Cuối năm học, bàn thêm về ban giám khảo các cuộc thi, hội thi

02/05/2017 08:19
Nhật Duy
(GDVN) - Có những người chưa hẳn là giỏi, là phù hợp nhưng vì họ được phân công làm giám khảo nên họ tự cho mình cái quyền hạch sách, góp ý một cách tùy tiện.

LTS: Tiếp tục trao đổi về các cuộc thi, hội thi, với kinh nghiệm là người từng nhiều lần đi thi giáo viên giỏi, tác giả Nhật Duy chỉ ra những điểm bất cập trong vấn đề chọn ban giám khảo.

Bởi thực sự, nhiều giám khảo chỉ có bằng cấp, chức danh mà không hề có kinh nghiệm thực tế nên đánh giá, góp ý chưa khiến các thầy cô giáo "tâm phục khẩu phục".

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Thời điểm này, năm học cũng đã gần kết thúc, mọi cuộc thi cũng đã dần khép lại. Nhìn lại một năm với không biết bao nhiêu cuộc thi, hội thi của cấp trường, huyện, tỉnh với cả thầy và trò rồi cũng đến lúc kết thúc. 

Song, có điều mà người viết cứ mãi băn khoăn là có nhiều cuộc thi, hội thi chưa tìm được những người giám khảo hội đủ cả tâm và tài.
     
Đối với bất kì hội thi nào thì vai trò của những người nằm trong ban giám khảo cũng vô cùng quan trọng. 

Khi những người cầm cân nảy mực có tâm, có tầm, có kiến thức sâu rộng thì những lời nhận xét, những đánh giá sâu sắc của họ có những tác động vô cùng lớn đối với người dự thi. 

Suy cho cùng, khi tham gia các cuộc thi, mọi người đều xác định sẽ có người đậu người rớt, nhiều người vui và cũng sẽ có những người buồn…

(Ảnh minh họa trên Báo Tuổi trẻ)
(Ảnh minh họa trên Báo Tuổi trẻ)

Nhưng cái vui hay cái buồn đó đủ cho người trong cuộc thấy mình xứng đáng hay chưa xứng đáng với những danh hiệu để từ đó phát huy, phấn đấu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình.
   
Trong ngành giáo dục hiện nay có rất nhiều cuộc thi, như thi giáo viên giỏi, thi sáng kiến kinh nghiệm, thi học sinh giỏi, thi hùng biện, kể chuyện…

Nhưng, quanh đi, quẩn lại chỉ một vài vị giám khảo quen thuộc đến… nhàm chán.

Có những người chưa hẳn là giỏi, là phù hợp nhưng vì họ được phân công làm giám khảo nên họ tự cho mình cái quyền hạch sách, góp ý một cách tùy tiện, thậm chí là góp ý sai. 

Từ đó, dẫn đến những quyết định chủ quan, không tạo được niềm tin và thúc đẩy được sự phát triển của ngành.
   
Là Tổ trưởng chuyên môn nên năm nào bản thân tôi cũng tham gia vài lần thi. Thi không phải là vì háo danh hay mơ mộng đến các phần thưởng của nhà trường, của cấp trên mà thi vì trách nhiệm. 

Cuối năm học, bàn thêm về ban giám khảo các cuộc thi, hội thi ảnh 2

Những cuộc thi, hội thi kì cục

Nếu mình không tham gia thì làm sao động viên được anh em trong tổ, làm sao có thể góp ý, nhận xét được đồng nghiệp trong vô vàn các loại hồ sơ sổ sách hành chính phải thực hiện. 

Hơn nữa, hàng năm Ban giám hiệu đều giao nhiệm vụ cho mỗi tổ chuyên môn nên bản thân tôi cũng như nhiều thầy cô khác rất khó đứng ngoài cuộc.

Rồi, đành phải tham gia và phải đối mặt với rất nhiều sức ép và cả những bực tức trong lòng.
    
Đi thi giáo viên giỏi cấp huyện, phải dạy ở trường khác với rất nhiều điều lạ lẫm.

Đến làm quen với lớp, đăng kí giờ dạy, đăng kí mượn máy chiếu và phải chuẩn bị kĩ lưỡng về kiến thức bài giảng, phải lường trước mọi tình huống có thể xảy ra khi giảng dạy. 

Nếu học sinh của mình thì không nói làm gì, đằng này chỉ dạy có 2 tiết/ 2 lớp ở một trường xa lạ. Ai đã từng đi thi giáo viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh đều có một tâm lí hồi hộp và thậm chí là lo ngại. 

Vì vậy, sau khi dạy xong, được ban giám khảo góp ý là kiến thức của thầy rộng quá, không phù hợp với đối tượng học sinh. Nghe mà giận run cả người. 

