Việt Nam - giấc mơ 2035 (4): Giáo dục nằm ở đâu?

26/10/2016 08:36
Xuân Dương
(GDVN) - Thành phần tham gia soạn thảo Báo cáo, chỉ có duy nhất một cựu thứ trưởng giáo dục là ông Bành Tiến Long, số còn lại phần lớn là chuyên gia kinh tế, ngân hàng.

Để Việt Nam trở thành một nền kinh tế thu nhập trung bình cao vào năm 2035, trong Báo cáo tổng quan Việt Nam 2035, các chuyên gia kiến nghị sáu chuyển đổi quan trọng:

1. Hiện đại hóa nền kinh tế đồng thời với nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân.

2. Phát triển năng lực đổi mới sáng tạo, lấy khu vực kinh tế tư nhân làm trung tâm.

3. Nâng cao hiệu quả của quá trình đô thị hóa, tăng cường kết nối giữa các thành phố và vùng phụ cận.

4. Phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.

5. Đảm bảo công bằng và hòa nhập xã hội cho các nhóm yếu thế cùng với sự phát triển của xã hội trung lưu.

6. Xây dựng một Nhà nước pháp quyền hiện đại với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hội nhập và xã hội dân chủ phát triển ở trình độ cao.

Ảnh minh họa trên báo giaoduc.net.vn.
Ảnh minh họa trên báo giaoduc.net.vn.

Trong hơn 160 trang của Báo cáo, phần dành cho giáo dục chỉ chiếm một dung lượng rất khiêm tốn, khoảng 3 trang từ giữa trang 77 đến đầu trang 80.

Nhìn vào thành phần tham gia soạn thảo Báo cáo, chỉ có duy nhất một cựu thứ trưởng giáo dục là ông Bành Tiến Long, số còn lại phần lớn là chuyên gia kinh tế, ngân hàng và vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Giáo dục không được quan tâm đúng mức trong Báo cáo.

Vấn đề thời sự mới, liên quan đến cuộc cách mạng khoa học, kỹ thuật, giáo dục mà một số người gọi là cách mạng 4.0 thì hình như lại càng không phải là lĩnh vực quan tâm của các chuyên gia kinh tế?

Mục tiêu đề ra cho Giáo dục trong 20 năm tới là thay vì phổ cập Tiểu học hoặc Trung học Cơ sở, Việt Nam sẽ phổ cập giáo dục Trung học Phổ thông (Tr.79):

Việt Nam - giấc mơ 2035 (4): Giáo dục nằm ở đâu?    ảnh 2

Việt Nam - giấc mơ 2035

Cân nhắc chuyển đổi hai phân hệ riêng rẽ (Trung học Phổ thông theo hướng học thuật và kỹ thuật/ dạy nghề) thành một hệ thống duy nhất cho phép học theo hai hệ để nhận bằng tốt nghiệp Trung học”.

Thực hiện điều này có đồng nghĩa với việc sẽ chấm dứt quan điểm phân luồng ngay từ bậc phổ thông, chỉ còn lại một hệ thống duy nhất?

Phổ cập giáo dục Trung học Phổ thông liệu có đồng nghĩa với việc chấm dứt tình trạng thi vào lớp 10, một vấn đề gây đau đầu phụ huynh và những biến tướng của hiện tượng chạy lớp, chạy trường?

Tuy nhiên, để Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình cao, hướng tới “thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ” vào năm 2035 mà thiếu những phân tích thấu đáo và kiến nghị cụ thể về vai trò và chính sách Giáo dục thì quả là hơi khó hiểu.

Liệu đây có phải là căn bệnh nhận thức vốn tồn tại rất nhiều năm qua, rằng giáo dục chỉ nên được đề cao về lý thuyết, ca ngợi thật rôm rả trong các hội nghị để thầy trò đỡ tủi, còn thực tế thì nên để cuối cùng bởi giáo dục không làm ra gạo, sắt thép, tàu bay, tên lửa…?

Nếu nền giáo dục Việt Nam được tôn trọng đúng mức, xứng đáng với câu “giáo dục là quốc sách hàng đầu” thì không bao giờ có chuyện chấp nhận đào tạo đội ngũ giáo viên từ những đối tượng“chuột chạy cùng sào”, không bao giờ có chuyện cơ quan công quyền thành phố cho người đập phá trụ sở Bộ Giáo dục vào cuối những năm 80 thế kỷ trước.

Năm 2013, Trung ương ban hành một Nghị quyết (Nghị quyết số 29-NQ/TW - 4/11/2013) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo.

Vậy nhưng dù Báo cáo tổng quan công bố đầu năm 2016, nghĩa là hai năm sau, những vấn đề nổi cộm trong báo cáo lại không hề có bóng dáng của giáo dục.

Nền Giáo dục Việt Nam bậc phổ thông lúc thì “thực nghiệm”, lúc thì VNEN, lúc “nói không với tiêu cực và bệnh thành tích”, lúc “ngồi nhầm lớp”, trẻ con đi học lúc thì “đánh hội đồng bạn học”, lúc  “thích là đốt”…

Với hiện trạng ấy lấy gì đảm bảo Việt Nam sẽ có một lớp người đủ năng lực và hành vi thực hiện 6 nhóm vấn đề mà các chuyên gia ngân hàng, kinh tế hay quản lý đề cập?

