Bộ Giáo dục muốn tăng lương nhà giáo thì phải làm được những việc dưới đây

27/11/2017 09:01
Xuân Dương
(GDVN) -Tất cả công dân, dù sau này có là tướng tá, bộ trưởng hay nguyên thủ quốc gia cũng đều là sản phẩm của nền giáo dục.

Khoản 1, 2 điều 61 Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (năm 2013) quy định:

Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.

Lương giáo viên sẽ cao hơn lương sĩ quan công an, quân đội?

Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; chăm lo giáo dục mầm non; bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí;

Từng bước phổ cập giáo dục trung học; phát triển giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; thực hiện chính sách học bổng, học phí hợp lý”.

Nghị quyết số 29/NQ-TW Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI khẳng định quan điểm “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”.

Nhằm luật hóa đường lối của Đảng, quy định trong Hiến pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất sửa đổi Luật Giáo dục, theo đó điều 81 trong luật được đề nghị sửa đổi theo hướng:

Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ”.

Đánh giá vai trò con người trong sự nghiệp đổi mới toàn diện giáo dục Baochinhphu.vn viết: “Giáo viên, cán bộ quản lý quyết định thành bại của đổi mới giáo dục”. [1]

Việc Đảng, Quốc hội và Chính phủ thống nhất cao về vai trò của nhà giáo trong sự nghiệp giáo dục không phải là điều mới.

Đây hầu như là những điều đã được đề cập từ vài chục năm nay nhưng chưa được cụ thể hóa bằng luật, bằng chính sách ưu đãi đặc biệt đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Sau nhiều ý kiến phê phán chế độ đãi ngộ đối với nhà giáo lẽ ra chủ trương sửa đổi Luật Giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo phải nhận được sự đồng tình cao của toàn xã hội, tuy nhiên thực tế đã xuất hiện nhiều tiếng nói trái chiều.

"Lương giáo viên sẽ cao hơn sĩ quan công an, quân đội" có phải bánh vẽ?

Thậm chí có người còn cho rằng đây chỉ là “bánh vẽ” mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra nhằm xoa dịu dư luận và cũng là biện minh cho việc Bộ này bất lực trước thực trạng hàng nghìn giáo viên nghỉ hưu với mức lương chỉ 1,3 triệu đồng/tháng!

Trong các bài viết và bình luận của độc giả, ba vấn đề được quan tâm là:

Thứ nhất: Đề xuất này có hợp lý nếu so sánh với các ngành khác như Y tế, Quân đội, Công an,…;

Thứ hai: Bằng cách nào tăng lương nhà giáo mà không tăng gánh nặng ngân sách?

Thứ ba: Lộ trình và các chế tài pháp lý kèm theo là gì nếu Quốc hội đồng ý sửa luật?

Người viết cho rằng đề xuất tăng thu nhập cho nhà giáo là cần thiết bởi đó không chỉ là luật hóa chủ trương của Đảng mà còn thể hiện ý chí toàn dân qua quy định tại điều 61 Hiến pháp 2013.

Việc có một số ý kiến so sánh giữa ngành Giáo dục và một số ngành khác cũng là bình thường, có điều cần phải nhìn nhận vấn đề trong khung cảnh hiện tại chứ không nên giữ mãi những ký ức hào hùng về cuộc chiến chống xâm lược mấy chục năm trước.

Bộ Giáo dục muốn tăng lương nhà giáo thì phải làm được những việc dưới đây ảnh 1Có nằm mơ chúng tôi cũng không dám thấy mức lương cao như thế

Thời đại mà các lực lượng vũ trang của chúng ta, từ đôi dép, gói lương khô đến súng AK, tên lửa, máy bay đều là hàng viện trợ không hoàn lại đã qua rồi.

Ngày nay, an ninh, quốc phòng không thể mạnh nếu không có nền khoa học kỹ thuật tiên tiến.

Muốn có nền khoa học kỹ thuật tiên tiến thì giáo dục phải là ngành tiên phong, phải là ngành cần ưu tiên ở mức cao nhất.

