Biển Đông và Triều Tiên, Mỹ đã trúng kế điệu hổ ly sơn của Trung Nam Hải?

26/05/2017 15:01
Hồng Thủy
(GDVN) - Chủ nhân Trung Nam Hải chỉ mượn cuộc khủng hoảng Triều Tiên để nhử Mỹ khỏi Biển Đông đúng lúc căng thẳng.

Ngày 24/5, khu trục hạm USS Dewey của hải quân Hoa Kỳ tiến vào bên trong phạm vi 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp ở Vành Khăn, Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam).

Đây là lần đầu tiên kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức, một hoạt động tuần tra tự do hàng hải đã diễn ra gần đảo nhân tạo, và lần đầu tiên tiến vào 12 hải lý quanh một đảo nhân tạo ở Trường Sa.

Lần đầu tuần tra tự do hàng hải đúng nghĩa

Ely Ratner, cựu Phó Cố vấn An ninh quốc gia của cựu Phó Tổng thống Joe Biden và bây giờ là thành viên Hội đồng Quan hệ đối ngoại Hoa Kỳ, ngày 25/5 được tờ Foreign Policy dẫn lời bình luận:

"Đây là một động thái tốt, mặc dù có hơi chậm trễ.

Lần đầu tiên một tàu chiến Mỹ hoạt động tự do hàng hải bên trong phạm vi 12 hải lý của một trong 7 cấu trúc Trung Quốc chiếm đóng (bất hợp pháp) ở Trường Sa.

Hoạt động này là một cách để chứng minh rằng, Washington không chấp nhận yêu sách của Bắc Kinh: những đảo nhân tạo họ xây dựng trên các bãi cạn lúc chìm lúc nổi có thể tạo ra lãnh hải 12 hải lý.

Tàu chiến Mỹ USS Dewey trên Biển Đông, ảnh: Reuters.
Tàu chiến Mỹ USS Dewey trên Biển Đông, ảnh: Reuters.

Và do đó, Hoa Kỳ đang chống lại tuyên bố bành trướng của Trung Quốc. Đó là một bước tiến lớn mà nhiều người đang chờ.

Trong khi bản thân hoạt động tự do hàng hải không đạt tới tầm một chiến lược của Mỹ ở Biển Đông, nhưng bước đầu nó đã đảm bảo rằng Trung Quốc không thể đơn phương rào chắn vùng biển quốc tế.". [1]

Cá nhân người viết cho rằng, về mặt pháp lý bình luận của nhà nghiên cứu Ely Ratner là rất thỏa đáng, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Đồng thời nhận định này đã góp phần vạch trần thủ đoạn bành trướng, nhập nhằng đánh lận con đen của Trung Quốc trên Biển Đông.

Theo Phán quyết Trọng tài của Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 xét xử vụ kiện về áp dụng, giải thích Công ước trên Biển Đông do Philippines khởi xướng:

Trang 411 của Phán quyết Trọng tài do Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) công bố ngày 12/7/2015 nêu rõ, Tòa Trọng tài phán quyết rằng Vành Khăn là một bãi cạn lúc nổi, lúc chìm, cho nên bản thân nó không thể hình thành lãnh hải tối đa 12 hải lý.

Đồng thời, không cấu trúc nào ở Trường Sa phù hợp với quy định tại Khoản 3, Điều 121 Quy chế đảo để có thể hưởng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa tối đa 200 hải lý. [2]

Vậy nhưng trong tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngày hôm qua 25/5, Bắc Kinh tiếp tục nhập nhằng đánh tráo khái niệm.

Ông Khảng nói rằng tàu USS Deway đã "tiến vào vùng biển tiếp giáp của các đảo và rặng san hô có liên quan ở Trường Sa" mà không được phép từ Trung Quốc. [3]

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng, ảnh: fmprc.gov.cn.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng, ảnh: fmprc.gov.cn.

Chúng tôi xin lưu ý rằng, hoạt động của tàu USS Deway hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 đã được Phán quyết Trọng tài 12/7/2016 khẳng định.

Trong luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 không có khái niệm pháp lý nào gọi là "vùng biển tiếp giáp" (the adjacent waters);

Và Vành Khăn vẫn không thể có lãnh hải tối đa 12 hải lý, cho dù cấu trúc này đã bị Trung Quốc biến đổi diện mạo từ một bãi cạn lúc nổi lúc chìm thành đảo nhân tạo khổng lồ.

Trung Quốc nhảy vào tranh chấp chủ quyền quần đảo Trường Sa của Việt Nam và chiếm đóng trái phép 7 cấu trúc tại đây, bao gồm Vành Khăn đã là một sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế.

