LTS: Thời điểm cuối năm, giáo viên bận rộn với công tác chuẩn bị thi học kì cho học sinh và những việc sổ sách cuối năm.
Tuy nhiên, một số trường lại tổ chức các cuộc thi, hội thi vào thời điểm này khiến nhiều giáo viên bức xúc.
Thầy Nguyễn Cao bày tỏ quan điểm của mình về thực trạng trên và đề xuất ngành giáo dục cần sớm chấn chỉnh những hoạt động trên.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Bây giờ đã là cuối tháng 4, nghĩa là chỉ còn 1-2 tuần nữa là các trường bước vào kiểm tra chất lượng học kì 2.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc cả thầy và trò đang phải đầu tư rất nhiều thời gian cho công việc hướng dẫn, ôn tập và chuẩn bị tốt cho kì thi sắp tới.
Vậy mà, không hiểu sao nhiều nơi, nhiều ban ngành, thậm chí lãnh đạo ngành giáo dục vẫn phát động và tổ chức những cuộc thi, hội thi cho cả học sinh và giáo viên một cách “hồn nhiên” như không có chuyện gì vậy!
Mấy ngày nay, đơn vị chúng tôi đang khẩn trương tập luyện cho học sinh để các em tham gia Hội thi “Thiếu niên kể chuyện sách” vào những ngày cuối cùng của tháng 4.
Biếm họa gánh nặng của thầy cô giáo. Tranh của V.Thọ |
Một số thầy cô Ngữ văn được phân công chuẩn bị nội dung là tìm sách và viết bài cho học sinh. Nhân viên thư viện thì trông coi và rèn các kĩ năng cho học sinh trong quá trình kể.
Các em học sinh tham gia kể chuyện thì phải học thuộc lòng mấy trang giấy được thầy cô viết sẵn, sau đó sẽ được thầy cô tập luyện, hướng dẫn.
Trước vẻ tất bật của một số thầy cô giáo và các em học sinh đang phải cố gắng tranh thủ ôn luyện để hướng tới mục tiêu mà Ban giám hiệu đề ra mà nhiều giáo viên trong trường không khỏi buồn phiền.
Tại sao một Hội thi được Phòng Văn hóa, Phòng Giáo dục, Huyện Đoàn phối hợp tổ chức mà lại có chuyện tắc trách như vậy.
Cả năm học, có biết bao thời gian phù hợp hơn mà đi chọn vào lúc nhà trường đang ôn thi học kì để đi thi… kể chuyện?
Ngoài hội thi “Thiếu niên kể chuyện sách” thì học sinh trên địa bàn chúng tôi cũng đang phải tham gia 2 cuộc thi là “Tìm hiểu về Ma túy” và “Tìm hiểu về HIV/ AIDS”.
Thời gian nộp bài là đầu tháng 5 - thời điểm mà các trường đang thi học kì. Và, cuộc thi này cũng là sự phối hợp của nhiều Sở, trong đó, Sở Giáo dục chịu trách nhiệm phát động và tổ chức cuộc thi cho học trò.
Tôi đem câu chuyện bất cập này nói với một người anh cũng đang là giáo viên của một huyện khác thì được anh chia sẻ là mấy cuộc thi mà tôi vừa kể thì trường anh cũng đang phát động học sinh tham gia.
Anh còn kể thêm một câu chuyện về Hội thi Giáo viên giỏi cấp trường, nơi anh đang công tác nghe còn có vẻ li kì và tréo ngoe hơn nhiều.
Nhiều cuộc thi được tổ chức vào thời điểm cuối năm khiến thầy trò thêm nặng gánh. (Ảnh minh họa trên Báo Tuổi trẻ) |
Anh nói: những tháng qua, thời gian có phần thư thái hơn hơn thì Ban giám hiệu không tổ chức thi giáo viên giỏi cấp trường.
Đùng một cái, đến tuần 29 mới phát động Hội thi trong buổi họp Hội đồng sư phạm và lên lịch tuần 30 chấm thực hành.
Sau đó là 3 thành viên trong Ban giám hiệu kết hợp cùng nhau đi dự giờ và tiến hành chấm thi. Trường có nhiều tổ trưởng chuyên môn nhưng không ai được phân công đi chấm.
