South China Morning Post, Hồng Kông ngày 29/5 đưa tin, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc vừa công bố một báo cáo nghiên cứu vào cuối tuần qua cảnh báo:
Quan hệ Trung - Mỹ sẽ không chắc chắn dưới thời Tổng thống Donald Trump, vì ông ít khả năng nhường nhịn Trung Quốc hơn so với người tiền nhiệm, Barack Obama.
Washington sẽ chồng chất thêm áp lực lên Bắc Kinh để tìm cách giải quyết vấn đề bán đảo Triều Tiên.
Và Hoa Kỳ sẽ không rút lui khỏi khu vực châu Á -Thái Bình Dương, cho dù "nước Mỹ là trên hết" được ông Donald Trump lấy làm cam kết khi tranh cử.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Florida, Hoa Kỳ, ảnh: AP / SCMP. |
So sánh giai đoạn những tháng cuối cùng của chính quyền Tổng thống Barack Obama với những tháng đầu tiên của Tổng thống Donald Trump, nhóm nghiên cứu này kết luận rằng:
Vị Tổng thống doanh nhân có quyết tâm lớn hơn người tiền nhiệm Obama trong việc chấp nhận rủi ro ngoại giao và quân sự, trong các vấn đề quốc tế quan trọng.
Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên sẽ mang lại những thách thức lớn hơn đối với quan hệ Trung - Mỹ.
Chính quyền Mỹ thời ông Donald Trump có thể tập trung hơn vào việc sử dụng vai trò của các đồng minh ở châu Á, tìm kiếm sự ủng hộ của Nhật Bản và Hàn Quốc để kiềm chế Bình Nhưỡng.
Điều này có nghĩa là Mỹ phải duy trì một mối quan hệ với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ông chủ Nhà Trắng đã gây sức ép lên Trung Quốc phải có thêm áp lực với Triều Tiên khi Bình Nhưỡng cứ lặp đi lặp lại việc thử tên lửa.
Tổng thống Donald Trump có quyền khởi xướng các cuộc đàm phán trực tiếp với Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên.
Qua đó để Mỹ thuyết phục Triều Tiên đóng băng chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo của mình, cũng như kiểm tra thái độ của Bình Nhưỡng với chính quyền mới ở nước Mỹ.
Nhưng ông sẽ gây thêm áp lực với Bắc Kinh, một khi đối thoại Washington - Bình Nhưỡng thất bại.
Trên Biển Đông, rủi ro cũng đang tăng cao với nguy cơ một cuộc đối đầu quân sự Trung - Mỹ.
Hôm thứ Bảy 27/5 Lầu Năm Góc cho biết, 2 chiến đấu cơ Trung Quốc đã thực hiện cú ngăn chặn không an toàn một máy bay do thám hải quân Mỹ trên vùng biển tranh chấp ở Biển Đông hôm thứ Tư.
Tuần trước ngày 24/5 Hải quân Mỹ đã điều tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Dewey tiến vào 12 hải lý quanh bãi Vành Khăn thực hiện hoạt động tuần tra tự do hàng hải.
Nhóm nghiên cứu Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng, trong trường hợp xung đột, khả năng tìm kiếm thỏa hiệp của chính phủ Tổng thống Donald Trump nhỏ hơn so với chính phủ tiền nhiệm.
Điều này làm cho việc kiểm soát các rủi ro trên Biển Đông đối với Bắc Kinh sẽ khó khăn hơn. [1]
Trong bài viết Biển Đông và Triều Tiên, Mỹ đã trúng kế điệu hổ ly sơn của Trung Nam Hải? ngày 26/5, chúng tôi đã nhắc đến bình luận của nhà nghiên cứu Đài Loan Mã Chấn Khôn:
Mỹ - Triều chiến hay hòa? |
Nhà Trắng ban đầu tính toán, nếu nhờ Trung Quốc mà giải quyết thỏa đáng vấn đề Triều Tiên, Mỹ sẽ quay trở lại củng cố vị thế ở Biển Đông.
Biển Đông sẽ vẫn là địa bàn cạnh tranh chiến lược lâu dài giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Bắc Kinh biết được điều này, nên sẽ kiềm chế ông Kim Jong-un, không để Triều Tiên vượt giới hạn đỏ đối với Hoa Kỳ.
Đồng thời Trung Quốc sẽ tìm cách kéo dài cục diện hiện nay trên bán đảo, làm cho Mỹ không thể rời chú ý khỏi Đông Bắc Á, và do đó sẽ lơ là ở Biển Đông. [2]
Người viết cho rằng, ông Mã Chấn Khôn nhận định khá sắc sảo về tính toán của Trung Nam Hải. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không đồng nghĩa với việc ông Donald Trump "khờ khạo" để Bắc Kinh có thể lợi dụng.
Ngược lại, hoạt động đối ngoại của chủ nhân Nhà Trắng tại thế giới Hồi giáo Ả Rập vừa qua là một minh chứng về tính hiệu quả và thực dụng điển hình trong chính sách đối ngoại của Mỹ, dưới thời vị Tổng thống doanh nhân này.
