Trong xã hội xưa, vị trí của người thầy rất lớn. Cha ông ta xếp “Quân – Sư – Phụ” là đặt vị trí của người thầy rất cao, cao hơn cả vị trí của người cha. Vị trí của người thầy lớn nhưng quyền của người thầy đến đâu luôn là một câu hỏi khó?
Trong dân gian từng có câu chuyện kể rằng:“Một ông đồ nho dạy được học trò đậu tiến sĩ. Khi vinh quy bái tổ, theo lệ xưa người trong làng phải đi rước về.
Quan trên xuống tìm người để chuẩn bị cho đám rước, ông đồ nho đã xung phong vào đội đi rước. Khi đến phiên thầy nho gánh, người học trò nằm trong võng phát hiện ra dáng thầy.
Anh ta liền bảo mọi người dừng lại, người học trò khi nhận ra thầy thì sụp lạy khóc và xin thầy thứ tha lỗi”.
Sở dĩ người thầy tham gia đám rước là để muốn dạy trò rằng, khi đã đậu đạt ra làm quan to thì phải kính dân như kính thầy, không nên sách nhiễu người dân.
Người thầy trong câu chuyện trên rất ý thức được quyền của người thầy đến đâu. Yêu trò, thương trò, muốn dạy cho trò bài học khi trò đã đậu đạt và sắp ra làm quan phụ mẫu nên đã hạ mình.
Người thầy đó biết rằng mình không thể là người cha mà vít đầu, vít cổ đè con ra để áp đặt suy nghĩ của mình.
Vị trí người thầy trong xã hội xưa rất được xem trong (ảnh sưu tầm). |
Ngay cả Binh Bộ Thương Thư Nguyễn Công Trứ khi về trí sĩ, cái máu ông đồ Nghệ đã thấm vào thân. Nhưng khi muốn dạy cho quan huyện Nghi Xuân một bài học cũng chỉ có cách đóng giả thường dân, gánh kiệu cho quan.
Giai thoại kể lại rằng: “Quan huyện Nghi Xuân rất hách dịch. Mỗi lần đi tuần thì tìm cách hành hạ những người trên đường gặp phải. Vì thế, ai nhìn thấy kiệu quan đều tìm cách tránh ra xa.
Nghe tin hôm đó, quan huyện Nghi Xuân đi qua làng Uy viễn, cụ Nguyễn Công Trứ một tay xách cuốc, một tay dắt bò đi ra đường.
Thấy kiệu quan thì cụ không chịu tránh, bảo sao cũng không tránh. Quan huyện thấy vậy tức sôi máu, xuống kiệu cầm lấy cuốc của cụ Nguyễn Công Trứ ném thẳng xuống sông và bắt cụ Nguyễn Công Trứ phải gánh kiệu thay lính.
Cụ Nguyễn Công Trứ lúc đó đã gần 80 tuổi, nhưng vẫn cam chịu gánh kiệu cho quan huyện Nghi Xuân. Đi được một đoạn, có anh đồ nho thấy cụ Nguyễn Công Trứ phải gánh kiệu cho quan liền chạy ra kêu lên.
“Tại sao lại bắt cụ Binh Bộ Thượng Thư phải gánh kiệu”. Quan huyện Nghi Xuân ngồi trong nghe nói giật nảy mình. Xuống kiệu lạy lấy lạy để cụ Nguyễn Công Trứ, mong cụ tha tội cho.
Qua lần đó, quan huyện Nghi Xuân không dám hách dịch dân nữa, mà trở thành vị quan tốt, đối xử hòa nhã với nhân dân”.
Rõ ràng, với uy tín và địa vị của cụ Nguyễn Công Trứ thì chỉ cần một lá thư gửi vua, ông quan huyện Nghi Xuân sẽ bị trừng trị. Nhưng cụ Nguyễn Công Trứ không làm vậy, cụ chỉ muốn dạy cho quan huyện đó một bài học.
Ở đây, trong cương vị của một người thầy, ông Uy Viễn Tướng Quân, Binh Bộ Thượng Thư đã phải hạ mình cốt để dạy cho tên quan huyện một bài học.
Người xưa kể lại chuyện của những bậc tài danh như vậy để thấy được làm thầy rất khó. Nhiều khi khó hơn làm cha, làm mẹ rất nhiều.
Làm cha, mẹ thấy con hư là có quyền quát tháo, áp đặt suy nghĩ của mình. Còn làm thầy chỉ có một cách là khai sáng trí tuệ của trò và nhiều khí phải hạ mình để mong trò nhận ra được bài học.
Từ chuyện xưa, nghĩ đến chuyện Thầy H., giáo viên Trường trung học phổ thông Thủ Thiêm, Thành phố Hồ Chí Minh, vì trò không chăm học mà đánh trò.
Chuyện thầy H. đánh trò gây nên sự tranh cãi lớn trong cộng đồng (ảnh: giaoduc.net.vn). |
Clip ghi lại cảnh thầy H. đánh trò nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội và gây ra một cuộc tranh luận lớn về quyền của người thầy.
Nhiều người tỏ vẻ đồng tình vì cho rằng, thầy H. đánh trò đó là hành động có trách nhiệm. Không phải vì tức giận mất kiểm soát hành vi mà thầy H. vẫn ý thức được việc làm của mình. Thầy H. đánh trò là chỉ mong trò tiến bộ.
Có người còn so sánh thầy H. với thầy giáo mình năm xưa, nhờ bị thầy đánh khi đang ngồi ghế nhà trường nên giờ mới nên người.
Ngược lại, cũng nhiều ý kiến phản đối, cho rằng hành vi của thầy H. trái với quy định và không phù hợp với xu hướng giáo dục hiện đại. Dạy trò bằng cách dùng roi vọt là quá lạc hậu và thiếu nghiệp vụ sư phạm.
Mặc dù, thầy H. là một giáo viên có nhiều thành tích trong nhà trường, có chuyên môn rất tốt về môn tin học và đã dạy nhiều học trò đậu các cuộc thi quốc gia về tin học nhưng chắc chắn thầy H. sẽ vẫn bị kỷ luật. Nhiều người vì thế mà thương cảm cho thầy H.
Đặt thầy H. bên cạnh cụ đồ nho có học trò là tiến sĩ, ta thấy rằng cả hai đều có một tấm lòng nhiệt huyết vì trò. Thầy H. ý thức được hành động của mình có thể vi phạm nhưng lại không chấp hành. Trong khi cụ đồ nho thì biết hạ mình cốt để trò nhận ra được bài học cho bản thân.
Trong bối cảnh giáo dục hiện nay, khi mà học trò hư, hỗn còn nhiều. Người thầy thật khó để ứng xử làm sao để trò tiến bộ mà người thầy vẫn giữ được cốt cách. Người thầy ngày nay đúng là thật khó để vừa ứng xử sao cho đạt tình, đạt lý.
Thiết nghĩ, câu chuyện về sự hạ mình của Binh Bộ Thượng thư Nguyễn Công Trứ và cụ đồ nho trong chuyện kể của người xưa sẽ đánh thức được suy nghĩ và hành động của những người thầy hôm nay!