Nikkei: Còn quá sớm để nói Tập Cận Bình thắng Giang Trạch Dân

30/09/2015 15:40
Hồng Thủy
(GDVN) - Tôi không bao giờ tưởng tượng được rằng Tập Cận Bình dám thay bút tích của Giang Trạch Dân bằng của mình. Đây là một cú đánh mạnh trắng trợn nhằm vào Giang.

Asia Nikkei Review ngày 30/9 đưa tin, trong một bài phát biểu tại Seattle, chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du Hoa Kỳ hôm 22/9, Tập Cận Bình đã cố gắng thay đổi nhận thức rộng rãi trong dư luận rằng, chiến dịch chống tham nhũng đả hổ đập ruồi của ông không phải nỗ lực thanh trừng đối thủ chính trị.

Hai ông Giang Trạch Dân, Tập Cận Bình trên lễ đài Thiên An Môn hôm 3/9. Ảnh: Rediff.
Hai ông Giang Trạch Dân, Tập Cận Bình trên lễ đài Thiên An Môn hôm 3/9. Ảnh: Rediff.

Bất chấp những nỗ lực xóa bỏ nhận thức này, chiến dịch dập tắt nạn tham nhũng trong nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc và chính phủ nước này vẫn được nhận định một cách rộng rãi là cuộc chiến chính trị dữ dội đằng sau cánh cửa khép kín ở Trung Nam Hải, Asia Nikkei Review bình luận.

Trong suốt 2 năm rưỡi cầm quyền, ông Bình đã hạ được các chính khách nặng ký như Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng, 3 nhân vật chủ chốt của phe cánh Giang Trạch Dân.

Bởi các đòn tấn công không ngừng của Tập Cận Bình vào phe nhóm Giang Trạch Dân, sự xuất hiện của ông Dân trên lễ đài Thiên An Môn trong ngày duyệt binh 3/9 đã gây ra ngạc nhiên cho dư luận. Tập Cận Bình đã mỉm cười khi nói chuyện với Giang Trạch Dân và ông Dân cũng đáp lại bằng nụ cười.

Nhưng cử chỉ thân thiện của 2 nhà lãnh đạo đương nhiệm và nghỉ hưu chỉ đơn giản là một hành động thể hiện sự thống nhất trong đảng. Tập Cận Bình đã cho thấy ông không có ý định nới lỏng chiến dịch dẹp bỏ tàn dư ảnh hưởng chính trị của Giang Trạch Dân trên vũ đài chính trị Trung Quốc.

Dấu hiệu rõ nhất cho quyết tâm sắt đá của Tập Cận Bình để dẹp "bè lũ Thượng Hải" mà đứng đầu là Giang Trạch Dân là việc gỡ bỏ khẩu hiệu do Giang Trạch Dân chắp bút tại Học viện Chính trị quân sự Nam Kinh ở Thượng Hải và thay thế bằng đề từ của Tập Cận Bình.

Đề từ của Tập Cận Bình trên tường Học viện Chính trị quân sự Nam Kinh tại Thượng Hải. Ảnh: Asia Nikkei Review.
Đề từ của Tập Cận Bình trên tường Học viện Chính trị quân sự Nam Kinh tại Thượng Hải. Ảnh: Asia Nikkei Review.

Một người vừa đến thăm học viện này đã rất ngạc nhiên khi thấy bức thư pháp đề tặng nhà trường của Giang Trạch Dân bị gỡ bỏ, một bức thư pháp mới đề tặng của Tập Cận Bình thay thế. "Tôi không bao giờ tưởng tượng được rằng Tập Cận Bình dám thay bút tích của Giang Trạch Dân bằng của mình. Đây là một cú đánh mạnh trắng trợn nhằm vào Giang Trạch Dân".

Mặc dù đề tài này bị hạn chế chặt chẽ trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc, nhưng trận chiến phía sau hậu trường giữa ông Tập Cận Bình với "bè lũ Thượng Hải" của Giang Trạch Dân ngày càng trở nên quen thuộc với công chúng tại Thượng Hải.

