Xin Bộ Giáo dục đừng "tăng lương đãi bôi" nhà giáo

24/11/2017 10:32
Hồng Thủy
(GDVN) - Trước khi “hạ phím” cho ra một chính sách nào mới có tác động đến ngân sách quốc gia và đời sống dân sinh, xin hãy luôn ghi nhớ câu ca dao:..

Mấy ngày qua dư luận giáo giới xôn xao chuyện tăng lương sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố Dự thảo Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, trong đó Điều 81 ghi rằng:

“Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.”

Cha mẹ học sinh cũng được một phen xôn xao khi Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương bỏ học phí đối với học sinh cấp 2, tức trung học cơ sở.

Bên cạnh sự vui mừng, hồ hởi của các thày cô và cha mẹ học sinh khi đón nhận thông tin này là hàng loạt câu hỏi được đặt ra nhưng không có câu trả lời.

Hình minh họa, nguồn: VTV.vn.
Hình minh họa, nguồn: VTV.vn.

Chúng tôi tâm đắc với những phân tích thấu đáo cả về lý lẫn tình, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh hiện tại của đất nước mà thầy giáo Nhật Duy chia sẻ qua bài:

"Lương giáo viên sẽ cao hơn sĩ quan công an, quân đội" có phải bánh vẽ?

Vì thế sẽ nguy hiểm cho chính sách nếu ủng hộ tư duy và phương pháp hoạch định kiểu "bánh vẽ": cứ "vẽ" cho nhà giáo và cha mẹ học sinh phấn khởi trước cái đã, có làm được hay không, tính sau.

Tiền đâu để tăng lương? Tăng trên cơ sở nào?

Ngày 23/11, Giáo sư Đào Trọng Thi nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội được Báo điện tử Giáo dục và Thời đại dẫn lời, cho biết:

Từ Nghị quyết Trung ương khóa 8 năm 1996 đã quy định lương giáo viên là cao nhất trong thang bậc lương hành chính sự nghiệp. 

Điều này tiếp tục được nhắc lại trong Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. 

Nghị quyết của Đảng đã rất rõ, nhưng từ phía nhà nước mới thực hiện ở mức chưa đầy đủ.

Ví dụ, quy định về phụ cấp giảng dạy thì đối tượng chỉ dành cho người trực tiếp giảng dạy, thậm chí là người giảng dạy đủ số giờ quy định. 

Phần phụ cấp giảng dạy không được tính để đóng bảo hiểm xã hội. Nếu quy định được vào lương sẽ ổn định, chắc chắn, đảm bảo hơn, bền vững hơn.

Xin Bộ Giáo dục đừng "tăng lương đãi bôi" nhà giáo ảnh 2

Chương trình giáo dục phổ thông mới rất có thể làm phình to biên chế

“Trong luật quy định lương giáo viên thuộc mức cao nhất trong thang bậc lương hành chính, sự nghiệp là bước rất quan trọng.

 Bước đó chính là thể chế hóa Nghị quyết của Đảng hơn 20 năm nay và vừa rồi được nhắc lại trong Nghị quyết 29. 

Đưa vào Luật để thể chế hóa, đã đưa vào Luật thì Chính phủ phải thực hiện. Tuy nhiên, đây không phải là chuyện dễ dàng.” [1]

Cùng ngày, Báo điện tử Giáo dục và Thời đại dẫn lời Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh – đoàn Quảng Trị bình luận:

"Không coi trọng giáo dục, không làm tốt giáo dục thì mọi thứ ta làm đều phản tác dụng. Đầu tư cho là giáo dục là quốc sách hàng đầu. 

Đầu tư cho giáo dục không bao giờ sợ lỗ mà cũng đừng nghĩ đầu tư cho giáo dục mà muốn thu lời – mà lãi chính là những con người đang đóng góp cho đất nước." 

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân thuộc đoàn thành phố Hồ Chí Minh được báo này dẫn lời nhận định:

Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung lần này đã nâng được mức thu nhập của nhà giáo, đó là điều đáng trân trọng và ai cũng mong muốn. [2]

Chúng tôi hoàn toàn chia sẻ với mong muốn của 3 vị nói trên về việc tăng lương cho đội ngũ các thầy cô giáo.

Nhưng chúng tôi vô cùng băn khoăn vì không thấy quý vị nhắc đến vấn đề quan trọng hơn: 

Tiền đâu ra để tăng lương?

