Người ta dễ dàng nhận thấy, yếu tố con người dường như quyết định tất cả mọi công cuộc kiến tạo đổi thay.
Hơn nữa, câu nói “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa” của lãnh tụ Hồ Chí Minh (1890-1969), như đã để lại nhiều thông điệp.
Vì thế khát vọng vươn tới một nền giáo dục tiên tiến, nhằm cung cấp cho đất nước những nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng công cuộc đổi mới và hội nhập, đã và đang thôi thúc người Việt trong nhiều thập kỷ qua.
Từ lịch sử giáo dục cho thấy, quy mô giáo dục của mỗi quốc gia, thường tương thích với tiềm lực kinh tế của quốc gia đó.
Rồi mặc dù giáo dục phổ cập hay đại chúng có thể bị hạn hẹp, ở thời điểm này, thời điểm kia, hay thể chế này, thể chế kia, nhưng bất cứ thời đại nào, quốc gia nào, thì giáo dục tinh hoa luôn được duy trì, kế thừa và phát triển.
Bởi một mặt nó cung cấp kịp thời nguồn nhân lực cho bộ máy quản lý nhà nước, tầng lớp dẫn dắt công chúng, mặt khác nó còn nuôi dưỡng và phát triển mọi lĩnh vực học thuật, làm cho nhân loại ngày càng văn minh.
Ảnh minh hoạ trên Pinterest.com |
Lịch sử loài người đã chứng minh rằng, sự phát triển của mỗi quốc gia, phụ thuộc rất lớn vào chất lượng của tầng lớp tinh hoa.
Nhìn lại thời kỳ đầu mới giành độc lập, mặc dù dân trí còn rất thấp, nhưng chế độ mới đã được thừa hưởng một đội ngũ trí thức được đào tạo rất nghiêm ngặt và bài bản, bởi nền giáo dục bản địa và nền giáo dục Pháp.
Tuy không đông, nhưng trước hết họ có nhân cách lớn, thứ nữa họ là những người thực học.
Họ đã giúp đất nước làm nên biết bao thành quả, như lịch sử đã ghi nhận. Sức mạnh ấy nằm ở cái chất “tinh hoa” của họ, một thứ phẩm chất được chắt ra bởi hai nền học thuật phương Tây và phương Đông.
Trong chế độ mới của chúng ta, giáo dục đã từng gặt hái được nhiều thành quả như: giúp nhanh chóng thanh toán nạn mù chữ, góp phần nâng cao dân trí, cung cấp nhân lực đáp ứng cho các cuộc chiến, và nền kinh tế bao cấp-kế hoạch hóa.
Tuy nhiên do giáo dục phổ cập và giáo dục đại chúng đã phát triển quá nhanh, trong tình trạng bao cấp nặng nề, lại không tương thích với nền kinh tế, nên đã để lại nhiều hệ lụy.
Môi trường tự do học thuật quyết định tới phát triển giáo dục tinh hoa |
Đặc biệt khi bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập, cũng như kinh tế thị trường, nó lại càng tỏ ra không còn đủ khả năng đáp ứng.
Đất nước đang cần những nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng công cuộc kiến tạo, đổi mới và hội nhập, đã thực sự đòi hỏi gắt gao giáo dục tinh hoa.
Một hiện thực không thể không nhắc đến, trong lúc hầu hết các trường đại học đầu ngành còn rất nhiều hạn chế, đang chờ để hoàn thiện về mọi mặt, thì hàng loạt các trường cao đẳng nâng cấp thành các trường đại học.
Mà nòng cốt của các trường đại học mới này, là lực lượng rất mỏng các thạc sĩ, tiến sĩ, dường như khả năng nghiên cứu khoa học còn rất yếu, nếu không muốn nói là không thể.
Nhưng rồi, họ không những ngay lập tức tham gia vào cái việc đào tạo ngoài trường, ở đủ các loại hình đại học, mà còn mau chóng tham gia đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ như ai.
Hơn thế nữa, cũng do nhu cầu thành lập các trường đại học mới, đã góp phần làm gia tăng quy mô đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ tại các trường đại học hàng đầu và các viện nghiên cứu, trong khi đó chính không ít các cơ sở đào tạo này cũng vẫn còn nhiều hạn chế về công bố khoa học, nếu xét theo chuẩn quốc tế.
Đâu đó, nơi này, nơi kia, nguy cơ nghiên cứu khoa học để chạy theo nhu cầu đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, chứ không phải vì khoa học và sự phát triển, là có thật.
Kết cục là, xã hội gia tăng đáng kể lực lượng tiến sĩ, phó giáo sư, rồi giáo sư, cũng như các trường đại học, trong khi đó các công bố quốc tế vẫn còn rất non yếu, nếu nhìn ra thế giới.
