Xin đừng giật dây nghề giáo!

15/07/2017 07:23
Trinh Phúc
(GDVN) - Có phụ huynh nào nhớ được các người thầy, cô đã dạy con mình qua các năm học để hôm nay cháu thi đạt 3 điểm 10 tuyệt đối hay không?

Với những người yêu nghề giáo, chắc lẽ họ buồn vì một số việc không hay xảy ra trong ngành thời gian qua.  

Nhiều câu hỏi đặt ra, tại sao bao nhiều tồn tại, mặt trái của xã hội lại len lỏi được vào nghề dạy học.

Để rồi cái xấu một khi đã bén rể vào thì trở nên sống tốt, sống khỏe trong môi trường sư phạm vốn đòi hỏi sự liêm khiết.

Điều đáng bàn, những tồn tại mặt trái của nghề giáo không phải hoàn toàn do chính sự vận động nội tại của nghề giáo sinh ra.

Có những quyết định bổ nhiệm trong giáo dục khiến nhiều nhà giáo đau lòng (ảnh minh họa - nguồn Tiền Phong).
Có những quyết định bổ nhiệm trong giáo dục khiến nhiều nhà giáo đau lòng (ảnh minh họa - nguồn Tiền Phong).

Câu chuyện bà Trần Trương Mạnh Hoài (sinh năm 1986) vừa ra trường được 6 năm, không học sư phạm, chưa một lần đứng lớp nhưng được bổ nhiệm giữ chức Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông vào năm 2016 là một ví dụ điển hình. [1]

Trước đó, sau khi tốt nghiệp đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn được 2 năm, bà Hoài đã là Phó trưởng Phòng Giáo dục.

Chuyện những người trẻ tuổi như bà Hoài, chưa qua thử thách, chưa bộc lộ tài năng mà được ngồi vào các vị trí lãnh đạo vốn không hiếm ở các ngành nghề, lĩnh vực khác nhưng nay rơi vào đúng ngành Giáo dục thì thật khó để chấp nhận.

Tại sao những vị trí quản lý trong giáo dục lại không được dành cho những nhà giáo tâm huyết với nghề?

Ai có thể lý giải vì sao giáo dục lại trở thành nơi bổ nhiệm người nhà, nơi đặt chân để làm đẹp hồ sơ của các “con ông, cháu cha” trên đường quan lộ?

Không chỉ ở Đắk Nông mà nhiều địa phương khác trong đó có Hà Nội hiện tượng bổ nhiệm tràn lan chức vụ lãnh đạo trong ngành Giáo dục đang trở thành một bất cập.

Xin đừng giật dây nghề giáo! ảnh 2Huyện Thanh Oai, Hà Nội bổ nhiệm thừa hàng loạt hiệu phó trong nhiều năm

Tình trạng thừa Hiệu phó tồn tại như một tất yếu mà đến đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội nhận xét rằng, đó là tình trạng chung phổ biến không chỉ riêng nghề giáo.

Theo ông Phạm Tất Thắng thì có nhiều lý do nhưng trong đó có việc khi đươc bổ nhiệm làm lãnh đạo thì gắn liền với lợi ích, quyền lợi.

Bổ nhiệm người nhà, người thân vào các vị trí lãnh đạo trong giáo dục dễ dàng hơn trong thời gian gần đây. Nhưng oái oăm thay, việc đối xử với những thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy, ươm mầm từng con chữ lại hà khắc vô cùng.

Chuyện giáo viên đột ngột bị cắt hợp đồng không phải hiếm gặp. Cái cách quản lý theo mệnh lệnh hành chính hiện nay đang đặt nhiều thầy cô giáo trước tình cảnh thất nghiệp bất cứ lúc nào.

Trường hợp, 28 giáo viên ở huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa bị điều xuống dạy mầm non là một ví dụ điển hình.

Khi hỏi, vì sao điều chuyển một lúc 28 giáo viên cùng được tuyển dụng vào giảng dạy trong năm 2008 xuống mầm non thì ông Chủ tịch huyện Ngọc Lặc Lê Văn Tuấn trả lời: “Trước đây, số giáo viên này tuyển dụng không đúng nên giờ đành phải xử lý như vậy”.

Sự bình thản trong cách lập luận của Chủ tịch huyện Ngọc Lặc thời điểm đó khiến người viết bị ám ảnh.

