Chiều 21/5 Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên tuyên bố bắn thử thành công tên lửa đạn đạo chiến lược. Quả tên lửa này đạt độ cao 560 km, bay 500 km về phía biển Nhật Bản, có khả năng mang được đầu đạn hạt nhân.
Đây là lần thứ 2 Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo trong vòng một tuần, sau vụ bắn thử hôm 14/5, đúng ngày Trung Quốc khai mạc Diễn đàn quốc tế Một vành đai, một con đường.
Động thái này một lần nữa dấy lên những lo ngại về việc nổ ra chiến tranh trên bán đảo, sau những nỗ lực gây sức ép bất thành từ phía Hoa Kỳ cũng như Trung Quốc.
Mỹ hạ điều kiện đàm phán, Triều Tiên tiếp tục nâng giá
Sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung tại Mar - a - Lago, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kỳ vọng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể khuyến khích nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, dù ông Bình giải thích rằng việc này rất khó.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên Kim Jong-un, ảnh: Yonhap. |
Washington cũng đã bắn đi thông điệp, chính sách mới của nước Mỹ chỉ nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, không tìm kiếm mục tiêu lật đổ hay "thay máu" chính quyền ông Kim Jong-un.
Ngày 16/5, chỉ 2 ngày sau khi Triều Tiên thử tên lửa được cho là thành công, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley nói với báo giới:
Nếu Bình Nhưỡng tạm dừng toàn bộ các hoạt động phát triển vũ khí hạt nhân và các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo, Mỹ sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán với Triều Tiên.
Đa Chiều ngày 17/5 bình luận, phát biểu này của bà Nikki Haley là một bước hạ giá đàm phán từ phía Mỹ.
Trước đó, điều kiện đàm phán Washington đưa ra là: Bình Nhưỡng phải từ bỏ kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân, từ bỏ các cuộc thử nghiệm hạt nhân, loại bỏ các thiết bị nghiên cứu và phát triển vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo...
Động thái công khai hạ giá đàm phán này cho thấy ở chừng mực nhất định, khả năng phát triển tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đã tạo thành mối uy hiếp hiện thực với Hoa Kỳ.
Nói cách khác, chính sách gây sức ép quân sự kết hợp vận động Trung Quốc của Nhà Trắng thời gian qua đã thất bại. [1]
Tuần trước, hôm 18/5 Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson kêu gọi Bình Nhưỡng hãy tin tưởng cam kết của Washington, rằng:
Trung - Mỹ dàn xếp chuyện Triều Tiên, Bình Nhưỡng quyết làm chủ vận mệnh |
Mỹ không có thái độ thù địch với Triều Tiên. Chỉ cần Bình Nhưỡng dừng các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa, Hoa Kỳ sẽ cân nhắc việc đàm phán với Triều Tiên.
Tillerson nói ông hy vọng Bình Nhưỡng không nên để mất cơ hội tin tưởng vào Mỹ, có rất nhiều doanh nghiệp Mỹ sẵn sàng đầu tư vào Triều Tiên, nếu Bình Nhưỡng lựa chọn đúng. [2]
Tuy nhiên hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap News hôm nay 25/5 cho biết, Triều Tiên vừa tuyên bố: không ai có thể ngăn được Bình Nhưỡng củng cố sức mạnh hạt nhân của mình.
Triều Tiên cho rằng thông điệp của Hoa Kỳ cam kết không tìm kiếm mục tiêu lật đổ hay thay đổi chế độ ở Bình Nhưỡng chỉ là màn lừa đảo tuyệt đối. [3]
Từ trong lòng nước Mỹ: tranh cãi chiến hay hòa?
South China Morning Post, Hồng Kông ngày 24/5 đưa tin, Bắc Triều Tiên đã thách thức mọi nỗ lực ngoại giao của Mỹ nhằm ngăn chặn chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa, khiến nhiều người ở Washington đang lo lắng.
