Sáng kiến, thực ra là copy trên mạng, mà nói thẳng ra là ăn cắp của nhau

05/04/2017 07:29
Thuận Phương
(GDVN) - Ấy là chuyện cũng là “copy bài trên mạng, lấy của người khác làm của mình nói nặng hơn là ăn cắp chất xám lẫn nhau” nhưng lại có kẻ đậu, người rớt.

LTS: Cô giáo Thuận Phương chia sẻ những câu chuyện bi hài khi viết và chấm sáng kiến kinh nghiệm trong ngành giáo dục.

Qua những câu chuyện thực tế này, tác giả phản ánh một bức tranh về những phong trào mang tính hình thức đang gây hao tốn thời gian và công sức của các thầy cô.

Tác giả lưu ý rằng việc tham gia quá nhiều phong trào hay cuộc thi cũng ảnh hưởng đến thời gian đầu tư vào giảng dạy, kèm cặp học sinh của thầy cô.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Báo chí cũng đã phản ánh nhiều nhưng chuyện viết và chấm sáng kiến hàng năm ở các ngành giáo dục địa phương cũng chẳng có gì thay đổi. 

“Bội thực” sáng kiến 

Ngay từ đầu năm học, tất cả giáo viên trong trường đều phải đăng kí đề tài để viết sáng kiến kinh nghiệm hoặc là giải pháp hữu ích. 

Khoảng 15% trong số đó vừa viết sáng kiến kinh nghiệm vừa viết giải pháp hữu ích.

Sáng kiến kinh nghiệm để đăng kí danh hiệu chiến sĩ thi đua các cấp, dự thi giáo viên dạy giỏi các cấp, còn giải pháp hữu ích dự thi giáo viên dạy giỏi cấp trường. 

Cá biệt có người một năm phải viết đến ba sáng kiến (một cái đăng kí chiến sĩ thi đua, một cái thi giáo viên chủ nhiệm giỏi, một cái thi giáo viên dạy giỏi cấp trường). 

Sáng kiến kinh nghiệm và những câu chuyện bi hài. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
Sáng kiến kinh nghiệm và những câu chuyện bi hài. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Nếu giáo viên viết bằng kinh nghiệm giảng dạy của mình và thật sự tự viết mà không phải tham khảo hay sao chép ở một nơi nào khác thì để hoàn thành được chừng ấy những sáng kiến, giải pháp hữu ích chắc cũng cỡ vài tháng chưa xong. 

Ấy vậy mà ai cũng có thể hoàn thành trong vòng vài ba ngày. Hãy nghe chính những thầy cô bật mí nhé! 

Kinh nghiệm viết sáng kiến 

Có lẽ ngành giáo dục nên mở hẳn cuộc thi “Kinh nghiệm viết sáng kiến” có vẻ hợp hơn là phong trào “Viết sáng kiến kinh nghiệm”.

Bởi cũng là “copy bài trên mạng, lấy của người khác làm của mình nói nặng hơn là ăn cắp chất xám lẫn nhau” nhưng cũng có kẻ đậu, người rớt. 

Bởi thế, giáo viên thường truyền tai nhau những kinh nghiệm, những bí quyết giúp mình thành công chứ không bị đánh rớt như một số đồng nghiệp khác.

Một đồng nghiệp của tôi (người có kinh nghiệm viết sáng kiến vì tỉ lệ đậu bao giờ cũng cao hơn tỉ lệ rớt) chia sẻ:

Sáng kiến, thực ra là copy trên mạng, mà nói thẳng ra là ăn cắp của nhau ảnh 2

Chát đắng tâm can, niềm tin tan vỡ vì...sáng kiến kinh nghiệm

Trước khi đăng kí đề tài phải lên mạng tìm thử. Khi gặp đề tài ưng ý, tải về hàng chục cái bỏ vào một nơi lưu trữ.

Khi cần viết chỉ việc lấy xuống đọc qua và cắp chỗ này một ít, chỗ kia vài dòng, chỉnh sửa lại cái ví dụ cho phù hợp với thực tế giảng dạy của mình, thế là hoàn thành”. 

Một số người khác do lười nên chỉ lấy sáng kiến trên mạng về và in ra để nộp. Số này may mắn gặp người chấm qua loa sẽ đậu hoặc trong hàng trăm cái sáng kiến gửi về, may mắn không ai trùng với sáng kiến của mình nên không bị phát hiện và cũng qua “cửa ải” một cách an toàn.

