Lương tâm không bằng lương thực, hay điều gì làm thầy cô tổn thương nhất?

07/04/2017 06:28
Đất Việt
(GDVN) - Từ những năm 1990, câu nói cửa miệng của ngành là lương tâm không bằng lương thực, nhằm nhắc nhở là chúng ta cần có ăn cái đã, sau rồi các cái khác mới tính.

LTS: Là một người từng nhiều năm gắn bó với nghề giáo, tác giả Đất Việt chia sẻ những suy nghĩ của mình về việc bị tổn thương cả về vật chất và tinh thần khi theo nghề.

Trong bài viết, tác giả đề cập đến 16 điều tổn thương của nhà giáo hiện nay, ngõ hầu mong được chia sẻ cùng độc giả.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Trong gần mấy năm đọc Báo Điện tử Giáo Dục Việt Nam, tôi nhận ra được, là giáo viên, chúng ta có quá nhiều tổn thương, cả về vật chất, cả về tinh thần. 

Xin được viết về một vài tổn thương trong nghề làm thầy, ngõ hầu mong chúng ta cùng suy nghĩ giải pháp nào có thể giúp chúng ta “đỡ” tổn thương, đỡ đau đớn, và theo đó, giúp chúng ta vững tay trong đời làm nghề. 

Cũng rất xin lỗi nếu bài viết này có gì sơ suất hoặc chưa phản ảnh đúng những tổn thương các thầy cô hay gặp và rất mong mọi người cùng bổ sung vào danh sách tổn thương nghề giáo.

Tổn thương thứ nhất: Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm

Ai đã học sư phạm thì chắc đều biết câu này. Ấn tượng của mấy thập kỷ về sinh viên sư phạm là dành cho các bạn khối C, không thi được vào trường nào nên đành vào học sư phạm cho có bằng.

Ưu điểm là học sư phạm nhàn, không tốn tiền, và sau này ra, dễ lấy chồng nếu là nữ!

Giáo viên và những điều bị tổn thương. (Ảnh: Tuoitre.vn)
Giáo viên và những điều bị tổn thương. (Ảnh: Tuoitre.vn)

Tổn thương thứ 2: Học thì láng cháng, thi thì làng nhàng, ra dạy thì “mất dạy”

Đây không phải là nhận xét của những người đã từng học sư phạm, mà của các thầy đã dạy ở trường sư phạm.  

Điều này có vẻ càng ngày càng đúng, không chỉ với sư phạm mà với nhiều ngành khác, bởi học hành vừa phải để còn dành thời gian đi làm thêm, kiếm tiền phụ tiền học và tiền trang trải cuộc sống.  

Ý của “mất dạy” không có nghĩa đúng như ý đấy, mà là càng ngày học sư phạm ra càng khó kiếm việc, tức là học xong ra không được đi dạy học nữa.

Tổn thương thứ 3: Lương tâm không bằng lương thực và rất ít “thực”

Từ những năm 1990, câu nói cửa miệng của ngành là lương tâm không bằng lương thực, nhằm nhắc nhở không chỉ nhà giáo, mà tất cả các nhà, gồm cả cán bộ nhà nước là chúng ta cần có ăn cái đã, sau rồi các cái khác mới tính.  

Lương tâm không bằng lương thực, hay điều gì làm thầy cô tổn thương nhất? ảnh 2

Mỏng manh thân phận người thầy!

Ai làm nhà giáo, mà có dáng như có “bụng” thì rất cần xem xét lại tư cách, vì không rõ lấy gì ra mà ăn nhiều để bụng to?

Tổn thương thứ 4: Họp, họp nữa, họp mãi phối hợp cùng chỉ đạo, chỉ đạo và chỉ đạo

Nếu có ai thử kiểm đếm, ngoài giờ dạy chính thức, giáo viên còn có việc gì khác ngoài họp trong thời gian ở trường?

Và khi có bất cứ chuyện gì xảy ra, từ trên cơ quan cao nhất của giáo dục cho đến cấp cơ sở, có cái gì khác ngoài cái “chỉ đạo”? 

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, càng họp nhiều càng ngớ ngẩn, mà không rõ do làm ngành giáo dục nên ngớ ngẩn, hay do ngớ ngẩn mới đi làm giáo dục?  

Đã ngớ ngẩn, lại thêm chỉ đạo từ trên xuống dưới nhiều quá, làm cho thầy cô cứ mụ mị hết cả, làm sao bảo dạy tốt giảng hay được?

Tổn thương thứ 5: Trong mọi quyết định, cấp trên bao giờ cũng đúng

Đã có bài viết về việc dân chủ trong nhà trường chỉ là hình thức, vì nó đúng quá! Đúng một cách hiển nhiên, đúng như mặt trời mọc và lặn hàng ngày.  

Làm sao có dân chủ nhà trường khi mọi quyền lực quản lý đều tập trung vào “bộ tứ”? Hãy thử là người trung thực, bạn sẽ biết ngay hậu quả!

