Một quyết định thay sách, dân có thể mất cả trăm tỉ đồng

13/10/2017 09:54
Hồng Thủy
(GDVN) - Đó là một sự lãng phí khủng khiếp với người dân, nhưng lại là món hời khó cưỡng với người bán sách.

Ngày 11/10 bạn đọc phản ánh đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa đột ngột chỉ đạo thay sách Tin học cấp tiểu học ngay trước thềm năm học mới.

Động thái này đã khiến nhiều trường, nhiều cha mẹ học sinh "trót mua sách cũ" lâm vào cảnh dở khóc dở cười.

Trước nay con em họ ở cấp tiểu học vẫn học cuốn Cùng học tin học do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành.

Quyển 1 cho lớp 3 giá 20.000 VNĐ, quyển 2 cho lớp 4 giá 21.000 VNĐ và quyển 3 cho lớp 5 giá 23.000 VNĐ.

Giá tổng cộng 3 quyển sách này là 64.000 VNĐ.

Ngày 27/6/2017, tại thành phố Quảng Ngãi, Công ty Cổ phần Sách & Thiết bị dạy học Miền Trung phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi tổ chức giới thiệu, tập huấn bộ sách mới Hướng dẫn học Tin học cấp Tiểu học và bộ sách bài tập kèm theo của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Ảnh: CBE.com.vn.
Ngày 27/6/2017, tại thành phố Quảng Ngãi, Công ty Cổ phần Sách & Thiết bị dạy học Miền Trung phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi tổ chức giới thiệu, tập huấn bộ sách mới Hướng dẫn học Tin học cấp Tiểu học và bộ sách bài tập kèm theo của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Ảnh: CBE.com.vn.

Nhưng bắt đầu từ năm học 2017-2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo sử dụng 3 cuốn sách Hướng dẫn học Tin học (lớp 3, lớp 4, lớp 5) của mô hình VNEN để thay thế, với giá tăng đột biến.

Hướng dẫn học Tin học lớp 3 là 29.000 VNĐ, Hướng dẫn học Tin học lớp 4 là 31.000 VNĐ, Hướng dẫn học tin học lớp 5 là 33.000 VNĐ.

Tổng cộng giá 3 cuốn Hướng dẫn học Tin học mới là 93.000 VNĐ so với 64.000 VNĐ giá 3 cuốn "sách cũ" Cùng học Tin học ở cấp tiểu học.

Đi kèm 3 cuốn sách VNEN này còn có 3 cuốn sách bài tập tổng giá tiền 69.000 VNĐ.

Có phụ huynh thắc mắc với chúng tôi, phải chăng đây là "chiêu trò" biến sách VNEN thành sách giáo khoa chính thức?

Bạn đọc cũng gửi kèm công văn đề ngày 17/7/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo việc thay sách này.

Đó là công văn số 3031/BGDĐT-GDTH gửi giám đốc các sở giáo dục và đào tạo, về việc hướng dẫn thực hiện chương trình, sách dạy tin học cấp tiểu học từ năm học 2017-2018.

Tất cả sách Tin học sử dụng trong nhà trường cấp tiểu học, trung học cơ sở hiện nay đều không phải sách giáo khoa

Một là, 3 cuốn sách Hướng dẫn học Tin học (lớp 3, lớp 4, lớp 5) được nhắc đến trong Công văn 3031/BGDĐT-GDTH ngày 17/7/2017 này là sách VNEN. 

Một quyết định thay sách, dân có thể mất cả trăm tỉ đồng ảnh 2

Lợi nhuận bán sách VNEN chảy vào túi ai?

Quý bạn đọc có thể kiểm chứng ngay trên trang bìa của chúng ghi trịnh trọng: Bộ Giáo dục và Đào tạo; Dự án Trường học mới Việt Nam

Danh mục sách tham khảo dùng cho thư viện trường học từ năm 2017 - 2018 do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ban hành ngày 30/8/2017 theo quyết định 1151/NXBGDVN cũng ghi rõ điều đó. [1]

Hai là, tất cả sách tin học đang sử dụng trong nhà trường cấp tiểu học, trung học cơ sở hiện nay đều là sách tham khảo, không phải sách giáo khoa, kể cả pháp lý lẫn thực tiễn.

Về mặt pháp lý, Khoản 2 và Khoản 3 Điều 29 Luật Giáo dục hiện hành quy định:

2. Sách giáo khoa cụ thể hóa các yêu cầu về nội dung kiến thức và kỹ năng quy định trong chương trình giáo dục của các môn học ở mỗi lớp của giáo dục phổ thông, đáp ứng yêu cầu về phương pháp giáo dục phổ thông.

3. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình giáo dục phổ thông, duyệt sách giáo khoa để sử dụng chính thức, ổn định, thống nhất trong giảng dạy, học tập ở các cơ sở giáo dục phổ thông, trên cơ sở thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa.

Mục c) trang 11 Công báo số 05 và 06 ngày 12/8/2006 do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Minh Hiển ký về việc ban hành chương trình giáo dục phổ thông (chương trình 2000 - chương trình hiện hành) kèm theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 5/5/2006, viết:

Ở Tiểu học, bắt đầu từ lớp 1, đối với những trường, lớp dạy tiếng dân tộc có thể dùng thời lượng tự chọn để dạy tiếng dân tộc.

Bắt đầu từ lớp 3, thời lượng tự chọn dùng để dạy các nội dung tự chọn và hai môn học tự chọn (Ngoại ngữ và tin học).

Học sinh có thể chọn hoặc không chọn các nội dung và hai môn học trên.

Tại trang 10 của Công báo nói trên, phần Kế hoạch giáo dục phổ thông, môn tin học không được bố trí bất kỳ tiết học chính thức nào từ lớp 1 đến lớp 9. Bắt đầu từ lớp 10 được bố trí 2 tiết / tuần, lớp 11 là 1,5 tiết / tuần, lớp 12 là 1,5 tiết / tuần. [2]

Về mặt thực tiễn, trước khi công văn 3031/BGDĐT-GDTH ra đời ngày 17/7/2017, có nhiều sách tin học khác nhau được đưa vào nhà trường, không riêng gì ba cuốn Cùng học Tin học.

Một quyết định thay sách, dân có thể mất cả trăm tỉ đồng ảnh 3

Tổng chủ biên khẳng định không có sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm

Ví dụ ngày 16/5/2017 Báo Giáo dục và Thời đại đưa tin, Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa vừa có văn bản gửi các phòng giáo dục và đào tạo huyện, thị xã, thành phố về việc sử dụng tài liệu dạy học Tin học cấp tiểu học trên địa bàn.

Theo văn bản này, Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa cho biết đã thu thập thông tin nhận xét, đánh giá 2 bộ sách “Cùng học Tin học”“Luyện tập Tin học” của 40 trường tiểu học trong tỉnh đang giảng dạy môn Tin học cho học sinh tiểu học. [3]

2 bộ sách này đều do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành. Nhưng bộ "Luyện tập Tin học" được sử dụng nhiều ở phía Nam.

Bản thân các sách dạy tin học trong trường phổ thông cũng thường xuyên được chỉnh sửa, bổ sung và xuất bản mới.

Ví dụ như công văn số 1579/CV-NXBGDVN ngày 19/10/2015 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam gửi các sở giáo dục và đào tạo về việc chỉnh sửa nội dung sách tin học cấp trung học cơ sở.

Và xin lưu ý rằng, trong các văn bản chính thức của ngành giáo dục, không thấy văn bản nào gọi các sách tin học này là "sách giáo khoa".

Vậy tại sao Luật Giáo dục hiện hành quy định một đằng, nhưng thực tế sách giáo khoa lại đi nhiều nẻo khác với luật định?

Với cung cách đổi mới giáo dục bằng dự án chồng dự án, tình trạng sách dạy cho học sinh đại trà không phải là sách giáo khoa đã tồn tại khá phổ biến nhiều năm nay.

Có thể gặp những cuốn sách dạy cho hàng trăm ngàn, hàng triệu học sinh mà vẫn không phải "sách giáo khoa" theo đúng luật định, từ tiếng Anh ở tiểu học, sách Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại cho đến sách VNEN.

Dự án Mô hình Trường học mới Việt Nam xuất hiện trang trọng ngay phần đầu trang bìa sách Hướng dẫn học Tin học lớp 3, và không có chữ (Sách thử nghiệm) như các "sách giáo khoa VNEN" khác.
Dự án Mô hình Trường học mới Việt Nam xuất hiện trang trọng ngay phần đầu trang bìa sách Hướng dẫn học Tin học lớp 3, và không có chữ (Sách thử nghiệm) như các "sách giáo khoa VNEN" khác.

Nhưng tất cả đều được hợp thức hóa bằng từ "thí điểm", "thử nghiệm" cho dù con số học sinh lên tới hàng triệu em, như mô hình VNEN.