Cựu Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ giai đoạn 1995 - 1999 Newt Gingrich, Phó Chủ tịch nhóm chuyển giao của Tổng thống Donald Trump và tác giả cuốn sách "Hiểu Trump" chuẩn bị xuất bản trong tháng tới, mới có bài ca ngợi vị Tổng thống này trên The Washington Post.
Ông Newt Gingrich cho rằng, chuyến công du Ả Rập Xê-út vừa qua đã bộc lộ cốt lõi của một chính sách đối ngoại mới, dựa trên thực tế mới.
Hoa Kỳ và Ả Rập Xê-út đã ký một thỏa thuận mua bán vũ khí trị giá 110 tỉ USD, lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ để "giúp" thế giới Hồi giáo Ả Rập tăng cường năng lực chống khủng bố.
Động thái này đã (không chỉ tăng doanh thu cho ngành sản xuất vũ khí Mỹ, mà còn) giảm bớt gánh nặng cho quân đội Hoa Kỳ, đồng thời cũng mang một thông điệp nào đó đến Iran. [3]
Nhà báo Philip Stephens, cây viết bình luận quen thuộc của tờ Financial Times, Anh quốc ngày 27/5 nhận định:
Bài phát biểu của Tổng thống Donald Trump trước các nhà lãnh đạo khối Hồi giáo Ả Rập tập trung tại Riyadh đón ông, đã cho thấy một sự thay đổi.
Cách đây không lâu, ông Donald Trump còn ký lệnh hạn chế nhập cảnh với du khách từ 7 nước Hồi giáo vào Hoa Kỳ.
Vua Ả Rập Xê-út Salman tiếp Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và ông được cho là có bài phát biểu "lịch sử" trước các nhà lãnh đạo thế giới Hồi giáo Ả Rập tập trung tại Riyadh. Ảnh: Reuters. |
Trong bài phát biểu trước lãnh đạo thế giới Hồi giáo Ả Rập ông không nhắc gì tới các cáo buộc về đàn áp hay nhân quyền tại các quốc gia này.
Ông đến đây để bán cho Ả Rập Xê-út 110 tỉ USD vũ khí, đồng thời ký kết các dự án thu hút đầu tư từ Ả Rập Xê-út vào Hoa Kỳ, mang lại việc làm cho người Mỹ.
Donald Trump cam kết không "can thiệp công việc nội bộ" của đồng minh. Ông liên kết cộng đồng Hồi giáo Ả Rập với Israel để cùng đối phó với Iran.
Tuy nhiên, Philip Stephens lưu ý rằng, vụ tấn công khủng bố tại Manchester hôm 24/5, tuy không có quan hệ "nhân quả trực tiếp" với chuyến đi Ả Rập Xê-út của ông Donald Trump, nhưng nó cho thấy rõ một điều:
Kẻ gây ra vụ khủng bố đẫm máu này mang hộ chiếu Anh, nhưng động cơ tấn công khủng bố lại bắt nguồn từ ngọn lửa xung đột tôn giáo ở Trung Đông.
Vì thế, bất luận ông Donald Trump có xây tường ngăn biên giới cao bao nhiêu đi nữa, cũng không ngăn được sự xâm thực của một số ý thức hệ cực đoan vào đầu óc một bộ phận thanh thiếu niên.
Mỹ càng không thể ngăn chặn hoạt động tuyên truyền tư tưởng cực đoan và thủ đoạn giết người chuyên nghiệp qua internet của những kẻ khủng bố.
Hơn nữa, Ả Rập Xê-út nơi ông Trump vừa đặt chân đến, là địa bàn chủ yếu của cộng đồng Hồi giáo dòng Sunni, đặc biệt là nhánh Wahhabi - trụ cột của ý thức hệ thánh chiến Hồi giáo cực đoan.
Những kẻ gây ra vụ khủng bố 11/9 tại nước Mỹ đại đa số là công dân Ả Rập Xê-út. [4]
Sở dĩ người viết phải "dông dài" từ châu Á -Thái Bình Dương sang vấn đề Trung Đông là vì, nước cờ đối ngoại của Tổng thống Donald Trump ở Trung Đông rõ ràng cho thấy, ông chủ Nhà Trắng sẽ không dễ bị Trung Nam Hải qua mặt ở châu Á -Thái Bình Dương.
Nhưng đồng thời, bình luận của nhà báo Philip Stephens cũng là lời cảnh báo với các siêu cường, việc coi các nước nhỏ chỉ là công cụ hay con tốt trên bàn cờ địa chính trị, sẽ luôn tiềm ẩn nguy cơ phản đòn.
Cái giá phải trả cho những toan tính như vậy có thể sẽ rất đắt.
Ở châu Á - Thái Bình Dương, Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên cũng đang rơi vào thế quân cờ trong toan tính của các siêu cường.
Tài liệu tham khảo:
[3]http://www.straitstimes.com/opinion/trumps-titanic-foreign-policy-shift
[4]https://www.ftchinese.com/story/001072769?full=y