Tăng lương cho giáo viên dựa vào cơ sở nào, tính toán ra sao để đảm bảo trả lương tương xứng với chất lượng hiệu quả công việc và công bằng?

Giáo sư Đào Trọng Thi từng là Đại biểu Quốc hội.

Đặc biệt là ông đã từng đảm đương vai trò Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cùng với 2 vị Đại biểu đương nhiệm chắc cũng nắm được:

Điều kiện ngân sách nhà nước hiện nay khó khăn như thế nào, thực trạng nợ công cao ra sao (trong đó Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đóng góp ngót nghét 3 tỉ đô la Mỹ);

Và nhất là bộ máy biên chế cồng kềnh hiện nay có đóng góp bao nhiêu phần trăm của ngành giáo dục.

Chúng tôi cho rằng mong muốn của 3 vị còn duy ý chí, khi Giáo sư Đào Trọng Thi nói rằng:

"Nghị quyết của Đảng đã rất rõ, nhưng từ phía nhà nước mới thực hiện ở mức chưa đầy đủ", hay:

"Đưa vào Luật để thể chế hóa, đã đưa vào Luật thì Chính phủ phải thực hiện. Tuy nhiên, đây không phải là chuyện dễ dàng."

Vậy có bao giờ Giáo sư đặt câu hỏi:

Xin Bộ Giáo dục đừng "tăng lương đãi bôi" nhà giáo ảnh 3

Vài lời bàn về việc tiêu 12 ngàn tỷ đồng để đào tạo 9000 tiến sĩ

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tinh giản được bao nhiêu biên chế theo tinh thần Nghị quyết 19 của Trung ương Đảng, nhất là bộ máy tham mưu, chỉ đạo và quản lý ngành giáo dục?

Đã có khi nào Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Quốc hội và Trung ương Đảng về các chính sách phát triển giáo dục theo phương châm:

Đầu tư tối thiểu, hiệu quả tối đa; ngăn ngừa thất thoát ngân sáchchống tham nhũng chính sách trong giáo dục?

20% ngân sách Quốc hội và Chính phủ dành cho giáo dục mà còn chưa đủ thì bao nhiêu mới đủ?

Vấn đề nằm ở chỗ phải xem lại xem các địa phương và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiêu khoản tiền này như thế nào? Hiệu quả đến đâu? Có thất thoát lãng phí không?

Trong vai trò là cơ quan hoạch định chính sách, quản lý nhà nước cao nhất về giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo lẽ ra phải là nơi đề xuất giải pháp, chứ không phải "đá quả bóng trách nhiệm" qua Quốc hội, Chính phủ như dự thảo này.

Chúng tôi cũng rất băn khoăn về nhận định của Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh, rằng:

“Đầu tư cho giáo dục không bao giờ sợ lỗ mà cũng đừng nghĩ đầu tư cho giáo dục mà muốn thu lời – mà lãi chính là những con người đang đóng góp cho đất nước."

Như thế, dường như những bức xúc của dư luận, phản ánh của truyền thông chưa đến tai các Đại biểu Quốc hội.

Ví như cách thức Bộ Giáo dục và Đào tạo tiêu ngót nghét 3 tỉ đô la Mỹ vốn vay ODA cho giáo dục;

Làm chương trình - sách giáo khoa chỉ để giải ngân hàng trăm triệu đô la Mỹ, hay việc độc quyền phát hành sách giáo khoa đang làm méo mó chính sách giáo dục;

Tổ chức các cuộc thi trên mạng kiếm tiền cho doanh nghiệp và cá nhân...

Bộ Giáo dục và Đào tạo đòi lương ngành mình cao nhất, ngành nào cao thứ nhì? 

Dân tộc Việt Nam là dân tộc hiếu học, Đảng và Nhà nước xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu. Không ít bậc cha mẹ chấp nhận bán nhà, rời quê hương theo con ra thành phố làm thuê làm mướn nuôi con ăn học.

Xin Bộ Giáo dục đừng "tăng lương đãi bôi" nhà giáo ảnh 4

4 nguyên tắc và 8 giải pháp tinh giản biên chế giáo dục

Chúng tôi không ngạc nhiên khi Nghị quyết Trung ương Đảng khóa 8 năm 1996 đã bàn vấn đề tăng lương, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho giáo viên.

Đó là chủ trương hoàn toàn đúng và cũng hoàn toàn có thể làm được.