Đề tặng mới của Tập Cận Bình viết: "Nỗ lực xây dựng quân đội nhân dân nghe đảng chỉ huy, biết đánh thắng giặc, tác phong ưu tú. Tập Cận Bình". Nói cách khác, Tập Cận Bình thể hiện rõ ông coi quân khu Nam Kinh là đơn vị tham nhũng, yếu kém và không vâng lời.

Cuối năm ngoái ông Bình đã kiểm tra trụ sở quân khu Nam Kinh, nơi ảnh hưởng chính trị của Giang Trạch Dân còn mạnh. Tập Cận Bình cũng cất nhắc các đồng minh từ đại quân khu này về quân khu Bắc Kinh có trách nhiệm bảo vệ thủ đô và Cảnh sát vũ trang có trách nhiệm duy trì pháp luật và trật tự.

Tập Cận Bình có một mạng lưới các quan hệ cá nhân ở quân khu Nam Kinh nhờ khoảng thời gian khá dài làm việc ở Phúc Kiến và Chiết Giang trước đây. Với những động thái này, Tập Cận Bình muốn quét sạch ảnh hưởng của Giang Trạch Dân và củng cố quyền kiểm soát của mình với quân đội.

Ông Bình đã phô diễn khả năng kiểm soát quân đội thông qua cuộc duyệt binh 3/9 ở Thiên An Môn. Sự kiện này Tập Cận Bình đã giao cho Lý Khắc Cường chủ trì chuẩn bị, trong khi các cuộc duyệt binh trước đây thường do các quan chức hàng đầu của Bắc Kinh phụ trách. Sự thay đổi nhỏ cho thấy biểu tượng của khả năng tập trung quyền lực vào tay Tập Cận Bình.

Chủ tịch nước Trung Quốc cũng công bố kế hoạch cắt giảm 300 ngàn quân, trong đó chủ yếu là sĩ quan. Kế hoạch này cho phép Tập Cận Bình công khai loại bỏ các tướng tá không trung thành với mình bằng cắt giảm biên chế, một nhà quan sát nói với Asia Nikkei Review. Đuổi được Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng và thân tín, Tập Cận Bình dường như tin rằng mình đã nắm được quân đội trong tay.

Gần đây Tập Cận Bình cũng đi nước cờ mang tính biểu tượng nhằm làm giảm sức mạnh chính trị của Giang Trạch Dân. Bức thư pháp đề từ của Giang Trạch Dân ngay mặt tiền ngoài cổng Trường Đảng trung ương cạnh Cung điện Mùa Hè ở Bắc Kinh, nơi khách du lịch thường chụp ảnh lưu niệm khi đi qua bị di chuyển vào bên trong để ít người nhìn thấy nó.

Các nhà quan sát cho rằng sự di chuyển này là dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng chính trị của Giang Trạch Dân đang suy giảm. Ngay trước khi chuyển bức thư pháp của Giang Trạch Dân vào bên trong cổng Trường Đảng trung ương, Nhân Dân nhật báo đã có bài xã luận lên án các cựu quan chức cấp cao tìm cách duy trì ảnh hưởng sau khi nghỉ hưu.

Với chiến dịch chống tham nhũng, Tập Cận Bình đang tập trung quyền lực vào tay mình như Mao Trạch Đông hay Đặng Tiểu Bình, nhưng trận chiến này không đơn giản vì rất nhiều cựu "nguyên lão đại thần" sẵn sàng chống lại. Tham dự lễ duyệt binh 3/9 còn có 15 cựu ủy viên Thường vụ Bộ chính trị còn sống, ngoại trừ Chu Vĩnh Khang đang ở trong tù.

Những cựu quan chức này vẫn còn ảnh hưởng đáng kể trên vũ đài chính trị "lộn xộn" của Trung Quốc, còn quá sớm để kết luận rằng Tập Cận Bình đã giành chiến thắng trong cuộc đấu tranh quyền lực loại bỏ ảnh hưởng của phe nhóm Giang Trạch Dân, Asia Nikkei Review kết luận.

Hồng Thủy