Một vài tâm tư gửi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

05/11/2017 05:41
Nguyễn Cao
(GDVN) - Chỉ có công khai tranh biện và thảo luận nghiêm túc, khách quan, khoa học và cầu thị như vậy, Bộ trưởng mới nghe được tiếng nói thực.

Việc thay đổi chương trình, sách giáo khoa mới tới đây được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải trình trước Quốc hội cách đây mấy ngày đã tạo được sự đồng tình của nhiều đại biểu Quốc hội và dư luận.

Và điều này đã được nhà báo Ngọc Quang chuyển tải thông điệp của Bộ trưởng qua bài viết Bộ trưởng Nhạ: Các thầy cô đứng lớp sẽ được mời phản biện chương trình mới.

Một vài tâm tư gửi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ảnh 1

Thư thỉnh cầu 9 điểm gửi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Đọc bài viết này, đa số giáo viên đứng lớp chúng tôi đều phấn khởi. Nhưng đồng thời, chúng tôi cũng không khỏi băn khoăn về những định hướng của Bộ trưởng cho chương trình, sách giáo khoa mới tới đây.

Chúng tôi hiểu rằng, đổi mới giáo dục trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết nhằm thay đổi những lạc hậu, trì trệ lâu nay ở trong ngành.

Thay đổi chương trình và sách giáo khoa đã trở thành khâu đột phá được Bộ Giáo dục và Đào tạo lựa chọn.

Người viết còn nhớ, khi trả lời báo chí trước thềm năm học mới 2016-2017, thầy Nhạ đã tâm sự:

“Một trong những bài học sâu sắc nhất đối với ngành giáo dục và đào tạo thời gian qua là phải biết lắng nghe các phản biện xã hội…”

Dù chẳng phải "bậc trí giả" hay kẻ "cao minh" như mong muốn của Bộ trưởng, chỉ là một giáo viên đang đứng trên bục giảng, chúng tôi cũng xin mạo muội có mấy lời góp ý với thầy Nhạ.

Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và minh bạch ngót 3 tỉ USD vốn vay ODA cho giáo dục, có lẽ đã có nhiều cây cầu giúp học sinh không phải vượt sông đến trường như ở Quảng Trị. Ảnh minh họa: Truyền hình Nhân Dân.
Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và minh bạch ngót 3 tỉ USD vốn vay ODA cho giáo dục, có lẽ đã có nhiều cây cầu giúp học sinh không phải vượt sông đến trường như ở Quảng Trị. Ảnh minh họa: Truyền hình Nhân Dân.

Dẫu vẫn biết rằng lời nói thẳng thường khó nghe, nhưng thuốc đắng giúp lành cơn tật bệnh. Vì thế chúng tôi vẫn hy vọng vào thầy Bộ trưởng.

Hy vọng rằng những tiếng nói trung thực từ cơ sở, từ những đồng nghiệp đang đứng lớp của thầy có thể giúp ích ít nhiều cho người đang chịu trách nhiệm chính chèo lái con thuyền giáo dục nước nhà để làm sao giáo dục tốt lên. 

Chúng tôi không có gì hơn ngoài mong muốn thiết tha là thầy sẽ có những chỉ đạo cần thiết để bộ sách giáo khoa tới đây hoàn thiện tốt nhất, không phải liên tục chỉnh sửa, bổ sung, không phải “tái cấu trúc” lại nội dung như chương trình sách giáo khoa hiện hành.

Thứ nhất, Bộ trưởng có thực tâm muốn nghe góp ý, phản biện thẳng thắn từ cơ sở?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói rằng:

“Tới đây, chúng tôi cho phản biện và đặc biệt mời các giáo viên cốt cán ở các địa phương, các trường tham gia từ thành phố cho đến vùng hải đảo để khi chương trình đưa ra viết thì vào cuộc sống.” [1]

Rõ ràng, cách đặt vấn đề của Bộ trưởng dù rất hay nhưng…không mới.

Cái “hay” là cách đặt vấn đề này đã tạo được sự đồng thuận của dư luận.

