LTS: Đánh giá cao vai trò của Ban giám hiệu trong đổi mới giáo dục, thầy giáo Bùi Nam đưa ra những kiến nghị để hiệu trưởng được tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong quản lý trường học.
Đồng thời, thầy Nam cũng đưa ra giải pháp để đảm bảo hiệu trưởng không lạm quyền.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Việc đổi mới căn bản toàn diện đang trong quá trình hoàn thiện từ chương trình, sách giáo khoa, bồi dưỡng giáo viên,…
Trong đó, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng (hiệu phó) đóng vai trò là một trong những nhân tố rất quan trọng quyết định sự thành bại của sự đổi mới.
Vấn đề tự chủ của các đơn vị đang thực hiện theo Nghị định số 43/2006/NĐCP quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức biên chế bộ máy và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
Đối với các trường học nhất là trường từ mầm non đến trung học cơ sở vấn đề tự chủ, tự chịu trách nhiệm còn khá khiêm tốn, hay còn gọi là tự chủ “nửa vời”.
Các hiệu trưởng các đơn vị trường học đa số chưa thực hiện tự chủ một cách đầy đủ mà chủ yếu dựa vào các văn bản từ Phòng giáo dục.
Góp ý về dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục, tôi đề nghị giao đầy đủ quyền và chịu trách nhiệm về tự chủ tài chính, biên chế cho hiệu trưởng các trường, kể cả bổ nhiệm phó hiệu trưởng theo Nghị định 43 của Chính phủ.
Chỉ có giao đầy đủ quyền hạn cho hiệu trưởng (thủ trưởng cơ quan, đơn vị) mới tăng quyền hạn và sự chịu trách nhiệm của hiệu trưởng trước pháp luật, trước giáo viên, học sinh và nhân dân (trong đó có cha, mẹ học sinh).
Hiệu trưởng cũng phải đau đầu đối phó và phục tùng cấp trên. (Ảnh minh họa của NOP17) |
Việc Phòng giáo dục can thiệp quá nhiều vào các công việc của trường gây cản trở sự phát triển của trường, ảnh hưởng đến vấn đề tự chủ.
Có nhiều vấn đề mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy học, sửa chữa trường lớp, hay mua sắm văn phòng phẩm, hay các quyết định nâng lương, quyết định hưởng phụ cấp giáo viên,… hiệu trưởng là chủ tài khoản đã đủ quyền thực hiện.
Tuy nhiên, Phòng giáo dục vẫn can thiệp, gây khó dễ cho trường, bắt phải mua “chỗ này, chỗ khác” mới duyệt, gây khó khăn, phiền hà cho hiệu trưởng.
Sau khi giao quyền tự chủ cho các đơn vị trường học nếu chưa bỏ được Phòng giáo dục trên cả nước, tôi đề nghị có thể thí điểm bỏ ở vài nơi.
Các Phòng giáo dục khác tinh giảm chỉ còn từ 2 – 3 người chuyển vào làm việc trong Uỷ ban nhân dân cấp huyện, giao đất cho Uỷ ban nhân dân tỉnh hoặc huyện quản lý, sử dụng vào mục đích khác sao cho có hiệu quả hơn.
Phải tăng lương hiệu trưởng
Khi thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm thì ngoài việc tăng thêm quyền hạn cho hiệu trưởng bên cạnh đó còn gắn với trách nhiệm nặng rất nặng nề.
Hiệu trưởng phải là người rất giỏi, phải luôn luôn phấn đấu học hỏi không ngừng, phải hạn chế đến mức thấp nhất các sai phạm.
Giải tán Phòng Giáo dục, trao quyền cho Hiệu trưởng bổ nhiệm Hiệu phó |
Vì nếu sai phạm nhất là sai phạm về tài chính, chuyên môn nếu không khắc phục kịp thời thì có thể khởi tố, bắt giam là chuyện đương nhiên.
Vì hiệu trưởng phải rất giỏi và trách nhiệm rất lớn không chỉ cho sự phát triển tại trường học mà còn quản lý nhân sự, tài chính nên tôi đề nghị phải tăng lương cho hiệu trưởng.
Theo tôi biết ở một số nước có nền giáo dục tiên tiến như Đức, Canada,..thì lương hiệu trưởng rất cao, cao hơn giáo viên nhiều lần.
Chúng ta có thể thí điểm tự chủ, tự chịu trách nhiệm, giao cho hiệu trưởng toàn quyền về mọi hoạt động của trường.
Mức lương của hiệu trưởng tôi nghĩ ban đầu có thể cao gấp đôi giáo viên, sau đó nếu trường hoạt động tốt, tiết kiệm ngân sách tốt, tạo môi trường làm việc tốt, giáo dục phát triển,… có thể cho tăng thêm hoặc thưởng thêm cho hiệu trưởng để kích thích tinh thần làm việc.
Tại sao có nơi hiệu trưởng như là những “ông trời con”
Thực tế có nhiều nơi hiệu trưởng còn lạm quyền, quan liêu, hách dịch, coi thường giáo viên, không lo cho sự phát triển của trường mà chủ yếu nịnh nọt cấp trên, tạo bè cánh,…
Hiệu trưởng đi lên không phải bằng năng lực thật sự, sự tín nhiệm của giáo viên, phụ huynh mà chủ yếu đi bằng “cửa phụ” do quen biết, chạy chọt, nịnh nọt,..
Bên cạnh đó, chế độ bổ nhiệm, sử dụng hiệu trưởng hiện nay còn nhiều bất cập.
Hiệu trưởng, hiệu phó nào khi có quyết định bổ nhiệm thì hầu như làm hiệu trưởng đến về hưu mà không biết có làm được việc hay không? Giáo viên có tín nhiệm không?
