LTS: Phản ánh về trường hợp một số học sinh không được chấp nhận theo học vì đã quá tuổi đến trường, cô giáo Đỗ Quyên cho rằng quy định này sẽ gây khó khăn cho những em có hoàn cảnh đặc biệt nhưng lại khát khao được đến trường.
Ngoài ra, quy định này cũng khiến thầy cô không đành lòng để học sinh ở lại lớp vì sợ bị khống chế độ tuổi theo quy định.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Câu chuyện em Trương Văn Tài sinh năm 2007 con ông Trương Văn Lợi ở ấp Gò Tranh, xã Vĩnh Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long không được tiếp tục đến trường chỉ vì em đã quá tuổi.
Chuyện này không phải là cá biệt mà là hiện tượng phổ biến đang xảy ra ở nhiều địa phương, có điều vẫn chưa ai phản ánh để nó được thay đổi.
Em Trương Văn Tài bị đuổi học vì quá tuổi. (Ảnh: Tienphong.vn) |
Nguyên nhân trẻ đi học quá tuổi
Trong thực tế, học sinh đi học quá tuổi có nhiều nguyên nhân. Có em vì học quá yếu phải lưu ban nhiều năm nên chưa học hết tiểu học đã quá tuổi.
Có em do ba mẹ liên tục thay đổi chỗ ở nên việc học của các em vì thế cũng liên tục bị gián đoạn. Đến khi được gia đình cho đi học trở lại thì đã quá tuổi.
Những trẻ học quá tuổi hầu như đều rơi vào hoàn cảnh gia đình khó khăn. Bởi thế thầy cô giáo luôn hiểu, thông cảm và muốn cho các em theo học dăm ba chữ để “biết với người ta”.
Nhưng Hiệu trưởng không dám làm trái quy định cũng chẳng thầy cô nào có thể giữ các em ở lại.
Nếu may mắn gặp được Hiệu trưởng biết thấu hiểu, cảm thông, chính học sinh ấy sẽ được gửi tới một ngôi trường ít chịu áp lực về chỉ tiêu hoặc vẫn cho em theo học tại trường nhưng theo diện “kí gửi”, ngoài sổ sách, dù thế đã là may mắn.
Nhưng phần nhiều rất ít Hiệu trưởng làm được điều này. Khi quyết định của họ đưa ra, học trò ấy buộc phải nghỉ học ngay sau đó. Mặc cho chính các em vẫn còn khao khát được đến trường.
Không thể làm khác
Đó là lời khẳng định như đinh đóng cột của rất nhiều Hiệu trưởng.
Họ nói dù rất thương các em nhưng không thể làm khác vì giúp được mình học trò ấy nhưng hệ lụy phải gánh chịu gấp nhiều hơn.
Nếu là trường chuẩn quốc gia sẽ không thể được công nhận lại sau đó.
Nếu là trường đang trong thời gian xây dựng chuẩn sẽ khó có cơ hội được công nhận. Mà như thế sẽ ảnh hưởng đến chỉ tiêu của phòng, của địa phương.
Tôi đã gặp nhiều trường hợp học sinh khát khao được đến trường nhưng không nơi nào nhận.
Thế rồi những học sinh này, có em đi bán vé số, em phải đi biển, em lang bang chán đành ra tiệm nét làm nơi tá túc vì “con tôi chẳng biết làm gì”.
Thương các em, tôi đã vận dụng các mối quan hệ của mình để đứng xin bảo lãnh cho một số học sinh được vào học. Tiếc thay không phải lúc nào cũng thành công.
“Quyền và bổn phận của trẻ em” đã nêu rõ “Trẻ em có quyền được học tập, được dạy dỗ” nhưng trong quy định của Điều lệ trường tiểu học “Tuổi của các em học tiểu học từ 6-14 tuổi” vậy có gì mâu thuẫn không?
Việc quy định độ tuổi này đã dẫn đến nhiều bất cập.
Thứ nhất trường học không dám cho học sinh (dù học rất yếu) ở lại nhiều vì sợ các em quá tuổi.
Trong thực tế đã có không ít trường buộc phải cho những học sinh lớn tuổi mỗi năm lên một lớp để khỏi bị khống chế theo quy định.
Thế rồi, dù các em học xong lớp 5 nhưng cũng chẳng thể biết “một chữ bẻ đôi” là gì.
Đây là các tuyệt chiêu không thể ngờ của giáo viên để đảm bảo chỉ tiêu |
Thứ hai, không ít học sinh không được học, không được đến trường dù các em vẫn đang rất khao khát được đi học.
Việc không được đến trường đã trực tiếp đẩy các em ra ngoài xã hội khi tuổi đời còn quá nhỏ, không ít trong số đó đã sớm sa chân vào các tệ nạn xã hội.
Giải pháp nào cho học sinh quá tuổi?
Thực hiện đúng theo công ước về quyền và bổn phận của trẻ em, ngành Giáo dục cần bỏ ngay những quy định bất hợp lý như tuổi đến trường, chỉ tiêu phổ cập đúng độ tuổi như hiện nay đang áp dụng.
Cần khuyến khích tất cả ai có nhu cầu học tập đều được đến trường dù đang ở bất kì độ tuổi nào.
Làm được điều này không chỉ tạo cơ hội cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn bị thiệt thòi được đến trường. Mà còn là giải pháp làm giảm tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp như hiện nay.