Đã là đi thi giáo viên giỏi thì không ai có thể chỉ dạy đúng chuẩn kiến thức của sách giáo khoa. Bởi cái chuẩn trong sách chỉ mới là “ngưỡng” của học sinh “trung bình”.

Hơn nữa, khi dạy các môn xã hội mà lẽ nào lại không liên hệ, đối chiếu với những vấn đề tương đồng và mở rộng cho kiến thức học trò? 

Cuối năm học, bàn thêm về ban giám khảo các cuộc thi, hội thi ảnh 3

Thế nào là giáo viên chủ nhiệm giỏi?

Nếu chỉ dạy bằng kiến thức trung bình thì còn gì là thi giáo viên giỏi nữa?

Bởi ngoài chuẩn kiến thức môn học thì người dạy cũng phải dành một khoảng thời gian nhất định để mở rộng và định hướng cho các em học sinh khá giỏi. 

Tuy nhiên, trước những góp ý của ban giám khảo, bản thân tôi cũng phải vâng dạ cho qua chuyện, bởi người ta là ban giám khảo mà…
   
Mấy năm nay, thực hiện Nghị định 56 của Chính phủ nên giáo viên đều phải viết sáng kiến kinh nghiệm. 

Không viết thì cuối năm đánh giá công chức sẽ bị xếp ở mức không hoàn thành nhiệm vụ, nằm ở mức này rất dễ nằm trong diện tinh giản biên chế nên ai cũng sợ. Vì thế, đa phần giáo viên đều phải tham gia. 

Sau khi chấm cấp trường thì đơn vị gửi về Phòng nhưng gửi từ tháng 11 năm ngoái mà đến bây giờ (hết tháng 4) Phòng Giáo dục vẫn chưa công bố kết quả vì chấm… chưa xong. 

Cả Phòng Giáo dục có mười mấy người mà có hàng ngàn giáo viên thì chậm cũng là lẽ đương nhiên. 

Chỉ tiếc, qui định chấm sáng kiến phải có hai người chấm độc lập mà nhìn đi, nhìn lại cán bộ Phòng chẳng có mấy môn có hai người. 

Vậy không biết Phòng sẽ chấm ra sao. Hỏi mấy vị Hội đồng bộ môn thì không ai được phân công chấm.
    
Trong một lần đi dự thao giảng của huyện, mấy anh em tổ trưởng ngồi uống cà phê trò chuyện với nhau và nói về chuyện sáng kiến kinh nghiệm lâu công bố giải thì được một ông thầy bất mí. 

Cuối năm học, bàn thêm về ban giám khảo các cuộc thi, hội thi ảnh 4

Thế nào là một giáo viên giỏi?

Chưa xong đâu, bởi tôi thấy Phó Phòng giáo dục phải thuê xe lôi chở sáng kiến kinh nghiệm về chấm thì còn lâu lắm. 

Mỗi người chấm hàng trăm sáng kiến, lại còn lo công việc của Phòng nữa. Một ông thầy còn dí dỏm nói thêm: Không biết ông Phó phòng của mình chấm sao ta. 

Trình độ của ông ấy có 9+3 rồi hàm thụ lên thì ông ấy chấm kiểu gì sáng kiến của anh em mình? Nhưng, biết làm sao được, đó lại là sự thật đã diễn ra nhiều năm ở địa phương nơi chúng tôi đang công tác…
   
Nếu kể những bất cập về ban giám khảo của một số đơn vị ngành giáo dục thì có lẽ kể mãi không hết.

Vậy nên, người viết cũng như bao thầy cô khác đang công tác trong ngành giáo dục chỉ hy vọng rằng cuộc thi nào cũng là công sức của giáo viên cơ sở, vì thế, khi bố trí phân công những giám khảo phải cần khách quan, khoa học. 

Đâu cứ nhất thiết phải “ông này, ông kia” có chức danh lãnh đạo mới cơ cấu được vào ban giám khảo! 

Hiện nay, môn học nào cũng có các thành viên Hội đồng bộ môn hay nhiều thầy cô có uy tín và chuyên môn tốt, họ đã từng có nhiều kinh nghiệm và thành tích. 

Hơn nữa, những người đang trực tiếp giảng dạy, họ đang nắm tốt chuyên môn, sát sao với công việc dưới cơ sở nên họ sẽ nắm bắt tốt nhất chuyên môn của mình. 
    
Mỗi cuộc thi, hội thi đều có những tiêu chí và mục đích cụ thể để hướng tới việc nâng cao chất lượng chuyên môn của ngành và cũng từ mỗi cuộc thi sẽ tìm ra những nhân tố tích cực trong ngành. 

Vì thế, việc tìm những người đủ tâm, tầm, nắm bắt tốt những đổi mới của ngành vào ban giám khảo là điều cần thiết. Nếu không, chỉ để lại những thị phi, sự chán nản cho bao người…!

Nhật Duy