5 vấn đề cần làm rõ
Theo nguồn tin riêng của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, sáng 27/5, Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (sau đây gọi tắt là Ủy ban) đã tổ chức “phiên họp chuyên đề” nghe báo cáo về việc thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Chủ nhiệm Ủy ban - Phan Thanh Bình chủ trì phiên họp.
Tại đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – ông Phùng Xuân Nhạ và Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể - Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đã báo cáo với lãnh đạo Ủy ban về tình hình thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội (gọi tắt là Nghị quyết 88) và Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (gọi tắt là Quyết định 404).
Được biết, ngày 20/5/2017 là kết thúc thời gian lấy ý kiến toàn thể nhân dân về chương trình giáo dục phổ thông mới, do đó, “phiên họp chuyên đề” như một cách để Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban soạn thảo chương trình giải trình một số vấn đề với Ủy ban trước khi chương trình, sách giáo khoa mới chính thức triển khai đại trà.
Ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban soạn thảo chương trình làm rõ 5 vấn đề cụ thể (Ảnh: T.M) |
Đại diện Ủy ban, ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban soạn thảo chương trình làm rõ 5 vấn đề cụ thể, đó là:
Thứ nhất, về kế hoạch, lộ trình thực hiện đổi mới, chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông cụ thể ra sao khi mà thực hiện đúng yêu cầu của Nghị quyết 88 về thời điểm bắt đầu áp dụng triển khai chương trình, sách giáo khoa mới bắt đầu từ năm học 2018-2019.
Thứ hai, tổng hợp ý kiến đóng góp cho dự thảo chương trình tổng thể và tiếp thu của Ban phát triển chương trình tổng thể trong thời gian qua là như thế nào?
Thứ ba, chuẩn bị cho đội ngũ nhà giáo và cơ sở vật chất trường lớp học cho đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã tiến hành đến đâu?
Thứ tư, kinh phí thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông, kinh phí xây dựng chương trình sách giáo khoa mới cụ thể ra sao?
Thứ năm, cụ thể những khó khăn, thách thức và kiến nghị là gì?
Có nên lùi thời gian thực hiện?
Ngày 9/12/2000, Quốc hội ban hành Nghị quyết 40/2000/NQ-QH10 về Đổi mới chương trình phổ thông, theo đó, việc áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới bắt đầu ở lớp 1 và lớp 6 từ năm học 2002-2003, bắt đầu ở lớp 10 từ năm học 2004-2005; đến năm học 2006-2007 tất cả các lớp cuối cấp đều thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới.
Đến năm 2008, chúng ta tiếp tục đặt ra vấn đề đổi mới chương trình, sách giáo khoa.
Nên lùi thời gian thực hiện chương trình mới ít nhất 1 năm |
Và đến năm 2013, Quốc hội thông qua Nghị quyết 88 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông với lộ trình thực hiện từ năm học 2018-2019, bắt đầu triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp Tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Trên cơ sở Nghị quyết đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 404 phê duyệt đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Nếu thực hiện theo đúng lộ trình ở Quyết định 404 thì chúng ta đã phải hoàn thành việc xây dựng, thẩm định, thực nghiệm và ban hành chương trình mới từ giai đoạn 1 (tháng 4/2015-6/2016).
Thời gian biên soạn, thẩm định, thực nghiệm, phê duyệt cho phép sử dụng và phát hành được ít nhất một bộ sách giáo khoa mới của lớp 1, lớp 6, lớp 10 nằm ở giai đoạn 2 (tháng 7/2016-6/2018).
Và từ năm học 2018-2019, bắt đầu triển khai áp dụng chương trình mới, sách giáo khoa mới.
Tuy nhiên, thực tế đến nay (tháng 5/2016) vẫn chưa hoàn thành chương trình phổ thông, có nghĩa là xét về mặt tiến độ thực hiện Quyết định 404, chúng ta đã thực hiện chậm hơn so với lộ trình gần 2 năm.
Và thông qua kết quả tổng hợp ý kiến góp ý của các nhà khoa học, các chuyên gia giáo dục, các Sở giáo dục và Đào tạo, các tổ chức, cá nhân và các tầng lớp nhân dân, Ban phát triển chương trình tổng thể đã đề xuất 2 phương án áp dụng chương trình mới, sách giáo khoa mới. Đó là:
Phương án 1: áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới theo phương thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học, bắt đầu đối với từ lớp 1 từ năm học 2018-2019, lớp 6 từ năm học 2019-2020 và lớp 10 từ năm học 2021-2022.
Phương án này đã bám sát lộ trình triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới quy định tại Nghị quyết 88.
