề. Bởi thế, có người nghi ngờ họ sẽ chẳng dại gì toàn tâm giúp đỡ để tồn tại quanh mình những quốc gia đủ sức tự cường.

Sẽ không bao giờ có một thế giới đơn cực, và cũng chẳng bao giờ có một sức mạnh vật chất hay tinh thần nào có thể thống trị toàn thế giới.

Sự tồn tại cùng lúc của Phật giáo, Thiên chúa giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo và nhiều “giáo” khác chỉ là một minh chứng về sự đa dạng của đức tin. 

Trong một thế giới biến động từng giờ từng phút như thế thì người Việt làm gì?

Tết Đinh Dậu trôi qua trong không khí khá trầm lắng, không pháo nổ, không pháo hoa, Hà Nội cũng không thấy tiếng xe máy rầm rập từ ngoại thành đổ về Bờ Hồ đêm giao thừa như mọi năm. 

Người nhà quê bớt những nghi thức chúc tụng rườm rà, lũ trẻ không còn quây quần quanh nồi bánh chưng mà quay sang tivi với trò chơi điện tử. 

Không bắn pháo hoa đêm giao thừa, Hà Nội tiết kiệm được khoảng 10 tỷ, thế nhưng người Hà Nội đốt vàng mã hết 400 tỷ trong một năm. 

Kẹt xe với chiều dài vài ba cây số là chuyện bình thường ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi lần kẹt xe ấy quy ra tiền không biết có được vài tối bắn pháo hoa, không biết sẽ xây được bao cầu dân sinh miền núi và vùng sông nước?

Sự chờ đợi háo hức chương trình “Gặp nhau cuối năm” xuân Đinh Dậu này có gì đó hụt hẫng, ít có tiếng cười rơi nước mắt như những năm trước.

Nói như một nghệ sĩ tham gia chương trình “Sao Táo của chúng ta lại “vẹo” thế? Biết nói gì đây hả anh Đỗ Thanh Hải?”.

“Thế giới méo” và “Táo vẹo” ảnh 3

Lễ hội và sự xấu xí của không ít người Việt

Trong bốn Táo lên thiên đình, năm nay không thấy Táo Văn hóa - Thể thao dù rằng lần đầu tiên trong lịch sử thể thao nước nhà, chúng ta có huy chương vàng olympic mùa hè.

Có phải vì văn hóa đã không còn gì để nói, có phải quá nhiều scandal liên quan đến hoa hậu, ca sĩ, cầu thủ,… được đưa lên mặt báo nên chẳng cần Táo “Văn hóa”? 

Xem chương trình “Táo vẹo”, khi các Táo cãi nhau, đi đêm với nhau để đối phó với Ngọc Hoàng thì Ngọc Hoàng ngủ gật, chợt cảm thấy Ngọc Hoàng - Quốc Khánh năm nay “nhàu nhĩ” quá. Có phải vì ngồi ghế Ngọc Hoàng quá lâu nên ngay cả nhăn nhó của Quốc Khánh bây giờ cũng kém … “duyên”? 

Thế giới mà loài người đang sống, cả tự nhiên và xã hội đều “méo”, suy cho cùng đó mới là bình thường, mới là sự đa dạng.

“Tròn” chẳng qua chỉ là trường hợp cá biệt, là hiện tượng chỉ chiếm một phần triệu, một phần tỷ trong những cái “méo” mà tự nhiên sinh ra.

Rõ ràng tự nhiên hoàn toàn có lý khi không sinh ra những thứ tròn vo bởi những thứ tròn như viên bi chỉ có thể tìm đến chỗ trũng và yên vị suốt đời ở đó, đã là “bi” thì chỉ biết lăn chứ không biết bò hay vẫy cánh trong khi loài người đều thống nhất, rằng “những đỉnh cao muôn trượng chỉ có bò sát và chim ưng là vươn tới được”.

Thế nhưng cũng chính tự nhiên lại cho thấy, trong hàng tỷ thực thể hay hiện tượng  “méo” vẫn xuất hiện - dù là rất ít - những cái được xem là “tròn”, thế nên nếu có mong muốn một “chân lý tròn trịa” kiểu viên bi thì cũng không có gì trái quy luật, bởi dù là quy luật tổng quát vẫn luôn có ngoại lệ. 

Ngạn ngữ có câu: “nồi tròn úp vung tròn, nồi méo úp vung méo”, điều tiền nhân khuyên bảo là đứng có đem cái vung méo úp vào nồi tròn hay vung tròn úp vào nồi méo.

“Thế giới méo” và “Táo vẹo” ảnh 4

Chào xuân Đinh Dậu

Quan trọng là phải biết cái nồi của mình tròn hay méo để chọn vung cho phù hợp.

Nhìn khắp thiên hà, chừng nào trái đất còn cô độc trong vũ trụ, chừng nào những mâu thuẫn nội tại trong từng quốc gia không thể giải quyết thì “xuất khẩu chiến tranh” hoặc “chiến tranh ủy nhiệm” vẫn là phương sách được các chính trị gia lựa chọn.  

Bốn cuộc chiến tranh đang diễn ra cùng lúc ở Ukraina, Syria, Iraq và Yemen đều có bóng dáng lực lượng quân đội và vũ khí nước ngoài.

