Hiếm khi dân chúng thấy cả hệ thống chính trị, nhiều vị lãnh đạo cao cấp của Đảng lên tiếng về cùng một vụ việc liên quan đến một doanh ngiệp thuộc hàng “quả đấm thép” là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVC).
Ông Nguyễn Thiện Nhân - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Trà Vinh, nói tại buổi tiếp xúc cử tri sáng 12/5/2017 ở Trà Vinh:
“Sai phạm tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia, những lãnh đạo trong thời kỳ để xảy ra sai phạm đã bị xử lý trách nhiệm về mặt Đảng, trách nhiệm tài chính sẽ xem xét tiếp”. [1]
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trả lời cử tri hai quận Ba Đình và Tây Hồ khi cùng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 3, sáng 13/5/2017 như sau:
“Nhiều đồng chí nói bây giờ chúng ta đụng đến một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh lớn như thế… Đây là xử lý về trách nhiệm.
Các bác nhớ đây mới là xử lý về kết quả kiểm tra dấu hiệu vi phạm về mặt Đảng. Còn hình sự người ta đang làm.
Các vụ khác cũng đang làm. Bộ Nội vụ, Bộ Công thương... một loạt nhân vật cũng đang làm tiếp theo kỷ luật về Đảng”. [2]
Có thể thấy quyết tâm chống tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm “không có vùng cấm” đã được thể hiện bằng việc xử lý kỷ luật Đảng một số cán bộ cấp cao và rất cao như các ông Vũ Huy Hoàng, Võ Kim Cự, Đinh La Thăng,… Ông Võ Kim Cự giờ đã không còn tư cách đại biểu quốc hội nữa.
Ông Võ Kim Cự không còn là Đại biểu Quốc hội. (Ảnh: tuoitre.vn). |
Tuy nhiên, ý kiến tập hợp trong các buổi tiếp xúc cho thấy đánh giá chung của cử tri là hình thức kỷ luật cán bộ cấp cao có khuyết điểm còn nhẹ, chưa có sự công bằng giữa lãnh đạo và người dân.
Bộ Luật Hình sự Việt Nam phân chia tội phạm dựa trên tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm.
Theo đó tội phạm được chia thành bốn loại: tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Tội ít nghiêm trọng được hiểu là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội, mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội này là ba năm tù.
Tội nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội, mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội này là bảy năm tù.
Tội rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội, mức hình phạt đối với tội này có thể lên đến mười lăm năm tù.
Rõ ràng công - tội, và câu hỏi đâu là điểm dừng? |
Vấn đề là những “khuyết điểm” của cán bộ, đảng viên mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định đã đến mức cấu thành “tội phạm” chưa?
Nếu không phải là “tội” thì đương nhiên không thể xử theo pháp luật mà chỉ là “kỷ luật” trong nội bộ Đảng.
Trường hợp “khuyết điểm” có đủ chứng cứ cấu thành “tội” thì các mức độ “khuyết điểm” mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định có tương đương với “tội” quy định trong Bộ Luật hình sự?
Chẳng hạn khi khuyết điểm là “nghiêm trọng” hoặc “rất nghiêm trọng” có tương đương với “tội nghiêm trọng” hoặc “tội rất nghiêm trọng” không?
Nếu giả sử “khuyết điểm” thấp hơn “tội” một bậc thì “khuyết điểm rất nghiêm trọng” sẽ tương đương với “tội nghiêm trọng” tức là hình phạt có thể lên đến bảy năm tù.
Còn nếu thấp hơn hai bậc thì “khuyết điểm rất nghiêm trọng” sẽ tương đương với “tội ít nghiêm trọng”, trường hợp này hình phạt cao nhất có thể lên đến ba năm tù.
Cũng cần nói thêm, những người bị xác định là có tội, bị xử lý hình thức “tù” (kể cả cho hưởng án treo) thì trong thời gian bản án có hiệu lực, đương nhiên bị tước một phần hoặc toàn bộ quyền công dân và cũng không thể vẫn còn là đảng viên của Đảng.
Có thể thấy từ trước đến nay, số cán bộ cao cấp mắc khuyết điểm đa phần đều chỉ xử lý kỷ luật Đảng, nghĩa là chỉ xem đó là “khuyết điểm” chứ chưa phải là “tội”.