Nhưng nói …“không mới” bởi cách làm này lâu nay Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn sử dụng để làm “vừa lòng” dư luận, nhưng thực tế Bộ tiếp thu đến đâu các góp ý chân thành, thì vẫn là vấn đề đang để ngỏ.

Chắc Bộ trưởng cũng chưa quên chương trình VNEN đã có không biết bao nhiêu ý kiến tâm huyết từ cơ sở đăng tải trên các diễn đàn giáo dục về việc áp dụng máy móc, tốn kém;

Thậm chí ngay trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam này đã có những bài viết chỉ thẳng vào những bất cập và dấu hiệu tham nhũng chính sách với bằng chứng mười mươi, ví như “lợi nhuận bán sách VNEN chảy về túi ai?”;

Đã có không ít câu hỏi trực tiếp gửi đích danh tới tới Bộ Giáo dục và Đào tạo hàng mấy tháng qua, nhưng đến nay những câu hỏi cùng bằng chứng lồ lộ ấy cứ "trơ gan cùng tuế nguyệt"!

Sau khi chương trình mới ban hành, dư luận đặt rất nhiều câu hỏi về các môn học “tích hợp” 3 môn Sinh - Lý - Hóa thành 1 môn Khoa học Tự nhiên; 2 môn Sử - Địa thành 1 môn Lịch sử và Địa lý ở cấp trung học cơ sở.

Một vài tâm tư gửi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ảnh 3

Xin hỏi tiếp Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết về “tích hợp” 1 sách 3 thầy

Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể hay chủ biên chương trình môn "tích hợp" Sinh - Lý - Hóa thành Khoa học Tự nhiên vẫn không đưa ra nổi một vài ví dụ thuyết phục được dư luận.

Còn Bộ Giáo dục và Đào tạo thì vẫn cửa đóng then cài, vẫn giữ quyền im lặng!

Bây giờ Bộ trưởng nói rằng:

“Tới đây, chúng tôi cho phản biện và đặc biệt mời các giáo viên cốt cán ở các địa phương, các trường tham gia từ thành phố cho đến vùng hải đảo để khi chương trình đưa ra viết thì vào cuộc sống”.

Vậy cho phép chúng tôi hỏi bộ trưởng “giáo viên cốt cán” là ai vậy? Phải chăng lại là đội ngũ chuyên viên sở, phòng giáo dục và hiệu trưởng các trường học như lâu này Bộ đã và đang làm?

Bộ trưởng chắc còn nhớ bài học VNEN, toàn là lãnh đạo sở, lãnh đạo phòng rồi các hiệu trưởng nói hay, nói tốt cả đấy, nhưng thực tế thì sao?

Lý do nào khiến Bộ trưởng phải ký công văn cho các địa phương tự triển khai trên tinh thần tự nguyện và tự chịu trách nhiệm về chất lượng?

Tại sao việc trao đổi, phản biện, góp ý về chương trình, sách giáo khoa mới không được làm công khai trên truyền thông cho tất cả nhà giáo, cha mẹ học sinh và những ai quan tâm đến giáo dục cùng tham gia?

Tại sao Bộ Giáo dục và Đào tạo lại muốn chọn "giáo viên cốt cán"?

Chúng tôi tin rằng trao đổi trên truyền thông là cách làm văn minh, minh bạch, hiệu quả và đặc biệt là tiết kiệm tối đa được kinh phí cho ngành, đó cũng là đồng tiền thuế của dân đóng góp.

Quan trọng hơn, chỉ có công khai tranh biện và thảo luận nghiêm túc, khách quan, khoa học và cầu thị như vậy, Bộ trưởng mới nghe được tiếng nói thực.

Dưới ánh sáng, đúng sai, tốt xấu sẽ phơi bày rõ ràng, không còn đất cho nhóm lợi ích thao túng, phù phép các chính sách quan trọng như làm chương trình - sách giáo khoa.

