Gần một nửa giáo viên hiện tại rất khó theo được chương trình mới

30/05/2017 06:18
Mai Thảo
(GDVN) - Thực tế ở nhiều địa phương, phòng học xuống cấp nhiều, chất lượng giáo viên không đáp ứng được chương trình hiện tại chứ chưa nói gì bảo đảm chương trình mới.

Theo nguồn tin riêng của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ngày 27/5 vừa qua, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức phiên họp chuyên để nghe Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – Phùng Xuân Nhạ, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể - Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết báo cáo về việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Tại đây, các Đại biểu Quốc hội đều cho rằng, chương trình mới, sách giáo khoa mới và đội ngũ giáo viên, hệ thống cơ sở vật chất cần được thực hiện đồng bộ và toàn diện thì công cuộc đổi mới giáo dục mới thành công. 

Tổng tư lệnh ngành giáo dục khẳng định, đổi mới giáo dục phổ thông không thuần túy là đổi mới chương trình, sách giáo khoa (Ảnh: T/M)
Tổng tư lệnh ngành giáo dục khẳng định, đổi mới giáo dục phổ thông không thuần túy là đổi mới chương trình, sách giáo khoa (Ảnh: T/M)

Tuy nhiên, tính đến nay chương trình mới vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, vậy có nên gấp rút triển khai chương trình mới ngay từ năm học 2018-2019 không?

Đổi mới giáo dục không thuần túy nằm ở chương trình, sách giáo khoa
Việc xây dựng đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đang được thực hiện theo Nghị quyết 88/2014/QH13 và Quyết định số 404/QĐ - TTg. 

Gần một nửa giáo viên hiện tại rất khó theo được chương trình mới ảnh 2

Đã chậm tiến độ gần 2 năm, có nên gấp gáp triển khai chương trình mới?

Theo nhiều chuyên gia đánh giá, đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông có 3 cấu phần đặc biệt quan trọng, quyết định tới sự thành bại của công cuộc đổi mới.

Đó là: Chương trình, sách giáo khoa; giáo viên; cơ sở vật chất. 

Nhận thức đây là vấn đề đặc biệt quan trọng vì nó ảnh hưởng tới tương lai đất nước, tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – Phùng Xuân Nhạ cho biết:

Rút kinh nghiệm từ những lần đổi mới trước nếu lấy đổi mới chương trình, sách giáo khoa làm tâm điểm, mà đội ngũ giáo viên không tương thích, cơ sở vật chất không đáp ứng thì sẽ không thành công, lần này Bộ đã quán triệt tinh thần bám sát lộ trình đề ra nhưng không quá nóng vội, đặt mục tiêu cao nhất là chất lượng, hiệu quả.

Tổng tư lệnh ngành cũng khẳng định, đổi mới giáo dục phổ thông không thuần túy là đổi mới chương trình, sách giáo khoa mà phải nhìn nhận một cách đồng bộ đến các điều kiện thực hiện trong đó, đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất.

Tuy nhiên, với hơn 1 triệu giáo viên hiện nay mà ngay lập tức muốn tất cả họ đều có bước chuyển từ phương pháp truyền thụ kiến thức sang phương pháp phát triển năng lực theo chương trình mới thì đây không phải là điều dễ dàng. 

Do đó, muốn thành công ở chương trình lần này thì cần có thời gian đào tạo lại đội ngũ giáo viên chứ không chỉ bồi dưỡng, đào tạo đơn thuần hàng năm như hiện nay. 

Hơn nữa, trong chương trình mới xuất hiện nhiều môn học mới, môn tích hợp nên khi nếu không chuẩn bị kỹ lưỡng thì khi triển khai sẽ gặp nhiều thách thức. 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ đang xây dựng Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, trong đó xác định tiếp tục thực hiện mục tiêu kiên cố hóa trường lớp học; Xây dựng đủ phòng học, phòng bộ môn cho các trường; Trang bị máy chiếu, trang thiết bị phục vụ chương trình mới…

Chưa đủ nguồn lực để thực hiện

Theo Nghị quyết 88/2014/QH13, tại Điều 2, Khoản 3, Điểm d nêu rõ: Chương trình giáo dục phổ thông phải phù hợp với điều kiện thực tiễn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, kỹ thuật của nhà trường và khả năng tiếp thu của học sinh. 

Nhưng theo báo cáo của đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo về kết quả rà soát số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên, hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho thấy, về cơ bản chưa thể đáp ứng yêu cầu.