Nay họ còn yêu sách các vùng biển một cách vô lối, phi pháp cho các cấu trúc họ đang chiếm đóng trái phép bằng các khái niệm tự họ chế ra, hoàn toàn không có trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà Trung Quốc là một thành viên từng rất tích cực tham gia xây dựng.

Nói như vậy để thấy hết ý nghĩa về pháp lý của hoạt động tuần tra tự do hàng hải USS Dewey tiến hành hôm qua, và cũng cho thấy sự khác nhau về bản chất pháp lý so với các hoạt động tương tự mà Mỹ tiến hành trước đó.

Trung Nam Hải chỉ dùng vấn đề Triều Tiên để "điệu" Mỹ khỏi Biển Đông

Những ngày đầu tiên sau khi trúng cử, Tổng thống Donald Trump và ứng viên Ngoại trưởng khi đó, ông Rex Tillerson đã từng tuyên bố khá cứng rắn chống lại hoạt động bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Thậm chí ông Tillerson khi trả lời điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện để được thông qua đề cử làm Ngoại trưởng, đã dõng dạc tuyên bố rằng: quân đội Mỹ sẽ ngăn chặn Trung Quốc truy cập các đảo nhân tạo ở Biển Đông. [4]

Biển Đông và Triều Tiên, Mỹ đã trúng kế điệu hổ ly sơn của Trung Nam Hải? ảnh 3

Cán cân Trung-Mỹ đang dịch chuyển và bài toán cho các nước ven Biển Đông

Tuy nhiên việc Bắc Triều Tiên thúc đẩy chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân đã nhanh chóng chiếm hết sự chú ý của chính quyền Tổng thống Donald Trump ở châu Á.

Bởi thế, hoạt động bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông tạm thời được Mỹ gác qua một bên.

Ông chủ Nhà Trắng và đội ngũ cộng sự nhanh chóng giảm bớt các phát biểu lên án hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như chính sách thương mại của Bắc Kinh, nhằm tìm kiếm sự hợp tác, giúp đỡ từ Trung Nam Hải gây sức ép lên Bình Nhưỡng.

Mira Rapp-Hooper, thành viên cao cấp Trung tâm An ninh mới của Mỹ bình luận trên Foreign Policy:

"Tổng thống Donald Trump và các cố vấn của ông đã tính toán rằng, nếu chúng ta muốn có được sự giúp đỡ của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên, tốt nhất tạm dừng can thiệp vào các vấn đề gây tranh cãi khác.".

Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ đã rất hạn chế bình luận công khai đến Biển Đông khiến các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực lo ngại về một sự thay đổi chính sách.

Thậm chí ngay cả Quốc hội Mỹ cũng có nhiều người tỏ ra sốt ruột trước xu hướng "ngả về Trung Quốc" của ông Donald Trump trên Biển Đông. 

Một nhóm Thượng nghị sĩ từ hai đảng đã viết chung một lá thư kêu gọi Nhà Trắng phải tỏ rõ quyết tâm bảo vệ tự do hàng hải và luật pháp quốc tế trên Biển Đông. [5]

Ngày hôm qua 25/5, Quỹ Nguyễn Văn Giáo thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc sách Đài Loan tổ chức cuộc tọa đàm "Hội nghị Donald Trump - Tập Cận Bình và nguy cơ trên bán đảo Triều Tiên".

Tại đây ông Mã Chấn Khôn, Giám đốc Sở nghiên cứu Sự vụ quân sự Trung Quốc thuộc Đại học Quốc phòng Đài Loan bình luận:

Hội nghị Donald Trump - Tập Cận Bình là thắng lợi của cả hai bên.

Nó không chỉ giúp Tổng thống Mỹ nắm chắc tình hình cục diện bán đảo Triều Tiên, mà còn giúp ông Tập Cận Bình thành công trong việc kéo Mỹ khỏi Biển Đông đang lúc căng thẳng.

Do đó, Bắc Kinh ngoài miệng tuy đồng ý với kế hoạch hợp tác cùng Washington gây sức ép lên Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân, nhưng trên thực tế họ chẳng làm gì để phối hợp với người Mỹ trong việc này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Mar-a-Lago, Florida, ảnh: Al Jareeza.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Mar-a-Lago, Florida, ảnh: Al Jareeza.

Việc khu trục hạm USS Dewey hôm 24/5 tiến vào tuần tra tự do hàng hải bên trong 12 hải lý quanh bãi Vành Khăn cũng cho thấy cục diện quan hệ Mỹ - Trung đã có sự thay đổi.

Người Mỹ đã nhận ra rằng, trong ván bài chiến lược tại Hội nghị Thượng đỉnh Mar-a-Lago, Tập Cận Bình đã chiếm được nhiều lợi ích hơn Donald Trump.

