Nên lùi thời gian thực hiện chương trình mới ít nhất 1 năm

27/05/2017 04:28
Thùy Linh
(GDVN) - Nhiều chuyên gia, cán bộ quản lý giáo dục cho rằng nên lùi thời gian 1 năm triển khai đại trà chương trình giáo dục phổ thông mới.

Theo nhiều chuyên gia đánh giá, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã được phát triển trên cơ sở những nỗ lực người thiết kế đưa ra được những nguyên tắc, quan điểm để định hướng cho chương trình.

Những quan điểm này đã đề cao tính mục tiêu, tính hệ thống và xu hướng chuẩn hóa cũng như tiếp cận bối cảnh thế giới và Việt Nam khi xây dựng chương trình.

Bên cạnh đó, chương trình tổng thể đã thể hiện quan điểm lấy người học làm trung tâm thể hiện qua việc thiết kế các môn học, gia tăng sự lựa chọn cho người học về môn học, sách giáo khoa cũng như thay đổi hình thức kiểm tra đánh giá.

Và chương trình giáo dục phổ thông hướng tới hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất chủ yếu và các năng lực cốt lõi, theo xu thế phát triển giáo dục quốc tế hiện nay.

Nên lùi thời gian thực hiện chương trình mới ít nhất 1 năm (Ảnh minh họa: Ảnh cắt từ truyền hình Bắc Giang)
Nên lùi thời gian thực hiện chương trình mới ít nhất 1 năm (Ảnh minh họa: Ảnh cắt từ truyền hình Bắc Giang)

Theo dự kiến của Ban soạn thảo chương trình thì chương trình mới sẽ bắt đầu thực hiện từ năm học 2018-2019, có nghĩa chỉ còn 1 năm nữa, tuy nhiên tính đến thời điểm này, các chuyên gia cũng tỏ ra lo lắng về điều kiện, thời gian thực hiện chương trình này. 

Tại hội thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và yêu cầu đổi mới bồi dưỡng cán bộ quản lý trường phổ thông do Học viện Quản lý giáo dục tổ chức ngày 18/5, Phó giáo sư Trần Ngọc Giao – Học viện quản lý giáo dục, khuyến nghị:

Theo dự kiến của Ban soạn thảo, dự kiến Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ thực hiện vào năm học 2018-2019 là quá sớm, trong khi công luận còn nhiều ý kiến khác nhau về những vấn đề cơ bản, đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ban soạn thảo chương trình lùi thời gian lại ít nhất 1 năm.

Nên lùi thời gian thực hiện chương trình mới ít nhất 1 năm ảnh 2

Liên quan tới vận mệnh quốc gia, dân tộc, hãy nhìn rừng, đừng nom cây

Hơn nữa, ông Giao cho rằng, vấn đề phân luồng giáo dục hay hướng dẫn định hướng nghề nghiệp nên chuẩn bị ngay từ đầu cấp Trung học cơ sở và có bước định hướng trong cấp học Trung học cơ sở. 

Tuy trong kế hoạch giáo dục của Dự thảo đã có môn Công nghệ và Hướng nghiệp, nhưng theo ông Giao như vậy là chưa đủ, nếu chỉ dừng lại ở đây thì đến giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (giáo dục Trung học phổ thông) mà Dự thảo đã  đưa ra sẽ quay lại giống như kiểu “Phân ban” mà chương trình năm 2000 dự kiến và đã phải điều chỉnh. 

Hơn nữa, theo khuyến cáo của ISCED (2011) và được áp dụng tại nhiều nước, để định hướng nghề nghiệp, ở cấp Trung học cơ sở, họ phân luồng theo 2 hướng Lý thuyết/Hàn lâm và Kỹ thuật/Ứng dụng. 

Như vậy để tương thích với xu hướng chung của ISCED, Việt Nam cũng nên tổ chức phân luồng giáo dục Trung học cơ sở theo hai hướng, hướng phổ thông cơ bản (như dự thảo hiện nay và hướng nhân Kĩ thuật- Công nghệ, có thể tham khảo thêm xu hướng giáo dục STEM (Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật) và Math (Toán học)) để thu hẹp khoảng cách giữa hàn lâm và thực tiễn.

Còn Giáo sư Nguyễn Đức Chính – Học viện Quản lý giáo dục thì cho rằng, khó khăn lớn nhất của việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới là khâu chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục. 

Nên lùi thời gian thực hiện chương trình mới ít nhất 1 năm ảnh 3

Ban soạn thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới đã tiếp thu những góp ý nào?

Vì vậy, Giáo sư Chính kiến nghị Ban soạn thảo cần bổ sung vào điều kiện thực hiện chương trình mới phần về đổi mới đào tạo giáo viên ở các trường/khoa sư phạm.

Cần tính toán ngân sách, tăng định biên giáo viên/số lượng học sinh (có sự tiếp thu các kinh nghiệm của nước ngoài) nhằm hiện thực hóa các mục tiêu.

Đặc biệt, công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên để giảng dạy chương trình mới cần được tiến hành khẩn trương (hầu hết các giáo viên hiện nay quá quen với cách dạy là truyền thụ hết kiến thức có trong sách giáo khoa), nhất là các môn học và hoạt động giáo dục có nội dung mới so với chương trình hiện hành.

Bên cạnh đó, cần tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục các cấp để có đủ năng lực điều hành thực hiện chương trình mới, nhất là cán bộ quản lý các trường phổ thông. Đối với cán bộ quản lý cần có sự chuyên môn hóa cao hơn về mặt năng lực quản lý để lãnh đạo nhà trường hiệu quả trong bối cảnh đổi mới.

Theo Giáo sư Chính, trong công cuộc cách mạng này vai trò của Hiệu trưởng với tư cách là chỉ huy trưởng của một đơn vị tác chiến trực tiếp, quyết định thành bại trên mặt trận của mình.

Dạy học thực chất là dạy cách học, trong đó học sinh là chủ thể của quá trình tự học, còn giáo viên là chủ thể của việc giúp mỗi học sinh tự học theo cách của học sinh đó. Đây là công việc khó cần sự kiên trì và quyết tâm của hiệu trưởng.

Thùy Linh