Làm khoa học cũng có chuyện... "con voi chui lọt lỗ kim"? |
Không ít người từng mỉa mai rằng, đào tạo các nhà khoa học ở Việt Nam, có những nơi, dường như chỉ để đào tạo ra những người lại tiếp tục hành nghề hướng dẫn khoa học cho người khác, chứ không phải là những người làm khoa học.
Chuyện kể về một ông học xong nghề may, nhưng chẳng biết hành nghề mà sống, nên lại mở lớp dạy nghề cắt may.
Hay câu chuyện một ông thầy dạy đám học trò nghề giết rồng, nhưng rồng vốn không có, nên đám học trò kia, ra ngoài đời lại tiếp tục mở lớp dạy kẻ đi sau cái nghề giết rồng, hẳn đã ngụ ý nhiều điều.
Rồi thực tế do tiền lương của đội ngũ giảng viên và những người làm công việc nghiên cứu-sáng tạo còn rất thấp, trong khi sức chi tiêu của mỗi cá nhân, mỗi gia đình đều gia tăng, khiến họ đã phải dành nhiều sức lực cho việc mưu sinh.
Điều này rõ ràng, đã làm suy giảm năng lực nghiên cứu và sáng tạo, vốn đòi hỏi phải chuyên tâm, đam mê và bền bỉ.
Tất cả những nguyên nhân đã đề cập ở trên, khiến cho “chất tinh hoa” đòi hỏi ở nguồn nhân lực chất lượng cao vì thế mà vừa bị “pha loãng”, vừa bị bào mòn.
Chưa kể còn do một số hạn chế của cơ chế và chính sách đào tạo và sử dụng lực lượng chất lượng cao trong một thời gian dài, cùng với một số mặt hạn chế của văn hóa dân tộc, cũng đã góp phần làm hư hao đáng kể lực lượng này.
Vì vậy, phải chăng “nguyên khí quốc gia” đã và đang bị tổn thất!?
Vấn đề về nguồn nhân lực chất lượng cao, trong bối cảnh hiện tại, đã đòi hỏi người ta cần phải thức tỉnh, để sớm nhận ra vai trò của giáo dục tinh hoa.
5 câu hỏi dành cho các vị giáo sư |
Có lẽ phải thúc đẩy xã hội hóa giáo dục, để tháo gỡ nhiều bất cập của giáo dục hiện nay.
Bên cạnh giáo dục phổ cập và đại chúng, phải tập trung mọi nguồn lực để xây dựng hệ thống giáo dục tinh hoa.
Rằng đó là một hệ thống xuyên suốt từ giáo dục phổ thông đến giáo dục đại học.
Rằng nó quyết không phải là hệ thống trường chuyên lớp chọn, như chúng ta đã và đang có.
Nó cần phải có chương trình riêng, cùng với một đội ngũ giảng dạy, và hệ thống cơ sở vật chất, cũng như những không gian văn hóa tương thích.
Hệ thống này cần phải là địa chỉ thu hút các nhà giáo dục, các nhà khoa học, các nhà đầu tư, cùng các nguồn lực khác, không chỉ ở trong nước, mà là toàn thế giới.
Nó cần phải là những không gian học thuật mở, mà ở đó mọi cá nhân đều được phát triển tốt nhất.
Thân Nhân Trung (1419 - 1499) đã dạy:
“Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn”.
Hay Quang Trung-Nguyễn Huệ (1753-1792) đã từng nói:
"Dựng nước lấy việc học làm đầu. Muốn thịnh trị lấy nhân tài làm gốc".
Qua đó có thể thấy vấn đề giáo dưỡng và sử dụng nhân tài quan trọng đến nhường nào.
Cũng cần nhắc thêm rằng “chủ nghĩa bình quân”, hay “văn hóa cào bằng”, cùng với “chủ nghĩa thành phần”, cũng từng là những lực cản rất lớn cho chính sách phát hiện, giáo dục, sử dụng nhân tài của đất nước.
Bởi vậy càng cần phải có những chính sách đồng bộ, cũng như làm cho xã hội có cái nhìn đầy đủ, đúng đắn về giáo dục tinh hoa.
Một mặt cần có một hệ thống quản trị xuất sắc trong hệ thống giáo dục này, mặt khác cũng cần phải lành mạnh hóa thị trường tuyển dụng.
Và cũng quan trọng không kém, là làm cho xã hội thức tỉnh ra rằng, chúng ta nuôi dưỡng, đào tạo và sử dụng tinh hoa, không hẳn chỉ là vì họ, mà chính là vì quyền lợi của dân, của nước, cái điều sống còn trong thời đại cạnh tranh khốc liệt này.
Nội dung, văn phong bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.