Trong câu thành ngữ “Ăn không nói có” cả hai động từ “ăn, nói” đều liên quan đến cái miệng, dễ nhận thấy câu thành ngữ này không có sự phân biệt “miệng quan” hay “miệng dân”.
Liên quan đến “miệng quan”, dân gian còn có câu không mấy hay ho: “miệng quan, trôn trẻ”, còn “miệng dân” thì gần như không thấy câu nào tương đương tuy cũng có câu “hơi” sát với người Việt hiện tại: “miệng ăn, núi lở”.
Vấn đề là “núi lở” chủ yếu là do “miệng quan” hay “miệng dân”?
Để trả lời câu hỏi này, không gì bằng tìm hiểu câu chuyện lịch sử “Tuần Lễ Vàng” bắt đầu vào ngày 4/9/1945, chỉ hai ngày sau khi Hồ Chủ Tịch đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ngày ấy, sau khi giành được chính quyền, ngân khố quốc gia lúc đó chỉ còn 1,2 triệu đồng tiền Đông Dương, đa phần bị rách nát, không thể tiêu được.
Để tháo gỡ khó khăn tài chính của Chính phủ, Hồ Chủ Tịch thay mặt Chính phủ phát động “Tuần lễ vàng” nhằm kêu gọi, khuyến khích người dân đóng góp cho ngân sách quốc gia.
Tuần lễ vàng nhận được sự hưởng ứng của mọi tầng lớp dân chúng, trong đó giới thương gia đóng vai trò chủ chốt.
Rõ ràng công - tội, và câu hỏi đâu là điểm dừng? |
Kết thúc Tuần lễ vàng, nhà nước đã được nhân dân ủng hộ 20 triệu đồng (Đông dương) và 370 kilôgam vàng.
Trong số những người ủng hộ Tuần lễ vàng, nổi bật là vợ chồng doanh nhân Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ.
Các tài liệu được báo chí trích dẫn cho thấy, gia đình ông bà đã ủng hộ cho Chính phủ tổng cộng 5.147 lượng (cây) vàng.
Theo giá công bố ngày 8/11/2017, một lượng vàng bán ra là 36,58 triệu đồng.
Số vàng mà vợ chồng doanh nhân Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ hiến tặng nhà nước tương đương 188 tỷ đồng.
Con số 188 tỷ đồng ngày nay không phải là quá lớn nếu so với tài sản của những tỷ phú đô la người Việt.
Nó càng trở nên nhỏ nhoi nếu so với những mất mát mà ngân sách phải gánh chịu do tham nhũng, lãng phí từ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gây ra - như báo chí đưa tin là hàng nghìn tỷ đồng.
Ảnh minh họa trên Thời báo kinh tế Việt Nam. |
Vấn đề là tại thời điểm 1945, số vàng mà vợ chồng cụ Bô hiến tặng nhà nước tương đương với 2 triệu đồng Đông Dương, gấp gần 1,7 lần số tiền có trong ngân khố quốc gia.
Trong chiến tranh chống Mỹ, dân làng Hạ Lội (làng K130), xã Tiến Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh đã dỡ nhà mở đường cho xe ra tiền tuyến.
Năm 2006 làng Hạ Lội được công nhận Di tích Lịch sử cấp quốc gia, được Nhà nước đã đồng ý đầu tư xây dựng bia chiến tích và nhà truyền thống. [1]
Bảy năm sau, ngày 13/8/2013, huyện Can Lộc tổ chức kỷ niệm 45 năm chiến tích làng K130 nhưng nơi đây vẫn chưa có bia chứng tích và nhà truyền thống, không biết bây giờ đã có chưa?
Thế hệ sinh vào khoảng thời gian 1954 trở lại đây, nhiều người đang nắm giữ trọng trách trong các cơ quan Đảng và Nhà nước.
“Kiên quyết nhúng chàm và miệng nhúng…đóm” |
Có bao nhiêu người trong số đó biết đến sự kiện Tuần lễ vàng, nhớ đến câu chuyện dỡ nhà lót đường cho xe ra mặt trận thời chiến tranh chống Mỹ?
