LTS: Ít sợ lâu, hay thực ra là coi thường pháp luật, coi thường kỷ cương phép nước và coi thường chính bản thân mình?
Câu hỏi này là của thầy Đỗ Tấn Ngọc-gửi tới Tòa soạn từ Quảng Ngãi- khi thầy liên hệ với những chuyện trong trường học cũng như ngoài xã hội.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Bức xúc trước tình trạng nhiều học sinh ở các trường THPT thuộc Thành phố Quảng Ngãi, đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, chưa đúng độ tuổi quy định mà vẫn đi xe máy ngang nhiên ngoài đường nên lực lượng công an giao thông thành phố này, có thời gian, gia tăng tuần tra, kiểm tra và xử lý những trường hợp học sinh vi phạm.
Ngay lập tức, ý thức và việc thực hiện về an toàn giao thông của học sinh tốt lên hẳn, em nào đi xe đạp điện cũng đều có đội mũ bảo hiểm, chưa đúng độ tuổi không dám điều khiển xe máy ngoài đường nữa. Niềm vui ấy chưa được tày gang, nỗi lo cũ tái diễn.
Khi công an thành phố ít đi tuần, đi kiểm tra thì tình trạng vi phạm an toàn giao thông của học sinh lại nổi cộm lên, mặc cho nhà trường đã không biết bao nhiêu lần nhắc nhở, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, phụ huynh và học sinh từng ký vào bản cam kết chấp hành nghiêm luật lệ giao thông.
Đúng là hết biết cho ý thức và chấp hành Luật giao thông đường bộ của nhiều học sinh THPT ở thành phố của tôi. Nói, tuyên truyền, cam kết thì phớt lờ, bất chấp, chỉ có khi công an ra quân, mạnh tay kiểm tra, xử lý thì mới biết sợ.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet) |
Một chuyện khác, H., bạn tôi, làm lĩnh vực kinh doanh, năm nay 41 tuổi, mới mất vì bệnh ung thư dạ dày.
Đến thăm viếng, đưa tang, anh, em đồng nghiệp, bạn bè ai cũng không khỏi ngậm ngùi, thương xót trước sự ra đi của H., khi tuổi đời của anh còn trẻ.
H. đổ bệnh nan y, có phần do anh nhậu nhẹt, uống bia, rượu quá nhiều, mỗi ngày không có 5 đến 7 lon, chai bia vào bao tử, là miệng thấy khô, thấy thèm; là tay, chân run cầm cập…
Ngay cái ngày đau buồn đó, anh em, bạn bè nam giới của H. tự bảo với nhau rằng, từ nay trở đi sẽ giảm bớt nhậu nhẹt, bia rượu, biết giữ gìn sức khỏe cho mình hơn.
Nói thì dễ, làm thì khó. Những lời tự bảo nhau rất được ấy, thực ra chỉ có giá trị và thực thi chưa được một tuần lễ.
Mấy tuần nay, số anh, em, bạn bè trang lứa với H. lại quay về với quỹ đạo cũ, khi thường xuyên hú, gọi, tổ chức nhậu nhẹt, bia, rượu.
Hay như chuyện, nhiều hoạt động, lễ hội lớn được tổ chức khá bài bản, hoành tráng tại các địa phương, người dân và du khách đến tham dự, ngắm nhìn, vui chơi… tấp nập.
Song sau mỗi hoạt động, lễ hội, ban tổ chức, đội vệ sinh môi trường ở đó lại ngán ngẫm tình trạng vứt, xả rác, chai lọ… bừa bãi của không ít người dân thiếu ý thức về vệ sinh môi trường.
Mặc cho, thùng rác không thiếu, biển cấm đầy ngay trước mặt, các phương tiện thông tin đại chúng từng tuyên tuyền, phê phán liên tục cái kém cỏi ý thức môi trường.
Rác thải nguy hiểm đi xe riêng, cá nhân-tổ chức phải tự phân loại rác
(GDVN) - Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phân loại chất thải tại nguồn nhằm mục đích tăng cường tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý và thu hồi năng lượng.
Đất nước ta cũng đang nhức nhối và gia tăng tình trạng tái phạm tội về các tệ xã hội như: nghiệm ma túy, mại dâm, trộm cắp, cướp giật…
Có nhiều nguyên nhân, hoàn cảnh, con đường dẫn đến những trường hợp tái phạm tội, trong đó, không thể không nhắc đến lý do chủ quan, tự bản thân người tái phạm tội, là vì thiếu ý chí hoàn lương, dây “ thần kinh” sợ pháp luật gần như bị tê liệt, những tháng năm tù tội, cải tạo trước đó sớm lãng quên.
Trên đây là một số ví dụ về nhiều người Việt mình “ít sợ lâu” mà tôi từng chứng kiến và trải nghiệm.
Có người tham quan, học tập vài nước trong khu vực Đông Nam Á, gần ta thôi, từng bộc bạch: "Ở họ nơi đường phố, khu vui chơi, công cộng…ít thấy biển cấm, khẩu hiệu như ở ta, nhưng dân chúng họ tôn trọng, ý thức và thực hiện pháp luật hơn chúng ta gấp mấy chục lần.
Ta phải xem lại và thay đổi cách quản lý, thực thi pháp luật của mình”.
Đúng vậy, muốn thay đổi và xây dựng, hình thành được chiều sâu ý thức, văn hóa cộng đồng, thái độ và hành động thượng tôn pháp luật còn yếu kém, còn chậm tiến ở một phận người Việt ta thì không thể trông chờ, mong đợi quá nhiều vào sự tự ý thức của mỗi người, từng gia đình, vào công tác giáo dục, tuyên truyền mà phải thay đổi căn bản, đồng bộ cách quản lý, những con người thực thi pháp luật nhà nước từ trung ương đến cơ sở, địa phương.
Chế tài đủ sức răn đe, không có kẽ hở, cùng với cung cách quản lý chặt chẽ và xử lý vi phạm nghiêm minh, chẳng thiên vị ai của người đứng đầu, đặc biệt lực lượng thực thi pháp luật thì may ra tình hình khinh nhờn, coi thường pháp luật, “ít sợ lâu” của người Việt hiện nay sớm thuyên giảm, có chiều cải thiện.
Thực tiễn cho thấy, nơi nào, lĩnh vực nào làm nghiêm túc, xử lý đâu ra đấy thì nơi đó, lĩnh vực ấy quy củ, nề nếp, trật tự pháp luật được đảm bảo.