Năm 2012, phiên họp thứ 10 Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa 11 kết luận ông Lữ Ngọc Cư - Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lăk như sau:
“Những khuyết điểm, vi phạm của ông Lữ Ngọc Cư là nghiêm trọng, gây thiệt hại về kinh tế và gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng và uy tín của cá nhân đồng chí. Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật ông Lữ Ngọc Cư bằng hình thức cảnh cáo”. [3]
Ông Lữ Ngọc Cư sau đó được chuyển sang Ban Chỉ đạo Tây Nguyên.
Cùng trong năm, phiên họp thứ 16 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định khuyết điểm của ông Trương Tấn Thiệu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước như sau:
“Nhiều lần vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm Quy chế làm việc của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Quy chế Ban của cán sự đảng và Quy định của Ủy ban Nhân dân tỉnh; thiếu trách nhiệm kiểm tra, giám sát trong quá trình lãnh đạo, quản lý; ký một số quyết định có nội dung trái quy định của pháp luật, trong đó có một số vụ việc làm thất thu ngân sách, gây hậu quả nghiêm trọng”. [4]
Cải cách thể chế, “nhóm lợi ích" và “bè cánh” |
Ông Trương Tấn Thiệu bị kỷ luật cảnh cáo và cho thôi chức Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước.
Như vậy khi khuyết điểm được bên Đảng đánh giá là “nghiêm trọng” thì hình thức kỷ luật Đảng là “cảnh cáo”.
Cả hai ông Lữ Ngọc Cư và Trương Tấn Thiệu đều chưa bị xử lý hình sự, nghĩa là chưa phạm tội?
Tuy nhiên, ngay cả khi cơ quan điều tra xác định là “có dấu hiệu tội phạm” (hiểu chính xác là có tội) thì đương sự cũng có thể không (hoặc chưa) bị xử lý hình sự.
Báo Thanhtra.com.vn ngày 22/7/2016 viết: “Cơ quan điều tra xác định, việc làm của các thành viên Hội đồng quản trị Tổng công ty Vinaconex có dấu hiệu của tội "Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 229 Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, trong quá trình điều tra những người này khai báo thành khẩn, hợp tác với cơ quan điều tra để làm rõ bản chất vụ án, có nhân thân tốt, nhiều đóng góp cho ngành xây dựng, vi phạm lần đầu.
Việc ra các quyết định trái quy định là muốn công trình nhanh, giá thành rẻ; không xác định được động cơ vụ lợi.
Người chịu trách nhiệm chính là ông Nguyễn Văn Tuân mắc bệnh hiểm nghèo, sức khỏe yếu nên liên ngành Tư pháp Trung ương thấy rằng không cần thiết phải xử lý hình sự đối với các thành viên Hội đồng quản trị Vinaconex”. [5]
Trường hợp ông Đinh La Thăng, có thể thấy hai tiêu chí “có nhân thân tốt, nhiều đóng góp cho ngành” đều thỏa mãn, còn ông có “vi phạm lần đầu” hay không thì phải chờ các cơ quan chức năng kết luận thời kỳ rời khỏi PVC sang lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải ông có “mắc” gì hay không.
Ông Thăng bị kỷ luật Đảng hình thức cảnh cáo giống như hai ông Lữ Ngọc Cư, Trương Tấn Thiệu.
Ông Thăng đã bị “chuyển công tác” như ông Cư, thôi chức vụ như ông Thiệu. Cứ như “cái lý” của mấy vụ đã nêu, mọi việc có thể coi là đã “hòm hòm”, đã có thể kết thúc?
Thế nhưng ông Thăng khác mấy ông kia bởi một chữ “rất”.
Thông cáo báo chí về Kỳ họp thứ 14 Ủy ban Kiểm tra Trung ương viết: “Những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng uỷ PVN và các cá nhân nêu trên (trong đó có ông Đinh La Thăng) là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và các cá nhân liên quan”.
Ông Đinh La Thăng có trách nhiệm thế nào với một số dự án BOT giao thông? |
Theo “định luật giảm cấp” được áp dụng cho các vụ việc trình bày ở trên, khi vi phạm, khuyết điểm được đánh giá là “nghiêm trọng” thì được xem là không có tội, không bị xử lý hình sự, nghĩa là bên dân sự sẽ xếp dưới mức thấp nhất: “tội ít nghiêm trọng”.
Trường hợp vi phạm, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên bị tổ chức Đảng đánh giá là “rất nghiêm trọng” nếu “giảm cấp” thì giảm xuống mức nào?
Giảm xuống dưới mức “tội ít nghiêm trọng” hay tương đương với “tội ít nghiêm trọng”?