Không nên duy trì tư tưởng “không có chúng tôi thì các anh chả làm được gì”.

Có một triết lý được nhiều người có trách nhiệm thừa nhận:

Muốn dự đoán tương lai đất nước, hãy nhìn vào giáo dục, muốn đánh giá nền giáo dục, hãy nhìn vào đãi ngộ đối với nhà giáo”.

Tất cả công dân, dù sau này có là tướng tá, bộ trưởng hay nguyên thủ quốc gia cũng đều là sản phẩm của nền giáo dục.

Trên thế giới ngày nay, những người giàu nhất thế giới chẳng có ai không tốt nghiệp phổ thông, không ai mù chữ lại có thể trở thành chính khách.

Xin nêu một vài số liệu để biết thế giới đối xử ra sao giữa các ngành:

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã tổ chức khảo sát tại 35 quốc gia thành viên về thu nhập của nhà giáo.

Theo đó, quốc gia trả lương nhà giáo thấp nhất là Cộng hòa Czech (20.000 USD/năm) và cao nhất là Luxembourg (137.000 USD/năm).

Đây là mức trả chung cho giáo viên từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông. [2]

Tại châu Á, lương giáo viên Hàn Quốc khởi điểm là 26.815 USD/năm, sau 10 năm mức lương là 40.453 USD và mức tối đa là 75.202 USD. [2]

Mức lương tối thiểu binh sĩ quân đội Mỹ là 18.000 USD/năm. Cấp bậc đại đội trưởng với thâm niên ít nhất 6 năm trong quân đội là được trả khoảng 34.000 USD. [3]

Xin Bộ Giáo dục đừng "tăng lương đãi bôi" nhà giáo

Như vậy, dù ở châu Á hay châu Âu thu nhập của nhà giáo không thấp hơn lương sĩ quan, binh lính quân đội Mỹ dù Mỹ là siêu cường quân sự đứng đầu thế giới.

Tăng thu nhập của nhà giáo không có nghĩa là phải giảm thu nhập của những ngành đặc thù khác như Y tế, Quân đội, Công an…

Mỗi giai đoạn cần có một lực lượng đảm nhận vai trò đầu tàu, trong chiến tranh đó là quốc phòng, công an, cách mạng khoa học kỹ thuật 4.0 cần đến giáo dục.

Có thể điều này xã hội chưa hoàn toàn nhất trí vì thế nên được Đảng, Quốc hội, Nhà nước gánh vác thay vì ngành Giáo dục phải tự mình chèo chống.  

Một khi thống nhất quan điểm xếp thang bậc lương nhà giáo cao nhất thì cần phải làm gì trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, nợ công đang rất cao?

Có một câu hỏi rất hóc búa mà Thống đốc Ngân hàng nhà nước chưa có câu trả lời thỏa đáng:

“Làm thế nào để huy động khoảng 500 tấn vàng và nhiều tỷ đô la Mỹ trong dân”?

Tuy nhiên ngành Giáo dục lại có thể làm được điều này.

Để có tiền nâng lương mà không tăng ngân sách, một số điều nên được quan tâm là:

Hoàn thiện khung pháp lý cho sự bình đẳng giữa hai loại hình công lập và tư thục, nâng cao tỷ lệ trường ngoài công lập so với công lập, từ nay đến năm 2030 phấn đấu tỷ lệ này vào khoảng 40-50%.

Muốn thế điều cần làm ngay là tạo điều kiện về đất đai để các trường tư thục có điều kiện xây dựng cơ sở vật chất, điều chỉnh các quy định về thuế, mạng lưới trường,...

Ngành giáo dục cần lập kế hoạch “thanh lý” toàn bộ Trung tâm giáo dục thường xuyên tại 713 quận huyện bằng cách đấu thầu công khai với một số điều kiện bắt buộc.

Tăng lương giáo viên chưa phải giải pháp triệt để nâng cao chất lượng giáo dục

Ví dụ các cơ sở sau khi đấu thầu vẫn phải là cơ sở giáo dục, pháp nhân trúng thầu có nghĩa vụ tiếp nhận và bố trí việc làm cho đội ngũ giáo viên hiện có,...

