Năm 2016 – Một góc nhìn

03/01/2017 08:58
Trương Khắc Trà
(GDVN) - Đây là năm bản lề một nhiệm kỳ của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, những quyết tâm như của Tổng Bí thư, Thủ tướng cần được triển khai mạnh mẽ.

LTS: Nhìn lại những sự kiện nổi bật năm 2016, tác giả Trương Khắc Trà chia sẻ góc nhìn của mình về tình hình của đất nước trong năm qua.

Bên cạnh đó, tác giả cũng gửi gắm những kỳ vọng vào những quyết sách mới của Đảng và Nhà nước sẽ mang đến một năm mới với nhiều điều tốt đẹp cho đất nước, cho người dân.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Năm 2016 đã trôi qua. Đó là một năm diễn ra rất nhiều sự kiện quan trọng lẫn vụ việc lớn và nghiêm trọng, thu hút sự quan tâm lẫn day dứt của dư luận xã hội.

Bởi cả sự kiện, lẫn vụ việc, cả đối nội lẫn đối ngoại đều liên quan đến vận nước, liên quan tới sự phát triển hoặc ngược lại, tụt hậu của quốc gia.

Đại hội lần thứ XII Đảng Cộng Sản Việt Nam diễn ra trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế diễn biến hết sức phức tạp.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử và Ban chấp hành Trung ương mới đứng trước thách thức “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến”, “lợi ích nhóm thân hữu” trong nội bộ Đảng – nguy cơ trực tiếp ảnh hưởng đến sự tồn vong của chính đảng cách mạng.

Năm 2016 – Một góc nhìn ảnh 1

9 tồn tại, hạn chế và 10 thành tựu nổi bật năm 2016 của đất nước

Chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cũng chính là ngăn chặn tình trạng “nhạt phai lý tưởng” mất niềm tin vào chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đấu tranh loại bỏ sự hình thành tầng lớp đặc quyền đặc lợi trong Đảng.

Bài học từ sự sụp đổ của Liên bang Xô viết đã cho thấy “đêm trước” của cuộc đại sụp đổ là thời kỳ huy hoàng của một bộ phận nhỏ trong Đảng cộng sản Liên Xô lúc đó, bộ phận này tuy nhỏ nhưng quyền lợi thụ hưởng bao trùm toàn xã hội!

Trong tình hình đó, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng là phải củng cố lý tưởng, làm rõ thêm các luận điểm khoa học trong chủ nghĩa Mác, đồng thời mạnh dạn loại bỏ những điểm mà thực tiễn đã cho thấy bất hợp lý.

Làm sống dậy tính đúng đắn, khoa học của phép biện chứng duy vật, khơi lên hạt nhân hợp lý của con đường đi lên xã hội chủ nghĩa.

Đó là nhiệm vụ vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin trong tình hình mới, định hình rõ hơn khái niệm “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” làm cơ sở lý luận, đảm bảo yêu cầu không tách khỏi xu thế chung của nhân loại nhưng không để mất phương hướng.

Hiện tượng nhân danh Đảng, cơ hội chính trị, phá hoại lý tưởng ngày càng hiện rõ nguyên hình, tham nhũng, suy thoái đạo đức công vụ, gây hậu quả nghiêm trọng rồi bỏ trốn, tạo tiền lệ xấu và vẽ ra một con đường mới, nguy hiểm hơn cho nhóm lợi ích tiếp tục hoành hành phá hoại đất nước. 

Trước những nguy cơ lớn, mà ông Nhị Lê - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản đã hình tượng hóa “củ khoai tây”: “Đó là, bề ngoài tưởng một khối thống nhất, nhưng bên trong thì năm bè, bảy mảng.

Một số tổ chức đảng là tập hợp những “củ khoai tây” trong cái bao tải. Cắt cái dây một cái là nó bung ra mỗi củ khoai tây lăn một góc.

Các tổ chức chi bộ đảng có nguy cơ thành hàng ngàn những“bao tải khoai tây”[1].

Nhận rõ được mối nguy này, Nghị quyết 04 Khóa XII đã chỉ ra 27 biểu hiện suy thoái cần đấu tranh loại bỏ, có thể coi đây là dấu ấn, quyết tâm lớn của Tổng Bí thư, Ban chấp hành TW nhiệm kỳ mới trong năm 2016.

