Dư luận đang bàn tán xôn xao xung quanh việc Bộ Giáo dục và Đào tạo trình đề án xin 12 ngàn tỷ đồng để đào tạo 9 ngàn tiến sĩ. Đây chỉ là cách nói vắn tắt của Đề án:
“Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2030”.
Có lẽ lường trước được những phản ứng trái chiều từ dư luận nghi ngại chất lượng thực sự của các tiến sĩ, nên từ tháng 4/2017 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành quy chế mới về tuyển sinh và đào tạo thạc sĩ, siết chặt các điều kiện chuyên môn.
Ngày 16/11 bên hành lang kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã giải thích cho rõ:
Tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ ở nước ta hiện nay khoảng 21% như vậy là thấp nên phải nâng tỷ lệ này lên.
Mục tiêu của đề án 911 là phải đạt 35%. Với 9.000 tiến sĩ như trong đề án này thì cũng mới đạt được 30%.
Hình minh họa, nguồn: AZcentrel. |
Chúng tôi cho rằng, lý do cần có thêm 9000 tiến sĩ mà Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải thích là hoàn toàn hợp lý, vì nó phù hợp với thông lệ quốc tế.
Xin lưu ý rằng, 9000 tiến sĩ "dự kiến" này là cán bộ giảng viên các trường đại học, cao đẳng trên cả nước không phân biệt công - tư, sau khi đào tạo sẽ trở về giảng dạy, chứ không phải để "làm quan".
Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy việc tiêu 12 ngàn tỉ đồng để thực hiện Đề án này cần phải được bàn lại một cách thấu đáo, nếu không sẽ lại rơi vào cảnh tiền (dân) mất, tật (dân) mang.
Đề án chỉ tính đến phần ngọn, mà quên mất phần gốc
Phần ngọn ở đây là 9000 tiến sĩ cùng đội ngũ cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học cần được đào tạo để đảm đương được công việc trước yêu cầu mới.
Nhưng phần gốc của vấn đề nằm ở cơ chế chính sách thu hút, giữ chân và phát huy được tối đa khả năng, năng lực, sở trường nghiên cứu của các tiến sĩ thì đề án không giải quyết được.
Xin mượn lời Giáo sư Ngô Bảo Châu chia sẻ trên trang cá nhân của thầy mà chúng tôi cho là rất hợp lý, để dễ hình dung cách tiêu tiền:
"Điều bất hợp lý lớn nhất là nhà nước có thể bỏ ra 2000 USD / tháng cho một người đi học tiến sĩ ở nước ngoài, nhưng khi họ đã tốt nghiệp và đi dạy ở đại học Việt Nam thì mức lương khởi điểm của họ sẽ nhỏ hơn 150 USD / tháng.
Nếu thu nhập khởi điểm của giáo viên đại học đạt ở mức tương đương, hoặc chỉ bằng 70% thu nhập ở các ngành khác trong xã hội với yêu cầu trình độ tương đương, thì có lẽ không cần nhà nước phải hỗ trợ, các bạn trẻ sẽ tự tìm cách mà đi làm tiến sĩ ở nước ngoài.
Vấn đề là đại học lấy đâu ra tiền để trả lương xứng đáng cho giảng viên."
Kiến nghị Quốc hội giám sát việc phát hành, phân phối sách giáo khoa |
Vấn đề mà thầy Ngô Bảo Châu nêu ra, cũng chính là câu hỏi mà Bộ Giáo dục và Đào tạo phải lo tìm kiếm câu trả lời thỏa đáng.
Đó mới là chức năng hoạch định chính sách của Nhà nước, mà Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm.
Ví dụ thứ hai để minh chứng cho lời cảnh báo của Giáo sư Ngô Bảo Châu, là tâm sự rất thật của một nghiên cứu sinh đi du học bằng tiền ngân sách nhà nước của Đề án 322 trên Báo Tuổi Trẻ:
Anh N.H., du học theo đề án 322 về nước năm 2007, hiện không làm việc tại trường cũ mà nhận làm việc cho doanh nghiệp, giải thích:
“Trước khi đi nước ngoài, tôi cũng kỳ vọng vào nhiều điều. Nhưng về nước, môi trường làm việc vẫn không thay đổi.
Cách quản lý thì cào bằng. Người có năng lực, có cống hiến cũng đối xử như người làm dở.
Khi về nước tôi cũng hăm hở lắm, nhưng sản phẩm nghiên cứu của tôi không được đánh giá đúng mức.
Tôi chuyển sang doanh nghiệp vì họ coi trọng công sức của tôi. Tôi cảm thấy có ích hơn”.
Nếu bạn yêu nước Việt, xin hãy làm tốt bổn phận của mình mỗi ngày!
Chúng tôi chưa đặt vấn đề về "tư duy % dự án" như đã từng xuất hiện trong các dự án vay ODA để làm chương trình, sách giáo khoa hiện hành được chính các giáo sư, tiến sĩ tham gia biên soạn, tiết lộ.
Nhưng từ thực tế của tiến sĩ N.H và hàng trăm, hàng ngàn câu chuyện tương tự trên các mặt báo về việc sử dụng ngân sách cử người đi nước ngoài học thạc sĩ, tiến sĩ cho thấy rõ "lỗi tư duy" của người soạn đề án.