Tổn thương thứ 6: Trong mọi tình huống, im lặng là vàng

Câu ca này luôn được các thầy cô nhắc mình trước khi đến trường. Dạy học đã mệt rồi, nên chúng tôi không còn sức để đấu tranh, hay có ý kiến gì nữa. 

Tốt nhất là đồng ý hay im lặng cho xong chuyện. Đấu tranh để tránh đâu, không rõ đúng sai ra sao, chúng tôi cần có việc làm và lương tháng, nên chúng tôi mong được bình yên.  

Hơn nữa, im lặng cũng là để tránh phải nói dối, phải giả vờ đồng ý và ủng hộ cấp trên. Im lặng là khẩu hiệu vàng!

Tổn thương thứ 7: Ước gì mai không phải lên lớp, không phải đi dạy

Có bao giờ những thực tế của lớp học, sỹ số thì đông, lớp như vỡ chợ, đủ các cung bậc mà nhà giáo thì lúc nào cũng phải mẫu mực. 

Lương tâm không bằng lương thực, hay điều gì làm thầy cô tổn thương nhất? ảnh 3

Lãnh đạo còn "cố ý sai lầm", nước mắt giáo viên sẽ còn phải rơi nữa!

Nhà giáo chúng tôi cũng là con người. Chúng tôi cũng có ốm đau, có vui buồn, có tâm trạng.

Nếu lúc nào cũng buộc chúng tôi phải chịu đựng, phải tuân thủ mọi quy định như một “thần tượng” của học sinh, chúng tôi sẽ rất mệt. 

Ước gì chúng tôi được đi dạy, được là chính mình, dù là vui buồn hay đau khổ!

Tổn thương thứ 8: Trường lớp không còn là nơi an toàn cho học sinh và cho cả giáo viên nữa

Ai cũng phẫn nộ kêu lên nhà trường không còn an toàn cho học sinh. Điều này là đúng, nhưng chưa đủ, vì có ai biết đâu có phụ huynh cầm gậy đuổi đánh thầy giáo, cắn tai cô giáo, và đau đớn nhất là bị chính học sinh mình “biểu diễn võ thuật” trong giờ. 

Ai sẽ bảo vệ thầy cô đây? Ai sẽ là người giúp cho thầy cô giữ được đạo làm thầy, mà không phải “đánh” học trò?

Tổn thương thứ 9: Mọi tội lỗi trong giáo dục là do giáo viên kém

Bởi đâu cái giáo dục mình nó kém toàn diện, do nhiều nguyên nhân. Nhưng ở đây, một lý do được tất cả xã hội đồng lòng nhất trí cao là giáo viên kém nên học sinh và nền giáo dục này mới kém.  

Cũng chính vì tâm lý đấy, cũng chính vì tuyển sinh toàn người học kém vào sư phạm, nên các cơ quan quản lý giáo dục và ủy ban nhân dân sẵn sàng “hy sinh” giáo viên cho “mục tiêu chính trị” (ví dụ, như cho đi tiếp khách giao lưu với các tỉnh khác).

Tổn thương thứ 10: Tại sao không ai nghe ý kiến của giáo viên vậy? Chúng tôi là cừu hay chúng tôi là nhà giáo?

Bất kỳ lý do gì cũng có thể đổ cho là tại giáo viên, nhưng khi triển khai làm các chương trình cải cách, các đề án đổi mới giáo dục, hiếm có ai làm khảo sát, lấy ý kiến giáo viên - người trực tiếp giảng dạy và tiếp xúc thường xuyên với học sinh cũng như chương trình. 

Lương tâm không bằng lương thực, hay điều gì làm thầy cô tổn thương nhất? ảnh 4

Vì trò mà nhiều lúc thầy phải hạ mình!

Bảo sao chúng tôi luôn im lặng chịu đựng, từ lúc đi dạy cho đến lúc về hưu, không được ai hỏi ý kiến.

Vì chính thực tế này, bảo sao cứ đổi mới hay cải cách, đều là thất bại và tiếp tục thất bại. 

Tổn thương thứ 11: Cô giáo như “mẹ mìn”

Chúng tôi không dám nhận tất cả các giáo viên đều là tốt đẹp, nhưng có lẽ sau mấy vụ đình đám về giáo viên mầm non (mà không rõ đúng sai đến đâu hay cũng được dàn dựng để phục vụ mục tiêu nào đó), có lẽ phụ huynh và xã hội nhìn giáo viên mầm non như mẹ mìn, hành hạ và làm tổn thương con trẻ một cách phi nhân tính!  

Có ai biết có hàng nghìn hàng chục nghìn người trông trẻ, dù không phải là giáo viên, họ cũng vẫn chăm sóc tận tình các em bé đó.  

Là bố mẹ, mọi người có thể tét mông bé, quát lên với bé thì không sao, nhưng nếu là cô giáo, chúng tôi sẽ bị buộc tội “bạo hành”.

Tổn thương thứ 12: Cô giáo dạy cấp nào cũng được (điều chuyển giáo viên dạy phổ thông xuống dạy mầm non)

Không có đất nước nào mà giáo viên dạy phổ thông được điều đi dạy mầm non, mà thực chất là đi rửa bát và giặt đồ.

