Quản lý nhận thức hời hợt, dạy thêm học thêm sẽ mãi là nỗi ám ảnh của học sinh

01/04/2017 07:08
Việt Duy
(GDVN) - Nếu các nhà quản lý giáo dục cứ nhận thức, suy nghĩ hời hợt như vậy, dạy thêm học thêm trái phép sẽ không bao giờ chấm dứt, mãi là nỗi ám ảnh của học sinh.

Ngày 16/5/012, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành thông tư 17 về các quy định trong việc dạy thêm và học thêm.

Thông tư này đã quy định rõ, không được dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức học 2 buổi/ngày ở trường, và không dạy thêm đối với học sinh tiểu học (trừ các trường hợp bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống).

Tiếp đó, ngày 6/6/2014, Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã có quyết định số 21, ban hành các quy định về quản lý dạy thêm học thêm trên địa bàn.

Suốt từ đầu năm học 2016 – 2017 cho đến nay, thành phố Hồ Chí Minh đã ra rất nhiều văn bản, nhắc nhở các trường về tình trạng dạy thêm, học thêm trái phép, tràn lan và tiêu cực.

Thậm chí, trong thông báo kết luận, chỉ đạo của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố tại Hội nghị công tác chuyên môn lần 2 – năm học 2016 – 2017, cũng có nhắc đến việc kiên quyết xử lý nghiêm khắc các cá nhân, tập thể dạy thêm sai quy định.

Năm học nào cũng vậy, Hiệu trưởng các trường đều đã vài lần tuyên truyền, phổ biến cũng như nhắc nhở cho các giáo viên nhớ các quy định về dạy thêm, học thêm.

Uỷ ban nhân dân Thành phố cũng đã rất nhiều lần nhắc đến vai trò của chính quyền từng địa phương, Hiệu trưởng trong việc quản lý giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường.

Phòng dạy thêm tiểu học của một cô giáo tại quận 10 được ghi nhận (ảnh: CTV)
Phòng dạy thêm tiểu học của một cô giáo tại quận 10 được ghi nhận (ảnh: CTV)

Như vậy có thể thấy, dạy thêm và học thêm trái phép, tràn lan và có nhiều biểu hiện tiêu cực đang là một vấn đề nóng, gây ra nhiều sự bức xúc cho người dân, nhất là đối với học sinh và phụ huynh.

Còn đối với các giáo viên, dù đã có rất nhiều văn bản, quy định cũng như tuyên truyền, nhắc nhở là vậy, nhưng trên thực tế, có rất ít giáo viên chấp hành nghiêm túc các quy định về dạy thêm học thêm của lãnh đạo cấp trên.

Nói như vậy để có thể hiểu rằng, việc thành phố Hồ Chí Minh siết chặt quản lý dạy thêm học thêm trong lúc này là cần thiết, nhằm mang lại những hiệu quả tốt nhất cho học sinh trong khi đi học thêm.

  • Quản lý nhận thức hời hợt, dạy thêm học thêm sẽ mãi là nỗi ám ảnh của học sinh ảnh 2

Trưởng phòng Giáo dục quận 10 nhận thức như vậy, sao dẹp bỏ dạy thêm trái phép?

Tuy nhiên, trong thực tế, không phải ai cũng hiểu được hết điều này, nhất là đối với cấp quản lý giáo dục.

Mới đây nhất, ngay sau khi đăng tải hàng loạt giáo viên trên địa bàn quận 10 vi phạm quy định về dạy thêm, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã làm việc với Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo – ông Nguyễn Thành Văn.

Quan điểm được ông Nguyễn Thành Văn nêu ra trong buổi làm việc này là: Phải đến năm 2020, thành phố mới yêu cầu chấm dứt nạn dạy thêm học thêm, nên trước mắt cứ lo cho đời sống của giáo viên đã, không dồn họ vô thế “bí”.

Ông Nguyễn Thành Văn cho rằng, thông tư 17 của Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ yêu cầu giáo viên muốn đi dạy thêm phải có phép, còn nhu cầu của người dân thì sao?

Theo ông Văn, nếu người dân có nhu cầu, yêu cầu giáo viên mở lớp dạy thêm, từ một vài cháu hay 5, 3 cháu thì cũng phải chấp nhận thôi.

Và người đứng đầu ngành giáo dục của quận 10 cũng đã nhấn mạnh, chỉ đến khi nào có phản ánh chính đáng của người dân về tình trạng học sinh bị chèn ép khi đi học thêm, lúc đó quận sẽ xử lý “tới nơi, tới chốn”.

Vẫn biết đời sống, mức lương của các thầy cô giáo như hiện này là còn nhiều khó khăn, và nhu cầu đi học thêm là có thật của một bộ phận học sinh, nhưng không phải vì thế mà giáo viên được phép vi phạm các quy định của ngành đã có từ nhiều năm nay.

  • Quản lý nhận thức hời hợt, dạy thêm học thêm sẽ mãi là nỗi ám ảnh của học sinh ảnh 3

“Có tăng lương cho giáo viên thì dạy thêm học thêm vẫn tồn tại”

Nói như cô Nguyễn Thị Thu Cúc – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Gia Định (quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh) đã từng phát biểu trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, nếu có tăng lương lên cho giáo viên, thì dạy thêm sẽ vẫn còn, vì không giải quyết được tận gốc rễ của vấn đề.

Chị Nguyễn Thị Thu Thủy (nhà ở chung cư Nguyễn Ngọc Phương, quận Bình Thạnh), khi biết những lời phát biểu của ông Nguyễn Thành Văn đã phải thốt lên: Nếu nói như Trưởng phòng Giáo dục quận 10, chẳng lẽ phụ huynh và học sinh phải chịu cảnh bị giáo viên “bóc lột” học thêm đến năm 2020 mới chấm dứt?

“Nói như ông Văn, thì phải chăng trong thời gian chưa đến hạn cuối cùng của thành phố, các giáo viên có thể thoải mái, bất chấp tất cả để lôi kéo giáo viên dạy thêm?

Người đứng đầu ngành giáo dục của một quận mà nhận thức hời hợt như vậy, thì bảo làm sao các giáo viên chấp hành nghiêm túc các quy định của ngành được?” – chị Thu Thủy đặt vấn đề.

Cuối cùng, theo chị Nguyễn Thị Thu Thủy, cứ làm và quản lý kiểu như vậy, dạy thêm và học thêm sẽ vẫn mãi là nỗi ám ảnh của phần lớn học sinh tại thành phố Hồ Chí Minh.

Việt Duy