Một vài tâm tư gửi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ảnh 4

Miếng bánh sách giáo khoa và thế chân vạc “chia ba thiên hạ”

Chúng tôi là những người trực tiếp đứng lớp nên chúng tôi sẽ hiểu cặn kẽ vấn đề của từng con số, từng câu chữ trong sách giáo khoa.

Ngược lại, nếu Bộ trưởng muốn mới “giáo viên cốt cán” đóng góp trong các phòng lạnh của khách sạn hay hội trường các sở giáo dục thì chỉ nhận được toàn lời khen có cánh bởi không ai dám nói…sự thật về những sai sót, hạn chế của chương trình đâu.

Vì thế, theo suy nghĩ của giáo viên chúng tôi nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như cá nhân thầy Bộ trưởng thực bụng thật lòng, cầu thị lắng nghe thì xin hãy vui lòng trả lời công luận những câu hỏi đã được gửi đích danh tới quý Bộ thời gian qua.

Câu hỏi có nhiều, nhưng chúng tôi xin liệt kê ra đây một số bài viết điển hình với đầy đủ số liệu dẫn chứng mà các tác giả đưa ra.

Chúng tôi nhận thấy các vấn đề đặt ra trong những bài viết có liên hệ mật thiết, sống còn với thành bại của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, mong Bộ trưởng chỉ đạo các cơ quan Bộ sớm có câu trả lời công khai cho dư luận:

Mong Quốc hội giám sát, làm rõ kinh phí cho chương trình, sách giáo khoa

Tiền đầu tư cho giáo dục thế nào, hiệu quả ra sao?

Xin hỏi tiếp Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết về “tích hợp” 1 sách 3 thầy

Thày Hiển, thày Đại "xây" hệ thống bán sách giáo khoa độc quyền cả nước ra sao?

VNEN và biểu hiện tham nhũng chính sách giáo dục

Lợi nhuận bán sách VNEN chảy vào túi ai?

Thứ hai là vấn đề kinh phí và cam kết chất lượng chương trình, sách giáo khoa mới

Chúng tôi rất bất bình khi biết được cách tiêu hàng mấy trăm triệu đô la Mỹ tiền vay ODA để làm chương trình, sách giáo khoa 2000.

“Tôi sẽ thành tâm lắng nghe và tạo điều kiện để các bậc cao minh, trí giả cũng như người dân bình thường đều có thể hiến kế hoặc đưa ra những suy nghĩ tâm huyết của mình"

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Thiết nghĩ 14 năm trước Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Dũng đã có lý khi chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển rằng:

“Việc chuyên gia trong các dự án giáo dục được trả 12.000-15.000 USD/tháng/người (tương đương 200 triệu đồng) trong khi lương tháng của một công chức bình thường chỉ khoảng 1 triệu đồng, Bộ trưởng có biết? 

Bây giờ ngành giáo dục đi làm dự án là chủ yếu, quản lý dự án chứ không quản lý giáo dục, đúng không?”

Chúng tôi xin nhắc lại mấy câu hỏi của nhà báo Hồng Thủy và mong đồng chí Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu tâm và cho chúng tôi xin câu trả lời, liệu có được chăng:

i) Chương trình và sách giáo khoa mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến sẽ tiêu hết bao nhiêu tiền, và sẽ dùng ổn định trong bao nhiêu năm?

ii) Dự án Hỗ trợ Đổi mới giáo dục phổ thông có Thành phần 3: Đánh giá và phân tích kết quả học tập để liên tục cải cách chương trình và chính sách giáo dục phổ thông dự kiến tiêu 37,545 triệu USD. 

Đây có phải kẽ hở để các nhà dự án ở Bộ Giáo dục và Đào tạo thường xuyên sửa sách, làm lại sách giáo khoa sau mỗi chu kỳ dự án kết thúc?

iii) “Các nước tiên tiến cứ 5-7 năm thay chương trình một lần” là các quốc gia nào? Khái niệm "chương trình" và "sách giáo khoa" cũng như quy trình làm và kinh phí của họ là bao nhiêu?

