LTS: Các cuộc họp tại nhà trường giờ đây là nơi để Hiệu trưởng thị uy với giáo viên.
Phản ánh những cuộc họp của nhà trường trong đó, "họp" thì ít mà "hành" thì nhiều, tác giả Nhật Duy cho thấy nỗi khổ của giáo viên hiện nay.
Tác giả cũng thẳng thắn chỉ ra cách Hiệu trưởng xử lý những người không theo ý mình, khiến dân chủ không có tiếng nói nơi trường học.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Có người nói vui rằng các cuộc họp của nhà trường bây giờ “họp” thì ít mà “hành” thì nhiều.
Họp chỉ là để Hiệu trưởng truyền mệnh lệnh, thị uy, thậm chí là đe nạt đối với giáo viên. Không đi thì không được mà đi thì chủ yếu là để nghe… chửi và lên lớp.
Những cuộc họp do Ban giám hiệu chủ trì ở các trường học hiện nay có rất nhiều: họp lệ, họp định kì; họp đột xuất…
Cuộc họp nào cũng có câu giao kèo là “không được vắng” bởi cuộc họp nào cũng được Ban giám hiêu xem là quan trọng.
Thế nhưng, những nội dung cuộc họp cũng chỉ là thông báo vài văn bản mới của cấp trên gửi về rồi sau đó là màn “lên lớp” dài hơi của Hiệu trưởng.
Nào là trường mình ít tham gia các phong trào của ngành; các cuộc thi của học trò không đạt được kết quả như mong muốn do thầy cô chúng ta chưa đầu tư nhiều;
Nào là các lớp học còn mất trật tự; giáo viên chủ nhiệm chưa quan tâm đến lớp của mình, sân trường còn bẩn, còn rác; các tổ chuyên môn họp còn chưa đúng thời gian qui định…
Các cuộc họp trong nhà trường "họp" thì ít mà "hành" thì nhiều. (Ảnh minh họa: Tuoitre.vn) |
Hàng loạt các hạn chế được Hiệu trưởng liệt kê ra rồi kết luận: “Nếu các thầy cô mà làm không tốt là tôi trả …về Phòng”.
Nghe cụm từ “trả về Phòng”, ai nấy đều sợ khiếp, thế là mọi thông báo, mọi chỉ thị của Hiệu trưởng nêu ra đều được giáo viên răm rắp tán đồng.
Những kế hoạch, những dự kiến của Ban giám hiệu được thông qua hội đồng và kèm theo câu: “Thầy cô có ý kiến gì không?”.
Và, điều tất nhiên là cũng chẳng có ai có ý kiến gì nên Hiệu trưởng kết luận: “Thống nhất 100%” và đề nghị thư kí ghi vào biên bản.
Ngày họp thường là vậy nhưng những ngày họp mang tính tế nhị và cần đến giáo viên bỏ phiếu như: Đánh giá đảng viên cuối năm; Đánh giá chuẩn Hiệu trưởng thì mặt mày của lãnh đạo tươi như hoa.
Trước cuộc họp Hiệu trưởng cười nói rôm rả. Bởi, họ thừa biết rằng mỗi câu phê bình, mỗi câu góp ý có làm phật ý giáo viên là cũng đồng nghĩa mất đi một lá phiếu.
Hơn nữa, đã lãnh đạo thì mấy ai muốn uy tín của mình bị đánh giá là “Tốt” hay “Khá”. Mục tiêu đều phải là “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Vì thế, trong các cuộc họp này Hiệu trưởng cũng ít dám “phê và tự phê”, là người chủ tọa phiên họp nhưng những kết luận mang tính chung chung, nửa vời… vì ai cũng muốn bảo vệ quyền lợi của mình.
Ngày nay, khi mà ngành giáo dục cơ chế thủ trưởng đơn vị, thành ra một số Hiệu trưởng các trường bỗng thấy mình quá lớn.
Bởi hàng năm, tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường đều phải làm lại hợp đồng lao động để kí với Hiệu trưởng. Nhiều giáo viên Tiểu học sau khi hậu sản vào trường là bị hành đủ điều.
Không chỉ hàng ngày phải vào trực để xem có giáo viên nào nghỉ tiết để dạy thay mà còn bắt giáo viên đó phải làm việc như một tạp vụ trong trường.
Chỉ cần có biểu hiện không vừa lòng là Hiệu trưởng dọa cắt hợp đồng, dọa trả về Phòng.
Ngày 8/4, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có đăng tải bài "Lãnh đạo nhà trường sa sút, yếu kém, hư hỏng, trì trệ, tiêu cực vì đâu?" của tác giả Sông Trà.
Trong bài viết này, tác giả Sông Trà sau khi phân tích “Tinh thần xây dựng, tính đấu tranh của bộ phận không nhỏ cán bộ, giáo viên, nhân viên ở trường học đang có vấn đề” thì kết luận:
“Chẳng lẽ, mỗi tập thể trường học có hàng chục đến hàng trăm cán bộ, thầy, cô giáo, nhân viên lại mãi bất lực, thỏa hiệp, đầu hàng, chào thua những “ông trời con” (chỉ một vài người) như thế hay sao?"
Tuy nhiên, đó lại là sự thật, là những gì đang diễn ra trong các nhà trường.
Dù có hàng trăm con người nhưng họ rất dễ dàng bị bẻ gãy, nhiều vị lãnh đạo thực hiện bằng cách bẻ “từng chiếc đũa” để triệt tiêu tính đấu tranh của nhân viên dưới quyền.
Bởi trong tay của họ có quyền, có vây cánh, trong khi giáo viên thì đơn lẻ, ít quen biết. Thành ra, những “ông trời con” vẫn tồn tại một cách thản nhiên ở trường học.
Chúng ta đều biết, họp hành của đơn vị là lúc để đưa ra những quyết sách, những kế hoạch hợp lí nhằm mục đích thực hiện tốt các nhiệm vụ của ngành.
Ở đó, có sự bàn bạc, thống nhất, thuận hòa từ trên xuống dưới thì tính dân chủ mới được phát huy.
Trong đơn vị, Hiệu trưởng là thủ trưởng đơn vị, là đầu tàu phải thể hiện tính tiên phong, làm gương, biết sẻ chia những khó khăn của đồng nghiệp và đặc biệt là phải biết cầu thị mới hoàn thiện được mình.
Có những kế hoạch Hiệu trưởng ban hành nhưng dù có giỏi đến bao nhiêu thì cũng mới là một “cái đầu”, thế nhưng nhiều khi giáo viên góp ý thì Hiệu trưởng không nghe, không cho là đúng.
Cách làm việc như vậy vô hình trung đã phủ nhận những đóng góp của anh em trong đơn vị và dần trở nên độc đoán và đẩy giáo viên lại thế đối đầu.
Đừng để những cuộc họp nơi trường học trở nên nặng nề, gượng ép và là nơi chỉ biết truyền mệnh lệnh.
Nếu Hiệu trưởng muốn thay đổi chất lượng trường học, muốn đơn vị đi lên và xây dựng được đoàn kết nội bộ thì Hiệu trưởng phải là người thay đổi trước.
Bằng không, mỗi cuộc họp trở thành cuộc “hành” giáo viên thì thật đáng buồn thay.