Năm 2016 – Một góc nhìn ảnh 2

"Chỉ sau một cuộc bỏ phiếu, có người bỗng khệnh khạng, oai vệ và bề trên hơn”

Lần đầu tiên “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được chỉ mặt đặt tên cụ thể từ cung cách làm việc đến lối sống, từ gia đình đến xã hội của mỗi đảng viên…

Một sự kiện quan trọng khác không thể không nhắc đến là cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV.

Hàng chục triệu cử tri trên cả nước đã bỏ phiếu bầu ra gần 500 đại biểu đại diện cho tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của mình, làm cầu nối giữa nhân dân với Đảng, chính quyền.

Có thể nói, đất nước có phát triển hay không trong 05 năm hoặc 10 năm tới là phụ thuộc một phần rất lớn vào những đại biểu được bầu trong khóa này,.

Bởi chính họ sẽ là những người có tiếng nói quyết định trên lĩnh vực lập pháp, xây dựng thể chế, định đoạt các vấn đề hệ trọng của đất nước. 

Sau khi Quốc hội khóa mới hình thành, Chính phủ mới của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã được ra mắt, điểm mới ở chỗ hầu hết các thành viên của Chính phủ là “người mới”.

Điều này hy vọng sẽ mang lại những luồng gió mới trong cung cách hoạt động và điều hành nền kinh tế.

Như tân Thủ tướng đã tuyên bố “Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân”[2].

Rất mừng vì tuyên bố này đã được triển khai thực hiện ngay, đó là những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ về khoán xe công, tiết kiệm chi phí công cán, đóng cửa rừng, cấm biếu xén, ngưng bắn pháo hoa để chăm lo Tết cho người nghèo… đều là những động thái hợp lòng dân.

Thủ tướng nêu rõ “Tết này, xin được nói với toàn thể quốc dân đồng bào và các đồng chí Bí thư, Chủ tịch các tỉnh, thành là không phải đi thăm Thủ tướng, các Phó thủ tướng và các Bộ trưởng nữa. Miền Nam không ra Bắc và miền Bắc cũng không đến Hà Nội”[3].

Điểm sáng của năm 2016 rõ ràng cần phải được duy trì, đây là năm bản lề một nhiệm kỳ của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, những quyết tâm như của Tổng Bí thư, Thủ tướng cần được triển khai mạnh mẽ, cần được thể chế hóa để đưa vào cuộc sống chứng không phải chỉ dừng lại ở những phát ngôn ấn tượng.

Tuy nhiên, năm 2016 cũng để lại nhiều di chứng tai hại, có những tai hại được đẻ ra bởi "bà mẹ đúng quy trình” nhưng di chứng của nó rất khó để xóa bỏ trong một sớm một chiều.

Năm 2016 – Một góc nhìn ảnh 3
"Đúng quy trình" là cụm từ được nhắc đến rất nhiêu trong năm 2016. (Ảnh minh họa: Tuoitre.vn)

Chưa năm nào cụm từ “đúng quy trình” lại nổi lên như một “nhân vật” tối thượng thò bàn tay nhem nhuốc đến nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước.

Nhiều vấn đề đến nỗi mỗi khi ai đó mở miệng ra nói “đúng quy trình” thì lập tức thiên hạ lại nổi cơn thịnh nộ, thậm chí có người còn bảo “thật trơ trẽn”!

Phổ biến đến mức tất thảy mọi thứ khi vướng vào tiêu cực đều đổ cho “quy trình”!

Điển hình là công tác bổ nhiệm cán bộ với chủ trương “tìm người nhà”, cứ dăm ba bữa báo chí lại tìm ra một vụ nhân sự “cây nhà lá vườn”.

Có thể thấy “hội chứng” đó thật đa dạng về vùng miền, tính chất, dân tộc, cả cách tìm, và ngày càng có xu hướng đẩy nhanh tốc độ. 

