Phải xử lý dứt điểm những trường hợp bổ nhiệm “mập mờ”
Trong những năm gần đây nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển mới, đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt. Đó là những tín hiệu mừng!
Nhưng đi cùng sự phát triển ấy đã nảy sinh những bất cập rất lớn trong công tác bổ nhiệm cán bộ, tất cả đều vì ham muốn quyền lực, vì bè cánh, vì lợi ích nhóm… gây ra những thiệt hại không nhỏ cho đất nước.
Và trong buổi làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 19/9 vừa qua, bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã đề nghị: "Chính phủ cần chỉ đạo tổng kiểm tra về công tác bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi cả nước để trả lời cử tri về tình trạng bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không đúng quy định, bổ nhiệm lãnh đạo nhiều hơn công chức, bố trí người thân vào những vị trí dễ phát sinh tham nhũng".
Tìm và loại “chín non, bổ nhiệm thần tốc”, tôi ủng hộ tuyệt đối |
Đây có lẽ là lần đầu tiên có một ý kiến thẳng thắn, công khai đề nghị “tổng rà soát công tác bổ nhiệm cán bộ” nêu ra trong một buổi làm việc chính thức của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ngay lập tức, đề nghị trên của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất lớn của nhân dân.
Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cho biết: “Tôi đồng tình và ủng hộ đề xuất của bà Lê Thị Nga. Đó là việc làm hết sức cần thiết, nhất là ở giai đoạn hiện nay, Đảng ta quyết liệt thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Nghị quyết Trung ương 5, phải chấn chỉnh công tác cán bộ thì mới phát triển kinh tế được.
Tôi cho rằng, để rà soát tổng thể công tác cán bộ cho hiệu quả thì cần sự chỉ đạo từ Bộ Chính trị, xuống Trung ương, Chính phủ, có cả sự vào cuộc của Quốc hội.
Trước hết phải rà soát từ các bộ ngành Trung ương, tất cả các vị trí bổ nhiệm Cục trưởng, Cục phó hay Vụ trưởng, Vụ phó… đều phải rà soát hết và giải quyết dứt điểm, đặc biệt là những trường hợp bổ nhiệm mà dư luận, báo chí đã liên tục đề cập thời gian qua. Trung ương làm nghiêm trước thì địa phương buộc phải nghiêm”.
Ông Vũ Quốc Hùng cho rằng, cần thiết thực hiện tổng rà soát công tác bổ nhiệm cán bộ, nhất là những vụ việc dư luận phản ánh có vấn đề bất thường. ảnh: NQ. |
Sau khi vụ việc bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh làm Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang bị đưa ra ánh sáng (không đủ tiêu chuẩn), dư luận còn được biết đến thêm nhiều vụ bổ nhiệm “thần tốc” khác, trong đó phải kể tới Trần Vũ Quỳnh Anh tại Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa hay Vũ Minh Hoàng tại Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ.
Và gần đây nhất, dư luận tiếp tục đặt ra những băn khoăn về vụ việc bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Sang – Giám đốc Cảng vụ Thành phố Hồ Chí Minh giữ chức Cục trưởng Cục Hàng hải.
Người ta gọi đây là một vụ bổ nhiệm “thần tốc”, vì vị trí của ông Sang khi bổ nhiệm chỉ là “Cấp phòng thuộc Cục”, vậy mà lại được bổ nhiệm thẳng lên Cục trưởng.
Bi hài hơn nữa là trước khi được bổ nhiệm vào năm 2015 thì năm 2014 ông Nguyễn Xuân Sang đã thi trượt "Ngạch Chuyên viên chính".
Việc thi xếp "Ngạch Chuyên viên chính" không đơn thuần là xếp lương mà nó còn là tiêu chí để đánh giá trình độ cán bộ - yếu tố quan trọng đối với công tác quản lý Nhà nước, nhưng đã bị Bộ Giao thông Vận tải thời kỳ đó coi nhẹ và sẵn sàng "cho nợ", tạo ra một "quy trình méo".
Di sản của ông Đinh La Thăng: BOT và công tác cán bộ! |
Chính Bộ Giao thông Vận tải thời kỳ đó (đứng đầu là ông Đinh La Thăng) đã tạo ra sự mâu thuẫn (khe hở) trong các quy định (ký cùng ngày) để tạo thuận lợi cho việc bổ nhiệm “thần tốc” ông Nguyễn Xuân Sang.
Cụ thể hơn, trong Quyết định số 3688/QĐ-BGTVT ngày 15/11/2013 ban hành quy định tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải: “Tiêu chuẩn đối với lãnh đạo đơn vị hành chính” áp dụng với Vụ trưởng và tương đương nói rõ về trình độ “Đạt tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ ngạch chuyên viên chính trở lên”.