Tiêu chuẩn bổ nhiệm hiệu trưởng khá rõ ràng nhưng một số Phòng giáo dục tham mưu cho Uỷ ban nhân dân huyện bổ nhiệm một số hiệu trưởng không căn cứ vào tài năng, đức độ mà dựa vào việc dễ “sai bảo”, “biết nghe lời”,…
Có tình trạng bổ nhiệm kiểu “quan hệ - tiền tệ - hậu duệ - đồ đệ”.
Trừ trường hợp đặc biệt trừ khi bị tố cáo do vi phạm nặng hầu hết đều giữ được ghế hiệu trưởng.
Thế nên có nhiều hiệu trưởng làm việc “tàng tàng” hết thời gian, thậm chí có hiệu trưởng lâu lâu mới đến trường một lần, mọi việc đều giao cho phó hiệu trưởng và các bộ phận, hiệu trưởng chỉ chờ nhận lệnh từ Phòng giáo dục rồi chuyển, không thì hiệu trưởng không làm gì cả.
Một số hiệu trưởng được bao che, bưng bít thông tin nên không sợ gì cả, sẵn sàng quát nạt, thóa mạ giáo viên, thậm chí kỷ luật giáo viên dám tố cáo mình.
Có trường hợp hiệu trưởng bị kỷ luật rồi được thuyên chuyển về Phòng giáo dục giữ nhiệm vụ quan trọng hơn, lạ trở thành quản lý hiệu trưởng hay trở thành hiệu trưởng của đơn vị khác.
Việc bao che cho sai phạm của hiệu trưởng, hay xử lý vi phạm của hiệu trưởng chưa nghiêm, nên các hiệu trưởng, phó hiệu trưởng coi trời băng vung, lấy tay che trời, lộng ngôn, lộng quyền,…
Giáo viên chỉ biết chịu đựng mà không dám mở lời, sợ bị trù dập, vạ lây.
Tôi chưa thấy có hiệu trưởng nào tự nhận thấy không làm được việc hay không được sự tín nhiệm của giáo viên mà nghỉ việc hay từ chức.
Vậy giải pháp ra sao?
Việc thực hiện tự chủ tại đơn vị chắc chắn làm tăng quyền lực của hiệu trưởng, vì thế, chúng ta phải có cơ chế giám sát một cách hiệu quả nhất.
Giám sát không thể chỉ dựa vào các báo cáo của hiệu trưởng mà phải dựa vào sự tín nhiệm của giáo viên.
Tôi đề nghị tăng quyền giám sát có hiệu quả bằng cách lấy phiếu tín nhiệm hàng năm đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng.
Không ai biết rõ hơn giáo viên về mức độ làm việc tốt hay chưa tốt của hiệu trưởng bằng giáo viên, nên để giáo viên đánh giá hiệu trưởng hàng năm bằng phiếu tín nhiệm kín.
Việc lấy phiếu tín nhiệm, nên giao cho chủ tịch công đoàn kết hợp trưởng ban thanh tra nhân dân thực hiện phiếu kín đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng hàng năm và công khai cuối năm học.
Phiếu kín chỉ để 2 hình thức tín nhiệm và không tín nhiệm.
Tôi đề nghị phân loại như sau loại A tín nhiệm từ 65% trở lên, loại B tín nhiệm từ 50 – 64%, loại C tín nhiệm từ 25 – 49%, loại D tín nhiệm dưới 25%.
Nhiệm kỳ của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng là 5 năm, như vậy mỗi hiệu trưởng trong một nhiệm kỳ sẽ được lấy phiếu tín nhiệm kín 5 lần.
Kết quả phiếu tín nhiệm là thước đo đánh giá sự hài lòng của giáo viên, cũng như ghi nhận sự nỗ lực phấn đấu của hiệu trưởng, cũng như là lời cảnh tỉnh cho các hiệu trưởng chưa làm tốt việc.
Xử lý kết quả phiếu tín nhiệm, đối với phó hiệu trưởng nếu có hơn 2 – 3 lần xếp loại D (trong đó có lần cuối nhiệm kỳ) hoặc cả 5 lần lấy phiếu tín nhiệm loại C trở xuống thì chủ tịch công đoàn làm văn bản đề nghị hiệu trưởng đề xuất, lấy phiếu tín nhiệm và quyết định bổ nhiệm phó hiệu trưởng khác (khi đã giao tự chủ về biên chế giao quyền quyết định bổ nhiệm phó hiệu trưởng cho hiệu trưởng).
Nếu hiệu trưởng mà kết quả tín nhiệm giống như phó hiệu trưởng tức là 2 – 3 lần xếp loại D (trong đó có lần cuối nhiệm kỳ) hoặc cả 5 lần lấy phiếu tín nhiệm loại C trở xuống thì Chủ tịch công đoàn làm văn bản đề nghị Phòng nội vụ trình Uỷ ban nhân dân huyện đề nghị thay đổi hiệu trưởng.
Nếu kết quả tín nhiệm có nhiều loại C, B thì có thể vận động hiệu trưởng, phó hiệu trưởng xin nghỉ hoặc từ chức.
Hoặc có thể cho rút kinh nghiệm ở nhiệm kỳ tiếp theo nếu khắc phục được các hạn chế.
Làm tốt những việc trên không chỉ tăng quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập theo nghị định 43 của Chính phủ mà còn tăng tính tự chủ cho các hiệu trưởng và đảm bảo sẽ không còn sự lộng quyền hay o ép, bắt nạt giáo viên và sẽ chấm dứt tình trạng hiệu trưởng là các “ông trời con”.