Nếu trước đây, chỉ là cấp huyện, xã như vụ “cả họ làm quan ở Mỹ Đức” thì nay có thể thấy “hội chứng” đó lan ra ở cấp Cục, như ở Cục Thuế Quảng Bình, ở cấp Bộ (Tổng cục) như Tổng Công ty Bảo đảm An toàn Hàng hải miền Nam, Bộ Công thương, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ…

Nếu trước đây, chỉ ở miền xuôi, nay té ra, “hội chứng” này phát ở cả miền núi. Đến mức, gia đình một quan chức thuộc một tỉnh miền núi đã được dư luận xã hội tôn vinh “Gia đình toàn nhân tài”.

Nếu trước đây việc tìm người tài chỉ nhắm vào họ hàng thì bây giờ người ta tìm cả người… cùng nhà!

Năm 2016 – Một góc nhìn ảnh 4

Đừng ngủ quên trên hào quang của quá khứ!

Nếu trước kia “đúng quy trình” được hiểu là đủ thời gian công tác, điều kiện về kinh nghiệm, bằng cấp, chứng chỉ…

thì nay “đúng quy trình” chính là chiều theo ý chí của một vài cá nhân nào đó, là những cú “nhảy cóc”, “phiên ngang” có uy lực tung hỏa mù phù phép hô không thành có, biến có thành không!

Sự cố môi trường ở Miền Trung là bố cục không thể thiếu để tạo nên bức tranh đa sắc màu của năm, “cái ống xả” khổng lồ từ khu gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã gây mối họa cả trước mắt lẫn tiềm tàng về sau. Cho đến hôm nay, chúng ta vẫn đang phải ra sức khắc phục hậu quả và hy vọng với sự vào cuộc quyết liệt, sự việc sẽ không tái diễn.

Năm 2016, một năm mà đồng bào Miền Trung phải gồng mình gánh chịu đợt thiên tai lẫn nhân tai, những trận lũ từ Nghệ An tới Khánh Hòa được gây ra bởi “ông trời” dưới sự giúp sức của con người.

Và một lần nữa “đúng quy trình” lại được đưa ra sử dụng như một biện pháp “trơ trẽn hóa” cần thiết của các nhà máy thủy điện khi xã lũ cứu đập… hại dân!

Giờ này, khi cả nước nô nức chuẩn bị đón Tết thì đồng bào Miền Trung vẫn đang nỗ lực khắc phục hậu quả lũ lụt.

Và thật sự cần thiết phải tắt pháo hoa trên trời để chăm lo cho cuộc sống dưới mặt đất, phải nghiêm cấm hoạt động biếu xén để dành thời gian đến với những vùng quê thiếu cái ăn trong ngày Tết…

Năm 2016 – Một góc nhìn ảnh 5

"Đùa trí tuệ”

Đâu đó trong khó khăn bĩ cực đã xuất hiện những “đóa hoa đời” tỏa hương, là câu nói của những cô giáo Trường Mầm non An Hiệp (Tuy An – Phú Yên) “thà cô chết chứ không để trò chết”[4].

Một năm mà dư luận bàng hoàng với nhiều vụ bạo hành trẻ em, những vụ án mạng kinh thiên động địa thì câu nói của cô giáo như làm lòng người ấm lại trong áp lực sinh tồn lắm lúc khiến lòng người nguội lạnh!

Tết Nguyên đán năm nay sẽ không còn thấy pháo hoa rợp trời, ít hơn những dòng người đổ về khu trung tâm chỉ để ngước mắt lên trời, chân giẫm lên nhau, nhưng chẳng sao!

Bớt đi 15 phút để hàng triệu người có cái ăn trong ngày Tết và mở ra một thói quen tiết kiệm chống lãng phí, tạo động lực cho năm mới phía trước nhiều thách thức đang chờ.

Tài liệu tham khảo:
[1] http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Nhung-con-so-hom-nay-va-ky-vong-ngay-mai-post165436.gd
[2] http://www.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2035
[3] http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/thu-tuong-tet-nay-lanh-dao-tinh-khong-phai-di-tham-thanh-vien-chinh-phu-3520390.html
[4] http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/loi-tam-su-tha-co-chet-chu-khong-de-tro-chet-vao-de-thi-van-20161224071436299.htm

Trương Khắc Trà