Chính thầy Hồ Ngọc Đại đã từng nói trước báo giới với sự hiện diện của nhiều quan chức Bộ Giáo dục và Đào tạo, đó là do Bộ trưởng (Phạm Vũ Luận), Thứ trưởng (Nguyễn Vinh Hiển) chấp nhận lách luật. [4]

Thầy Nguyễn Vinh Hiển khi về hưu cũng đã từng giải thích trên Báo Giáo dục và Thời đại, sách hướng dẫn học VNEN "chưa phải" là sách giáo khoa vì còn đang “thử nghiệm”. [5]

Nhưng trước khi về hưu khoảng 3 tháng, thầy Hiển đã kịp ký một công văn gửi các sở, trong đó nói rõ:

Bộ sách VNEN sẽ được "chỉnh sửa" thành một bộ sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông mới, khi chương trình tổng thể còn chưa được duyệt (trích Công văn số 1296/BGDĐT-GDTH ngày 30/3/2016).

Những dấu hiệu tiếp thị, chỉ đạo bán độc quyền sách VNEN

Quay trở lại nội dung Công văn 3031/BGDĐT-GDTH ngày 17/7/2017 do Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa ký, trong đó viết:

Để phục vụ dạy môn Tin học ở cấp tiểu học theo Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học ban hành kèm theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05/5/2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (Chương trình môn Tin học cấp tiểu học) trong giai đoạn mới;

Một quyết định thay sách, dân có thể mất cả trăm tỉ đồng ảnh 5

3 thầy 1 sách và nguy cơ tích hợp “thịt chó - nước chè”

Khắc phục những hạn chế, bất cập của bộ sách “Cùng em học tin học” lớp 3, lớp 4, lớp 5 và thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp tổ chức dạy môn Tin học theo hướng phát triển năng lực học sinh; 

Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn bộ sách Hướng dẫn học Tin học lớp 3, lớp 4, lớp 5.

Bộ sách đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định và giao cho Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành phục vụ tổ chức dạy môn tin học ở cấp tiểu học từ năm học 2017-2018.

Để chuẩn bị điều kiện tổ chức dạy học môn tin học ở cấp tiểu học từ năm học 2017-2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các sở giáo dục và đào tạo thực hiện:

- Tiếp tục chỉ đạo tổ chức dạy học môn Tin học theo Chương trình môn Tin học cấp tiểu học ở những trường dạy 2 buổi / ngày, có đủ điều kiện về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, nâng cao tỉ lệ học sinh cấp tiểu học được học tin học.

- Có kế hoạch triển khai đưa bộ sách Hướng dẫn học Tin học lớp 3, lớp 4, lớp 5 vào tổ chức dạy học môn Tin học cấp tiểu học thay thế các tài liệu không còn đáp ứng được yêu cầu đảm bảo tiết kiệm và hiệu quả, trên tinh thần tự nguyện của học sinh và cha mẹ học sinh.

Qua tìm hiểu kĩ các thông tin, văn bản pháp quy liên quan, chúng tôi nhận thấy có mấy điểm đáng chú ý từ nội dung công văn 3031/BGDĐT-GDTH ngày 17/7/2017:

Có thể thấy mấy điểm bất thường trong công văn này:

Một là, công văn nhắc tên gọi môn Tin học trong Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học ban hành kèm theo quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 5/5/2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo với chú thích: (Chương trình môn Tin học cấp tiểu học), nhưng lại bỏ qua nội dung quan trọng nhất:

Bắt đầu từ lớp 3, thời lượng tự chọn dùng để dạy các nội dung tự chọn và hai môn học tự chọn (Ngoại ngữ và tin học). Học sinh có thể chọn hoặc không chọn các nội dung và hai môn học trên.

Ảnh chụp màn hình một phần trang 10 Công báo số 05, 06 ngày 12/8/2006 ban hành theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT do Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển ký ngày 5/5/2006, về việc công bố chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.
Ảnh chụp màn hình một phần trang 10 Công báo số 05, 06 ngày 12/8/2006 ban hành theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT do Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển ký ngày 5/5/2006, về việc công bố chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.

Hai là, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các sở phải có kế hoạch triển khai bộ sách này vào dạy học mà không hề hỏi học sinh có thích học hay không, thì làm gì có chuyện trên tinh thần "tự nguyện của học sinh và cha mẹ học sinh"? 

Điều này cứ nhìn VNEN đang diễn ra như thế nào thì rõ.

