LTS: Những cảnh chen lấn, xô đẩy tại các lễ hội đang bị dư luận xã hội lên án. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề này cũng thật nan giải.
Bởi ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, dù được dạy nhiều về văn hóa xếp hàng nhưng học sinh vẫn thiếu ý thức về việc này.
Cô giáo Phan Tuyết cho rằng không chỉ nhà trường, mà mỗi gia đình, mỗi cá nhân đều phải tự thay đổi trong ý thức văn hóa nơi công cộng. Từ đó, trẻ em sẽ lấy đó làm gương để noi theo.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Nhìn cảnh nhiều người Việt hung hăng, lăn xả, cố sống cố chết, chen lấn, xô đẩy nhau để cướp lộc tại các lễ hội mà thấy ngao ngán.
Hình ảnh không đẹp này còn phổ biến ở các nhà ga, bến tàu hoặc bất cứ nơi nào khi “cung” ít hơn “cầu”.
Trước những cảnh tượng không lấy gì làm đẹp, người ta chỉ biết lên án, rồi lại ước ao: “Sao chúng ta không được như người Nhật?”.
Nhiều người thể hiện sự khâm phục thái độ bình tĩnh, kỷ luật, đặc biệt là ý thức văn hóa của người Nhật trong mọi hoàn cảnh.
Ngay cả trong thảm họa như sóng thần, người Nhật vẫn xếp hàng di tản, có được thói quen này không thể ngày một ngày hai, nó chắc chắn được rèn luyện qua nhiều thế hệ.
Để có được văn hóa cộng đồng như thế, ngay từ nhỏ học sinh trong các trường học đã được dạy dỗ và thực hành rất nghiêm túc.
Văn hóa xếp hàng cần được xây dựng từ khi trẻ còn nhỏ. (Ảnh: Thieunien.vn) |
Ngược lại với chúng ta, ngay trong các trường học, nơi hàng ngày thầy cô vẫn dạy các em “Văn, Trí, Lễ, Nghĩa” nhưng học sinh vẫn không biết xếp hàng khi mua bán.
Cứ đứng quan sát giờ ra chơi của tất cả các trường học ở 3 cấp, sau tiếng trống giòn giã vang lên, học sinh từ các lớp ùa ra như bầy ong vỡ tổ vây kín căn tin để mua hàng.
Em nào cũng muốn mua được trước. Thế là ra sức chen lấn, xô đẩy, giành giật nhau, tiếng la hét, đôi khi là tiếng chửi bới, đôi co vì ai đó bị giẫm lên chân, bị giành mất chỗ “cứ gọi là ồn ã đến náo nhiệt”.
Cảnh tranh giành chen lấn chỉ diễn ra trong vòng mươi lăm phút là xong, thế rồi hàng quán lại vắng tanh.
Dẫu thế, chẳng ai chịu nán lại chờ bạn mua xong rồi đến lượt mình. Ai có thể dám chắc những đứa trẻ này lớn lên lại biết xếp hàng từ tốn chờ tới lượt?
Những cảnh tượng này vẫn thường xuyên diễn ra từng ngày ở trường học trước mặt các thầy cô nhưng vẫn không được nhắc nhở hoặc có biện pháp nào để giáo dục các em.
Ai cũng cho đó là chuyện bình thường khi muốn mua hàng. Mặc dù hằng ngày thầy cô giáo luôn dạy các em phải biết xếp hàng khi mua bán, không được chen lấn xô đẩy nhau nơi đông người, người nọ phải biết nhường người kia…
Các em chỉ được học theo cách dặn dò mà không được thực hành vào công việc thực tế.
Học không đi với hành thì bao lý thuyết cũng chỉ là những thứ giáo điều mà các em nghe đó lại quên ngay.
Thay đổi một thói quen của người lớn trong một thời gian ngắn quả là rất khó nhưng giáo dục một đứa trẻ ngay từ những ngày đầu mới đến trường lại đơn giản hơn nhiều.
Nếu chúng ta vừa kết hợp dạy các em trên cơ sở lý thuyết như việc giúp các em hiểu ý nghĩa của việc xếp hàng? Vì sao lại phải xếp hàng? Tác hại của việc chen lấn, xô đẩy, việc tranh giành, cướp giật…
Học và thực hành hàng ngày bằng việc xếp hàng vào lớp, ra về, xếp hàng khi lấy đồ ăn trưa, mua hàng nơi căng - tin vào giờ ra chơi… Từ bài học thực tế, trẻ sẽ ý thức được những hành động của mình và tạo dần thói quen.
Thế hệ của chúng ta đã không được học nhiều về điều đó, nếu quyết tâm chúng ta vẫn sẽ tạo ra được một thế hệ trẻ có tinh thần kỉ luật cao, biết sống vì cộng đồng, có lối sống văn hóa, nhân văn nơi công cộng.
Từng người lớn cũng phải tự thay đổi mình chứ không chỉ biết ngồi so bì và ước ao.
Trong khi trẻ học cách xếp hàng mà ba mẹ lại chen lấn khi đi mua hàng, đi lễ hội làm sao có thể làm gương cho con được? Chính mỗi thầy cô, cha mẹ phải luôn gương mẫu các em mới noi theo.