Ông Donald Trump, ông Tập Cận Bình đều xem Triều Tiên là con bài chiến lược?

30/05/2017 14:08
Hồng Thủy
(GDVN) - Tổng thống Donald Trump vẫn đang nắm rất chắc cục diện bán đảo Triều Tiên, mọi căng thẳng thời gian qua chỉ là một màn kịch che đậy các ý đồ chiến lược.

Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên đã phóng một quả tên lửa đạn đạo tầm ngắn tương tự tên lửa Scud vào sáng hôm qua 29/5, nó đã bay khoảng 450 km và rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế Nhật Bản.

Đây là lần thứ 3 trong 3 tuần liên tiếp, lần thứ 9 trong năm nay Bình Nhưỡng thử tên lửa đạn đạo, nhấn mạnh quyết tâm của nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong việc thúc đẩy chương trình phát triển tên lửa đạn đạo.

Hàn - Nhật lo lắng, Tổng thống Mỹ bình chân như vại

The Washington Post hôm qua 29/5 cho biết, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã triệu tập khẩn cấp Hội đồng An ninh quốc gia ngay sau vụ phóng tên lửa.

Quân đội Hàn Quốc được báo động sẵn sàng chiến đấu.

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga bình luận: vụ bắn tên lửa đạn đạo trong khoảng thời gian này cực kỳ nguy hiểm đối với tàu và máy bay trong khu vực. 

Quả tên lửa đạn đạo tầm ngắn Triều Tiên phóng sáng sớm hôm qua 29/5, ảnh: Yonhap News.
Quả tên lửa đạn đạo tầm ngắn Triều Tiên phóng sáng sớm hôm qua 29/5, ảnh: Yonhap News.

Đồng thời Triều Tiên cũng vi phạm rõ ràng các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. 

Trên đường trở về nước từ Italia sau khi tham dự kỳ họp G-7, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết, Nhật Bản sẽ hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ đẻ ngăn chặn Triều Tiên. [1]

Phản ứng với vụ thử tên lửa mới nhất từ Bình Nhưỡng, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm nay viết trên tài khoản cá nhân của mạng xã hội Twitter:

"Triều Tiên đã cho thấy sự thiếu tôn trọng rất lớn đối với nước làng giềng của họ - Trung Quốc, bằng cách tiếp tục bắn một tên lửa đạn đạo.

Nhưng Trung Quốc đang cố gắng rất nhiều!".

Kể từ hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa ông với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tháng trước tại Mar-a-Lago, Tổng thống Donald Trump nhiều lần ca ngợi Trung Quốc đang cố gắng gây áp lực với Bình Nhưỡng, theo hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap ngày 30/5. [2]

Trước ngày diễn ra vụ thử tên lửa mới nhất này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis hôm Chủ nhật phát biểu trên đài CBS News:

"Một cuộc xung đột ở Bắc Triều Tiên có lẽ sẽ là một trận chiến tồi tệ nhất trong cuộc đời của hầu hết mọi người.

Triều Tiên có hàng trăm khẩu pháo và dàn phóng tên lửa có tầm bắn bao trùm thủ đô Seoul, Hàn Quốc, nơi tập trung rất đông dân cư.

Bình Nhưỡng là một mối đe dọa đối với khu vực xung quanh, bao gồm cả Nhật Bản, Trung Quốc và Nga. 

Tuy nhiên, điểm mấu chốt của vấn đề ở chỗ, nếu chúng ta không thể giải quyết tình trạng này bằng các phương tiện ngoại giao, nó sẽ là một cuộc chiến tranh thảm khốc.

Chúng tôi không cần phải đợi đến khi họ có một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa với đầu đạn hạt nhân mới có thể nói rằng, mối đe dọa đã hoàn toàn hiện hữu.

Chúng tôi luôn luôn giả định rằng, chương trình thử nghiệm tên lửa của Triều Tiên đang trở nên tốt hơn sau mỗi lần bắn thử.

Ông Donald Trump, ông Tập Cận Bình đều xem Triều Tiên là con bài chiến lược? ảnh 2

Mỹ - Triều chiến hay hòa?

Chúng tôi coi đó là một mối đe dọa trực tiếp ngày nay. Tôi không muốn đưa ra các mốc thời gian cụ thể.