Đặt ra câu hỏi thì dễ nhưng trả lời câu hỏi thì chắc là không dễ bởi người dân đã từng biết chuyện cơ quan chức năng bên dân sự quyết định khởi tố vụ án liên quan đến “chuồng gà” ở Cao Bằng, “lều vịt” ở quận Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh nhưng miễn truy cứu ông Phí Thái Bình, cựu Phó Chủ tịch thành phố Hà Nội.
Tuy nhiên một khi Tổng Bí thư đã khẳng định: “còn hình sự người ta đang làm” thì cử tri có thể bình tĩnh chờ đợi bởi thời gian qua, những vụ việc đưa ra xử lý cho thấy phát biểu của Tổng Bí thư luôn được bảo đảm bằng những việc làm cụ thể.
Vấn đề làm thế nào để câu chuyện “Liên ngành Tư pháp Trung ương nhận thấy…” không tiếp tục xảy ra? Có lẽ câu trả lời là cần xóa bỏ cơ cấu “Liên ngành này”.
Trong dân chúng có câu: “trông người mà nghĩ đến ta”, câu này bao hàm cả ý nghĩa tích cực lẫn tiêu cực.
Nhìn vào người bị kỷ luật để sợ, để tự răn đe mình không được vi phạm, đó là tích cực. Nhìn người mắc khuyết điểm để tìm cách đối phó, tìm cách kết bè kéo cánh, gỡ tội cho nhau là tiêu cực.
Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch thành phố Hà Nội từng phát biểu: “tôi không bao giờ đổ lỗi cho thế hệ trước”.
Nếu quan điểm của ông Chung được “Liên ngành” ủng hộ, được nhân rộng sang các lĩnh vực khác (Tổ chức, Kiểm tra…) thì điều gì sẽ xảy ra?
Khi đó “thế hệ trước” sẽ yên tâm dù có làm quy hoạch “băm nát” Thủ đô hay ống nước Sông Đà vỡ thêm vài chục lần nữa?
Khi đó “thế hệ trước” sẽ thoải mái du lịch hoặc “chữa bệnh” ở nước ngoài dẫu khi đương chức luôn tuân thủ nguyên tắc “tìm người nhà, không tìm người tài”?
Khi đó thế hệ đương nhiệm sẽ là tấm gương cho thế hệ sau học tập.
Hình minh họa đăng trên baophapluat.vn |
“Không đổ lỗi” đương nhiên là không nhận lỗi thay “người trước”, nhưng chắc chắn phải dành công sức, nhân lực để sửa lỗi hộ, như vậy có vẻ không được công bằng cho lắm.
Công là công, tội là tội, chẳng có lý gì công thì nhận huân chương mà tội thì lại lấp liếm.
Một năm qua, có thể thấy nhiều tín hiệu đáng mừng về hoạt động của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, về một Chính phủ liêm chính, về sự lắng nghe ý kiến nhân dân của lãnh đạo cấp cao song những chuyển động đó thực sự vẫn là chưa đủ.
Sự quyết tâm từ các vị lãnh đạo cao nhất chỉ thành công khi người dân nhiệt tình ủng hộ. Muốn dân ủng hộ thì hãy để “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”.
Sự dè dặt, đôi khi là thờ ơ của người dân, của truyền thông khi phát biểu quan điểm chính là bức tường ngăn cách sự đồng lòng.
Muốn thay đổi đất nước, phải thay đổi niềm tin đang suy giảm của nhân dân bằng những việc làm cụ thể chứ không phải khẩu hiệu.
Kỷ luật cán bộ không nên nhằm mục tiêu duy nhất là cứu cán bộ, trước hết phải là để “cứu niềm tin”.
Khi niềm tin trở lại, Đảng không chỉ có động lực làm trong sạch mình mà cũng còn là cách làm trong sạch xã hội, góp phần đẩy lùi, xóa bỏ sự vô cảm, xấu xí của một bộ phận không nhỏ người Việt bao gồm cả dân và lãnh đạo.
Tài liệu tham khảo:
[1] http://plo.vn/thoi-su/tong-bi-thu-xu-ly-can-bo-sap-toi-se-con-lam-tiep-701641.html
[3] http://www.vietnamplus.vn/ky-luat-thu-truong-y-te-va-chu-tich-ubnd-dak-lak/133727.vnp
[4]http://xaydungdang.org.vn/Home/Can-bo/2012/5752/Ky-hop-thu-16-cua-Uy-ban-Kiem-tra-Trung-uong.aspx