Có lẽ do quán tính của cách quản lý hành chính hóa tập trung từ thời bao cấp vẫn còn ăn sâu trong ngành giáo dục, cho nên các chính sách xây dựng trên nền tảng tư duy này tốn tiền mà không hiệu quả, hoặc hiệu quả rất thấp so với đầu tư.
Do đó, đã đến lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo trả công việc chuyên môn về cho các cơ sở giáo dục, việc đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ cho các cơ sở giáo dục đại học.
Chúng tôi trộm nghĩ, có 4 việc quan trọng thuộc "thiên chức" của Bộ Giáo dục và Đào tạo lẽ ra phải làm tốt, nhưng lâu nay bị bỏ ngỏ, giờ cần tập trung vào:
Một vài tâm tư gửi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ |
Một là hoạch định chiến lược, chính sách phát triển giáo dục - đào tạo để giải phóng năng lực con người, giải phóng các kìm kẹp bấy lâu để các cơ sở giáo dục và đào tạo tự lập, tự đứng vững và phát triển. Xin Bộ đừng làm thay.
Hai là xây dựng được các cơ chế, chính sách phân bổ nguồn lực cho các cơ sở giáo dục, đào tạo chỉ căn cứ vào hiệu quả, không cào bằng, minh bạch và loại bỏ triệt để cơ chế xin - cho.
Ba là giúp các cơ sở giáo dục - đào tạo, buộc họ phải tự chủ, xây dựng cho được các cơ chế chính sách đãi ngộ để thu hút, sử dụng, giữ chân được nhân tài, trả lương trên cơ sở hiệu quả công việc.
Bốn là phải xây dựng được các chính sách giúp hình thành nên các trung tâm, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục - đào tạo một cách độc lập, minh bạch mà xã hội có thể giám sát, chứ không phải Bộ kiểm định.
Đối với đề án xin 12 nghìn tỷ đồng này, chúng tôi xin mạo muội kiến nghị:
Một là, đóng băng khoản ngân sách này lại chờ tái cấu trúc bộ máy quản trị của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Hai là, giải phóng cho các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, sau đại học, buộc các cơ sở này phải có phương án tái cấu trúc, đặc biệt là quy trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ theo đúng chuẩn mực khoa học quốc tế và minh bạch.
Làm được việc này, chúng ta có thể kiểm soát được chất lượng đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ trong nước. 12 ngàn tỉ này có thể đào tạo được nhiều hơn con số 9000 tiến sỹ, ý kiến của Giáo sư Ngô Bảo Châu là một tham chiếu tốt.
Lúc này 12 ngàn tỉ có thể sử dụng hiệu quả ngay trên lãnh thổ Việt Nam, và chỉ đầu tư cho đơn vị / cá nhân nào sử dụng hiệu quả, đảm bảo chất lượng theo chuẩn mực khoa học quốc tế.
Ba là, nhanh chóng điều chỉnh, xây dựng hệ thống cơ chế chính sách ưu đãi nguồn nhân lực chất lượng cao; đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực này được đánh giá chính xác bằng hiệu quả công việc; đảm bảo cho họ có thể yên tâm sống và làm việc với đúng chuyên ngành được đào tạo.
Rõ ràng đây là những việc khó, bởi nó đi ngược lại quán tính tư duy cũng như động lực của không ít cán bộ quản lý, nhất là những ai đã quen làm dự án.
Nhưng đó là những việc phải làm, nếu thực sự muốn đổi mới căn bản, toàn diện sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
Bên cạnh những thành tích không thể phủ nhận của ngành giáo dục và đào tạo mấy chục năm qua, vẫn còn những bất cập mang tính hệ thống gây ra nhiều bức xúc trong xã hội.
Tất cả các bất cập này, chúng tôi thiết nghĩ đều nằm ở một nguyên nhân hết sức cơ bản: các thành phần trong hệ thống hiểu sai và làm sai chức năng của mình.
Bộ Giáo dục và Đào tạo không lo làm chính sách, mà ôm các công việc cụ thể của giới chuyên môn hoặc cơ sở:
Làm chương trình và độc quyền phát hành sách giáo khoa phổ thông, quyết định nhân sự và kiểm soát ngân sách đầu tư cho các cơ sở giáo dục đại học - cao đẳng từ cơ sở vật chất cho đến xây dựng đội ngũ...
Hàng tỉ đô la Mỹ đi vay để đầu tư cho giáo dục thế nào, hiệu quả ra sao? |
Do đó, để có thể giải quyết rốt ráo vấn đề, thay vì những khẩu hiệu chung chung hay chỉ biết dẫn lại các mục tiêu trong Nghị quyết của Đảng, Quốc hội như cách một số nhà quản lý, chuyên gia giáo dục vẫn làm, chúng tôi thiết nghĩ:
Đến lúc phải đặt mỗi thành phần trong hệ thống giáo dục nước nhà về đúng vị trí, thực hiện đúng chức năng, bổn phận của mình.
