LTS: Chia sẻ về vấn nạn dạy thêm học thêm, tác giả Anh Quân cho biết một số trường vẫn tổ chức dạy thêm mà không lắng nghe ý kiến của phụ huynh học sinh.
Theo đó, nhiều học sinh phải học thêm ở trường để đối phó vừa phải tìm thầy uy tín để nâng cao kiến thức thực sự.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Mặc dù chưa được sự đồng ý của phụ huynh nhưng một số trường phổ thông trung học tại tỉnh Bình Thuận vẫn tổ chức dạy thêm (gọi tránh là dạy phụ đạo) cho học sinh các khối lớp trong nhà trường.
Giáo viên chủ nhiệm thông báo ngày, giờ học phụ đạo mà không cần biết bao nhiêu em đồng ý.
Phần lớn phụ huynh cũng không đồng tình nhưng họ lại chẳng biết làm gì ngoài việc đến tháng cắn răng nộp một khoản tiền theo quy định của nhà trường để con cái họ được yên thân mà học tập.
Học sinh phải vất vả học trên lớp rồi học thêm nhiều nơi. (Ảnh minh họa: P.L) |
Học thêm trong thế buộc
Trước khi nhà trường tổ chức dạy phụ đạo thì hầu như tất cả học sinh đều đăng kí học thêm ở một vài địa chỉ bên ngoài như học kèm thầy cô mình thích, học thêm ngoài trung tâm...
Các em thường chọn những giáo viên có uy tín để giảng dạy, nhóm học theo trình độ. Phần lớn các em đã theo học suốt một thời gian dài.
Nay nhà trường có thông báo sẽ dạy phụ đạo cho học sinh toàn trường, nhiều phụ huynh không đồng tình bởi “Con tôi đã đi học thêm vài năm với giáo viên ấy rồi. Cháu không cần phải phụ đạo thêm nữa”.
Có phụ huynh trăn trở: “Gia đình tôi nghèo, có 5 con đi học nên không có tiền cho cháu học thêm. Vậy không đi học có được không thầy?”.
Giáo viên trả lời dứt khoát: “Nhà trường phụ đạo cả lớp nên buộc các em phải có mặt đầy đủ”.
Không ít người trách:“Sao nhà trường không lấy ý kiến của phụ huynh?”.
Tuy nhiên, phụ huynh chỉ nhận được câu trả lời: “Đã lấy ý kiến của phụ huynh năm ngoái, họ rất tha thiết mong nhà trường mở lớp dạy phụ đạo cho các em”.
Có người chất vấn: “Phụ huynh năm ngoái không thể quyết định cho phụ huynh năm nay”.
Dù nói thế, nhà trường vẫn tổ chức dạy, học sinh vẫn cố gắng đi. Có em nhất quyết không đi nhưng tới tháng vẫn nộp tiền để không ai đụng đến mình.
Một cổ hai tròng
Trước đây, học sinh đi học thêm cả tuần thì nay gánh nặng ấy lại càng đè chặt trên vai, thời gian dành cho học thêm cũng nhiều hơn.
Nhiều em không nỡ bỏ lớp học thêm ở ngoài trung tâm vì thầy cô ấy chính các em đã chọn nhưng các em cũng không dám không đi học phụ đạo hai môn Toán, Anh văn trên trường.
Quản lý nhận thức hời hợt, dạy thêm học thêm sẽ mãi là nỗi ám ảnh của học sinh |
Thế là, các em vừa đi học thêm như trước đây, vừa về trường theo học tiếp các tiết phụ đạo của trường.
Nghiễm nhiên môn Toán, Anh văn học sinh học tới 2 lần với 4 giáo viên trong một tuần.
Nếu như trước đây, cả tuần các em tranh thủ nghỉ được 2 buổi thì bây giờ chẳng còn khoảng thời gian trống nào cả.
Vì sao học sinh ít mặn mà với học phụ đạo trên trường?
Hỏi bất cứ học sinh nào các em cũng có thể trả lời rõ ràng nguyên do. Bởi đơn giản, một lớp học gần 50 em với đầy đủ các trình độ như yếu, kém, trung bình khá và giỏi nay được xếp học chung trong lớp phụ đạo.
Thử hỏi giáo viên sẽ dạy kiến thức gì và dạy như thế nào để các em vừa hiểu bài, vừa được nâng cao kiến thức?
Học trò yếu kém lại cần lắm sự ân tình, chịu khó của giáo viên. Học trò khá giỏi cần được bồi dưỡng để nâng cao thêm kiến thức… các em được xếp học cùng nhau như thế chất lượng học tập cũng chẳng cải thiện được gì.
“Học mà như không học” - một học sinh bậc trung học cơ sở đã thốt lên như vậy.
Vì sao nhiều trường cứ thích dạy phụ đạo?
Có thể nói nhiều trường học rất thích tổ chức dạy phụ đạo tại trường. Quyền lợi của học sinh chưa thấy nhưng quyền lợi của Ban giám hiệu lại quá rõ ràng.
Với kiểu dạy bắt buộc như thế, số lượng học sinh theo học gần như tuyệt đối.
Trường gần 2 ngàn học sinh, mỗi em chỉ đóng hơn 200 ngàn/tháng, số tiền thu được trích 20% về trường để chia cho công tác thu (kế toán, thủ quỹ), chia cho công tác quản lý (Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng) thì thu nhập một tháng của những người này không phải là ít.
Có lẽ bởi món lợi béo bở này mà không ít trường học bất chấp sự phản đối của phụ huynh vẫn nhất quyết mở dạy phụ đạo.
Điều này không chỉ cướp đi thời gian nghỉ ngơi ít ỏi của các em còn chất thêm gánh nặng lên một số gia đình nghèo, khó khăn.