Nhưng cũng chính Bộ Giao thông Vận tải lại tạo ra một tiền lệ xấu khi ra Quyết định 3689 trong cùng ngày 15/11/2013 cho phép: “... Nếu nhân sự chưa đủ tiêu chuẩn về lý luận chính trị, quản lý nhà nước, ngạch công chức, viên chức theo quy định thì cấp có thẩm quyền xem xét từng trường hợp và hoàn cảnh cụ thể để bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý; sau khi được bổ nhiệm, nhân sự và đơn vị quản lý có trách nhiệm hoàn thiện các tiêu chuẩn còn thiếu”.
Khi dư luận đề cập tới vụ việc này, ông Vũ Quốc Hùng cũng đã từng nêu quan điểm: “Không thể tùy tiện trong công tác cán bộ. Lựa chọn, đào tạo và sử dụng cán bộ là để làm việc cho dân, cho nước cho nên phải đánh giá công tâm chứ không thể có chuyện thích ai thì đưa người ấy…
Phải có công bố chính thức, công khai, minh bạch, nếu cán bộ đủ tiêu chuẩn thì khẳng định rõ ràng còn nếu không đủ tiêu chuẩn phải thì phải xử lý”.
Vậy nhưng kể từ khi vụ việc này được nêu ra (thậm chí đã được hỏi công khai tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ đầu tháng 8/2017) đến nay đã 2 tháng nhưng chưa có cơ quan nào công bố kết luận chính thức về vụ việc bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Sang.
Từ một cán bộ cấp phòng, ông Nguyễn Xuân Sang được bổ nhiệm thẳng lên Cục trưởng Cục Hàng Hải, thậm chí được cho "nợ tiêu chuẩn" (thi trượt ngạch Chuyên viên chính). ảnh: vinamarine.gov.vn. |
Bổ nhiệm “thần tốc” cũng là vì quyền lực, tham nhũng
Ông Vũ Quốc Hùng cảnh báo: “Nếu không giải quyết dứt điểm được những vụ việc bổ nhiệm có vấn đề mà dư luận, báo chí gọi là 'thần tốc' đã nêu thời gian qua thì rõ ràng vẫn còn có những thắc mắc về việc các vị bị nêu tên ấy được che đỡ. Do đó cần phải minh bạch những vụ việc này, vì cán bộ là để làm việc cho dân, cho nước.
Khi mà cán bộ không đủ tiêu chuẩn vẫn cứ cố tìm cách bổ nhiệm thì rõ ràng người dân có quyền đặt ra nghi vấn người được bổ nhiệm có thật xứng đáng không?
Ông Vũ Quốc Hùng: Tìm cán bộ cho nước cho dân, không phải do yêu hay ghét |
Lâu nay các vụ bổ nhiệm thần tốc khi cơ quan kiểm tra vào cuộc đều phát hiện ra sai phạm. Suy cho cùng người ta làm như vậy là vì quyền lực, vì hám danh, vì lợi ích nhóm, tham nhũng… cho nên nhất thiết phải tổ chức một cuộc rà soát công tác cán bộ để xử lý nghiêm minh vấn đề này”.
Kết thúc cuộc trao đổi, ông Vũ Quốc Hùng cho biết: “Tôi chờ đợi ở Hội nghị Trung ương 6 khóa XII sắp tới đây sẽ có những thảo luận về sự đổi mới cơ chế lãnh đạo của Đảng.
Trên thực tế ở một số cấp ủy diễn ra tình trạng bao biện, buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng cho nên mới dẫn tới sai phạm trong bổ nhiệm cán bộ, dẫn tới nhiều hệ lụy xấu với đất nước.
Tại sao trong những năm gần đây lại xảy ra nhiều sai phạm liên quan tới công tác bổ nhiệm cán bộ như vậy? Sao lại có nhiều vụ bổ nhiệm thần tốc như vậy? Đó là câu hỏi dù không mới nhưng luôn có tính thời sự cần được xử lý quyết liệt, triệt để
Bên cạnh sự kêu gọi tính tự giác và liêm sỉ thì phải luôn luôn bổ sung, sửa đổi những quy định chặt chẽ trong công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.
Những trường hợp nào đã bổ nhiệm có vấn đề dư luận nêu thì phải kiểm tra làm rõ, đồng thời bổ sung các quy định mới, chế tài mới nhằm ngăn chặn hiệu quả những người có ý đồ xấu, có ý định lợi dụng công tác bổ nhiệm cán bộ”.
Công tác cán bộ luôn được khẳng định là giữ vai trò then chốt đối với sự phát triển của đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy rằng: "Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém".
Đến bao giờ tình trạng bổ nhiệm "thần tốc" hay bổ nhiệm "nợ tiêu chuẩn" mới chấm dứt?!