Chủ nhân Trung Nam Hải chỉ mượn cuộc khủng hoảng Triều Tiên để nhử Mỹ khỏi Biển Đông đúng lúc căng thẳng.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Mỹ "từ bỏ" lợi ích và vị thế của họ ở Biển Đông.

Nhà Trắng ban đầu tính toán, nếu nhờ Trung Quốc mà giải quyết thỏa đáng vấn đề Triều Tiên, Mỹ sẽ quay trở lại củng cố vị thế ở Biển Đông.

Biển Đông sẽ vẫn là địa bàn cạnh tranh chiến lược lâu dài giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Bắc Kinh biết được điều này, nên sẽ kiềm chế ông Kim Jong-un, không để Triều Tiên vượt giới hạn đỏ đối với Hoa Kỳ.

Đồng thời Trung Quốc sẽ tìm cách kéo dài cục diện hiện nay trên bán đảo, làm cho Mỹ không thể rời chú ý khỏi Đông Bắc Á, và do đó sẽ lơ là ở Biển Đông. [6]

Ông Donald Trump đã hiểu bụng dạ ngài Tập Cận Bình, Mỹ có thể sẽ tự tìm cách giải quyết

Cá nhân người viết cho rằng, đánh giá của nhà nghiên cứu Đài Loan Mã Chấn Khôn về kế "điệu hổ ly sơn" của ông chủ Trung Nam Hải với tân chủ nhân Nhà Trắng là rất đáng lưu ý.

Tuy nhiên, Mỹ không phải không nhận ra điều này.

Biển Đông và Triều Tiên, Mỹ đã trúng kế điệu hổ ly sơn của Trung Nam Hải? ảnh 5

Về tính toán của Putin ở Biển Đông

Sự im lặng của ông Donald Trump và cộng sự về Biển Đông từ khi nhậm chức đến nay, có lẽ chỉ là một khoảng thời gian cần thiết để xác nhận khả năng hợp tác của Trung Quốc đến đâu.

Bắc Kinh nắm đòn bẩy sống còn đối với nền kinh tế Triều Tiên có lẽ là vấn đề không mấy ai tranh cãi.

Có điều Trung Quốc sẽ giúp Mỹ đến đâu và với mức giá nào Bắc Kinh mới chấp nhận giúp, mới là chuyện đáng bàn.

Rõ ràng ông Donald Trump đã trưng ra cả 3 con bài chiến lược: Đài Loan, Biển Đông và kinh tế - thương mại để tìm cách đổi lấy sự hợp tác từ ông Tập Cận Bình.

Trung Nam Hải đã tỏ vẻ sốt sắng và mang lại cho Nhà Trắng nhiều hy vọng, nhưng ông Bình không quên nói với Tổng thống Mỹ ở Mar-a-Lago: ảnh hưởng của Trung Quốc với Triều Tiên hạn chế lắm, không mạnh như người ngoài nghĩ.

Thậm chí ông Donald Trump đã tỏ vẻ cảm thông.

Trung Quốc đã tỏ vẻ "nhún nhường", chờ đợi đến khi Tổng thống Mỹ chính thức xác nhận sẽ tiếp tục tôn trọng nguyên tắc "một nước Trung Quốc" thay vì xem lại nó như lúc điện đàm với bà Thái Anh Văn;

Trên Biển Đông, Nhà Trắng từ chối đề nghị của Hải quân Mỹ cho tuần tra tự do hàng hải như trước.

Đạt được mục đích rồi, cho đến nay Trung Quốc đã chứng tỏ họ không làm điều gì có ý nghĩa thực tế để đáp lại mong mỏi của Mỹ.

Một vài tuyên bố cứng rắn, một vài lệnh trừng phạt theo kiểu "vảy nước thánh" với Triều Tiên chẳng làm thay đổi được cục diện, thậm chí còn củng cố thêm sự tự tin cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Chính những động thái này sẽ khiến cục diện an ninh châu Á trở nên bất ổn và ẩn chứa nhiều rủi ro.

Thứ nhất, ông Kim Jong-un sẽ thấy rằng "cho kẹo" Bắc Kinh cũng không dám bỏ rơi Bình Nhưỡng.

Bởi vậy, phát triển vũ khí hạt nhân, tên lửa để tạo bàn đạp thượng phong đàm phán trực tiếp với Mỹ có lẽ sẽ là lựa chọn.

Trong khi Mỹ chưa tìm ra cách hóa giải, cho dù Donald Trump đã tuyên bố rằng Trung Quốc không giúp thì Mỹ tự giải quyết theo cách của mình, một cuộc chạy đua vũ trang có thể sớm diễn ra ở Đông Bắc Á.