Việt Nam - giấc mơ 2035 (4): Giáo dục nằm ở đâu?    ảnh 3

Việt Nam - giấc mơ 2035 (Phần 2)

Ở bậc Đại học, gần đây, lãnh đạo một số trường ngoài công lập và dư luận phản đối mạnh mẽ việc cơ quan, địa phương chỉ tuyển dụng cử nhân, kỹ sư tốt nghiệp các trường công lập, xem đó là quyết định không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Trong khi đó có thể điểm danh vài chục trường Đại học công lập gắn với cụm từ “lùm xùm” và không nên ngạc nhiên khi xuất hiện những tên trường thuộc hàng uy tín nhất nhì toàn quốc như Bách Khoa, Kinh Tế, Ngoại Thương…

Thực lòng, người viết không ngạc nhiên khi thiết kế “quy hoạch” tương lai đất nước, dân tộc, người ta không mấy quan tâm đến giáo dục, điều này vốn là truyền thống “từ xưa đến nay” dựa theo ý cụm từ đã được dùng trong Báo cáo.

Các văn bản, nghị quyết, luôn dành cho Giáo dục những lời có cánh, thực tế Giáo dục luôn là ngành được ưu tiên sau An ninh, Quốc phòng, Ngoại giao, Tài chính, v.v… Tóm lại, cấp ưu tiên của Giáo dục luôn là cấp “đội sổ” và vì thế “Quốc gia đội sổ” chỉ là hệ quả tất yếu.

Ưu tiên về kinh tế, thể chế… không sai vì đó là bức xúc dồn nén một thời gian dài nhưng đó là những vấn đề có tính “ăn xổi”, những vấn đề cốt lõi, lâu dài của đất nước là “trồng người” thì cần đến hàng trăm năm và không thể “ăn xổi” - như lời căn dặn của Cụ Hồ.

Đất nước sẽ tiến về đâu, khi chủ trương ăn xổi của chúng ta lại phù hợp, lại được phụ họa bởi một số cao kiến “ăn xổi” của những người vốn không thể nói là am hiểu 100% tính cách người Việt?

Thời Pháp thuộc, bọn thực dân thực thi chính sách “dân ngu dễ trị”, cách mạng tháng 8/1945 xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến nhưng tàn dư của nó thì chưa chắc đã biến mất hoàn toàn, vẫn còn đâu đó quan niệm “dốt thì dễ bảo”, cấp trên dốt không mấy khi có cấp dưới giỏi.

Lãnh đạo dốt không mấy khi chọn người tài vào ekip của mình.

Giáo sư Ngô Bảo Châu trò chuyện cùng giáo viên, những người làm công tác giáo dục (Ảnh: nld.com.vn).
Giáo sư Ngô Bảo Châu trò chuyện cùng giáo viên, những người làm công tác giáo dục (Ảnh: nld.com.vn).

Chỉ việc thi tuyển công bằng giáo viên các cấp, nửa thế kỷ vẫn làm chưa tốt, lời hứa “giáo viên sống được bằng lương” chẳng biết đến bao giờ mới thành hiện thực, chỉ một việc bãi bỏ cơ quan chủ quản các trường Cao đẳng, Đại học chúng ta mất hàng chục năm chưa thể tiến hành.

Chỉ việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về xử lý công dân dùng bằng “dởm”, mấy chục năm chúng ta vẫn không dám đưa thành một điều trong luật bởi người dân ít dùng bằng “dởm” mà chủ yếu là cán bộ, đảng viên!

Vì sao không muốn xử lý, sợ xử lý người dùng bằng “dởm”?

Vì có khi đó lại là thủ trưởng của người có bằng thật - như ông Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vị Thanh, Hậu Giang vừa qua! Và cũng còn một sự thật khác, rằng nếu không cùng đẳng cấp “dởm” thì thật khó để ngồi cùng “mâm” với nhau!

Việt Nam - giấc mơ 2035 (4): Giáo dục nằm ở đâu?    ảnh 5

Việt Nam - giấc mơ 2035: Phần 3 - Vì sao tụt hậu?

Suy cho cùng, giáo dục không có chỗ trong giấc mơ Việt Nam 2035 cũng chẳng có gì phải buồn vì số phận giáo dục xưa nay vẫn thế.

Vòng nguyệt quế đội trên đầu một vài hôm sau là vứt vào sọt rác, chỉ có chiếc huy chương đeo dưới cổ là được trân trọng treo trong tủ trưng ở phòng khách hay phòng truyền thống?

Nhưng mà, liệu người Việt có cần phải học hết Trung học Phổ thông rồi mới nghĩ đến chuyện học nghề hay có thể đi làm sớm hơn để trang trải khó khăn cuộc sống? Và Đại học có phải là bậc thang danh vọng duy nhất dành cho những con người chỉ cần một cuộc sống bình dị?

Nếu những bộ óc kiệt xuất không trả lời được câu hỏi ấy thì chẳng lẽ, hãy để các cháu học sinh tự tìm câu trả lời theo triết lý “trời sinh voi, trời sinh cỏ”?

Và chẳng lẽ, 20 năm nữa, khi điều kiện kinh tế trở nên khá giả, khi gia đình cán bộ, công chức đều có ôsin thì chẳng cần đến giáo dục công cộng, chỉ cần nền “giáo dục ôsin” là đủ vì trẻ con sẽ ăn món ăn kiểu ôsin, nói theo giọng ôsin và thân với ôsin hơn thân với bố mẹ?

Liệu ngành Giáo dục có nên xây dựng riêng một chuyên đề “Việt Nam - giấc mơ giáo dục 2035” thay vì trông chờ vào ba trụ cột của Chính phủ và Ngân hàng thế giới?

Xuân Dương