Hơn nữa, Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định bộ tài liệu này, không có nghĩa là các tài liệu khác đang được các địa phương sử dụng cho môn tin học "không còn đáp ứng được yêu cầu"

Thậm chí nó còn cho thấy rõ sự độc quyền của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc phát hành sách giáo khoa, các tài liệu phục vụ học tập và giảng dạy trong nhà trường phổ thông.

Ba là, bộ sách "cũ" Cùng học Tin học "gần" với sách giáo khoa nhất, kể cả về hình thức (trang bìa có dòng chữ Bộ Giáo dục và Đào tạo ở trên, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ở dưới), lẫn tuổi thọ sử dụng.

Học sinh năm sau vẫn có thể dùng lại sách của học sinh năm trước.

Nhưng bộ Hướng dẫn học Tin học được thiết kế luôn phần làm bài tập vào sách, tức là mỗi cuốn chỉ có tuổi thọ 1 năm, giá đắt hơn 50% sách cũ, lại còn cõng thêm 1 cuốn bài tập nữa.

Như vậy, người dân phải chi trả thêm cho riêng môn Tin học lớp 3, lớp 4, lớp 5 khi thay sách theo Công văn 3031/BGDĐT-GDTH là:

(93.000 VNĐ sách Hướng dẫn học Tin học + 69.000 VNĐ sách bài tập Hướng dẫn học Tin học) - 64.000 VNĐ sách Cùng học Tin học = 98.000 VNĐ.

Nói cách khác, người dân sẽ phải bỏ số tiền mua sách Tin học mới đắt gấp 3 lần sách cũ, và không tái sử dụng được, năm nào cũng phải mua mới.

Đó là một sự lãng phí khủng khiếp với người dân, nhưng lại là món hời khó cưỡng với người bán sách.

Một quyết định thay sách, dân có thể mất cả trăm tỉ đồng ảnh 7

Miếng bánh sách giáo khoa và thế chân vạc “chia ba thiên hạ”

Xin mượn tạm một vài con số minh họa để quý bạn đọc dễ hình dung:

Tổng số tiền sách Hướng dẫn học Tin họcSách bài tập Hướng dẫn học Tin học của 3 khối lớp này là 93.000 VNĐ + 69.000 VNĐ = 162.000 VNĐ.

Website Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố con số thống kê mới nhất về tổng số học sinh tiểu học năm học 2015-2016 là 7.790.009 em.

Nếu cứ tạm lấy bình quân bằng cách chia đều, thì tổng số học sinh lớp 3, lớp 4, lớp 5 phải mua sách tin học mới là:

(7.790.009 x 3) : 5 = 4.674.005 em.

Vậy doanh thu tối đa 1 năm các nhà bán sách Hướng dẫn học Tin học lớp 3, lớp 4, lớp 5 có thể thu về là:

4.674.005 x 162.000 = 757.188.874.800 VNĐ.

Xin lưu ý rằng những con số này chỉ mang tính phác họa về một nguồn tiền có thật người ta đang tìm cách rút từ túi cha mẹ học sinh chỉ bằng một động tác thay sách.

Với cách bán sách độc quyền bằng công văn như thế này chẳng mất đồng tiền mặt bằng, quảng cáo, số tiền thu về có thể lên tới hàng trăm tỉ đồng, tiền sẽ vào túi ai?

"Mẹo" nhận biết "sách giáo khoa" theo luật để tránh bị móc túi

Do lâu nay sách giáo khoa vốn là mặt hàng độc quyền của Bộ Giáo dục và Đào tạo qua đơn vị trực thuộc là Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, nên người dân hầu như không có sự lựa chọn nào khác.

Cha mẹ học sinh có lẽ không mấy người nắm rõ, đâu là sách giáo khoa bắt buộc phải trang bị cho con mình, đâu là sách tham khảo, mình có quyền mua hoặc không mua, lựa chọn bộ này hay bộ khác.

Sở dĩ có tình trạng này là vì, chương trình - sách giáo khoa 2000, tức chương trình hiện hành được thiết kế với các môn bắt buộc và tự chọn. 

Tin học, Ngoại ngữ ở cấp tiểu học, trung học cơ sở đến nay vẫn là môn tự chọn. Học sinh tiểu học thích thì học, không thích thì thôi, theo Quyết định 16/2006/QĐ-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo ngày 5/5/2006.

Ngoài ra còn hàng loạt "môn mới" được đưa vào nhà trường qua các dự án, đề án, tài liệu sử dụng và bán như sách giáo khoa, nhưng không phải sách giáo khoa.