Tuy nhiên, nếu thực hiện sẽ gặp phải những hạn chế, bất cập. Đó là sau khi chương trình tổng thể được phê duyệt tạm thời (dự kiến là tháng 6/2017) còn ít thời gian dành cho biên soạn, thẩm định, thực nghiệm các chương trình môn học và hoạt động giáo dục; biên soạn, thẩm định, thực nghiệm sách giáo khoa mới; tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, chuẩn bị cơ sở vật chất để triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới.
Do đó, có thể ảnh hưởng đến chất lượng của những công việc này và chất lượng, hiệu quả đổi mới chương trình, sách giáo khoa.
“Tôi không hiểu tại sao mọi việc lại gấp đến vậy!” |
Mặt khác, ngoài bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn theo yêu cầu của Nghị quyết 88, các tổ chức, cá nhân có thể không kịp biên soạn những sách giáo khoa khác, do đó sẽ hạn chế tính cạnh tranh công bằng giữa các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa.
Phương án 2: Áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới theo phương thức cuốn chiếu mỗi cấp học, bắt đầu đối với lớp 1 từ năm học 2019-2020, lớp 6 từ năm học 2020-2021 và lớp 10 từ năm học 2021-2022.
Phương án này sẽ bảo đảm có đủ thời gian dành cho biên soạn thẩm định, thực nghiệm các chương trình môn học và hoạt động giáo dục; biên soạn, thẩm định, thực nghiệm sách giáo khoa mới, tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, chuẩn bị cơ sở vật chất để triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới; bảo đảm chất lượng, hiệu quả xây dựng và thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới một cách chắc chắn;
Và bảo đảm chất lượng, hiệu quả xây dựng cạnh tranh công bằng giữa các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa, góp phần thực hiện tốt chủ trương một chương trình, nhiều sách giáo khoa.
Nhưng thời gian này lại không thực hiện đúng yêu cầu của Nghị quyết 88 về thời điểm bắt đầu áp dụng triển khai chương trình, sách giáo khoa mới.
Tại phiên họp, đại đa số đại biểu ủng hộ phương án 2. Mặc dù không bảo đảm yêu cầu của Nghị quyết 88 về thời điểm bắt đầu áp dụng triển khai chương trình, sách giáo khoa mới, nhưng là điều kiện bảo đảm chất lượng, hiệu quả thực hiện chắc chắn hơn.
Băn khoăn của các đại biểu là điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, phải tiến hành sao cho đồng bộ, tránh tình trạng không khớp với chương trình dẫn đến triển khai kém hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương tích cực rà soát số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên và hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị dạy học trong cả nước, trên cơ sở đó, tiến hành các bước đào tạo, bồi dưỡng, có phương án bố trí cơ sở vật chất, thiết bị phù hợp.
Về lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, Bộ cam kết bám sát lộ trình đề ra, song không quá nóng vội, duy ý chí mà đặt mục tiêu ưu tiên cao, nhất là bảo đảm chất lượng, hiệu quả của chương trình.
Kết thúc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng - Phan Thanh Bình đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu các ý kiến thảo luận để hoàn thiện Báo cáo.
Đồng thời tiếp tục bám sát Nghị quyết 88 của Quốc hội về việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa mới vừa gắn với điều kiện thực tế để chuẩn bị kế hoạch bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên các cơ sở giáo dục phổ thông; kế hoạch đầu tư tăng cường cơ sở vật chất làm tiền đề để công cuộc đổi mới giáo dục phổ thông thành công.
Cũng tại phiên họp ngày 27/5/2017, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, đổi mới giáo dục phổ thông không thuần túy là đổi mới chương trình, sách giáo khoa mà phải nhìn nhận một cách đồng bộ đến các điều kiện thực hiện trong đó, đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất được xem là điều kiện quyết định tới sự thành công của công cuộc đổi mới này. Tuy nhiên, với hơn 1 triệu giáo viên hiện nay mà ngay lập tức muốn tất cả họ đều có bước chuyển từ phương pháp truyền thụ kiến thức sang phương pháp phát triển năng lực theo chương trình mới thì đây không phải là điều dễ dàng. Do đó, muốn thành công ở chương trình lần này thì cần có thời gian đào tạo lại đội ngũ giáo viên chứ không chỉ bồi dưỡng, đào tạo đơn thuần hàng năm như hiện nay. Hơn nữa, trong chương trình mới xuất hiện nhiều môn học mới, môn tích hợp mặc dù thời gian qua lãnh đạo Bộ đã có thời gian làm việc với các trường sư phạm, các trường phổ thông nhằm xây dựng đội ngũ cốt cán tuy nhiên còn gặp nhiều thách thức. Và Bộ trưởng Nhạ thông tin, sắp tới, Hội đồng thẩm định quốc gia sẽ tiến hành thẩm định sơ bộ chương trình mới để làm cơ sở cho việc triển khai chương trình môn học, rồi kiểm định trước khi viết sách giáo khoa. |