LTS: Trong trường học, nhiều giáo viên buộc phải chấp nhận những yêu cầu vô lý từ Hiệu trưởng nhưng vẫn cắn răng chịu đựng vì tâm lý an phận thủ thường.
Cô giáo Đỗ Quyên cho rằng các thầy cô đừng trách ai khác mà hãy tự trách mình quá nhu nhược, không dám đấu tranh để bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Chuyện mất dân chủ trường học luôn được sự quan tâm của nhiều người. Đặc biệt dư luận đều đổ xô lên án sự lộng quyền, tác oai tác quái của nhiều Hiệu trưởng.
Để tình trạng Hiệu trưởng là “ông trời con” mỗi lời nói là “thánh chỉ” ban ra lỗi phần lớn thuộc về không ít giáo viên.
Trong đó, một bộ phận không nhỏ dù trong lòng ấm ức nhưng ngoài mặt vẫn a dua, xu nịnh, “cúc cung tận tụy” để hưởng lợi.
Bộ phận khác nhu nhược, thích sống an phận thủ thường nên luôn tặc lưỡi “ai sao mình vậy”.
Những giáo viên dù có nhiều bất bình nhưng chẳng dám lên tiếng. (Ảnh minh họa: Báo Lao động) |
Chỉ còn một số nhỏ muốn đấu tranh nhưng vì lẻ loi dễ bị “tiêu diệt”. Vậy đừng nên than trách người mà hãy tự trách lấy mình là chính.
Chiếc lý câu chuyện bó đũa
Ngay từ bài học của lớp 2, giáo viên đã dạy cho học sinh về sự đoàn kết. Sau khi người cha đưa bó đũa cho các con ai cũng cố hết sức mà không sao bẻ gãy được bó đũa.
Ông đã chia nhỏ bó đũa và lấy từng chiếc bẻ một cách dễ dàng. Chân lý đã được rút ra: “Chia lẻ ra thì yếu, hợp lại thì mạnh, có đoàn kết mới có sức mạnh”.
Ai cũng biết, cũng hiểu điều đó nhưng lại mấy ai làm được kể cả các thầy cô những người đang rao giảng chân lý ấy hằng ngày cho học trò.
Nói giáo viên có tình đoàn kết không? Câu trả lời là không! Có chăng thì rất ít. Ai lo phận nấy. Bởi ít thầy cô nào dám đứng ra bảo vệ đồng nghiệp mình khi họ gặp tai ương.
Giáo viên vừa phải đối phó với các hội thi, vừa đôn đáo vì thanh tra |
Cũng ít thầy cô nào dám đứng lên ủng hộ ý kiến của đồng nghiệp khi họ dám phản biện lại ý kiến của cấp trên.
Hoặc là nói điều ngược lại để nịnh lấy lòng. Hoặc là im lặng làm thinh dù trong lòng đang rất hả hê sung sướng.
Một số đồng nghiệp của tôi kể lại chuyện một Hiệu trưởng trường nọ bắt giáo viên thường xuyên lau cầu thang, lau cửa kính các phòng học sau buổi dạy.
Nếu không làm hoặc làm chậm trễ sẽ được nhắc nhở trong các cuộc họp hội đồng.
Phần lớn giáo viên trong trường đều bất bình. Có người nói (đương nhiên là nói với nhau): “Nhiệm vụ của giáo viên không phải là làm công việc của một tạp vụ như thế. Có bao nhiêu việc phải làm cần thiết hơn như kèm học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi…”.
Người lại than: “Hiệu trưởng lạm quyền chẳng xem giáo viên ra gì…”. Bên lề cuộc họp nói chung là “tiếng than dậy đất”.
Thế mà vào cuộc họp thì sao? Khi được hỏi ý kiến, có giáo viên mạnh dạn đứng lên nêu suy nghĩ của mình rằng không đồng tình với việc làm ấy, rằng nhà trường đã thu tiền vệ sinh nên việc quét dọn, lau chùi là của nhân viên vệ sinh làm.
Khác với những bất bình trước đó, gần như cả hội đồng đều im lặng như tờ, như chẳng có chuyện gì xảy ra, như việc hiển nhiên phải làm. Chẳng một ai dám đứng lên có ý kiến ủng hộ đồng nghiệp mình vừa có ý kiến.
Thế là đương nhiên, giáo viên nọ sẽ lọt vào tầm ngắm của ban lãnh đạo vì tội “cứng đầu”, vì dám có tư tưởng “chống đối” cấp trên. Thế là không chóng thì chầy chắc chắn sẽ nếm “uy quyền” của Hiệu trưởng tung ra.
Hay một số giáo viên một trường mẫu giáo điểm ngay trung tâm thị xã thường than rằng: “Giáo viên trường mình sợ Hiệu trưởng như… cọp”.
Có người còn cường điệu cho thêm phần khôi hài: “Cứ thấy mặt sếp ho cũng chẳng dám ho, chẳng dám thở mạnh nữa là”.
Và thế là mọi mệnh lệnh vị Hiệu trưởng này đưa ra (dù rất là vô lý) ai cũng phải tuân theo mà không một ai dám góp ý gì.
Bất bình nhất là chuyện mỗi tháng cứ đến ngày họp hội đồng các cô nói mình phải chép mỏi tay đến vài tiếng đồng hồ mới xong kế hoạch mà Hiệu trưởng triển khai (khoảng 14 trang sổ).
Coi như là ghi từ A tới Z đủ loại “thập cẩm” từ lời Hiệu trưởng phát ra. Trong khi chỉ cần phô tô cho giáo viên mỗi người một bản là xong.
Nhưng theo vị Hiệu trưởng này: “Các cô có ghi mới nhớ để làm. Phô tô rồi không đọc lại thực hiện sai”.
Dù bất bình nhưng không giáo viên nào dám trái lệnh vì thi thoảng Hiệu trưởng ngẫu hứng kiểm tra sổ hội họp. Giáo viên nào không ghi hoặc ghi thiếu sẽ được nêu tên trong cuộc họp hội đồng kế tiếp.
Một chuyện vô lý hết sức thế mà chẳng giáo viên nào dám lên tiếng. Họ sợ bị chuyển trường, bị đì bằng nhiều cách như việc xếp loại công chức hàng năm một tay Hiệu trưởng quyết định.
Người đang nuôi tư tưởng phấn đấu lại càng không dám ý kiến gì. Vì những điều này, Hiệu trưởng ngày càng lộng quyền chẳng có gì lạ.
Đoàn kết sẽ tạo ra sức mạnh?
Điều này là đương nhiên, nếu trong cuộc họp hội đồng chỉ cần một giáo viên đứng lên phản biện trước thì đồng loạt cả trường đều ủng hộ theo và chắc chắn chẳng có Hiệu trưởng nào lại dại dột đi chống lại cả một tập thể.
Giáo viên thiếu tình đoàn kết vì lo cho bản thân mình quá nhiều. Người yếu thường sợ ra gió cũng là điều dễ hiểu.
Nếu muốn tranh đấu, muốn bảo vệ mình thì chẳng có cách nào khác phải rèn luyện tay nghề chuyên môn thật vững.
Giảng dạy nhiệt tình, năng nổ trong mọi hoạt động để không chỉ học trò yêu mến, phụ huynh tin yêu. Được như thế chẳng sợ bị ai trù dập, hãm hại cả.