Việc thừa thiếu giáo viên ở từng vùng, Bộ chỉ xuống cho Ủy ban, Ủy ban đổ sang cho sở hay cho trường.  

Chúng tôi không biết gì về chính sách hay chiến lược đào tạo giáo viên cả.

Chúng tôi chỉ biết là chúng tôi đã được học, được tốt nghiệp và đã đi làm nghề này bao năm qua, giờ cho chúng tôi nghỉ hay chuyển sang dạy cấp khác, chúng tôi còn có lựa chọn nào khác không?  

Lương tâm không bằng lương thực, hay điều gì làm thầy cô tổn thương nhất? ảnh 5

Vị trí của người thầy trong giáo dục hiện đại

Ôi, những nhà giáo ngẩn ngơ, không biết đời chúng tôi sẽ đi về đâu sau mấy năm học hành rồi đi ra dạy dỗ.  

Liệu có khi nào nghề giáo lại bạc bẽo như bây giờ?

Tổn thương thứ 13: Tại sao cứ buộc giáo viên phải học, phải thi các chứng chỉ mà không giúp ích cho họ giảng dạy?

Tôi luôn muốn là giáo viên giỏi, giáo viên đạt chuẩn. Chẳng thế mà cứ ai tổ chức thi giáo viên giỏi là tôi phải đi thi, nếu không muốn bị cắt thi đua, cắt tiền thưởng. 

Và cũng như vậy, tôi dạy cấp 1 cũng cần có chứng chỉ tiếng Anh, tôi đang dạy phổ thông mà bị điều chuyển sang dạy mầm non cũng thi tiếng Anh, dù thi xong tôi cũng như không biết gì.  

Ai cho tôi được học tiếng Anh thật? Tôi muốn được học thật, để tôi có thể dạy học sinh tôi học thật.

Tổn thương thứ 14: Ai cho tôi làm người tử tế? (Cấm dạy thêm)

Dù rằng ai cũng biết dạy thêm, đặc biệt là dạy cho trò chính khóa; dùng thủ đoạn ép buộc học sinh đi học thêm là không thể chấp nhận.

Dạy thêm như quả táo có độc, nhìn bề ngoài bổ dưỡng, nhưng ăn vào là gặp nguy

Bởi thế, cấm dạy thêm trái phép là đúng.

Nhưng, con số giáo viên dạy thêm là rất ít, họ đã làm xấu đi hình ảnh người thầy.

Chính họ, cũng biến hình ảnh tốt đẹp của các thầy cô từ chỗ sáng như gương thành những kẻ hám tiền, bất chấp cả đạo lý.

Việc ấy, họ đã gây tổn thương cho cả triệu giáo viên chân chính mà nhất định không chịu dừng lại 

Tổn thương thứ 15: Nỗi đau câm lặng (khi giáo viên phản ánh những sai trái của lãnh đạo thì bị trù dập)

Khi kêu gọi “hai không”, nhiều nhà giáo chúng tôi thật lòng tin tưởng vào lãnh đạo và vào sự thật. 

Cuối cùng, đời những người dám nói “hai không” lại đi đến một cái kết đau lòng.  

Lương tâm không bằng lương thực, hay điều gì làm thầy cô tổn thương nhất? ảnh 6

Thế nào là một giáo viên giỏi?

Khi kêu gọi đấu tranh cho điều đúng trong nhà trường, người đấu tranh bị buộc thôi việc hoặc bị chuyển đi sang trường khác xa xôi hơn.  

Có lãnh đạo nào trả lời thư khiếu nại về những sai phạm như ở Kiên Giang vừa qua? Hành trình đi đòi công lý cho nhà giáo còn khó hơn đi lên trời, bảo sao chúng tôi không “câm lặng”?

Tổn thương thứ 16: Ai cũng chạy chức chạy quyền, tại sao tôi chạy “chỗ dạy” thì bị lên án?

Mọi người đều dễ dàng lên án chúng tôi là nhà giáo mà cũng đi “chạy việc”! Nghề giáo là một nghề, một cơ hội để những người có quyền tuyển chúng tôi vào kiếm chác thì rõ là nó cũng phải được “chạy”, như mọi thứ chạy khác của xã hội chứ.  

Không những chạy việc, chúng tôi còn phải chạy thi đua, chạy điểm số, chạy lên lớp, chạy chuyển trường, chạy lên chức.

Như mọi nghề khác trong xã hội, ngoài chuyên môn chính là dạy, chúng tôi có chuyên môn chuyên ngành 2 được học do đời dạy là “nghề chạy”!

Nói ra đau lòng lắm, nhưng thôi, cũng nên nói để liệu hỏi ai đó xem có cách nào, những nỗi đau, những tổn thương trên có thể chữa chạy được.  

Chúng tôi cũng muốn là người tử tế lắm, cũng muốn được nói thật lắm rồi!

Đất Việt