Chỉ một tấm bia chiến tích và ngôi nhà truyền thống làng K130 mà bảy năm chưa làm được trong khi rất nhiều địa phương xây các trung tâm hành chính hàng nghìn tỷ, các tượng đài hàng chục, hàng trăm tỷ đồng!
Chỉ một Dự án bệnh viện bỏ hoang ở Nam Định đã có giá 850 tỷ đồng, nhà thi đấu đa năng tỉnh Hà Nam được đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, nguồn vốn do tỉnh Hà Nam và Chính phủ cấp, khánh thành năm 2014, đến nay tình trạng là “bỏ hoang giữa cánh đồng” [4].
Năm 2015, báo điện tử Vietnamnet.vn trong bài “Nhà trăm tỷ xây cho Thứ trưởng bỏ hoang giữa Hà Nội” có đoạn:
“Khu đô thị Xuân Phương được xây dựng dựa trên sự chấp thuận của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Văn phòng Quốc hội xây dựng 227 căn nhà phục vụ cán bộ cấp Thứ trưởng và tương đương hiện công tác trong các cơ quan của Quốc hội...
Tổng mức đầu tư toàn bộ dự án này ước trên 411 tỉ đồng.
Cỏ dại mọc chắn cả lối vào…mọc cả vào tận trong nhà. Những con phố, ngôi nhà không một bóng người như những căn nhà ma”. [2]
Cấp Thứ trưởng và tương đương tại Quốc hội có phải là cấp Phó Chủ nhiệm ủy ban, chắc chắn họ phải là đại biểu quốc hội được dân bầu.
Nếu các vị đại diện cho dân không có nhu cầu nhà ở thì vì sao lại phải bỏ tiền ra xây nhà rồi bỏ hoang, mấy trăm tỷ đồng tiền xây dựng do ngân sách bỏ ra có phải cũng lấy từ tiền thuế của dân?
Đại biểu Quốc hội là do dân bầu, nghĩa là đại diện cho quyền lực của nhân dân.
Tại kỳ họp đang diễn ra, khi một số đại biểu phê phán hoạt động của cơ quan công quyền thì lập tức một số đại biểu khác phản bác.
Cùng là đại diện cho dân sao lại có chuyện chia làm “hai phía” như vậy?
Nếu quả thật đang tồn tại những quan điểm trái chiều tại Quốc hội thì thật sự ai đứng về “phía” dân và ai đứng ở “phía” ngược lại?
Có thể thấy các ý kiến phản bác đều là của những người đóng hai vai, vừa là đại diện cho dân nhưng lại là quan chức chính quyền.
Nhóm lợi ích khuyết điểm |
Bài viết trên báo Infonet.vn phải: “Tranh luận "nảy lửa" tại Quốc hội: Có hay không việc công an đánh cụ Kình?” cho thấy điều gì? [3]
Bài báo dẫn việc đại biểu Dương Trung Quốc phải dùng quyền tranh luận để đề cập đến phát biểu của Đại tá Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội như sau:
“Phải chăng đó là cách làm của Công an Hà Nội? Nhớ lại câu chuyện xảy ra trên cầu Thăng Long, rằng nhỡ vung tay đánh ngã người khác, theo tôi điều đó là không nên biện hộ, biện bạch.
Tốt nhất là các đồng chí nên công khai nói sự việc ấy để người dân bình luận, xem một ông già 82 tuổi có thể tự gãy chân không?
Ngay cả đối với Luật người cao tuổi chúng ta cũng không tuân thủ, kể cả khi người ta có tội”.
Thiết nghĩ đúng hay sai cần phải được làm sáng tỏ bởi tòa án, với các dẫn chứng và nhân chứng cụ thể chứ không thể bằng việc thanh tra nội bộ rồi đưa ra kết luận mang tính chủ quan.
Người có công phải được thưởng, người có tội phải bị trừng phạt.
Bảo vệ uy tín cơ quan mà làm tổn hại đến lợi ích của dân là không thể chấp nhận, nhất là khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang cố gắng xây dựng một Chính phủ liêm khiết, kiến tạo.
