LTS: Để bước chân vào những ngôi trường chuyên, lớp chọn không chỉ con trẻ phải vắt kiệt sức lực để học hành ngày đêm, mà nhiều phụ huynh cũng phải tiêu tốn không ít thời gian, tiền bạc. Điều gì đã khiến các vị phụ huynh cố gắng lao vào cuộc cạnh tranh này?
Trong bài viết của mình, tác giả Phan Tuyết thông qua câu chuyện ở chính nơi cô đang ở, công tác tại một tỉnh miền Trung đã gửi đến Báo điện tử Việt Nam những lý giải về vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Vừa qua, ở Trường chuyên Trần Đại Nghĩa có 3.900 học sinh lớp 6 tham dự làm khảo sát để thi, trong khi chỉ tiêu tuyển 15 lớp với 525 học sinh. Trường trung học phổ thông chuyên thuộc đại học Tự nhiên (đại học Quốc gia Hà Nội) cũng tổ chức tuyển sinh với chỉ tiêu 450 học sinh toàn quốc từ 2.430 hồ sơ đăng ký…
Nhiều người đã nói rằng: “cuộc cạnh tranh của các sĩ tử vào trường chuyên còn gay go, căng thẳng hơn cả kỳ thi quốc gia. Bởi, những học sinh đăng kí vào trường chuyên em nào cũng phải có học lực giỏi, xuất sắc trong nhiều năm liên tục.
Hình ảnh minh họa cho việc cố gắng cho con em mình vào trường chuyên, lớp chọn. (Ảnh: newsthoidai.vn) |
Những lý do để cho con vào trường chuyên
Chị Mai Lê hiện có con đang theo học ở một trường chuyên của tỉnh nói: “gia đình tôi chọn trường chuyên cho con vì môi trường học tập tốt. Trường được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, có đầy phòng học và đủ đồ dùng học tập. Đội ngũ giáo viên có chuyên môn vững, phần lớn là thầy cô giỏi khắp nơi được tuyển chọn. Nơi đây, có nhiều học sinh giỏi nên con có thêm động lực để phấn đấu”.
Chị Thúy Mai thích con học trường chuyên bởi: “thời gian học chủ yếu dành cho môn chuyên, nhiều thầy cô không áp lực với một số môn học khác. Hơn nữa, học sinh các trường này luôn đạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế và cơ hội dành học bổng du học rất cao”….
Khác với một số phụ huynh có quan điểm chọn trường như trên, chị Mai Hoa lại cho rằng: “Bố mẹ sẽ nở mặt nở mày với thiên hạ khi có con học ở trường chuyên” hay “con cứ thi đỗ vào đó cho làng xóm khỏi nói ra nói vào. Học kém ở trường chuyên còn hơn học giỏi ở trường bình thường khác”.
Cuộc chạy đua của cả gia đình
Khi đã có quyết tâm cho con vào trường chuyên thì đa phần các phụ huynh ấy đều tìm mọi cách để đầu tư vào học tập. Mặc dù, những em đăng kí thi vào các trường chuyên này học lực phải đạt từ giỏi trở lên nhưng nhiều gia đình vẫn gửi gắm con học thêm ở các lò luyện học sinh giỏi.
Con tôi ngày càng học yếu hơn khi vào lớp chọn |
Ngoài những buổi học ấy, họ còn mời thêm giáo viên giỏi về dạy kèm riêng với mức học phí cao ngất ngưỡng. Có em học thêm kín cả tuần, về đến nhà lại lao vào làm bài tập nâng cao một cách vật vã và kết thúc vào lúc nửa đêm.
Ngày nghỉ cuối tuần, trong khi những bạn khác được giải trí, vui chơi thì các em vẫn phải căng sức giải bài tập đã được thầy cô sưu tầm từ khắp nơi. Mới là toán lớp 5 cho học sinh thi vào trường chuyên mà nhiều kĩ sư, thạc sĩ mới nhìn vào mà đã “tẩu hỏa nhập ma” vì quá khó.
Ngoài một số học sinh có năng khiếu bẩm sinh như nhận xét của một số thầy cô “học một biết mười”, “học đâu biết đấy” thì chuyện học một lượng kiến thức khổng lồ và khó như vậy cũng chẳng gây áp lực nhiều cho các em.
Tội nhất là những em có lực học khá tốt nhưng phần nhiều nhờ sự chăm chỉ thì vô cùng mệt mỏi, căng thẳng. Bởi, để giải những bài tập nâng cao như thế, các em phải “vắt óc” suy nghĩ và phải miệt mài luyện tập nhiều hơn.
