Cuộc cạnh tranh danh tiếng

23/06/2017 07:12
Sông Mã
(GDVN) - Có em giải hàng chục bài toán nâng cao chỉ trong vòng 5 phút bởi “con trúng y chang đề thầy ôn nên làm nhanh lắm”.

LTS: Phản ánh nỗi vất vả của giáo viên và học sinh trong cuộc thi học sinh giỏi, tác giả Sông Mã đề xuất bỏ cuộc thi này tại bậc tiểu học.

Theo đó, học sinh bị nhồi nhét những kiến thức với mục đích giành giải trong cuộc thi nên sau đó, phần lớn các kiến thức lại trả cho thầy.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Đồng cảm với tác giả bài viết “Thầy giáo trung học phát khóc vì trò thi học sinh giỏi” của tác giả Quế Thu đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nên tôi cũng xin góp ít câu chuyện để bạn đọc thấy được nỗi vất vả, sự khốn khổ của giáo viên trên cuộc chiến ôn luyện giành giải thưởng của học sinh giỏi cũng chẳng kém phần khốc liệt.

Chọn “gà”

Với cấp tiểu học, giáo viên chủ nhiệm chịu trách nhiệm lập đội tuyển trong lớp của mình.

May mắn cho lớp nào có khoảng vài em thật sự giỏi thì thầy cô đỡ vất vả. Bằng không, buộc giáo viên cũng phải chọn theo kiểu “bó đũa so cột cờ’.

Có đội tuyển, giáo viên tự ôn luyện cho học sinh bất kể giờ giấc nào.

Vì tiểu học, các em đã học 10 buổi/tuần nên thầy cô chỉ còn biết ôn luyện ngay trong các tiết dạy, đôi khi “ăn cắp” thời gian và đặc cách cho trò không phải học một số môn học khác như Thủ công, Tự nhiên và Xã hội…

Thi học sinh giỏi đang gây áp lực cho cả thầy và trò. (Ảnh minh hoạ: dangcongsan.vn).
Thi học sinh giỏi đang gây áp lực cho cả thầy và trò. (Ảnh minh hoạ: dangcongsan.vn).

Ngoài ra, giáo viên còn liên hệ với phụ huynh kèm thêm ở nhà cho các em với lượng bài tập được giao về rất lớn. 

Khổ nỗi, kiến thức của những dạng toán nâng cao không phải ai cũng có thể giải được. Thế rồi, không muốn cho con lên trường bị thầy cô nhắc nhở, phần lớn phụ huynh gửi con vào các “lò luyện violympic”. 

Cứ sau giờ tan trường, em ăn vội cái bánh mì, gói xôi hay bát phở là chạy ngay đến “lò luyện” cho kịp giờ. Nhưng không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho các em đi học. 

Thế rồi, vì luôn bị con hối thúc, một số phụ huynh đã gọi điện với giáo viên để “xin cô thầy cho con tôi ra khỏi đội tuyển”.

Cuộc cạnh tranh danh tiếng ảnh 2

Thầy giáo trung học "phát khóc" vì trò thi học sinh giỏi

Sau hội thi cấp trường, một đội tuyển được thành lập để dự thi cấp thị. Giáo viên được phân công ôn luyện ngoài giờ nhưng tuyệt nhiên không nhận được một khoản tiền thù lao nào vì “không thu tiền học sinh, nhà trường cũng không có kinh phí”.

Ngày đưa trò “đem chuông đi đánh xứ người” cũng vô cùng long trọng. 

Trường thuê xe, lo đồ ăn thức uống và cử vài ba người hộ tống. Trò vào thi, giáo viên như ngồi trên đống lửa vì hồi hộp, lo lắng. 

Bước ra khỏi phòng thi cứ nhìn sắc mặt học trò từ xa là đoán biết được ngay kết quả. 