Ngoại trưởng Australia Julie Bishop đã cảnh báo, Nhật Bản và Hàn Quốc có thể phải tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân để tự phòng thân. [7]

Biển Đông và Triều Tiên, Mỹ đã trúng kế điệu hổ ly sơn của Trung Nam Hải? ảnh 6

Khi Donald Trump - Tập Cận Bình tâm đầu ý hợp

Và khi Triều Tiên đạt được bước tiến nhất định trong công nghệ hạt nhân, đối tượng bị uy hiếp không chỉ có Mỹ - Nhật - Hàn.

Ngay cả Trung - Nga là hai nước chống lưng cũng có thể rơi vào tầm ngắm, một khi Bình Nhưỡng không vừa ý.

Đã có quá nhiều bài học cho các nước lớn về việc lợi dụng các nước nhỏ như con cờ chiến lược, cho dù với bất kỳ danh nghĩa nào.

Thứ hai, với những tiến bộ về kỹ thuật tên lửa đạn đạo mà Triều Tiên đạt được qua vụ phóng hôm 22/5, đặc biệt là kỹ thuật tái nhập khí quyển giúp đánh trúng mục tiêu cũng như công nghệ vỏ tên lửa không phát nổ sẽ là điều Nhà Trắng không thể không xem xét nghiêm túc.

Cá tính, phong cách của Tổng thống Donald Trump cũng như khả năng xử lý dữ liệu khổng lồ của đội ngũ trợ lý giúp ông mở toang cánh cửa Nhà Trắng, có thể dẫn đến những quyết định bất ngờ, đúng như Trump đã nói:

Trung Quốc không giúp thì Mỹ tự giải quyết.

Thứ ba, cuộc tuần tra tự do hàng hải hôm 24/5 của tàu USS Dewey chỉ nên xem là một sự khẳng định và bảo vệ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 trên Biển Đông có ý nghĩa, chứ không phải một chiến lược mới của Mỹ.

M. Taylor Fravel, một chuyên gia hàng hải Trung Quốc tại Viện Công nghệ Massachusetts nói với Foreign Policy:

"Mỹ không bao giờ có ý định làm nhiều hơn thế ở Biển Đông, chẳng hạn như ngăn chặn tham vọng bành trướng của Trung Quốc.

Nước Mỹ không có lựa chọn tuyệt vời ở Biển Đông. Trung Quốc sẽ không bỏ các cấu trúc họ chiếm đóng bất hợp pháp, còn Hoa Kỳ cũng không có lý do nào bắt buộc phải phá hủy chúng.".

Mira Rapp-Hooper cũng đồng ý với nhận định này. Bà nói thêm:

"Trung Quốc đã cơ bản thành công trong các dự án xây dựng của họ. Hiện nay họ đang tiếp tục để biến các cấu trúc ở Trường Sa thành các pháo đài.

Thực sự đã có rất ít các nỗ lực ngăn chặn điều này. Bắc Kinh đã phải trả giá rất ít cho những hành động như vậy. Thật không may, bây giờ cuộc chơi này đã kết thúc.". [1]

Chính Tổng thống Donald Trump đã từng cáo buộc người tiền nhiệm Barack Obama bỏ lỡ cơ hội ngăn chặn Trung Quốc đảo hóa 7 cấu trúc ở Trường Sa và quân sự hóa nó từ khi còn trứng nước.

Nói cách khác, nước Mỹ dưới thời Trump cũng sẽ phải chấp nhận sống chung với "trạng thái bình thường mới" Trung Quốc tạo ra trên Biển Đông. 

Nhưng điều đó không có nghĩa là Mỹ bỏ Biển Đông và Bắc Kinh muốn làm gì thì làm. Cạnh tranh và toan tính của Trung - Mỹ trên Biển Đông thời gian tới sẽ còn diễn biến rất phức tạp và khó lường.

Các nước nhỏ ven Biển Đông nhiều khả năng lại sắp đối mặt với màn tranh giành ảnh hưởng mới từ Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://foreignpolicy.com/2017/05/25/in-the-south-china-sea-the-u-s-is-struggling-to-halt-beijings-advance/

[2]https://pca-cpa.org/wp-content/uploads/sites/175/2016/07/PH-CN-20160712-Award.pdf

[3]http://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/xwfw_665399/s2510_665401/2511_665403/t1465239.shtml

[4]http://foreignpolicy.com/2017/01/26/trumps-china-policy-this-is-how-you-stumble-into-a-crisis/

[5]http://foreignpolicy.com/2017/05/10/senators-to-trump-show-resolve-with-beijing-in-south-china-sea/

[6]http://hk.crntt.com/crn-webapp/doc/docDetailCreate.jsp?coluid=7&kindid=0&docid=104693161&mdate=0526003516

[7]http://www.straitstimes.com/asia/us-fears-nuclear-arms-race-in-asia-pacific-if-north-korea-not-reined-in-australia

Hồng Thủy