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời Quốc hội, ảnh: quochoi.vn.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời Quốc hội, ảnh: quochoi.vn.

iv) Có nước "tiên tiến" nào trên thế giới này cứ 5-7 năm lại tiêu tốn hàng trăm triệu đô la Mỹ để làm chương trình, sách giáo khoa mới hay không? 

v) Lần này đích thân Bộ trưởng cho biết:

"Hàn Quốc từ năm 1956 đến năm 2014, họ có 9 lần thay đổi, chứ không phải riêng ta, các nước cũng vậy.

Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy trong bối cảnh phát triển rất nhanh thì chương trình làm sao tiếp cận phải rất căn bản, nhưng phải có độ mở."

Vậy xin hỏi thêm thầy Nhạ, Hàn Quốc đã tiêu bao nhiêu tiền thuế của dân cho mỗi lần trong 9 lần thay đổi (mà theo ngữ cảnh, tôi hiểu là chương trình - sách giáo khoa)? Mỗi lần thay, sách của họ sử dụng ổn định trong bao nhiêu năm? 

Ngoài ra, trả lời trước Quốc hội về kinh phí làm chương trình sách giáo khoa mới, Bộ trưởng Nhạ cho biết: 

“Đối với chương trình cho đến nay mới tiêu được 48,2 tỷ đồng, như vậy mới tiêu được hơn 2 triệu đô, không tiêu được nhiều. 

Đối với chương trình bồi dưỡng giáo viên mới có 2,3 tỷ đồng, tổng cộng hơn 50 tỷ đồng, còn lại mới đang trong quá trình kế hoạch.

Chúng tôi cam kết với Quốc hội từng năm một sẽ công khai chi phí này để giải tỏa một số quan điểm chi rất nhiều tiền."

Bộ trưởng nói thế khiến chúng tôi càng lo ngại, bởi công khai kinh phí từng năm không thể giải tỏa được "một số quan điểm (cho là dự án) chi rất nhiều tiền". 

Vì 80 triệu đô la Mỹ, Ngân hàng Thế giới không giải ngân 1 lúc, mà theo từng năm. 

Mỗi năm Bộ báo cáo một phần, hết dự án rồi mới cộng tổng số, thì đã tiêu quá rất nhiều con số 462 tỉ đồng như đề án của Chính phủ trình Quốc hội xin ra Nghị quyết 88 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo là tác giả.

Thứ ba, xin đừng lấy giáo viên chúng tôi ra làm lá chắn cho thành bại của dự án 

Bộ trưởng nói rằng: “Không đổi mới giáo viên, không thể thành công”.

Một vài tâm tư gửi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ảnh 6

Thành bại của chương trình mới, xin đừng vội đá trách nhiệm xuống các thày cô

Thầy Nhạ giải thích: “Chương trình có hay đến mấy mà giáo viên không có sự đổi mới và không quyết tâm thì cũng không thành công.

Cho đến nay theo đánh giá của chúng tôi, rất kỹ chứ không phải chỉ có quan sát, phần lớn giáo viên của chúng ta là tâm huyết và cũng mong đổi mới chứ không phải là né tránh." [1]

Chúng tôi cho rằng đây là tư duy ngược và nó phủ định vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và chính sách của bộ chủ quản.

Cổ nhân vẫn dạy, một người lo bằng kho người làm.

Thành bại của giáo dục nằm ở chính sách và quản trị giáo dục. Giáo viên chỉ như những "viên gạch" để Bộ Giáo dục và Đào tạo xây nên ngôi nhà giáo dục.

Thôi thì chỉ xin dẫn ra đây 2 ví dụ trực quan, mới nhất và có thể kiểm chứng, để xem ai mới quyết định thành bại của dự án.

Một là các thầy soạn chương trình và sách giáo khoa mới "sáng tạo" ra kiểu "tích hợp" 3 môn Lý - Hóa - Sinh thành Khoa học tự nhiên rồi dúi vào tay giáo viên chúng tôi, bắt dạy.