Thời điểm này, những gì chúng tôi biết, tôi muốn giữ im lặng, vì chúng tôi thực sự có thể biết một số điều mà thậm chí Triều Tiên không biết.". [3]

Sau vụ Triều Tiên thử tên lửa hôm qua, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương cho biết:

"Tên lửa này được theo dõi trong vòng 6 phút cho đến khi nó rơi xuống vùng biển Nhật Bản. Chúng tôi tiếp tục theo dõi chặt chẽ mọi động thái của Bắc Triều Tiên.". [1]

Người viết cho rằng, nói như vậy có thể thấy hiện tại Hoa Kỳ hoàn toàn đủ khả năng kiểm soát các tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.

Đó là chưa kể đến việc người đứng đầu Nhà Trắng vô tình hay hữu ý "lộ" ra rằng, kho vũ khí hạt nhân của Mỹ lớn gấp 20 lần so với Triều Tiên.

2 tàu ngầm hạt nhân mạnh nhất của Mỹ cũng đang hiện diện "ở đó", sẵn sàng xử lý các tình huống khi Mỹ thấy nó thực sự đe dọa tới an ninh của mình. [4]

Tổng thống Donald Trump tỏ ra rất tự tin và bình thản đá "quả bóng trách nhiệm" qua chân Trung Quốc, nhưng tại sao ông chủ Lầu Năm Góc lại có vẻ lo lắng như vậy?

Người viết cho rằng, sự lo lắng của tướng James Mattis có lẽ không mâu thuẫn gì với sự tự tin của ông Donald Trump, mà nhằm thực hiện mục đích khác:

Một là, củng cố các lý do xin tăng ngân sách quốc phòng cho quân đội Mỹ, đặc biệt là Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương.

Đây là một trong những chủ ý của Tổng thống Donald Trump kể từ khi nhậm chức và ông đang công khai thúc đẩy dự định này.

Hai là, củng cố liên minh Mỹ - Nhật - Hàn - Australia trong bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy và cạnh tranh ảnh hưởng gay gắt với Hoa Kỳ bằng cách dùng đòn bẩy kinh tế - thương mại.

Ba là, chuyến công du Ả Rập Xê-út và mang về hợp đồng 110 tỉ USD bán vũ khí để "giúp" thế giới Hồi giáo Ả Rập chống khủng bố mà Tổng thống Donald Trump vừa thực hiện, biết đâu cũng là một gợi ý, tính toán của Mỹ với điểm nóng Triều Tiên?

Như vậy, dường như nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump vẫn đang nắm rất chắc cục diện bán đảo Triều Tiên, mọi căng thẳng thời gian qua chỉ là một màn kịch che đậy các ý đồ chiến lược.

Trung Quốc cũng thừa khả năng kiểm soát Triều Tiên, nhưng vẫn cần dùng làm con bài mặc cả?

Yonhap hôm nay lưu ý, Trung Quốc là đồng minh cuối cùng còn lại của Triều Tiên, là nhà cung cấp quan trọng các mặt hàng thiết yếu như nhiên liệu và lương thực. 

Ông Kim Jong-un quan sát vụ phóng tên lửa hôm qua. Ảnh: Yonhap News.
Ông Kim Jong-un quan sát vụ phóng tên lửa hôm qua. Ảnh: Yonhap News.

Tuy nhiên Bắc Kinh dường như rất miễn cưỡng sử dụng ảnh hưởng của mình để gây sức ép với Bình Nhưỡng, vì sợ thúc đẩy một sự đổ vỡ hoặc bất ổn ở miền Bắc bán đảo. [2]

South China Morning Post, Hồng Kông hôm qua loan tin, chỉ vài giờ sau khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa, ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc đặt chân xuống Nhật Bản.

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết, ông sẽ bàn bạc với ông Dương Khiết Trì về vai trò "rất quan trọng" của Trung Quốc trong việc gây sức ép lên Bình Nhưỡng trong cuộc họp hôm nay.

Thủ tướng Shinzo Abe cũng nêu vấn đề Triều Tiên khi hội kiến với ông Dương Khiết Trì.

Có thể câu chuyện này còn được tiếp tục đưa ra bàn bạc khi ông gặp Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề cuộc họp G-20 tại Đức tháng Bảy tới.

Da Zhigang, Giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Hắc Long Giang, Trung Quốc bình luận trên South China Morning Post:

Chuyến công du Nhật Bản của ông Dương Khiết Trì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hội nghị thượng đỉnh Tập Cận Bình - Shinzo Abe.

Mặc dù có tranh chấp lãnh thổ và các vấn đề lịch sử, Trung Quốc và Nhật Bản ngày càng tăng thêm sự đồng thuận trong vấn đề Triều Tiên. [5]

Trong 2 ngày 25 và 26/5, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có mặt tại Moscow và hội đàm với người đồng cấp Sergei Lavrov.