64 nhà lập pháp đảng Dân chủ đã gửi một lá thư chung đến Tổng thống Donald Trump hôm thứ Ba tuần này.
Bức thư lưu ý, ông Donald Trump cần sự chấp thuận của Quốc hội tước khi tiến hành bất cứ hoạt động quân sự nào với Triều Tiên.
Ngày 23/5, Ủy ban Quốc gia quan hệ Mỹ - Trung tổ chức hội nghị thường niên với 4 vị Đô đốc Hải quân Hoa Kỳ là cựu Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương qua các thời kỳ:
Dennis C. Blair, Timothy J. Keating, Samuel J. Locklear III và Joseph W. Prueher. [4]
Tường thuật nội dung cuộc trao đổi này, South China Morning Post cho hay, Đô đốc Dennis Blair cho rằng, sử dụng một cuộc tấn công chớp nhoáng theo kiểu "phẫu thuật ngoại khoa" vào cơ sở hạt nhân của Triều Tiên rất rủi ro.
Đô đốc Dennis Blair. Ảnh: The Christian Science Monitor. |
Tướng Blair nói:
"Triều Tiên có hàng ngàn đường hầm. Hệ thống hạt nhân của họ có thể cất giấu ở tất cả các địa điểm.
Rất khó để thu thập thông tin tình báo chắc chắn để xác định rõ nơi Triều Tiên đặt cơ sở hạt nhân.
Thời gian qua chúng ta nghĩ rằng mình biết nơi Triều Tiên đặt hệ thống vũ khí hạt nhân của họ.
Chúng ta thách thức họ và chỉ vào một đường hầm rồi bảo họ: chúng tôi muốn xem trong đó vì chúng tôi tin có vật liệu hạt nhân bên trong.
Chúng tôi đã đi vào. Chúng tôi tìm kiếm. Và mọi thứ hoàn toàn trống rỗng.
Nếu tôi điều hành cơ quan tình báo quốc gia một lần nữa và Tổng thống đến chỗ tôi rồi nói:
'Đây là kế hoạch tấn công của tướng James Mattis, ông có thể đảm bảo với tôi rằng điều này sẽ phô ra tất cả khả năng hạt nhân của Triều Tiên hay không?'
Sẽ không dễ để trả lời câu hỏi này là: có!".
Khi được hỏi rằng liệu Mỹ có thể phải chấp nhận một Bắc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân hay không, Đô đốc Dennis Blair trả lời: có!
Ông giải thích thêm:
"Chúng ta có thể ngăn chặn chúng. Triều Tiên có thể phát triển từ 10 đến 15 vũ khí hạt nhân. Chúng tôi có 2000.
Triều Tiên làm lộ điểm yếu trong chính sách đối ngoại của ông Tập Cận Bình |
Họ có thể gây nhiều thiệt hại cho Mỹ, nhưng nếu xảy ra chiến tranh hạt nhân với Mỹ thì sẽ không còn Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên tồn tại.
Đó không phải là sự lựa chọn tốt cho sự tồn vong của chế độ, và thậm chí ông Kim Jong-un hiểu điều đó.".
Tuy nhiên Đô đốc Timothy Keating và Đô đốc Samuel Locklear III có quan điểm khác với tướng Dennis Blair.
Tướng Keating cho rằng, đã có một loạt lựa chọn quân sự được đặt sẵn trên bàn Tổng thống và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.
Đô đốc Locklear thì nói: "Chỉ vì nó bi thảm, không có nghĩa là chúng tôi sẽ không làm điều đó" khi đề cập đến phát biểu của ông Mattis thứ Sáu tuần trước:
Một giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng Triều Tiên sẽ rất thảm khốc với quy mô không thể tin được.
Ông Locklear cảnh báo:
Nếu ông Kim Jong-un thực sự là một ẩn số và vấn đề quan trọng sống còn với Hoa Kỳ, nó có thể là bi kịch. Nếu xung đột nổ ra trên bán đảo, Seoul sẽ bị phá hủy nặng nề.