Tất nhiên, cái lý của ông Chủ tịch huyện Ngọc Lặc đưa ra là cái lý “cùn” nhưng nó phản ánh một phần bản chất rằng, nghề giáo đang được đặt trong những toan tính thiệt hơn của người cầm quyền.

Nhiều quyết định điều chuyển khiến nhà giáo chỉ biết nuốt nước mắt vào trong (ảnh minh họa - nguồn Vietnamnet).
Nhiều quyết định điều chuyển khiến nhà giáo chỉ biết nuốt nước mắt vào trong (ảnh minh họa - nguồn Vietnamnet).

Tại sao, các cô thầy lao động miệt mài, chăm chỉ, giàu đức hi sinh lại có thể chịu cảnh “sai bảo” theo kiểu mệnh lệnh đến nhẫn tâm như vậy?

Mới đây thôi, khi ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng trường Đại học FPT có đặt vấn đề “giải cứu giáo viên” bằng việc phụ huynh góp thêm 100 ngàn đồng/tháng thì ngay lập tức bị nhiều nhà giáo phản đối. Để rồi sau đó, chính ông Tùng phải đăng đàn xin lỗi.

Nhà giáo nghèo nhưng chưa xin ai bao giờ? Nói đúng ra, cả xã hội đang mắc nợ nhà giáo rất nhiều. Nói cho chuẩn là bao năm qua chính các nhà giáo đã "giải cứu" cả xã hội.

Xin đừng giật dây nghề giáo! ảnh 4Biên chế hay Hợp đồng thì thầy cô tốt vẫn được cả xã hội kính trọng

Rồi đến chuyện, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu xóa biên chế giáo viên. Ngay lập tức, nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra, ủng hộ có, phản đối có.

Nhưng tựu trung lại, nếu xóa biên chế giáo viên thì còn ai đi dạy học ở đảo xa, ở rừng núi heo hút. Còn ai làm việc chăm chỉ cả năm để nhận phần lương tháng chưa đủ nuôi sống bản thân. Còn ai lao động cả năm mà không nghĩ đến thưởng năm, thưởng Tết…

Khi xóa biên chế, chạy theo cơ chế thị trường thì rõ ràng là “hết nạc mới vạc đến xương”, “tiền nào của nấy”. Khi đó, nhà giáo cũng phải khẳng định giá trị lao động của bản thân bằng số tiền kiếm được hàng tháng.

Đặt ra câu chuyện xóa biên chế, người ta mới tỉnh táo để nhận ra rằng xã hội đang cần lắm những người thầy, người cô hy sinh lặng lẽ.

Kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia năm nay chứng kiến mưa điểm 10 ở nhiều môn học.

Có ai từng đặt ra câu hỏi, phải trả bao nhiêu tiền mới xứng đáng công sức của những người thầy, người cô đã đào tạo ra những người học trò xuất sắc như vậy.

Có phụ huynh nào khi trả lời câu hỏi phỏng vấn báo chí đã liệt kê ra những người thầy, cô đã dạy con mình qua các năm học để hôm nay cháu thi được 3 điểm 10 tuyệt đối hay không?

Chắc có lẽ là không! Vì xã hội đã quá quen với việc hy sinh thầm lặng của những người thầy, người cô.

Còn bản thân các cô thầy đã quen với việc lấy niềm vui từ việc học trò của mình thành đạt, trưởng thành mà chẳng cần đòi hỏi gì hơn.

Nghề giáo đáng trân quý như vậy, tại sao lại để tồn tại những mặt trái đáng ra những cấp thẩm quyền quản lý nhân sự phải tự biết bảo vệ sự trong sạch của nghề này.

Cần lắm những cách quản lý làm sao để nghề giáo không phải bị tiêm nhiễm những mặt trái của xã hội như việc bổ nhiệm người nhà, người quen, bổ nhiệm thừa.

Đừng quản lý nhà giáo theo kiểu hành chính cứng nhắc, đừng biến môi trường giáo dục trở thành nơi toan tính quan lộ của con ông này, cháu ông kia.

Để cô thầy mãi là những người ươm mầm tài năng cho đất nước thì xin đừng giật dây nghề giáo!

Tài liệu tham khảo

[1] http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20170704/tot-nghiep-dai-hoc-6-nam-sau-thanh-truong-phong-giao-duc/1343257.html

Trinh Phúc