Đã có những phụ huynh và ngay cả giáo viên không giữ nổi bình tĩnh quát mắng, la nạt các em ngay chỗ đông người chỉ vì “Đề dễ thế mà làm không ra. Bài này thầy ôn trúng hôm trước mà không nhớ à?”.

Trước cơn thịnh nộ của bao người, đứa trẻ chừng lên 7 lên 8 tuổi người cứ dúm dó lại thật thương.

Ở bậc trung học cơ sở việc thành lập đội tuyển có phần dễ chịu hơn. Nhà trường không buộc trách nhiệm cho giáo viên chủ nhiệm ôn luyện bởi giáo viên bậc học này dạy nhiều môn khác nhau.

Có điều trong trường có rất nhiều đội tuyển như Toán, Tin, Anh văn, Văn, Sử, Địa… Từng bộ môn phân công giáo viên có kinh nghiệm tổ chức ôn tập.

Tận dụng tối đa một số thủ thuật để trò đạt giải

Cuộc cạnh tranh danh tiếng ảnh 3

Ngành giáo dục chỉ nên tổ chức các cuộc thi, hội thi gì?

Khao khát có giải không chỉ mỗi mình trò, giáo viên và nhà trường cũng luôn mong muốn điều này vì nó mang theo biết bao quyền lợi. 

Trường có nhiều giải đương nhiên vị thế trong mắt mọi người cũng được nâng lên.

Nhưng giáo viên có học sinh đạt giải cũng được hưởng nhiều đặc ân sau đó. 

Như việc làm đẹp bản báo cáo thành tích cuối năm, tạo uy tín trong mắt học sinh, phụ huynh (đây chính là lực hút để các em đến với lớp học thêm ngày càng đông hơn). Được xem như một sáng kiến kinh nghiệm để xét thi đua…

Có giáo viên đã phải bỏ công khoảng vài tháng ôn luyện, khi trò đi thi còn phải bỏ tiền túi để bồi dưỡng và động viên các em thi tốt. 

Một số giáo viên tận dụng các mối quan hệ với một số đồng nghiệp nơi xa, những người đang giảng dạy ở trường chuyên, trường điểm trong tỉnh, người được giao trọng trách ra đề… để xin những dạng đề có thể có trong đề thi. 

Vì thế, việc thi học sinh giỏi mà trúng tủ nên số lượng học sinh đạt giải đã tăng lên bất thường cũng là điều dễ hiểu.

Với tiểu học chỉ thi hai môn Toán và Anh văn. Giáo viên tìm mọi cách tải đề, xin đề của các vùng miền thi trước ôn luyện cho học sinh. Nhờ đó, cũng có em vào thi là trúng tủ. 

Có em giải hàng chục bài toán nâng cao chỉ trong vòng 5 phút bởi “con trúng y chang đề thầy ôn nên làm nhanh lắm”. 

Vì thế số lượng học sinh đỗ các giải học sinh giỏi Toán, tiếng Anh hàng năm trong một huyện cũng lên đến vài trăm em. 

Thế nhưng “lên cấp 2 tìm đỏ mắt chẳng thấy một em giỏi thật sự” (lời một giáo viên dạy Toán bậc trung học cơ sở than phiền.

Những cuộc thi học sinh giỏi được tổ chức ở các bậc học, nhiều em trong số đó đạt giải dù là “hư danh” nhưng vẫn đang mang lại giá trị thật cho nhiều người. 

Trường học có nhiều giải thưởng sẽ được khen, được cấp trên tuyên dương, giáo viên có nhiều học sinh giỏi đạt giải sẽ được xét thi đua, nâng lương trước thời hạn…

Chỉ có học sinh là chịu thiệt thòi nhiều nhất. Sau những tháng ngày vắt óc luyện thi phần lớn kiến thức lại trả cho thầy vì trong số đó vẫn còn nhiều kiến thức “vay mượn”.

Xóa bỏ các hội thi xin hãy bỏ ngay các hội thi học sinh giỏi cấp tiểu học.

Sông Mã