Chiều 7/3, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được thông tin phản ánh nỗi bức xúc và nhờ giúp đỡ của các giáo viên thuộc trường hợp dạy Trung học Cơ sở nhưng bị điều chuyển xuống dạy bậc mầm non ở huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh hóa.
Theo phản ánh, họ rất thất vọng khi nhận quyết định của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa Lê Văn Tuấn điều chuyển 28 giáo viên đi học lớp nghiệp vụ mầm non.
Thời gian học 1,5 tháng, bắt đầu từ ngày 9/3 tất cả các giáo viên Trung học Cơ sở trên phải có mặt tại Cơ sở 2, Trường Hồng Đức, Thành phố Thanh Hóa để học tập.
Khi nhận quyêt định điều động đi học nhiều giáo viên có trong danh sách hết sức bức xúc (ảnh bạn đọc cung cấp). |
Trao đổi với chúng tôi, cô giáo T.(xin được giấu tên) kể rằng: "quyết định của ông Chủ tịch huyện Ngọc Lặc Lê Văn Tuấn đã đi ngược hoàn toàn với những kỳ vọng của 28 giáo viên có trong danh sách đi học lần này
Không ai muốn phải chuyển đổi dạy học theo hình thức mệnh lẹnh ép buộc như vậy".
Không chỉ cô giáo T. mà cô H. (xin được giấu tên) cũng nức nở bày tỏ nỗi thất vọng:
“Chúng tôi đã phải chịu đựng ấm ức quá nhiều về những quyết định vội vàng của chính quyền thời gian qua.
Nói thực, chúng tôi đã không còn có thể chịu đựng được hơn nữa nên mới gọi điện phản ánh”.
Theo các giáo viên, việc điều chuyển giáo viên bậc Trung học Cơ sở xuống dạy mầm non của huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa có cách đây hơn một năm (18/9/2015).
28 giáo viên trình độ đại học, dạy các bộ môn Văn, Sử, Toán của Ngọc Lặc được tuyển dụng vào năm 2008 đều bị điều chuyển xuống làm giáo viên mầm non.
Khi điều chuyển, tất cả các giáo viên trên đều cho rằng, chỉ là làm việc tạm thời một thời gian đến khi hoàn thành nhiệm vụ họ được trở lại cầm phấn dạy học theo đúng chuyên ngành cử nhân sư phạm mà họ được đào tạo.
Nhiều giáo viên bị điều chuyển xuống bậc mầm non không mặn mà với công việc mới (ảnh minh họa: nguồn tuoitre.vn). |
Nhưng không ai có thể ngờ được, sau một năm bị điều xuống dạy học ở bậc mần non, làm đủ mọi công việc, nuôi hy vọng sẽ có ngày trở về dạy học đúng chuyên môn thì đột nhiên nhận lệnh đi học nghiệp vụ mầm non.
“Chúng tôi thực sự không muốn đi học bồi dưỡng nghiệp vụ mần non vì dạy mầm non không phù hợp với năng khiếu và sở thích.
Chúng tôi chỉ muốn được dạy học theo chuyên môn được đào tạo” - một giáo viên chia sẻ.
Những tấm bi kịch sống
Với nhiều người, giấc mơ được đứng trên bục giảng là một giấc mơ rất đẹp. Nhưng sau khi nghe tình cảnh của hai cô giáo trong 28 giáo viên này có lẽ họ sẽ bớt mơ mộng đi nhiều.
Cô H. tốt nghiệp đại học Vinh, khoa sư phạm Văn vào năm 2005. Sau bao năm phấn đấu, năm 2008, cô H. được tuyển dụng dạy học môn văn đúng chuyên ngành mình được đào tạo.
Với bao ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ, cô H. đã đốt cháy niềm đam mê của mình trong mỗi bài giảng.
Nhưng cái quy luật cuộc đời “không ai học hết được chữ ngờ” đã vận vào chính cô.
Sau 10 năm ra trường, cô H. bị điều chuyển xuống dạy mần non một cách bất đắc dĩ.
Công việc của cô cũng từ đó thay đổi hoàn toàn đến không ngờ. Từng cháy hết mình theo những vần thơ, tích truyện trong các tiết dạy văn, cô H. chuyển sang đi nhặt rau, rửa bát chén trong bếp.
Trò chuyện với tôi, cô H. nghẹn ngào nói:
“Khi xuống dạy mần non, nói dạy cho nó sang thôi thực chất là đi rửa bát, nhặt rau trong bếp của nhà trường.
Nhiều lúc tủi thân, ngồi khóc, có lúc chợt nghĩ tới bỏ nghề nhưng rồi suy nghĩ lại.
Thương cha mẹ mình khổ sở, cày cấy tích góp từng xu cho mình học sư phạm. Giờ nếu mình dang dở sự nghiệp thì tiếc cho công ăn học của mình một nhưng tủi cho công sức của bố mẹ mình mười”.
Cô T. có khá hơn cô H. đôi chút, từ giáo viên dạy sử, cô T. điều chuyển xuống dạy học mầm non. Công việc chính hàng ngày của cô T. là dọn lớp, cho trẻ ăn và ngủ.
Chuyển đổi giáo viên, không ép buộc và đừng "vơ bèo vạt tép" |
Qua tìm hiểu có thể thấy, 28 giáo viên trong diện điều chuyển xuống dạy mầm non ở huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa thực sự 28 câu chuyện nhói lòng.
Nghe họ kể chuyện, chúng tôi vừa xót xa cho các cô nhưng cũng rất khâm phục cái tinh thần vượt khó đáng trân trọng của họ.
Thiết nghĩ, ngày 3/3 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ra thông báo dừng chuyển giáo viên phổ thông xuống dạy mầm thì trường hợp 28 giáo viên ở huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa cần thiết phải được xem xét sao cho phù hợp.
Chứ với kiểu điều chuyển mà như ép buộc kiểu trên đây, chẳng khác nào đang đẩy số giáo viên trên vào những tấm bi kịch mới!