LTS: Ở một số địa phương, tình trạng học sinh nghỉ học vì học yếu đã trở nên báo động. Các thầy cô giáo đã nỗ lực để giúp những học sinh này bổ sung kiến thức nhưng vẫn không đủ sức để các em theo kịp với các bạn.
Theo tác giả Sông Mã, do nhà trường chạy theo chỉ tiêu nên có nhiều học sinh ngồi nhầm lớp. Vì thế, dần dần các em học yếungày càng chán nản và không muốn đi học.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Tại một số địa phương, số lượng học sinh bỏ học giữa chừng (chủ yếu là học sinh Trung học cơ sở và Trung học phổ thông) đang ở mức báo động.
Những năm gần đây, chỉ riêng trong một phường (xin được giấu tên) đã có đến hàng trăm học sinh không muốn đến trường. Trong rất nhiều lý do để các em không tiếp tục đi học, thì học yếu là một trong những nguyên nhân lớn nhất.
Để hạn chế tình trạng học sinh nghỉ học giữa chừng, nhiều trường học cũng đã đưa ra một số giải pháp khắc phục nhưng xem chừng hiệu quả đạt được không cao.
Bởi có nhiều nguyên nhân khắc phục được như ủng hộ học bổng, sách vở, quần áo nhưng không ít nguyên nhân phải “bó tay chấm com” vì lực bất tòng tâm”.
Học sinh ngồi nhầm lớp dễ chán nản, muốn nghỉ học vì học yếu so với các bạn. (Ảnh minh họa: baogiaothong.vn) |
Không thể phụ đạo học sinh ngồi nhầm lớp
Khi hỏi chuyện một số em đã nghỉ học thì được biết: “Con ngồi học mà chẳng hiểu gì, thầy cô giảng cứ như vịt nghe sấm. Không thuộc bài, không làm được bài lại ảnh hưởng đến thành tích của lớp nên em nghỉ luôn”.
Có giáo viên Trung học cơ sở bức xúc: “Nếu các em chỉ học yếu kiến thức chính lớp mình đang học thì thầy cô cũng dễ kèm cặp, phụ đạo.
Đằng này, học lớp 7 mà kiến thức chỉ đạt lớp 3, lớp 4 chúng em sao có thể dạy cho các em ấy thoát khỏi lực học yếu bây giờ?”.
Đó cũng là lý do vì sao học sinh đã yếu càng học càng yếu hơn. Với bậc Trung học cơ sở một tiết học có 45 phút, nội dung bài cần truyền tải đến học sinh khá dài.
Với thời lượng ấy cùng với sĩ số khoảng 50 em thì mỗi em thầy cô chưa thể dành cho 1 phút. Nhiều tiết học khi trống hết giờ đã điểm nhưng bài học vẫn còn 1/3 nội dung thì thử hỏi thầy cô còn kèm học sinh yếu vào lúc nào?
Có Ban giám hiệu cho rằng giáo viên phải kèm học sinh ngay trong giờ học để các em theo kịp bài. Nhưng chính các giáo viên đứng lớp cho biết nếu chỉ là kèm kiến thức ngay trong bài đang dạy thì họ sẽ làm được.
Đằng này, kiến thức mới lại liên quan nhiều đến kiến thức cũ, kiến thức của lớp dưới. Bởi thế, muốn kèm học sinh hiệu quả phải bổ sung được những kiến thức mà các em đang hổng.
Chỉ tiêu không có tội nhưng người thực thi thì có |
Nếu như thế, chỉ một thầy dạy một trò còn có hy vọng chứ thầy cô đang phải dạy dăm chục em trong lớp thì kèm cặp thế nào?
Một số trường học cũng tổ chức dạy phụ đạo cho học sinh yếu. Một số thầy cô đã khuyến khích học sinh yếu đi học thêm nhưng không thu học phí.
Dù thế, các em cũng chẳng thể tiếp thu được nhiều vì lớp học thêm có rất nhiều trình độ, chăm sóc em này có khi em khác ngồi chơi.
Bởi thế việc dạy kèm, phụ đạo cũng chỉ giúp học sinh trung bình trở lên học tốt hơn. Với những học sinh yếu, kém cũng chẳng cải thiện được là bao vì kiến thức hổng quá nhiều.
Không thể kèm, không thể phụ đạo thêm cho một số học sinh yếu kém theo kịp chương trình. Học yếu đương nhiên phải ở lại lớp nhưng giáo viên bây giờ bị tước đi cái quyền như thế.
Để không bị ảnh hưởng đến mình, đến nhà trường thì thầy cô buộc phải tìm cách để “lách” bằng kiểu nâng đỡ cho những học sinh này được lên lớp.
Những “chiêu lách” thầy cô thường dùng
Để những học sinh này có điểm miệng, giáo viên thường dặn các em về học một nội dung. Tuy thế khi kiểm tra không phải em nào cũng thuộc.
Thế rồi cũng chẳng thể ghi điểm không, thầy cô lại cho khất. Có em kiểm tra tới lui đến vài lần mới được con điểm 5. Có giáo viên không đủ sự kiên trì đành tặc lưỡi “cấy cho nó 5 điểm cho xong việc”.
Thầy cô còn đưa ra rất nhiều hình thức khuyến khích như cộng điểm thưởng khi xung phong trả lời, câu trả lời dù sai lại cộng điểm ưu tiên vì tinh thần mạnh dạn… hay cộng điểm vì hôm ấy ghi chép bài đầy đủ, ngồi học ngoan ngoãn…
Bệnh thành tích đã ngấm vào thầy cô, cán bộ quản lý đến mức biết sai vẫn làm |
Đến ngày kiểm tra một tiết, hay học kì những học sinh yếu cũng được thầy cô lưu ý thêm dạng toán sẽ có trong đề để các em có thể đạt được điểm trung bình.
Hoặc cho các em thi và kiểm tra lại gần như biết trước đề sẽ thi. Thế mà không phải lúc nào các em cũng làm được.
Đến nước này thì giáo viên phải “tự biên tự diễn” sao cho điểm tổng kết của các em chạm mức 5.0 là được.
Không ít trường học lại chọn cách đỡ vất vả hơn là xin giấy xác nhận trẻ khuyết tật. Có tấm giấy “thông hành” này rồi, các em học làm sao thì học cuối năm vẫn được lên lớp.
Nhờ thế, giáo viên được báo cáo 100% học sinh lên lớp thẳng, phụ đạo học sinh yếu hiệu quả. Trường cũng được báo cáo về hiệu quả đào tạo trong năm và 5 năm sau đó.
Có trường nhờ chuyện này đã được vinh danh trường có chất lượng giáo dục cao và nhận cờ thi đua của các cấp.
Chỉ có học sinh là thiệt thòi. Học yếu liên tục bị thầy cô, bạn bè phàn nàn, lên án, nhiều em tìm giải pháp bỏ học là đương nhiên.
Có em ở nhà lang thang, em vùi đầu vào tiệm nét, em đi bán vé số, em đi phụ hồ, đi biển để kiếm tiền mưu sinh trong khi bạn bè cùng trang lứa đang trải qua những năm tháng tuổi thơ đẹp nhất.
Có thầy cô thốt lên: “Tất cả chỉ vì hai tiếng chỉ tiêu. Chỉ tiêu ơi! Mi là gì mà thao túng số phận của nhiều học trò đến thế?”.