Triều Tiên là một trong những chủ đề chính của các cuộc thảo luận.

Họp báo sau hội đàm, ông Nghị tuyên bố:

"Về bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc chủ trương giải quyết vấn đề thông qua biện pháp hòa bình.

Nó bao gồm đàm phán và đối thoại trên cơ sở thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Quân sự không bao giờ là một giải pháp có thể giải quyết được vấn đề, nó chỉ mang lại những rắc rối lớn hơn, thậm chí là hậu quả nghiêm trọng.

Cho dù trong quá khứ hay tương lai, giải pháp quân sự không bao giờ nên là lựa chọn đối với bất cứ quốc gia nào.

Trung Quốc và Nga đã đạt được sự nhất trí cao trong vấn đề này.".

Ông Donald Trump, ông Tập Cận Bình đều xem Triều Tiên là con bài chiến lược? ảnh 4

Biển Đông và Triều Tiên, Mỹ đã trúng kế điệu hổ ly sơn của Trung Nam Hải?

Ông Lavrov bổ sung thêm những gì ông Nghị vừa nói:

"Tất cả các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cần được thực hiện.

Những cuộc đàm phán sẽ tiếp tục, chính trị là giải pháp duy nhất cho vấn đề này.

Mọi người đều đồng ý rằng, sử dụng các kịch bản vũ lực sẽ là thảm họa.

Đó chính là những gì Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis vừa nói gần đây.".

Hôm 22/5 ông Nghị cũng tiết lộ rằng, tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã phái đặc sứ của mình sang Trung Quốc ngay sau cuộc bầu cử, nhằm nỗ lực loại bỏ cái gai mắc kẹt trong quan hệ song phương. [6]

Như vậy giữa Bắc Kinh và Moscow đã có sự thỏa thuận, bằng mọi giá không để nổ ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên và phải giải quyết vấn đề thông qua đàm phán.

Tương lai bán đảo Triều Tiên nói chung, Bình Nhưỡng nói riêng đang nằm trên bàn mặc cả giữa 3 siêu cường thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. 

Mỹ chưa muốn giải quyết triệt để vấn đề Triều Tiên vì còn có nhiều giá trị lợi dụng, Trung Quốc và Nga có lẽ cũng thế, không khác.

Một thành công của Trung Quốc khi sử dụng con bài Triều Tiên chính là việc đổi lấy sự im lặng của chính quyền mới tại Hoa Kỳ trên Biển Đông suốt mấy tháng qua.

Khi nào Biển Đông căng thẳng và cần phân tán sự chú ý cũng như binh - hỏa lực của Hoa Kỳ, với Trung Quốc có lẽ không gì tốt bằng nước cờ Triều Tiên.

Đây có lẽ là lý do chủ yếu khiến Trung Quốc vẫn sẽ tìm cách hà hơi tiếp sức cho láng giềng, dù có bị chính Triều Tiên công khai chỉ trích.

Sau khi xây xong 7 đảo nhân tạo và quân sự hóa bất hợp pháp ở Biển Đông, Trung Quốc vẫn còn nhiều toan tính và kế hoạch cho tương lai.

Gần đây người ta thấy truyền thông Trung Quốc nói nhiều đến "khai thác" Biển Đông, từ khai thác băng cháy [7] [8] cho đến lắp đặt hệ thống quan trắc, thu thập thông tin (tình báo) đáy biển. [9]

Tam cường “ràng” chiến lược, Triều Tiên khó thoát thân

3 siêu cường Mỹ - Trung - Nga vừa hợp tác, vừa cạnh tranh lẫn nhau. Họ có thể là đối thủ của nhau trong vấn đề này, nhưng lại là đối tác của nhau trong vấn đề khác.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Điện Kremlin, ảnh: Daily Express.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Điện Kremlin, ảnh: Daily Express.

Lợi ích chính là động lực đằng sau của mọi hợp tác và cạnh tranh.

Cả 5 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đều có vũ khí hạt nhân. 3 nước Mỹ - Nga - Trung theo thứ tự là những nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, thu về hàng trăm tỉ USD.

Những điểm nóng, xung đột toàn cầu hiện nay gần như đều có bóng dáng của 3 quốc gia này, nếu không phải đang trong hiện tại thì cũng đã từng trong quá khứ.

Nếu thế giới đều hòa bình và không còn xung đột, vũ khí Mỹ - Nga - Trung sẽ đi về đâu?