Nói đến chuyện người có công phải được thưởng, hơn 40 năm sau khi thống nhất đất nước, tên của nhiều danh nhân văn hóa, lãnh đạo, tướng lĩnh, nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ,… được đặt cho các đường phố tại các thành phố, thị xã.
Vinh danh những người có công với nước là việc cần phải làm, bắt buộc phải làm, nhưng liệu chúng ta có công bằng khi đối xử với những người đã góp phần tài sản rất lớn cho cuộc chiến bảo vệ tổ quốc ngày xưa như dân làng K130, như gia đình doanh nhân Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ và nhiều người khác?
Chiến thuật thời nay phải là “một đòn … chết tươi” |
Năm 2016, Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn - Việt kiều Philippines, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động Hạng Nhất nhằm sự ghi nhận những đóng góp của ông trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và hoạt động từ thiện trong 30 năm đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.
Vậy nếu không có sự đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có các doanh nhân yêu nước từ những năm 45 của thế kỷ trước, liệu chúng ta có ngày hôm nay?
Liệu có xuất hiện những người giờ đây sở hữu khối tài sản hàng triệu, hàng tỷ đô la, những người không chỉ giàu có mà còn hãnh diện với những huân, huy chương mà Nhà nước trao tặng?
Thành phố Hà Tĩnh có nên chọn một con đường đặt tên là “Đường K130 hoặc Phố Hạ Lội”?
Thành phố Hà Nội có nên chọn tên những dân thường - trong đó có nhiều doanh nhân - có đóng góp to lớn về tài sản cho cuộc kháng chiến để đặt cho những đoạn đường mới mở?
Và nhà nước có nên vinh danh những người đã ngã xuống bảo vệ chủ quyền quốc gia trong trận chiến bảo vệ quần đảo Hoàng Sa năm 1974?
Cùng với việc vinh danh người có công, trong đó có các doanh nhân, việc xử phạt các thương gia làm ăn gian dối như vụ Khaisilk… có cần phải thật nghiêm minh để làm gương?
Không chỉ với những gian thương, ngay cả với những người vốn được xem là “nguyên khí quốc gia”, như trường hợp một vị giáo sư - tiến sĩ cùng lúc hướng dẫn hơn 50 luận văn thạc sĩ và tiến sĩ có cần phải xử lý?
Không chỉ cá nhân người đó mà cơ quan quản lý cũng đồng lõa với hành vi tham lam, trái luật và có thể nói là hết sức vô trách nhiệm với đất nước, dân tộc bởi “cái lò ấp tiến sĩ” ấy liệu có thể cho “nở” ra những nhà khoa học ngang tầm khu vực chứ chưa nói quốc tế?
Điều quan trọng là có nên cứ im lặng cho qua mà không cần xử lý nghiêm túc?
Có cảm giác như chúng ta đang sợ làm cho rõ trắng đen, công chưa được thưởng đúng, tội chưa bị trừng trị thích đáng.
Cũng nên nói thêm, công hay tội ở đây là với đất nước, dân tộc chứ không phải với riêng tổ chức hay cơ quan nào đó.
Vẫn biết có công với nước, với dân sẽ mãi mãi được lưu truyền dù có được vinh danh hay không, có tội với dân với nước sẽ mãi mãi bị người đời coi rẻ nhưng có nên để những người có công chịu thiệt thòi chỉ vì những văn bản hành chính mà chúng ta có thể thay đổi bất kỳ lúc nào nếu muốn.
Sống một cách nhạt nhòa đâu phải là cách sống của những con người văn minh, đặc biệt là của những người mang trọng trách với dân, với nước.
Tài liệu tham khảo:
[1] http://danviet.vn/tin-tuc/hao-hung-lang-k130-158053.html
[2] http://vietnamnet.vn/vn/bat-dong-san/nha-tram-ty-xay-cho-thu-truong-bo-hoang-giua-ha-noi-273583.html
[4] https://news.zing.vn/nha-thi-dau-1000-ty-xay-xong-bo-khong-giua-canh-dong-post760836.html