Kỳ vọng vào một sự đổi mới hiệu quả

11/04/2017 07:09
Trần Trí Dũng
(GDVN) - Hy vọng rằng nền giáo dục Việt Nam sẽ có được những quyết sách hợp lý, để phát triển nhân văn và hiệu quả, đáp ứng công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.

LTS: Với việc thành lập Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực và Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo nhiệm kỳ 2016-2021, thầy Trần Trí Dũng bày tỏ sự kỳ vọng vào công cuộc đổi mới toàn diện giáo dục.

Theo đó, thầy Dũng chỉ ra những tiêu điểm cần thiết đổi mới và hoàn thiện trong giáo dục và đào tạo.

Tòa soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả.

Ngày 17/3/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 337/QĐ-TTg về việc thành lập Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực

Theo quyết định này, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực là tổ chức tư vấn, có nhiệm vụ tư vấn giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đánh giá, tổng kết về sự nghiệp đổi mới trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và phát triển nhân lực. 
   
Cùng với đó là chỉ đạo hoàn thiện và triển khai các Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, Khung trình độ giáo dục quốc gia, các chiến lược phát triển giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, chiến lược và quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam trong giai đoạn 2016 - 2021. 

Thầy Trần Trí Dũng bày tỏ sự kỳ vọng vào một sự đổi mới hiệu quả. (Ảnh minh họa: Tuyengiao.vn)
Thầy Trần Trí Dũng bày tỏ sự kỳ vọng vào một sự đổi mới hiệu quả. (Ảnh minh họa: Tuyengiao.vn)

Bên cạnh đó là việc nghiên cứu, tư vấn giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc chỉ đạo, điều hành, quyết định các chính sách, biện pháp quan trọng phát triển giáo dục, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp và phát triển nhân lực;

Nghiên cứu, tư vấn, góp ý kiến về việc xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách, đề án quan trọng thuộc lĩnh vực giáo dục, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp và những vấn đề chuyên môn khác do Thủ tướng Chính phủ yêu cầu. 
   
Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực hoạt động theo Quy chế do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Theo đó, cơ quan thường trực của Hội đồng là Bộ Giáo dục và Đào tạo.
   
Cũng trong ngày 17/3/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 338/QĐ-TTg về việc thành lập Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo nhiệm kỳ 2016-2021.

Theo đó, Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo là tổ chức phối hợp liên ngành giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, điều hành, phối hợp, giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành để thực hiện thành công đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo yêu cầu Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XI.

Kỳ vọng vào một sự đổi mới hiệu quả ảnh 2

Nhóm Việt Cường nêu ý kiến với Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực

Ủy ban có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. 

Đặc biệt là việc chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện, hướng dẫn cơ chế, chính sách có liên quan và tập trung nguồn lực đầu tư để đổi mới giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho đất nước.
    
Cùng với đó, Ủy ban nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về các chủ trương, chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án, dự án quốc gia, cơ chế, chính sách, giải pháp có tính chất liên ngành để huy động nguồn lực của toàn xã hội cho việc thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo.
    
Bên cạnh đó, Ủy ban giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều phối, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chiến lược, chương trình, dự án quan trọng có tính liên ngành để tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ chất lượng và hiệu quả giáo dục và đào tạo, dạy nghề...

Như thế, với việc thành lập hai tổ chức mang tầm Quốc gia nhằm giải quyết các công việc về giáo dục tại thời điểm chúng ta đang thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là một động thái tích cực thúc đẩy sự phát triển. 

Tuy nhiên, tại thời điểm chúng ta đang tiến hành chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục thì chức năng hoạt động của hai tổ chức này phải chăng sẽ có phần chồng lấn.

Bởi lẽ, nhiệm vụ chủ yếu trước mắt ngay tại thời điểm này vẫn là các công việc phục vụ cho chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đó.

Những tiêu điểm cần thiết đổi mới và hoàn thiện trong giáo dục và đào tạo

Nhìn toàn diện, nền giáo dục và đào tạo Việt Nam trước nhu cầu đổi mới sẽ có biết bao việc phải làm.

Việc trước hết là xây dựng được một chương trình quốc gia tổng thể về giáo dục vào đào tạo mà trọng tâm vẫn là chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. 
   
Theo quy định của Luật Giáo dục hiện hành, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình giáo dục phổ thông; duyệt và quyết định chọn sách giáo khoa để sử dụng chính thức, ổn định, thống nhất trong giảng dạy, học tập ở các cơ sở giáo dục phổ thông, bao gồm cả sách giáo khoa bằng chữ nổi, bằng tiếng dân tộc và sách giáo khoa cho học sinh trường chuyên biệt, trên cơ sở thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa;

Quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa; quy định nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức hoạt động, tiêu chuẩn, số lượng và cơ cấu thành viên của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa. 

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về chất lượng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa.


Tuy nhiên, với sự ra đời của Hội đồng Quốc gia Giáo dục thì việc duyệt, thẩm định và quyết định chọn sách giáo khoa để sử dụng chính thức, ổn định, thống nhất trong giảng dạy, học tập ở các cơ sở giáo dục phổ thông, bao gồm cả sách giáo khoa bằng chữ nổi, bằng tiếng dân tộc và sách giáo khoa cho học sinh trường chuyên biệt nên trao cho Hội đồng này với chức năng chuyên biệt, vì đây là việc hệ trọng mang tính căn cốt quyết định chất lượng giáo dục.