Đô đốc Joseph Prueher góp ý:
"Trung Quốc là một đòn bẩy với Triều Tiên, dù họ không muốn thừa nhận.
Nhưng Trung Quốc có ảnh hưởng với Bình Nhưỡng nhiều hơn chúng ta. Hợp tác với họ sẽ rất quan trọng.". [5]
Tên lửa Triều Tiên không chỉ đe dọa Mỹ, Trung - Nga cũng nằm trong tầm bắn
Nhà phân tích Phar Kim Beng ngày 24/5 bình luận trên South China Morning Post, cả Mỹ - Trung Quốc - Nhật Bản - Nga và Hàn Quốc đều muốn ngăn chặn sự tiến bộ của Triều Tiên trong việc phát triển vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên các nước này không thể thống nhất với nhau làm thế nào ngăn được Bình Nhưỡng. Chính điều này đã giúp ông Kim Jong-un có thể tìm kiếm và đạt được mục tiêu kép với chiến lược hiện nay.
Nhưng có điều đặc biệt có lẽ người ta chưa chú ý đến về quả tên lửa Triều Tiên mới phóng ngày 22/5.
Bình Nhưỡng không chỉ phóng thành công nó vào không gian, mà quả tên lửa này sau đó lại tái nhập bầu khí quyền mà không bị nổ tung.
Cả hai chi tiết này đều là những bước đột phá lớn đối với chương trình tên lửa của ông Kim Jong-un.
Dân Hàn Quốc theo dõi vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên qua bản tin trên truyền hình, ảnh: AP / SCMP. |
Độ cong của Trái đất khiến việc tái nhập bầu khí quyển của tên lửa rất khó.
Một sai lầm nhỏ có thể làm chuyển hướng tên lửa. Khi tái nhập bầu khí quyển, tên lửa Triều Tiên có thể chịu được mức nhiệt gần 5 ngàn độ C mà không phát nổ.
Các nhà khoa học Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đồng tình rằng tên lửa Triều Tiên tái nhập bầu khí quyển trơn tru. Nói cách khác Bình Nhưỡng đã chứng minh rằng tên lửa của họ có khả năng đánh trúng mục tiêu.
Nhưng chi tiết thứ 2 đã bị bỏ qua bởi nhiều nhà phân tích quốc phòng.
Tên lửa Triều Tiên không bị nổ ở nhiệt độ này cho thấy, các nhà khoa học của ông Kim Jong-un đã chế tạo được lõi cách nhiệt đủ để bảo vệ một thiết bị hạt nhân khi tên lửa di chuyển.
Từ lâu giới phân tích vẫn xem điều này là trở ngại lớn nhất đối với chương trình tên lửa đạn đạo của Triều Tiên khi tái nhập bầu khí quyển trái đất và khả năng mang một đầu đạn hạt nhân.
Mặc dù giới chuyên gia quân sự tin rằng, phải mất 3 năm nữa công nghệ này mới tạo ra được tên lửa có thể bắn đến lục địa Mỹ.
Nhưng rõ ràng việc tái nhập bầu khí quyển Trái đất thành công là một bước tiến quan trọng của Triều Tiên hướng tới mục tiêu này.
Vì thế việc Triều Tiên phóng thành công tên lửa hôm 22/5 cần được nghiên cứu nghiêm túc.
Lần phóng thử tên lửa mới nhất này cho thấy, dường như Triều Tiên quan tâm nhiều hơn đến việc "đòi tiền chuộc" từ Mỹ, chứ không phải đối thoại hòa giải dân tộc với tân Tổng thống Moon Jae-in.
Trong khi thế giới đã quá quen với những lời đe dọa từ Bình Nhưỡng, Triều Tiên đã có thể đặt Tokyo, Seoul và bất kỳ thành phố nào khác trong tầm bắn tên lửa của họ, trở thành mục tiêu tiềm năng.
Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục theo đuổi chương trình tên lửa của mình, đừng nói chỉ có Mỹ - Nhật - Hàn mới bị đe dọa. Ngay cả Trung Quốc (và Nga) cũng có nguy cơ, nếu Bắc Kinh (và có thể cả Moscow) từ chối yêu cầu của họ. [6]
Những dấu hiệu đáng ngờ từ Mỹ - Trung - Nga
The Washington Post hôm qua 24/5 cho biết, tờ báo này có được bản sao cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Philippines hôm 29/4.
Mỹ cô lập Triều Tiên về đối ngoại, Bắc Kinh chưa đủ tự tin cắt cung cấp dầu thô |
Trong cuộc điện đàm này, ông Donald Trump nói với ông Rodrigo Duterte rằng, nhà lãnh đạo Triều Tiên là "kẻ điên có vũ khí hạt nhân".
Cuộc điện đàm diễn ra chỉ vài ngày trước khi ông Donald Trump công bố, ông sẽ cảm thấy "vinh dự" được chào đón ông Kim Jong-un tới Mỹ.
Khi nói chuyện qua điện thoại, Tổng thống Mỹ hỏi Tổng thống Philippines, ông Kim Jong-un "ổn định hay không ổn định"?
Ông Rodrigo Duterte trả lời rằng, nhà lãnh đạo Triều Tiên "không ổn định, có thể phát khùng bất cứ lúc nào".
Tổng thống Mỹ đã nói với người đồng cấp Philippines qua điện thoại: Hoa Kỳ có rất nhiều hỏa lực ở đó, bao gồm 2 tàu ngầm hạt nhân được Lầu Năm Góc điều động đến tháng trước.
Sau cuộc gọi, ông chủ Nhà Trắng được cho là đã nói:
"Chúng ta không thể để cho một người điên với vũ khí hạt nhân lủng lẳng như thế. Chúng ta có rất nhiều hỏa lực, hơn số ông ta có 20 lần, nhưng chúng tôi không muốn sử dụng chúng.".
Một quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Donald Trump xác nhận rằng, bản sao cuộc gọi The Washington Post có là chính xác, nhưng từ chối xác nhận bất kỳ một sự rò rỉ nào. [7]
Cá nhân người viết cho rằng, không phải ngẫu nhiên The Washington Post "lộ" thông điệp của Nhà Trắng về Triều Tiên trong cuộc điện đàm với Điện Manacanang.
Rất có thể đây là một động thái được tính toán kỹ sau rất nhiều nỗ lực gây sức ép lên Bình Nhưỡng mà không hiệu quả.
Quả tên lửa bắn hôm 22/5 có thể là động lực trực tiếp để Nhà Trắng bắn đi thông điệp này.
Và có lẽ chính bài báo này trên The Washington Post dẫn tới phản ứng của Triều Tiên hôm nay, được Yonhap News đưa tin, rằng Hoa Kỳ cam kết không lật đổ ông Kim Jong-un chỉ là "màn lừa đảo tuyệt đối".
Còn từ phía Trung Quốc và Nga, Ngoại trưởng Vương Nghị hôm qua tuyên bố:
"Bất luận là bên nào, không ai có quyền gây ra chiến tranh và hỗn loạn trên bán đảo Triều Tiên. Kẻ nào gây ra, kẻ đó sẽ phải chịu trách nhiệm trước lịch sử.". [8]
Trước đó hôm 22/5, Tân Hoa Xã đưa tin, ông Khổng Huyễn Hựu, Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc đã hội đàm với một Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga tại Moscow về tình hình bán đảo Triều Tiên.
Hai bên nhắc lại lập trường "không cho phép để xảy ra chiến tranh, loạn lạc trên bán đảo", phản đối bất kỳ bên nào làm cục diện căng thẳng trên bán đảo gia tăng. [9]
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, ảnh: Đa Chiều. |
Hôm qua 24/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói với báo giới, ông Vương Nghị đi Nga từ 25 đến 27/5.
