Con tôi ngày càng học yếu hơn khi vào lớp chọn

06/06/2017 06:24
Đỗ Quyên
(GDVN) - “Hôm nay là chấm dứt những ngày tháng căng thẳng và áp lực của con. Con đã sai lầm khi vào học lớp chọn mẹ ạ" - sau khi thi đại học về, con gái mới thổ lộ.

LTS: Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết của cô giáo Đỗ Quyên, một cây bút quen thuộc trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.

Trong bài viết này, cô chia sẻ tâm trạng của con gái mình khi là một học sinh lớp chọn.

Theo đó, nhiều áp lực, mệt mỏi, căng thẳng đè nặng lên vai các em trong cuộc chiến học tập cũng chỉ bởi sự hãnh diện của cái danh "học sinh lớp chọn".

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Năm học kết thúc nhưng nhiều giáo viên vẫn chưa được nghỉ ngơi. Người lo ôn tập cho học sinh để thi vào trường chuyên lớp chọn

Người nói mình cũng đang tất tả vận dụng các mối quan hệ để “trả ơn” cho người quen hoặc giúp đỡ con cháu vào học ở ngôi trường điểm

Họ nói đây là giai đoạn nước rút cho cuộc chiến chạy trường diễn ra có vẻ âm thầm nhưng không kém phần “khốc liệt”.

Với những phụ huynh đang có nguyện vọng thiết tha bằng mọi giá cho con vào học được tại trường điểm hoặc trường chuyên lớp chọn thì mọi lời khuyên đều trở nên vô ích. 

Học lớp chọn khiến một số em bị áp lực, căng thẳng hơn. (Ảnh: nld.com.vn)
Học lớp chọn khiến một số em bị áp lực, căng thẳng hơn. (Ảnh: nld.com.vn)

Biết thế, tôi chỉ kể cho mọi người nghe những câu chuyện có thật mà chính mình đã biết, đã trải qua.   

Sau hai ngày thi đại học về, con gái mới thổ lộ: “Hôm nay là chấm dứt những ngày tháng căng thẳng và áp lực của con. Con đã sai lầm khi vào học lớp chọn mẹ ạ. 

Lần thi này, con làm bài không tốt vì kiến thức cơ bản hổng nhiều quá. Nếu ngày đó, con chỉ học ở lớp bình thường thì đâu có tệ như bây giờ”.

Bất ngờ về lời chia sẻ của con, tôi thấy buồn vô cùng. Dù rất gần con nhưng chưa bao giờ nó tâm sự với tôi nhiều về việc học trên trường. 

Chỉ thấy rằng hằng đêm, con toàn thức đến 1,2 giờ sáng học bài, nhiều khi thấy con mệt mỏi, buồn chán nhưng hỏi hoài con vẫn nói không sao.

9 năm học phổ thông cơ sở, con đều là học sinh giỏi, điểm thi vào lớp 10 cũng được khá cao nên con được nhà trường xét vào lớp chọn. 

Con tôi ngày càng học yếu hơn khi vào lớp chọn ảnh 2

Tôi là cô giáo nhưng tôi đã phải đưa con ra khỏi trường điểm sau 3 năm học

Khỏi phải nói con tôi mừng như thế nào, gia đình tôi cũng lấy làm hãnh diện khi gần hai ngàn học sinh chỉ chọn có 45 em vào học lớp ấy.

Vào học rồi mới biết mình sai lầm nhưng phải ráng theo, để bị loại ra lớp bình thường vừa xấu hổ với bạn, vừa làm ba mẹ thất vọng”, nó buồn rầu nói thế. 

Trong lớp của con, rất nhiều học sinh giỏi xuất sắc. Vì nghĩ là lớp chọn, nên thầy cô giảng bài cũng rất nhanh, nhiều kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa thầy cô thường nghĩ "học sinh giỏi ai làm chẳng được” nên cũng thường được dạy lướt qua dành thời gian để giải các bài toán nâng cao khác.        

Con chia sẻ “Để theo được các bạn, con phải cố gắng rất nhiều nhưng vẫn đuối. Bởi, kiến thức cơ bản nắm không vững, rất khó khăn cho việc làm bài tập”. 

Những bài toán thầy cô ra, con nói mình và một số bạn còn đang loay hoay tìm cách giải nhưng đã có một số bạn khác làm xong và xung phong lên bảng giải. 

Thay vì thầy cô giải thích thêm về cách làm cho những bạn còn chậm hiểu hơn thì nhiều giáo viên lại cho qua để sang phần khác. 

Cứ thế, học mà không được tư duy, không có cả thời gian suy nghĩ để làm nên mỗi ngày học càng đuối hơn. 

Chẳng phải chỉ riêng con mình rơi vào hoàn cảnh như thế. Một đồng nghiệp có con học ở một trường chuyên trong tỉnh cũng cùng chung cảnh ngộ. 

Chị nói con trai mình học giỏi nổi tiếng khắp vùng quê. Trong kì thi vào ngôi trường chuyên của tỉnh, cả huyện chỉ có mình cháu thi đỗ. 

Con tôi ngày càng học yếu hơn khi vào lớp chọn ảnh 3

Bao giờ hết cảnh “chạy điểm, chạy giải thưởng”?

Nhưng vào học rồi lực học của con ngày càng sa sút.

Tìm hiểu ra mới biết lớp con nhiều học sinh giỏi quá, giáo viên giảng bài nhanh và thường lướt qua các kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa để dành thời gian ôn luyện những bài toán nâng cao bên ngoài. 

Cháu nói mình đuối dần, thi tốt nghiệp năm ấy suýt rớt vì những bài toán khó làm ra nhưng những kiến thức cơ bản trong sách lại làm sai phần lớn. 

Cùng tâm trạng “có biết con chẳng vào trường chuyên” của hai cô cháu gái.

Vốn là học sinh giỏi xuất sắc trường huyện, hai cháu tôi thi đỗ vào lớp chuyên toán của trường chuyên tỉnh. 

Nhưng vào học mới biết “ở nhà nhất mẹ nhì con/ra đường lắm kẻ còn giòn hơn ta”. Sợ thua kém bạn bè, hai đứa lao vào học suốt đêm ngày. 

Dù học miệt mài nhưng vẫn thua nhiều bạn trong lớp. Phần do bất mãn, phần mệt mỏi vì học quá sức hai đứa đã buông xuôi. Lần đầu tiên sau 11 năm học hai đứa xếp hạng trung bình. 

Cũng may gia đình đã kịp thời đưa hai cháu về lại trường huyện gần nhà để học. Hàng tháng, gia đình đỡ mất một khoản tiền lớn nuôi hai cháu vì ngôi trường mới ở ngay sát nhà. 

Trong kì thi đại học năm ấy, hai cô cháu gái đều thi đậu vào trường Đại học Sư phạm với điểm số khá cao. 

Vui mừng vì kết quả của con, chị tôi đã thốt lên “cũng may là chuyển con về kịp thời chứ để chúng nó học nơi ấy chắc bây giờ chẳng được kết quả thế này đâu”.

Nếu ngay từ đầu con không vì sự hãnh diện của bản thân mà học ngay ở lớp bình thường có lẽ giờ đã khác”, nó cay đắng nói với tôi như thế. 

Từ kinh nghiệm của mình, nó cương quyết khuyên đứa em gái năm nay vào lớp 10 dù có được xếp vào lớp chọn cũng xin qua lớp bình thường để học:

Em sẽ là chính mình chứ không phải gồng mình suốt ngày để chạy theo những kiến thức cao siêu mà bỏ qua những điều cơ bản nhất”.

Đỗ Quyên