Vì thế, khi sửa đổi Luật Giáo dục cần thiết đề cập nội dung này. 
       
Cùng với việc xây dựng chương trình giáo dục tổng thể, ban hành sách giáo khoa mới là việc cơ cấu lại hệ thống giáo dục quốc dân đặc biệt là về mặt chương trình và quản lý. 

Bởi lẽ, trong một chủ trương mới, bắt đầu từ năm 2017 này, hệ thống 201 trường cao đẳng và 303 trường trung cấp chuyên nghiệp cũng như hệ trung cấp chuyên nghiệp đang được đào tạo tại 200 trường cao đẳng và 40 trường đại học sẽ được bàn giao về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý.
   
Và kể từ ngày 1/1/2017, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện quản lý nhà nước toàn bộ lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. 

Kỳ vọng vào một sự đổi mới hiệu quả ảnh 3

Chương mới của giáo dục Việt Nam

Theo đó, từ năm 2017 các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp sẽ tuyển sinh theo quy chế do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành. 

Những sinh viên tuyển sinh từ khóa 2017 trở đi học theo chương trình mới của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ được cấp bằng cao đẳng thuộc giáo dục nghề nghiệp. 
    
Như thế, với sự thay đổi này đã thể hiện sự chồng chéo chức năng và phân khúc quản lý trong giáo dục và đào tạo. 

Bởi lẽ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan quản lý nhà nước về lao động, quản lý và thực hiện các chính sách về thương bệnh binh và xã hội, do đó không có chức năng về giáo dục. 

Từ sự thay đổi này cần thiết phải tiến hành sửa đổi Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và các văn bản pháp luật liên quan có quy định nhiệm vụ, chức năng và quyền hạn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, từ đó cơ cấu lại hệ thống giáo dục quốc dân.                
    
Trên thực tế hiện nay, sự điều chỉnh và quy định trong lĩnh vực giáo dục hiện có tới bốn văn bản pháp luật khác nhau. 

Đó là Luật Phổ cập giáo dục Tiểu học, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp. 

Trong khi đó, hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn là cơ quan thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục, tuy năm 2017 đã có sự phân khúc cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Đây cũng là một cơ sở đề xuất cho việc cơ cấu lại các luật. 

Nếu như lĩnh vực dân sự chỉ có một Bộ luật duy nhất điều chỉnh thì với sự đặc thù của giáo dục cũng nên chăng quy định trong một văn bản luật duy nhất nhằm bảo đảm sự thống nhất và ổn định chung của lĩnh vực này.

Bởi lẽ giáo dục cần nhất là sự thống nhất và ổn định.  

Kỳ vọng vào một sự đổi mới hiệu quả ảnh 4

Chờ “cú hích” cho giáo dục và phát triển nhân lực 

Trong những vấn đề nổi cộm cần đổi mới và hoàn thiện trong giáo dục hiện nay có thể nói tới hai nội dung rất cần sự quan tâm đặc biệt. 

Đó là, cần tăng cường giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng thực hành nghề và kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên và đổi mới giáo dục đại học. 

Đối với giáo dục kỹ năng sống cần thiết tiến hành song hành với chương trình kiến thức chung ngay từ bậc Tiểu học, bởi đây là giai đoạn đầu của con người về mặt nhận thức. 

Đối với giáo dục kỹ năng thực hành nghề và kỹ năng mềm cần thực hiện xuyên suốt quá trình học của sinh viên, để sinh viên tự tin trong việc tiếp nhận công việc và hòa nhập cuộc sống.

Đó được xem một chiếc chìa khóa thành công trong thực tại đối với người học. 
    
Đối với việc đổi mới giáo dục đại học, cần tăng cường khả năng nghiên cứu và ứng dụng của sinh viên nhưng rất cần những kỹ năng hành nghề. 

Cùng với đó là việc điều chỉnh nội dung đào tạo theo nhu cầu của xã hội, đặc biệt là thị trường lao động. 

Với con số thất nghiệp của những cử nhân, kỹ sư khi ra trường ngày một ra tăng, hoặc đi làm nhưng không đúng với ngành nghề được đào tạo đang là một mối quan ngại lớn đối với giáo dục đại học.

Vì thế, Hội đồng quốc gia Giáo dục cần có nghiên cứu để có những chiến lược, định hướng quy hoạch đào tạo cho các trường nhằm bớt đi nỗi lo đó và giảm áp lực cho xã hội, từ đó giải quyết tình trạng này. 

Đặc biệt, tăng cường tự chủ đại học, coi sự chấp nhận của thị trường lao động đối với người học là tiêu chí quan trọng để đánh giá uy tín, chất lượng của cơ sở giáo dục đại học, và là căn cứ để định hướng phát triển các cơ sở giáo dục, đào tạo và ngành nghề đào tạo.
 
Trên đây là một số tiêu điểm của giáo dục trong nhu cầu đổi mới và cần hoàn thiện. Tuy chưa phải đầy đủ nhưng cũng rất cần thiết để chúng ta đánh giá và nhìn nhận lại. 

Vì thế, trước những hoạt động cần thiết của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực và Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo, hy vọng rằng nền giáo dục Việt Nam sẽ có được những quyết sách hợp lý, để phát triển nhân văn và hiệu quả, đáp ứng công cuộc đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập quốc tế trong một tương lai gần.

Trần Trí Dũng