Chúng xin tôi dẫn câu nói "Nếu bạn yêu nước Việt, hãy làm tốt bổn phận của mình mỗi ngày" để nhắn gửi các nhà quản lý giáo dục, thay cho lời kêu gọi.
(Câu nói này xuất phát từ dòng chữ tiếng Anh: "England expects that every man will do his duty", được khắc dưới chân bức tượng Đô đốc Nelson ở quảng trường Trafalgar, London, Anh quốc.)
Chúng tôi không hô hào đổi mới căn bản toàn diện, không hô hào cải cách, chỉ mong sao người hoạch định chính sách có tầm nhìn, năng lực và làm đúng bổn phận;
Các nhà đàm phán vay tiền cho đổi mới giáo dục, xin làm đúng bổn phận và đừng kiếm chác;
Các nhà soạn sách giáo khoa hãy làm đúng bổn phận với con trẻ, hưởng thù lao xứng đáng từ các sản phẩm có giá trị chứ không phải tiền ngân sách...
Xin đừng kiếm tiền bằng thay sách giáo khoa, và đã làm sách cho con trẻ, xin đừng so sánh làm giáo dục với làm đường BOT để bì hơn thiệt.
Tiến sĩ và nhân tài, đất lành thì chim đậu
Ngoài những góp ý nói trên với Bộ Giáo dục và Đào tạo, chúng tôi thiết nghĩ cũng cần phải nói thêm vài lời;
Một là chia sẻ lý giải tại sao dư luận phản ứng trái chiều với Đề án này, hai là mong muốn có một sự thay đổi trong nhận thức, nhất là các cơ quan công quyền, về tài năng và bằng cấp.
Cứ đọc phần bình luận của bạn đọc các bài viết về Đề án này trên khắp các báo, hầu như đều thấy quan điểm phản đối chứ không phải ủng hộ.
Những cụm từ "tiến sĩ giấy", "lò ấp tiến sĩ" lại được sử dụng tối đa để nói về chất lượng đào tạo của nước nhà.
Chúng tôi lại nhớ đến 2 phát biểu nổi tiếng của lãnh đạo thủ đô về vấn đề nhân tài và tiến sĩ.
Ngày 25/2/2016, tại Hội nghị triển khai kế hoạch tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bà Ngô Thị Thanh Hằng - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho biết:
Miếng bánh sách giáo khoa và thế chân vạc “chia ba thiên hạ” |
Tinh giản biên chế trên địa bàn là nhiệm vụ phức tạp, khó khăn mà một trong những nguyên nhân quan trọng, Hà Nội đã chuẩn hóa cán bộ, kể cả cán bộ phường cũng có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.
Ngày 15/4/2014 Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho biết: Cái khó của Hà Nội không phải trong “bó đũa” chọn “cột cờ” mà là chọn “cột cờ” trong số những “cột cờ”.
Ngày 02/07/2015 Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho biết, giai đoạn 2011-2015 trong số cán bộ, công chức Hà Nội có 54 tiến sĩ, 900 thạc sĩ , 11.870 cử nhân.
Khối viên chức có 275 tiến sĩ, 3.182 thạc sĩ, 50.149 cử nhân. Hầu hết số cán bộ đều được đào tạo lý luận chính trị, có kiến thức chuyên môn vững.
Nhiều tiến sĩ, thạc sĩ như thế, nhưng Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung ngày 5/1/2017 đã phải thốt lên: "Chúng ta phải trả giá vì đã quy hoạch băm nát Hà Nội."
Đây chỉ là một số ví dụ điển hình về sự "khập khiễng" trong tư duy quy hoạch, sử dụng cán bộ, đặc biệt là có sự lẫn lộn / đánh tráo khái niệm giữa năng lực với bằng cấp.
Do đó qua những câu chuyện này, nên chăng đến lúc những cơ quan phụ trách công tác cán bộ, nhân sự cần xem lại tiêu chuẩn tuyển dụng, đề bạt, sử dụng, cất nhắc, kỷ luật cán bộ?
Chính các tiêu chuẩn về bằng cấp này là "nhu cầu khách quan" tất yếu dẫn đến các dịch vụ cung ứng, là các lò ấp tiến sĩ.
Giáo sư, phó giáo sư là để giảng dạy. Tiến sĩ, thạc sĩ là để làm khoa học, công nghệ. Xin hãy trả họ về với các cơ quan nghiên cứu khoa học, giảng dạy và ứng dụng.
Hãy xây dựng hệ thống hành chính công minh bạch, hiệu quả không lệ thuộc bằng cấp, mà chỉ tuân theo pháp luật.
Hãy cắt kinh phí, cách chức người đứng đầu các cơ sở đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ để xảy ra tình trạng một thầy hướng dẫn 40 luận văn một lúc.
Để thu hút nhân tài, hãy "làm tổ" cho chắc chắn, bởi lẽ thường đất lành thì chim đậu. Khi nào cái tổ cơ chế, chính sách thực sự hấp dẫn, nhân tài sẽ ùa về.
Nhưng ai sẽ "bơi ngược dòng" để làm những việc khó khăn thách thức thì nhiều mà lợi lộc cho bản thân thì ít này?