Những câu hỏi thắc mắc của chúng tôi đến nay không được các chuyên gia cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời thỏa đáng.

Chúng tôi khẳng định đây là kiểu "tích hợp dự án" phản khoa học và chắc chắn thất bại thì sẽ bị quy là bộ phận "ngại đổi mới".

Để khi chương trình, sách giáo khoa mới, ít nhất là môn Khoa học Tự nhiên thất bại, chúng tôi sẽ trở thành vật tế thần cho các nhà dự án và giới chuyên gia của Bộ?

Hai là ngày 3/10/2017 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ ký văn bản số 4612/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017 - 2018.

Theo đó, công văn yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo cơ sở giáo dục phổ thông điều chỉnh nội dung dạy học. Vấn đề khiến dư luận quan tâm nhất chính là “tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa”. 

Cái "hay" của chỉ đạo này các thầy cô giáo đã nói nhiều, thôi cũng xin không nhắc lại nữa.

Nhưng điều đáng nói là Thứ trưởng Độ không lên tiếng nhận sai mà để một thuộc cấp ra giải thích.

Quan trọng hơn, một công văn chỉ đạo sai như vậy không được thu hồi và thay thế bằng công văn khác. Nó vẫn là mệnh lệnh chỉ đạo chuyên môn mà giáo viên phải tuân thủ.

VNEN được thầy Nguyễn Vinh Hiển nhập mô hình tổ chức hội đồng tự quản từ Colombia về, "xào" lại sách giáo khoa hiện hành và ấn xuống các trường bắt chúng tôi dạy.

Cuối cùng "thành bại VNEN" cũng do giáo viên! 

Vì thế cá nhân người viết thấy không thuyết phục và lo, buồn cho thân phận người thầy khi phải gánh quá nhiều trách nhiệm xã hội mà lãnh đạo ngành "sang vai".

Thiết nghĩ, chỉ khi nào những thắc mắc, câu hỏi của chúng tôi đang đặt ra một cách công khai, nghiêm túc, có dẫn chứng cụ thể, có địa chỉ rõ ràng được trả lời minh bạch, thuyết phục, thì khi đó cái gánh nặng "thành bại" của chương trình hãy sang vai cho giáo viên chúng tôi.

Thông qua bài viết này chúng tôi cũng kiến nghị thày Bộ trưởng công bố danh sách tất cả đội ngũ chuyên gia đã, đang và sẽ tham gia vào làm chương trình tổng thể, chương trình môn học và viết 1 bộ sách giáo khoa mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chúng tôi đã hỏi Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể nhiều lần về đội ngũ các chuyên gia này, nhất là "chuyên gia tích hợp Sinh - Lý - Hóa" thành Khoa học Tự nhiên, nhưng không thấy ông công bố.

Cuối cùng, vẫn xin dông dài thưa thêm với thầy Nhạ lời nữa, rằng sự thật có thể không như ý các thầy mong muốn được nghe, nhưng giúp ích rất nhiều nếu các thầy lãnh đạo trên Bộ thực tâm muốn nghe.

Chúng tôi mạo muội viết bài này, cũng bởi gửi gắm niềm tin vào thầy Bộ trưởng. Ngay từ lúc nhậm chức, thầy Nhạ đã nói:

“Tôi sẽ thành tâm lắng nghe và tạo điều kiện để các bậc cao minh, trí giả cũng như người dân bình thường đều có thể hiến kế hoặc đưa ra những suy nghĩ tâm huyết của mình".

​Tài liệu tham khảo:

[1]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Bo-truong-Nha-Cac-thay-co-dung-lop-se-duoc-moi-phan-bien-chuong-trinh-moi-post180963.gd

[2]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Bo-Giao-duc-se-bao-cao-Quoc-hoi-tien-lam-chuong-trinh-sach-giao-khoa-tung-nam-post180944.gd

[3]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Trien-khai-ngay-sach-giao-khoa-moi-tu-2018-se-kho-yen-tam-ve-chat-luong-post180938.gd

Nguyễn Cao