Cho nên, những mâu thuẫn quốc tế nhân danh công lý, những liên minh liên kết chống khủng bố hay những cuộc trừng phạt lẫn nhau giữa các siêu cường, hầu như đều có liên quan đến lợi ích kinh tế, trong đó có lợi ích từ bán vũ khí.

Nói cách khác, khi 3 siêu cường Washington - Moscow - Bắc Kinh liên thủ với nhau, thì dù Triều Tiên có tiếp tục theo đuổi kế hoạch phát triển tên lửa đạn đạo hay vũ khí hạt nhân, vẫn không thoát khỏi "bàn tay Mỹ - Trung - Nga".

Ông Donald Trump, ông Tập Cận Bình đều xem Triều Tiên là con bài chiến lược? ảnh 6

Trung - Mỹ dàn xếp chuyện Triều Tiên, Bình Nhưỡng quyết làm chủ vận mệnh

Đấy là lý do tại sao Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói rằng, vũ khí Triều Tiên đe dọa cả Nga - Trung chứ đâu riêng Mỹ - Nhật - Hàn?

Điều này cũng giúp lý giải tại sao Ngoại trưởng Nga Lavrov dẫn cảnh báo của tướng James Mattis về hậu quả thảm khốc nếu chiến tranh nổ ra trên bán đảo.

Có lẽ hiện nay, cả Mỹ - Trung - Nga đều không muốn chiến tranh xảy ra ở Triều Tiên hay xảy ra chiến tranh với nhau vì Triều Tiên.

Muốn thoát khỏi bế tắc này và tránh ngày càng lún sâu vào vòng xoáy bàn cờ chiến lược của tam cường ở Đông Bắc Á, với Triều Tiên không có cách nào khác ngoài việc mở cửa hội nhập, phát triển kinh tế, hòa bình, hòa giải và hòa hợp dân tộc.

Sức mạnh quân sự Triều Tiên hiện nay có lẽ đã đủ đảm bảo cho sự an toàn của chế độ trước nguy cơ tấn công quân sự từ bên ngoài trong một cuộc chiến tranh quy ước.

Còn phát triển kinh tế, nâng cao nội lực và vị thế đối ngoại mới thực sự là kế sách lâu dài.

Quá tập trung vào việc theo đuổi các mục tiêu quân sự như hiện nay để ngày càng bị cô lập, đương nhiên sẽ khó tránh khỏi sự tụt hậu ngày càng xa về kinh tế.

Mọi sự hà hơi tiếp sức chỉ có thể giúp Triều Tiên duy trì, chứ không thể phát triển cường thịnh.

Bất chấp những căng thẳng, Bình Nhưỡng và Washington vẫn duy trì liên lạc và đối thoại. Chỉ có điều càng kéo dài tình trạng hiện nay, bất lợi càng nghiêng về Bình Nhưỡng.

Một bước đột phá về đối thoại là điều cần thiết và có thể mở ra một tương lai mới không chỉ cho miền Bắc bán đảo, mà cho cả dân tộc Triều Tiên.

Bởi kẻ thù lớn nhất, khó vượt qua nhất chính là những rào cản định kiến ngay từ trong nhận thức, khiến mình đánh giá sai tình hình, đánh mất đi cơ hội, tạo thêm kẻ thù.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://www.washingtonpost.com/world/asia_pacific/north-koreas-latest-ballistic-missile-launch-lands-in-the-sea-of-japan/2017/05/28/cb072e0e-43f6-11e7-a196-a1bb629f64cb_story.html?utm_term=.e310d9930364

[2]http://english.yonhapnews.co.kr/northkorea/2017/05/30/26/0401000000AEN20170530000200315F.html

[3]http://www.cbsnews.com/news/war-with-north-korea-would-be-catastrophic-mattis-says/

[4]https://www.washingtonpost.com/politics/trump-calls-kim-jong-un-a-madman-with-nuclear-weapons-according-to-transcript-of-duterte-call/2017/05/23/211d1474-3fe8-11e7-9869-bac8b446820a_story.html?utm_term=.124d6a161b74

[5]http://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2096137/north-korean-nuclear-threat-tops-agenda-chinas-senior

[6]http://thediplomat.com/2017/05/china-gains-russias-support-on-north-korea-issue/

[7]http://www.scmp.com/news/china/policies-politics/article/2094843/china-taps-cool-future-global-energy

[8]http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Trung-Quoc-nghiem-thu-khao-sat-bang-chay-Bien-Dong-cho-ngay-khai-thac-post139156.gd

[9]http://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2096066/china-plans-undersea-observation-system-science-and\

Hồng Thủy