Chỉ có 3 thành viên đi chấm thực hành nên 2 tuần trôi qua vẫn chưa xong. Nhưng, tâm trạng giáo viên thì hồi hộp, lo lắng bởi Ban giám hiệu không lên lịch cụ thể là ngày này, tuần này chấm ai.
Hôm nào dự, Ban giám hiệu cho văn thư lên báo trước với giáo viên 5 phút là vào dự. Hình như, khi đã là Ban giám hiệu, họ tự cho mình cái quyền thích làm gì thì làm nên Hội thi giáo viên giỏi của trường sai cả về lí và tình.
Bởi muốn tổ chức Hội thi giáo viên giỏi, dù ở cấp nào thì theo hướng dẫn hiện hành cũng phải thi lí thuyết trước.
Thầy trò ngày đêm quay cuồng với các "cuộc chiến" để mang hư danh về cho trường |
Đằng này, chấm thực hành trước rồi mới tổ chức thi lí thuyết, nếu sau này giáo viên thi lí thuyết mà không đậu thì tính làm sao?
Còn, nếu Ban giám hiệu có chủ ý là thi lí thuyết sẽ cho qua cả thì tổ chức thi để làm gì?
Hơn nữa, các Hội thi giáo viên giỏi hiện nay đều có một tiết tự chọn và 01 tiết bắt buộc.
Nhưng, trường anh tổ chức thi mà vào bất thình lình giống như đi thanh tra đột xuất của ngày trước thì rõ ràng Ban giám hiệu đang là những người độc đoán, vô nguyên tắc!
Chuyện bội thực các cuộc thi ở nhà trường đối với cả thầy và trò đã được dư luận nói nhiều.
Nhưng, thi kiểu mà năm học gần kết thúc, khi mà cả thầy và trò đang chuẩn bị nước rút để bước vào kì thi học kì 2 để kết thúc năm học là tư duy “tùy hứng”, không có khoa học của một số lãnh đạo trong ngành giáo dục.
Bởi, đối với thầy cô giáo khi cuối năm thì có rất nhiều việc cần làm. Lo hoàn thành sổ sách, các chuyên đề, kế hoạch đã đăng kí đầu năm; lo đối phó với thanh tra cuối năm; ra đề thi học kì; hoàn thành các cột điểm cho học sinh…
Đối với học trò, các em cũng phải chuẩn bị ôn thi với rất nhiều câu hỏi trong đề cương…Vậy mà, một số thầy cô, học trò vẫn còn tất bật với những cuộc thi mà tính thiết thực và ý nghĩa không nhiều!
Trong mỗi cuộc thi ở trường, thật thì có ít, giả dối quá nhiều |
Nhất là việc tổ chức thi Giáo viên giỏi cấp trường vào giai đoạn này là thể hiện tầm nhìn hạn chế của một số Ban giám hiệu.
Không mấy khi người ta tổ chức thi vào giai đoạn cuối cùng của năm học bởi lúc này chỉ còn sót lại một số bài ôn tập, bài đọc thêm hay một số hoạt động được xem là “phụ” của môn học. Nên, việc thi và chấm thi cũng trở nên nhạt nhẽo.
Đặc biệt với người dạy, họ không có một tâm thế thoải mái, bởi trường tổ chức hội thi mà theo cảm tính, không định được thời gian thích hợp, không có lịch cụ thể thì đâu phải là hội thi nữa. Có cần thiết với những hội thi như vậy không?
Để kết thúc bài viết này, có lẽ người viết cũng như bao giáo viên khác chỉ mong muốn ngành giáo dục nên chọn và tổ chức những cuộc thi, hội thi thiết thực, phù hợp với hoàn cảnh, đối tượng, thời gian của năm học.
Bởi có vô vàn cuộc thi, hội thi hiện nay chẳng giúp ích được gì cho giáo viên và học sinh. Chỉ làm lợi và đem lại thành tích cho một số ít người thì tổ chức làm gì.
Ngành giáo dục cần chấn chỉnh những cuộc thi không cần thiết để giáo viên và học sinh bớt đi những áp lực để đầu tư cho chuyên môn tốt hơn.