Làm được việc này thì vàng và ngoại tệ trong dân sẽ tự động tạo nên dòng chảy, không cần phải vận động, kêu gọi…

Báo cáo tổng kết năm học 2016-2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho số liệu chính xác như sau:

Tính đến ngày công bố báo cáo (21/8/2017) cả nước có 1.246.188 nhà giáo, 272.318 nhân viên phục vụ, 154.000 cán bộ quản lý, tổng số người làm việc trong ngành Giáo dục là 1.672.506 người. 

Mặc dù cố gắng tìm kiếm trên trang thông tin Tổng cục Thống kê [4], hoặc Cổng Thông tin điện tử Bộ Nội vụ [5] song không thể tìm thấy một số liệu chính xác về số lượng công chức, viên chức Việt Nam thời điểm hiện tại, con số trong nhiều bài viết trên mạng xã hội là khoảng 2,8 triệu người.

Giả sử chấp nhận số liệu đã nêu thì nhân sự ngành Giáo dục chiếm 59,73% tổng số công chức, viên chức cả nước và ngành này sử dụng 20% ngân sách quốc gia.

Trong 20% đó, khoảng 80% là chi trả lương cán bộ, giáo viên.

Theo số liệu tại Nghị quyết số 11/2015/NQ-HĐND, tổng chi ngân sách địa phương năm 2016 của thành phố Hà Nội khoảng 73.773 tỷ đồng, trong đó chi cho giáo dục đào tạo khoảng 3.884 tỷ đồng.

Báo cáo tổng kết năm học 2015-2016 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết mạng lưới các trường mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp của thành phố có 2.622 trường học với khoảng 1,7 triệu học sinh. [6]

Bình quân mỗi học sinh trên địa bàn Hà Nội (kể cả học sinh chuyên nghiệp) được ngân sách chi gần 2,3 triệu đồng một năm chưa kể các khoản đóng góp của phụ huynh.

Nếu 30% học sinh theo học tại các trường ngoài công lập thì ngân sách chi cho giáo dục Hà Nội có thể dành ra ước tính 1.300 tỷ đồng mỗi năm cho việc tăng lương giáo viên và xây dựng cơ sở vật chất.

Trường phổ thông tư thục Lương Thế Vinh đã thu nhận khoảng 3.400 học sinh hai cấp học, các trường thuộc các huyện ngoại thành như Trung học phổ thông Lý Thánh Tông (Gia Lâm) cũng thu nhận gần 700 học sinh.

Số liệu thống kê chưa đầy đủ cho biết hiện Hà Nội có khoảng 70 trường trung học phổ thông dân lập, [7] giả sử bình quân mỗi trường nhận 1.000 học sinh thì ngân sách đã tiết kiệm được khoảng 160 tỷ đồng mỗi năm.

Nếu tính thêm cả ba cấp mầm non, tiểu học và trung học cơ sở dân lập thì số tiền ngân sách không phải chi sẽ không dưới vài trăm tỷ đồng.

Tra cứu số liệu mục “Thống kê giáo dục và đào tạo Hà Nội” trên website Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nhận được thông báo: “Vui lòng liên hệ Văn phòng Sở GD&ĐT (baocaocntt@hanoiedu.vn) để được hỗ trợ” nên người viết đành phải tìm kiếm từ các nguồn khác nhau để có số lượng giáo viên Hà Nội.

Thông tin Vtv.vn đăng tải cho thấy: “Sĩ số các lớp công lập ở Hà Nội hiện trung bình ở mức 50 em, có những nơi sĩ số lên hơn 60 em một lớp”. [8]

Chấp nhận con số 50 học sinh/lớp thì Hà Nội có khoảng 34.000 lớp học (1,7 triệu học sinh).

Số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết tỷ lệ giáo viên/lớp của Hà Nội là 2,32, [9] như vậy Hà Nội có khoảng 34.000 giáo viên.

