Với người Việt mình, xếp hàng là gì?

25/04/2016 06:16
Ths Trương Khắc Trà
(GDVN) - Xếp hàng, đơn giản là giữ trật tự theo hàng, lối có người trước, kẻ sau một cách tuần tự…nghe qua tưởng dễ nhưng lại cực kỳ khó với người Việt ta bây giờ.

LTS: Văn hóa xếp hàng của người Việt đã bị dư luận lên án lâu nay.

Sự chen lấn diễn ra trên khắp nẻo đường, con phố, và dường như nó đã trở thành thói quen, hàng ngày ra đường bạn sẽ dễ dàng thấy được những hình ảnh chen lấn ở các bến xe, bến tàu, chen lấn khi xếp hàng thực hiện các thủ tục hành chính, khám chữa bệnh ở bệnh viện và nộp hồ sơ vào trường học cho con cái.

Và mới đây nhất, ngay ở chốn linh thiêng đền Hùng thì điều này cũng đã xảy ra. 

Trong bài viết này, Ths Trương Khắc Trà thẳng thắn chỉ ra những yếu kém của người Việt trong văn hóa xếp hàng. Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Sau ngày lễ giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 Âm lịch) vừa qua, những hình ảnh hàng triệu người dồn ứ, hỗn loạn tại khu di tích đền Hùng, tỉnh Phú Thọ vẫn tràn ngập trên mạng xã hội. Mở đoạn clip, xem và đã thấy “khó thở” huống hồ trải nghiệm thật sẽ vô cùng kinh hãi.

Thôi thì chuyện đã qua, thở phào nhẹ nhõm vì may mắn không có thiệt hại về tính mạng con người, nhưng liệu ai đó không thấy hổ thẹn và một chút liên tưởng đến hình ảnh những người Nhật xếp hàng nhận đồ cứu trợ trong trận động đất hôm 16/4? 

Vì sao trong cơn bấn loạn cận kề cái chết người Nhật vẫn đủ bình tĩnh để xếp hàng trật tự, còn trong bối cảnh thiêng liêng, tôn kính người Việt lại hung hăng bất chấp mọi thứ?

Trong bối cảnh thiêng liêng, tôn kính người Việt lại hung hăng bất chấp mọi thứ (Ảnh: news.zing.vn)
Trong bối cảnh thiêng liêng, tôn kính người Việt lại hung hăng bất chấp mọi thứ (Ảnh: news.zing.vn)

Câu trả lời có lẽ để dành cho ngành văn hóa và giáo dục, nhưng người viết bài này cho rằng trước hết con người Việt Nam đang thiếu trầm trọng cái gọi là “văn hóa xếp hàng”. 

Văn hóa xếp hàng là gì? Đơn giản nó chỉ là cách giữ trật tự theo hàng, lối có người trước, kẻ sau một cách tuần tự…nghe qua tưởng chừng đơn giản nhưng để thực hiện, tôi cho rằng cực kỳ khó đấy! 

Vì sao khó? Bản chất việc xếp hàng không khó, một đứa trẻ có thể làm được nhưng mấu chốt là không ai tạo ra thói quen làm việc đó nên dần dần chúng ta “quên”!?

Việc xếp hàng nơi công cộng ở Việt Nam chưa được phổ biến để trở thành một chuẩn mực đạo đức xã hội, dù không muốn nhưng không thể không nhắc đến trách nhiệm của ngành văn hóa và giáo dục, xem lại hiện nay chúng ta dạy gì? Học gì? Để rồi con người trưởng thành chỉ muốn vun vén cho cá nhân mà quên đi ích lợi cộng đồng?

Với người Việt mình, xếp hàng là gì? ảnh 2

Đu dây và xúc cát – đâu mới thực là văn hóa Việt

(GDVN) - Tiêu diệt tận gốc thói giả dối là không thể, thói giả dối sẽ tồn tại chừng nào con người còn tồn tại và còn sinh hoạt theo cộng đồng,...

Ngành văn hóa mấy chục năm nay hội nhập và phát triển cùng đất nước với khẩu hiệu “phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc…” vẫn là dấu hỏi lớn về tính hiệu quả khi nhìn văn hóa xếp hàng của các nước trong khu vực mà phát thèm.

Và phải chăng con người ngày càng mất niềm tin vào sự công bằng xã hội nên không ai chịu nhường ai? 

Ai cũng nghĩ rằng “tôi không chen lên người khác sẽ chèn vào đó” tâm lý vị kỷ cộng với nhận thức kém cỏi về lợi ích cộng đồng và lợi ích cá nhân khiến không ít người Việt dẫm đạp lên nhau để bước tới!

Hình ảnh lực lượng công an vội vã dựng hàng rào ngăn dòng người tiến lên khiến chúng ta không khỏi ngẫm nghĩ, không có loại “hàng rào” nào có thể ngăn chặn dòng người cuồn cuộn lao lên phía trước cũng không thể có lực lượng chức năng nào có thể giải quyết vấn đề chen lấn, ùn ứ tại lễ hội Giổ Tổ ngoài ý thức tôn trọng trật tự công cộng của từng cá nhân con người.

GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam đưa ra giải pháp đơn giản, đó là không nên dựng rào chắn để ngăn cản người dân dồn ứ lại trong một thời điểm. 

Với người Việt mình, xếp hàng là gì? ảnh 3

"Văn hóa Việt đang xuống dốc vì nhiều vấn đề phát triển... lộn ngược"

(GDVN) - “Cái chính khiến người ta cảm thấy văn hóa nước ta xuống dốc là do nhiều vấn đề đang phát triển lộn ngược”, họa sĩ, nhà nghiên cứu (NNC) văn hóa mỹ thuật Phan Cẩm Thượng nhấn mạnh.

Những rào chắn này vô tình tăng thêm sự háo hức của người dân, muốn được sớm lên dâng hương, bởi quan niệm đó là giờ thiêng. Ban tổ chức lễ hội đền Hùng nên để người dân được tự do lên dâng hương, theo từng thời điểm mà họ đến.

Giải pháp của GS thật đúng nhưng ngẫm thật chua xót, “…dựng hàng rào chắn làm tăng thêm sự háo hức của người dân…” đọc câu này có ai đó liên tưởng đến đấu bò tót? 

Khi con bò bị kích thích bởi tấm vải đỏ nên bất chấp lao lên và rút cuộc bị đâm cho đến chết.

Hóa ra tham gia lễ Hội đền Hùng giống như kiểu tham gia một cuộc đua không hơn không kém? Và con người lúc này cũng máu me không thua chú bò tót?

Văn hóa là nền tảng trong sự phát triển của một quốc gia, là cội nguồn của đời sống một dân tộc, là nền tảng tinh thần của xã hội. Nó tạo nên cốt cách tâm hồn, tạo nên chất keo cố kết những cá nhân trong xã hội tạo nên sức mạnh của mỗi dân tộc. Nó là nguyên khí của một quốc gia.

Có một điều tất cả chúng ta đều nhận thấy rằng tất cả các quốc gia phát triển đều có nền văn hóa đáng ngưỡng mộ, ngược lại văn hóa trì trệ sẽ khiến con người ngày càng yếu ớt, bạc nhược khiến đất nước khó phát triển.

Lễ hội đền Hùng sẽ mất đi bản sắc vốn có nếu năm nào cũng tái diễn cảnh chen lấn, xô đẩy kinh hoàng.







Ths Trương Khắc Trà