Website Bộ Ngoại giao Nga cho biết, ông Nghị và ông Sergei Lavrov sẽ bàn vấn đề Triều Tiên, Trung Đông, Bắc Phi và Afghanistan. [10]
Ngày 24/5, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga Konstantin Kosachev trả lời phỏng vấn hãng thông tấn vmeste-rf.tv:
Khủng hoảng bán đảo Triều Tiên phải được quay trở lại quỹ đạo đàm phán chính trị, không nước nào được can thiệp vào công việc nội bộ của Bình Nhưỡng.
Ông cho rằng, cả Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã từng bước đe dọa can thiệp, đe dọa lật đổ chế độ ở Triều Tiên, không phải Bình Nhưỡng mà là Washington khiêu khích trước. [11]
Người viết cho rằng, những tuyên bố khá mạnh từ Trung Quốc và Nga cùng các cuộc tiếp xúc, trao đổi song phương về tình hình Triều Tiên cho thấy, Moscow và Bắc Kinh thực sự lo ngại một kịch bản bất ngờ từ Nhà Trắng.
Chiến tranh là điều không ai mong muốn, trừ những tay lái buôn vũ khí toàn cầu.
Nhưng cục diện bán đảo Triều Tiên hiện nay đang đối diện với nguy cơ bùng nổ xung đột, khi Triều Tiên và Mỹ tiếp tục thử giới hạn của nhau.
Động thái phái chiến hạm tuần tra tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý quanh bãi Vành Khăn không chỉ để xoa dịu áp lực từ Quốc hội và quân đội Mỹ.
Có lẽ ông Donald Trump còn muốn thể hiện sự không hài lòng với Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên qua hoạt động này.
Bình luận của nhà nghiên cứu Phar Kim Beng rất đáng lưu ý, cả Mỹ - Nga - Trung Quốc đều muốn ngăn cản Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng không thể thống nhất cách làm, bởi mỗi nước có một toan tính chiến lược riêng.
Mỹ - Triều chiến hay hòa, lúc này rất khó nói trước, nhất là khi Triều Tiên tiếp tục thử hạt nhân lần thứ 6 hoặc đạt một bước tiến nào đó về tên lửa đạn đạo.
Nhưng việc The Washington Post "lộ" thông điệp của Nhà Trắng là dấu hiệu không thể xem thường.
Thông tin tình báo về Triều Tiên có thể khó thu thập và đảm bảo độ tin cậy như Đô đốc Dennis Blair lo ngại.
Nhưng điều ông Donald Trump quan tâm và cân nhắc, có lẽ nằm ở toan tính và phản ứng của Trung Nam Hải lẫn Kremlin hơn là khả năng quân sự của Bình Nhưỡng.
Ông Donald Trump tranh cử và đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ dựa rất lớn vào khoa học dữ liệu, xử lý lượng thông tin khổng lồ và dồn dập, sau đó tác động trở lại dư luận bằng chính công cụ mạng xã hội chứ không phải báo chí chính thống như đối thủ.
Có lẽ biện pháp này cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong cách Nhà Trắng đánh giá khả năng phản ứng quân sự từ Trung Quốc và Nga trong trường hợp nổ ra kịch bản tấn công phủ đầu, một khi Bình Nhưỡng vẫn lao nhanh tới mục tiêu của họ.
Tài liệu tham khảo:
[1]http://global.dwnews.com/news/2017-05-17/59815616.html
[2]http://english.yonhapnews.co.kr/national/2017/05/19/0301000000AEN20170519002651315.html
[3]http://english.yonhapnews.co.kr/northkorea/2017/05/25/69/0401000000AEN20170525001300315F.html
[4]https://www.ncuscr.org/content/2017-annual-members-meeting-leaders-speak-pacom-commanders
[8]http://www.straitstimes.com/asia/east-asia/china-warns-against-bringing-chaos-to-korean-peninsula
[9]http://news.xinhuanet.com/local/2017-05/24/c_129617713.htm
[10]http://china.dwnews.com/news/2017-05-24/59816692.html