Các sách về "hoạt động trải nghiệm", hay "kỹ năng sống" đang được người ta đưa ồ ạt vào trường học cũng không phải "sách giáo khoa", không bắt buộc phải có.

Nhưng thực tế gần như cha mẹ học sinh buộc phải mua trọn bộ, bởi cách bán sách giáo khoa kèm tham khảo tinh vi, mà một nhà viết sách giáo khoa kì cựu gọi là "bán bia kèm lạc".

Đó là cách bán sách giáo khoa qua công văn và bộ máy quản lý ngành dọc, như chúng tôi từng phân tích trong bài Thày Hiển, thày Đại "xây" hệ thống bán sách giáo khoa độc quyền cả nước ra sao?

Hình thức các cuốn sách tham khảo này cũng được thiết kế y chang sách giáo khoa, khi bìa sách một số cuốn ghi Bộ Giáo dục và Đào tạo phía trên, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phía dưới.

Một số đầu sách thì chỉ có dòng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ở trang bìa đầu tiên, phía dưới.

Vậy đâu là dấu hiệu để nhận diện sách giáo khoa với sách tham khảo sử dụng trong trường học?

Qua tìm hiểu và trao đổi với một người có thâm niên trong lĩnh vực xuất bản sách giáo khoa, xin chia sẻ với quý cha mẹ học sinh 3 "đặc điểm nhận dạng":

"Mẹo" nhận biết sách giáo khoa là xem trang bìa cuối cuốn sách, thông thường Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ghi rõ bộ sách giáo khoa "pháp lý" có những đầu sách nào, như ảnh chụp bìa cuối cuốn Cùng học Tin học quyển 1.
"Mẹo" nhận biết sách giáo khoa là xem trang bìa cuối cuốn sách, thông thường Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ghi rõ bộ sách giáo khoa "pháp lý" có những đầu sách nào, như ảnh chụp bìa cuối cuốn Cùng học Tin học quyển 1.

Một là, sách giáo khoa bắt buộc phải có theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam in đầy đủ tên gọi các đầu sách ở trang bìa cuối mỗi cuốn.

Ví dụ trang bìa cuối cuốn Cùng học Tin học quyển 1 ghi:  

Sách giáo khoa lớp 3
1. Tiếng Việt 3 (tập một, tập hai)
2. Toán 3
3. Tự nhiên và Xã hội 3
4. Tập viết 3 (tập 1, tập 2)
.

Ngoài danh sách này, tất cả các sách còn lại ở lớp 3 đều không phải là sách giáo khoa, kể cả cuốn Cùng học Tin học quyển 1 nói trên.

Phụ huynh có quyền từ chối mua khi được yêu cầu.

Hai là, sách giáo khoa muốn chỉnh sửa, bổ sung phải lập hội đồng thẩm định quốc gia, thẩm định và trình Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phương án điều chỉnh, thủ tục phức tạp, mất thời gian, nên rất ít khi thay sách.

Những sách tin học, tiếng Anh thường xuyên sửa đổi và thay mới không phải sách giáo khoa.

Ba là, sách giáo khoa giá luôn ổn định và rẻ hơn rất nhiều so với sách tham khảo.

Đáng buồn là không phải ai cũng biết các quy định này, và tệ hơn là dù có biết cũng khó lòng cưỡng nổi cả một bộ máy bán sách ngành dọc.

Quý bạn đọc không tin, xin đọc bài "Rối" thị trường sách giáo khoa [6] trên Báo Quảng Ngãi ngày 2/8/2017 sẽ rõ.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.nxbgd.vn/bai-viet/sach-moi/danh-muc-sach-tham-khao-dung-cho-thu-vien-truong-hoc-tu-nam-2017--2018-1495.htm

[2]http://f1.hcm.edu.vn//Data/hcmedu/gdtrunghoc/Attachments/QD16chungtrinhgiaoducphothong/16_2006_QD-BGDDT_1_55984.pdf

[3]http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/su-dung-tai-lieu-day-hoc-tin-hoc-cap-tieu-hoc-o-khanh-hoa-3298308.html

[4]http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/truong-thuc-nghiem-mot-bi-mat-khong-ai-biet-73075.html

[5]http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/bai-hoc-bien-soan-sgk-tu-tai-lieu-huong-dan-hoc-vnen-3666055-v.html

[6]http://baoquangngai.vn/channel/2027/201708/roi-thi-truong-sach-giao-khoa-2831097/

Hồng Thủy