Gần một nửa giáo viên hiện tại rất khó theo được chương trình mới ảnh 3

Nên lùi thời gian thực hiện chương trình mới ít nhất 1 năm

Đơn cử, bức tranh tổng thể về hệ thống cơ sở vật chất trong năm 2015 - 2016 như sau:

Tỷ lệ phòng học kiên cố hóa đạt trung bình 0,65; Tỷ lệ phòng học trên lớp 0,7 (Tiểu học); 0,8 (Trung học cơ sở, Trung học phổ thông); Hệ thống phòng học chức năng, phòng học bộ môn trung bình 0,4 - 0,7; Thiết bị dạy học đạt mức 35 - 70% đáp ứng yêu cầu, tùy từng cấp học, vùng miền. 

Về đội ngũ giáo viên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thẳng thắn chỉ ra, thống kê cả nước có gần 1,26 triệu nhà giáo đứng lớp, phần lớn được đào tạo, bồi dưỡng theo cách tiếp cận truyền thống. 

Nhưng có gần 1/2 thầy cô trong số này dù cống hiến tích cực nhưng để đào tạo, bồi dưỡng theo hướng đổi mới cũng đáng băn khoăn. 

Do đó, trước khi thực hiện chương trình mới, đến nay Bộ đã đưa ra lộ trình, tiến hành rà soát giáo viên, xây dựng bộ chuẩn mới cho giáo viên theo phương pháp đào tạo mới, chỉ đạo các trường sư phạm, kể cả các trường chuyên biệt, vào cuộc, trước mắt tham gia bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ. 

Đồng thời xác định điều kiện tối thiểu, đầu tư cuốn chiếu theo từng lớp. Ngân sách trung ương hỗ trợ cho địa phương, ưu tiên nơi có điều kiện kinh tế khó khăn, miền núi, vùng sâu vùng xa, phần còn lại (cơ bản) lấy từ ngân sách địa phương và huy động xã hội hóa.

Tuy nhiên, nhiều Đại biểu Quốc hội đặt vấn đề, đối với những địa phương không có điều kiện thực hiện phần còn lại mà Trung ương giao thì sẽ xử lý thế nào? 

Đại biểu Mù A Vảng (tỉnh Điện Biên) băn khoăn: “Hiện Điện Biên có tới 22,45% là phòng học tạm, với cơ sở vật chất như vậy liệu có thực hiện được chương trình mới hay không?”. 

Gần một nửa giáo viên hiện tại rất khó theo được chương trình mới ảnh 4

“Tôi không hiểu tại sao mọi việc lại gấp đến vậy!”

Còn Đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai (tỉnh Trà Vinh) thì nhìn nhận: 

Thực tế ở nhiều địa phương, phòng học xuống cấp nhiều, trang thiết bị hư hỏng, chất lượng giáo viên không đáp ứng được chương trình hiện tại chứ chưa nói gì bảo đảm chương trình, sách giáo khoa mới. 

Ngoài ra, khi chương trình mới theo hướng tích hợp, học sinh có quyền chọn môn học, giải quyết giáo viên dôi dư thế nào cũng là vấn đề, nếu không lại rơi vào vòng luẩn quẩn…
”.

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (tỉnh Ninh Thuận) dẫn chứng thời gian qua, việc tổ chức dạy tiếng Anh bậc tiểu học ở huyện Bắc Ái, Ninh Thuận không thực hiện được, bởi không có giáo viên. 

Chương trình giao về trường rất nhiều, cho hiệu trưởng tự tổ chức, phân công giáo viên dạy nhưng không có chế độ ưu đãi cho họ nên không triển khai được”. 

Do vậy, nếu triển khai chương trình, sách giáo khoa mới, học sinh sẽ được quyền lựa chọn môn tiếng dân tộc thiểu số nên để địa phương bảo đảm đội ngũ giáo viên dạy các môn này cũng không dễ. 

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (tỉnh Bình Phước) nêu thực tế: “Bảo đảm chương trình, sách giáo khoa mới, nếu vội vàng, chỉ dừng ở bồi dưỡng giáo viên thì rất khó.

Hơn nữa, tình trạng thiếu giáo viên ở các môn tiếng dân tộc thiểu số là vấn nạn ở Bình Phước. Tỉnh có tới 41 dân tộc thiểu số, nếu học sinh tự chọn tiếng dân tộc thì đội ngũ giáo viên có bảo đảm được hay không?”.

Trước những băn khoăn, lo ngại này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: “Chúng tôi xác định phải tiến hành đồng bộ và đồng tốc, với quan điểm quyết tâm và phải thắng lợi”. 

Mọi ý kiến góp ý về thời gian triển khai chương trình mới xin gửi bài viết về hộp thư: toasoan@giaoduc.net.vn

Tòa soạn xin trân trọng cảm ơn!

Mai Thảo