Những khó khăn khi học trường chuyên
Hùng, một học sinh trường chuyên lên tiếng: “trong lớp có rất nhiều bạn giỏi nên tâm lý ganh đua là không tránh khỏi. Nhiều khi sợ người khác hơn mình, có bạn đi nói xấu hay tìm cách bịa chuyện nên mối quan hệ của một số học sinh có lực học ngang nhau không còn được sự vô tư theo đúng tuổi học trò”.
Không ít em có học lực giỏi nhưng một số kĩ năng khác còn kém. Bởi, nhà trường tập trung nhiều thời gian vào ôn luyện môn chuyên để đi thi lấy giải nên dành ít thời gian cho các em tham gia vào những hoạt động giao lưu, ngoại khóa.
Nên không chuyện "chạy" cho con vào trường điểm? |
Đặc biệt, giai đoạn ôn thi nước rút, học sinh được miễn học một số môn học khác nhưng vẫn có điểm để tổng kết. Có em nói thẳng: “ngoài môn chuyên được đầu tư kĩ, những môn học khác thầy cô chỉ dạy qua loa nên phần lớn các em học chuyên đều bị lệch kiến thức. Nếu thi chuyên có giải còn hy vọng được tuyển thẳng đại học. Chẳng may thi trượt, xem như thi đại học cũng rất đáng lo ngại”.
Trường chuyên sẽ rất thuận lợi cho những học sinh thông minh, có khả năng đặc biệt về môn chuyên nào đó. Những học sinh này là sự kì vọng của giáo viên, của nhà trường để đi giật giải mang vinh quang về cho trường lớp nên các em luôn nhận được sự ưu ái, quan tâm của mọi người. Các em sẽ càng có cơ hội phát triển khả năng nổi trội của mình và tiến xa hơn nữa.
Nhưng, sẽ bất lợi cho những học sinh học giỏi chỉ vì “cần cù bù khả năng”. Bởi, các em không những không thể phát triển khả năng mà còn có nguy cơ thụt lùi. Bởi, phương pháp giảng dạy của giáo viên dạy chuyên cũng luôn ở mức cao hơn bình thường, đòi hỏi sự tư duy nhanh, nhạy bén. Chưa nói đến việc học ở lớp chuyên đòi hỏi tinh thần tự học, tự nghiên cứu cao rất hơn nhiều.
Trong khi, sức học của các em chỉ ở mức khá, khả năng tư duy chưa nhanh nhạy thì việc học trường chuyên lớp chọn sẽ bị đuối sức, mất phương hướng, rơi vào tình trạng tự ti mặc cảm.
Cuộc cạnh tranh danh tiếng |
Chẳng hạn, có những vấn đề thầy cô yêu cầu giải quyết, trong khi mình còn đang loay hoay tìm cách giải thì đã có một số bạn tìm ra. Cứ nhiều lần như thế, cảm giác thua kém bạn và nảy sinh sự chán nản, tự ti là điều dễ hiểu.
Học trường chuyên, nhiều em phải chấp nhận sống xa nhà. Lứa tuổi từ 11 - 17 tuổi là giai đoạn các em hình thành và phát triển nhân cách nhưng sống xa gia đình, thiếu sự giáo dục, bảo ban, uốn nắn. Khi các em chán nản, gặp một cú sốc tâm lý nào đó mà không được sự động viên kịp thời của người có kinh nghiệm sẽ dễ dàng sa ngã.
Con trai một người đồng nghiệp của tôi là học sinh giỏi nhiều năm liền ở trường huyện. Kỳ thi vào trường chuyên của tỉnh chỉ mình em đỗ với mức điểm cao nhất. Nhưng khi vào học, em luôn tự ti vì thua kém nhiều bạn.
Chán nản, cậu bé lao vào chơi điện tử khiến kết quả học tập giảm sút. Khi gia đình được mời lên, anh chị phải tức tốc chuyển trường cho con về quê để cai nghiện điện tử, trước khi cho đi học tiếp. Chị nói “dù muộn nhưng vẫn còn kịp”.
Để không gây cho con những căng thẳng, áp lực hay cảm giác thua kém các bạn khi vào học trường chuyên thì cha mẹ cần hiểu rõ lực học của con mình ở mức độ nào, đừng để tuổi thơ của các con rơi rụng hết bên những trang sách vở.
Trường chuyên sẽ thích hợp với những học sinh thật sự thông minh, có lực học xuất sắc, đừng vì sĩ diện của gia đình hay sự kì vọng “học trường chuyên sẽ giỏi” để thúc ép các con phải miệt mài suốt ngày đêm.