Do phần lớn các sáng kiến đều ăn cắp, sao y nên đã xảy ra nhiều chuyện “cười ra nước mắt”, hai giáo viên ở hai đơn vị trường học khác nhau nhưng có hai sáng kiến giống ý chang nhau đến từng dấu phẩy, từng cái ví dụ sai, từng lỗi chính tả.

Siêu chấm sáng kiến

Chuyện viết sáng kiến kinh nghiệm thần tốc như thế nhưng chuyện chấm sáng kiến kinh nghiệm lại đại thần tốc hơn. 

Có những chuyên viên chưa bao giờ đứng lớp, chưa một ngày giảng dạy nhưng có thể chấm hàng trăm sáng kiến kinh nghiệm của giáo viên gửi lên. 

Thế mới có chuyện một số sáng kiến kinh nghiệm được giáo viên đầu tư kĩ càng, tự viết bằng kinh nghiệm rút ra từ trong thực tế nhưng lại bị đánh rớt một cách oan ức. 

Sáng kiến, thực ra là copy trên mạng, mà nói thẳng ra là ăn cắp của nhau ảnh 3

Cán bộ, giáo viên chẳng lẽ năm nào cũng phải làm sáng kiến?

Ngược lại, có những sáng kiến kinh nghiệm chỉ là sự vay mượn của một ai đó nhưng lại đạt điểm cao. 

Cũng có không ít những thắc mắc nhưng bao giờ “miệng nhà quan có gang có thép”, giáo viên cũng nhận phần thua dù những kinh nghiệm, những giải pháp ấy thầy cô đã áp dụng hiệu quả trong quá trình giảng dạy.

Cũng có không ít thầy cô đã bị “bề trên” để ý nên sáng kiến kinh nghiệm của họ dù viết tốt đến đâu nộp lên trên cũng trượt. Quyền “sinh sát” nằm trong tay một người, họ muốn ai đậu rớt mà chẳng được.

Viết sáng kiến kinh nghiệm đã có sự đổi mới nhưng còn quá ít

Thông tư số 35/2015/TT-BGDĐT về việc hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng ngành Giáo dục ngày 31/12/2015 sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/2/2016 thay thế Thông tư số 12/2012/TT-BGD ĐT ngày 3/12/2012. 

Thông tư này đã điều chỉnh, tại Điều 10 và 11 để xét công nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” và “Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, Bộ” cho cá nhân có một trong các thành tích khác như: 

Đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường (bậc trung học phổ thông), đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện (bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở); tham gia soạn thảo đề án, dự án, quy chế, văn bản quy phạm pháp luật.

Hay trực tiếp giảng dạy, bồi dưỡng được một học sinh đạt các giải chính thức trong kỳ thi cấp tỉnh, quốc gia, quốc tế, biên soạn chương trình, sách giáo khoa phổ thông… sẽ được tính là đề tài hoặc sáng kiến kinh nghiệm. 

Những điều chỉnh trên ít tác động đến giáo viên tiểu học và giáo viên mầm non vì ở hai cấp học này gần như bỏ phong trào thi học sinh giỏi. 

Hơn nữa, trong hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường năm nào chẳng tổ chức, giáo viên nào chẳng tham gia nên việc viết sáng kiến kinh nghiệm vẫn y như cũ. 

Sáng kiến, thực ra là copy trên mạng, mà nói thẳng ra là ăn cắp của nhau ảnh 4

Cứ làm và chấm đề tài, sáng kiến như hiện nay thì...nên bỏ

Chưa nói đến vài năm gần đây lại “đẻ” thêm hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi thì việc có thêm sáng kiến kinh nghiệm về chủ nhiệm là điều bắt buộc.

Trong giáo dục, mọi hoạt động ngoài giảng dạy cũng cùng vươn tới một mục đích là nâng cao chất lượng dạy và học cho giáo viên, học sinh. 

Nhưng việc chúng ta quá chú trọng đến các phong trào, các hội thi đã trực tiếp đẩy chất lượng giảng dạy và học tập đi xuống. 

Bởi khi giáo viên còn dành thời gian cho những công việc vô bổ như thế thì đương nhiên việc giảng dạy, chăm sóc học trò sẽ lơ là đi ít nhiều.

Xin hãy giảm nhẹ những việc làm chạy theo thành tích để thầy cô chỉ chuyên tâm vào giảng dạy và giáo dục học sinh. Có như thế, chất lượng học tập của các em mới được nâng lên như chúng ta kì vọng.

Thuận Phương