Vấn đề còn lại, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải biết liệu cơm gắp mắm, sao cho bộ máy gọn nhẹ, hoạt động hiệu quả, thì với 20% ngân sách hoàn toàn có thể đảm bảo cho các thầy cô một cuộc sống đầy đủ về vật chất và tinh thần, mà không phải bon chen.

Thầy giáo Nhật Duy đã phân tích các giải pháp để làm được việc này, chúng tôi cũng sẽ xin phân tích sâu thêm trong một bài viết khác. Nhưng không biết những góp ý thẳng thắn, chân thành này có lọt tai các nhà dự án?

Trong bài viết này, chúng tôi chỉ mong sao các nhà hoạch định chính sách xem lại tư duy và phương pháp tiếp cận vấn đề của mình.

Bởi người làm chính sách phải dựa vào thực tế, khoa học chứ không phải mong muốn duy ý chí hay cảm xúc nhất thời.

Nhà giáo thực sự là những người có lòng tự trọng và khiêm nhường, cao quý nhất hay không do xã hội tôn vinh chứ họ không bao giờ tự nhận.

Nhưng cơ quan hoạch định chính sách và quản lý nhà nước về giáo dục lại tự xếp cho ngành mình mức lương cao nhất trong thang bảng lương nhà nước thì quả thực vô tiền khoáng hậu.

Chúng tôi không biết có quốc gia nào trên Trái Đất này đưa vào luật quy định lương của ngành nào cao nhất, hay chúng ta là trường hợp số một, và là trường hợp duy nhất?

Đáng nói hơn, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ biết “chép nghị quyết” thành chính sách, mà không đưa ra được cơ sở khoa học cũng như giải pháp về chính sách;

Không chỉ ra được đối tượng cụ thể nào thụ hưởng hay sẽ cào bằng; căn cứ trả lương theo bằng cấp / thời gian hay tính chất / hiệu quả công việc?

Cứ trở thành viên chức là nghiễm nhiên hưởng lương và tăng lương, cho dù dạy 6 tiết / tuần hay 20 tiết / tuần cũng không quan trọng?

Chưa đưa ra phương pháp tính toán để đảm bảo đúng nguyên tắc trả lương dựa vào hiệu quả - chất lượng công việc và tính công bằng, thì đó chỉ là “đãi bôi” nhà giáo mà không bao giờ làm được.

Ngược lại, cách tiếp cận này còn làm tổn hại thanh danh ngành giáo dục khi Bộ đặt ngành mình trên các ngành khác, và dự thảo luật mới chỉ thấy đỏi hỏi, chưa thấy cam kết chất lượng dịch vụ - sản phẩm sẽ thế nào.

Nếu bộ nào, ngành nào cũng đòi hỏi như Bộ Giáo dục và Đào tạo thì loạn mất. Ngành y tế có quan trọng không? Các y bác sĩ có cần được tăng lương không? 

Chúng tôi xin nhấn mạnh rằng, lương của người lao động trong ngành giáo dục, y tế còn rất thấp, cần phải tăng lên nhiều. 

Ngay cả lương của các sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong các lực lượng vũ trang, có thể cao hơn giáo viên, bác sĩ rất nhiều về hệ số, nhưng so với mặt bằng xã hội và giá cả tiêu dùng, thì có lẽ chưa phải là cao.

Nhưng tăng như thế nào cho công bằng, dựa trên hiệu quả lao động thật và thúc đẩy 2 ngành này phát triển, là những chính sách cần được nghiên cứu kỹ lưỡng.

Mong sao các nhà hoạch định chính sách giáo dục - những người “nhiều chữ” của cơ quan nhiều giáo sư, tiến sĩ nhất cả nước - đừng làm ngược lại truyền thống và cốt cách nhà giáo, cũng đừng làm ngược khoa học.

Mong sao quý thầy trước khi “hạ phím” cho ra một chính sách nào mới có tác động đến ngân sách quốc gia và đời sống dân sinh, xin hãy luôn ghi nhớ câu ca dao:

“Ai ơi bưng bát cơm đầy,
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần.”

Đừng tự cho mình là nhất, hay ngành mình là nhất.

Chỉ có người nào, ngành nào tạo ra sản phẩm có chất lượng và giá trị thật, phục vụ cho cuộc sống của cộng đồng, thì người đó, ngành đó là nhất.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/gs-dao-trong-thi-thay-doi-co-tinh-chat-cach-mang-trong-chinh-sach-giao-duc-3907482-v.html

[2]http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/can-co-chinh-sach-dac-thu-doi-voi-nha-giao-3907479-v.html

Hồng Thủy