Bầu không khí căng thẳng tại Đông Bắc Á, Biển Đông,… cho thấy thế kỷ 21 không phải là thời kỳ bình yên mà nhân loại mộng tưởng.

Sau chiến tranh là hòa bình, dù muốn hay không muốn, sau hòa bình sẽ lại là chiến tranh.

Sau tự do là độc tài, quân phiệt, sau độc tài, quân phiệt lại là thời kỳ của tự do, dân chủ, đó chính là quy luật phát triển theo đường xoáy ốc của xã hội loài người mà các nhà triết học đã khẳng định. 

Bằng vào ý chí chủ quan của con người, liệu có thể chống lại quy luật đó, liệu có thể tìm được một ví dụ chứng minh, rằng con người có thể thay đổi quy luật vận hành của tự nhiên và xã hội?

Nhìn trang phục và quyết sách của những tân Tổng thống như Donald Trump, Rodrigo Duterte, Joko Widodo,… liệu có thể nói thời của các chính trị gia chỉn chu comple, cà vạt đã chấm dứt, không còn là những gò bó kiểu kinh viện, giờ là thời của những người ăn mặc kiểu bình dân, quyết sách ngẫu hứng và làm những việc mà giới hàn lâm chỉ nghe cũng không muốn? 

Bằng vào hành động của những gương mặt mới xuất hiện trên chính trường, từ Mỹ đến Philippines, Thổ Nhì Kỳ, Indonesia, Ukraina… liệu đó có phải bắt đầu chu kỳ mà tự do phải nhường bước cho sự độc đoán, thời của chủ nghĩa dân túy? 

Tổng thống Donald Trump bắt đầu nhiệm kỳ với khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết”, ông Tập Cận Bính quảng bá “Tập thuyết”: “Phục hưng dân tộc Trung Hoa”, còn Tổng thống Nga Putin thì nhấn mạnh:  “đưa nước Nga trở lại vị thế siêu cường”,…

Nước Anh không còn mặn mà với một liên minh Châu Âu già cỗi, họ muốn độc lập cả về chính trị và kinh tế, họ không hề mong muốn phải chia sẻ gánh nặng người tị nạn với các quốc gia khác.

Chẳng có chính khách nào đem vận mệnh quốc gia, dân tộc gắn với người ngoài, có phải vì thế mà dù có nhiều tiếng nói chỉ trích, những Tổng thống “kiểu mới” như Rodrigo Duterte, Donald Trump,… vẫn nhận được sự ủng hộ của không ít người dân trong nước?

Sự phá cách của không ít chính trị gia không đơn giản chỉ là hình thức bề ngoài, nó ngầm báo hiệu một trào lưu đang lớn mạnh, rằng người ta đã cảm thấy nhàm chán với những bào thủ, trì trệ, với những lý thuyết suông không mang lại gì thiết thực cho đất nước, con người? 

Thế giới vốn không tròn, lãnh đạo của mỗi quốc gia thì nên ứng xử thận trọng, đừng khiến hình ảnh của mình trở nên... méo mó. nguồn ảnh: Apartmenttheray

Thế giới vốn không tròn, lãnh đạo của mỗi quốc gia thì nên ứng xử thận trọng, đừng khiến hình ảnh của mình trở nên... méo mó. nguồn ảnh: Apartmenttheray

Nói đến một quốc gia hùng mạnh là nói đến kinh tế và quân sự, thế giới không có khái niệm “siêu cường chính trị” hay “siêu cường văn hóa”. 

Muốn là siêu cường quân sự, trước hết phải là siêu cường kinh tế, nếu đa số người nắm quyền chỉ đạo kinh tế mà bất tài, tham lam như trường hợp Vũ Huy Hoàng thì đất nước chắc chắn sẽ thành con nợ. 

Chỉ riêng số tiền đội vốn đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã là 250 triệu USD, tương đương 5.500 tỷ đồng, đây là số tiền mà Hà Nội phải ngừng bắn pháo hoa trong 550 năm mới có được.

Số tiền lỗ mà nhà máy Đạm Ninh Bình dự kiến năm 2017 là khoảng 1.200 tỷ đồng, nếu tỉnh Ninh Bình cũng “tiết kiệm pháo hoa” như Hà Nội thì phải 120 năm mới đủ bù lỗ cho nhà máy mà người ta xây trên quê hương mình.

Không thể nói nước Việt không có người tài, càng không thể nói người Việt không biết làm việc, chỉ có thể là người dân đang theo dõi, đang chờ xem những lời hứa được thực hiện như thế nào?.

Sử sách ngày xưa ghi chép có thể bị thất lạc, có thể có sai sót do chủ quan của người chép sử.

Ngày nay mọi thứ đều có thể tìm được trên mạng toàn cầu, kể cả những bí mật cung đình. Thế nên nói dối ngày nay khó hơn ngày xưa còn nói thật chưa chắc đã là điều được khuyến khích.

Đầu xuân viết mấy dòng gọi là khai bút, đúng sai chưa biết, thôi thì cứ viết rồi chờ cao kiến của bạn đọc. Cầu chúc mọi người tự tìm thấy hạnh phúc cho mình.

Xuân Dương