Ảnh chụp màn hình trang web Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội.
Ảnh chụp màn hình trang web Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội.

Chỉ cần Hà Nội tiết kiệm 500 tỷ đồng, chia bình quân mỗi giáo viên được khoảng gần 15 triệu đồng/năm và đương nhiên không ngành nào có thể suy bì việc tăng lương này.

Một khi Quốc hội nhất trí sửa luật theo dự thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc tăng chi ngân sách giáo dục lên trên 20% nên được cân nhắc bởi đó là gánh nặng quá lớn.

Sáp nhập, dồn trường để giảm đội ngũ quản lý, bảo đảm đủ định mức giảng dạy của nhà giáo và xã hội hóa mạnh mẽ là phương hướng khả thi.

Bộ Giáo dục muốn tăng lương nhà giáo thì phải làm được những việc dưới đây ảnh 3Việt Nam - giấc mơ 2035 (4): Giáo dục nằm ở đâu? 

Điều này cần một lộ trình khoảng 5-7 năm chứ không thể vội vã.

Nếu chỉ dựa vào ngân sách để tăng lương cho giáo viên, người viết e rằng đó thực sự chỉ là “bánh vẽ” nhằm rũ bỏ trách nhiệm ngành chủ quản, đẩy gánh nặng sang phía ngân sách nhà nước.

Ngành Giáo dục cần tự lo cho mình trước khi kêu cứu Quốc hội, không “tề gia” thì làm sao “trị quốc”?

Chân lý đơn giản ấy dù được lãnh đạo ngành Giáo dục thông suốt thì cũng chẳng có cách nào thay đổi bởi Giáo dục là ngành “năm cha ba mẹ” nhất trong tất cả các ngành hiện tại?

Bộ Giáo dục và Đào tạo không quản lý ngân sách và con người tại các địa phương, nói cách khác là gần như không có quyền gì với đội ngũ nhà giáo và nguồn tài chính mà nhà nước phân bổ.

Vậy câu hỏi đặt ra là Quốc hội có nên sửa luật theo hướng những gì liên quan đến giáo dục phải do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý thay vì tình trạng nhiều bộ, ngành, địa phương, đoàn thể quần chúng cùng “xúm vào” quản lý giáo dục đào tạo như hiện nay?

Thế nên muốn biến chiếc “bánh vẽ” nâng lương nhà giáo thành hiện thực, điều Bộ Giáo dục và Đào tạo cần làm là phải tập trung quyền lãnh đạo, quyền quản lý, điều hành chứ không phải chỉ ngồi che ô ngắm địa phương và đơn vị khác làm mưa, làm gió.

Và đương nhiên một khi được trao quyền thì cũng cần phải vứt bỏ chiếc ô vốn là vật tùy thân lâu nay của một bộ phận không nhỏ công chức, trong đó có công chức giáo dục.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://baochinhphu.vn/Giao-duc/Giao-vien-can-bo-quan-ly-quyet-dinh-thanh-bai-cua-doi-moi-giao-duc/306504.vgp

[2] https://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/so-sanh-luong-giao-vien-the-gioi-3593872.html

[3] http://www.nguoiduatin.vn/linh-my-huong-luong-cao-chot-vot-a70228.html

[4] https://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=715

[5]https://www.moha.gov.vn/danh-muc/nhung-van-de-chung-ve-cong-chuc-vien-chuc-8262.html)

[6]http://hanoi.edu.vn/tin-tuc-su-kien/nganh-gddt-ha-noi-tong-ket-nam-hoc-2015-2016-va-trien-khai-nhiem-vu-nam-hoc-201-c525-4088.aspx

[7]http://www.thongtintuyensinh.vn/Cac-truong-THPT-ngoai-cong-lap-tai-khu-vuc-TP-Ha-Noi_C159_D2609.htm

[8]http://vtv.vn/giao-duc/giao-vien-ha-noi-vat-va-vi-si-so-lop-hoc-qua-tai-20171103190651154.htm

[9]http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/so-luong-giao-vien-dang-tang-giam-the-nao-393889.html

Xuân Dương